Các loại thuốc kháng sinh điều trị áp xe răng phổ biến
Nha sĩ thường khuyên dùng các loại thuốc kháng sinh điều trị áp xe răng trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc đã lây lan. Tuy nhiên, không phải tất các trường hợp áp xe răng đều cần sử dụng kháng sinh. Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định các thủ thuật nha khoa chuyên dụng khác.
Áp xe răng là gì?
Áp xe răng hoặc nhiễm trùng răng thường xảy ra do sâu răng và vệ sinh răng miệng kém. Tuy nhiên, tình trạng cũng có thể liên quan đến chấn thương hoặc các bệnh lý nha khoa khác.
Khi bị nhiễm trùng sẽ tạo nên một túi mủ hình thành trong miệng. Nhiễm trùng này gây sưng, đau và khiến khu vực bị ảnh hưởng trở nên nhạy cảm. Nếu không có biện pháp điều trị kịp lúc, nhiễm trùng có thể lây lan sang họng, tai, thậm chí là não.
Sâu răng và nứt răng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng áp xe răng. Theo thống kê, trong độ độ tuổi từ 20 – 64, có khoảng 91% trường hợp sâu răng. Trong đó có khoảng 27% trường hợp sâu răng không được điều trị phù hợp. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng răng cũng như các biến chứng nha khoa khác.
Người có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc áp xe răng nên đến gặp nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, nha sĩ có thể đề nghị kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng. Tuy nhiên, đôi khi nha sĩ có thể đề nghị kiểm tra và điều trị theo phác đồ phù hợp.
Khi nào cần sử dụng thuốc kháng sinh điều trị áp xe răng?
Không phải tất cả các trường hợp áp xe răng đều cần sử dụng kháng sinh. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể dẫn lưu áp xe, điều trị tủy răng hoặc loại bỏ răng bị ảnh hưởng.
Các loại thuốc kháng sinh điều trị áp xe răng thường không được chỉ định, trừ khi thật sự cần thiết.
Thuốc kháng sinh thường được sử dụng khi:
- Nhiễm trùng nghiêm trọng
- Nhiễm trùng đã lây lan sang các bộ phận khác như họng hoặc tai
- Người bệnh có hệ thống miễn dịch suy yếu
Tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của áp xe mà nha sĩ có thể kê các loại kháng sinh khác nhau.
Các loại thuốc kháng sinh điều trị áp xe răng phổ biến
Thuốc kháng sinh có thể loại bỏ nhiễm trùng nhưng điều quan trọng là sử dụng kháng sinh thích hợp trong từng tình huống. Các loại kháng sinh sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Có hơn 150 chủng vi khuẩn khác nhau trong miệng, trong đó nhiều chủng vi khuẩn có khả năng phát triển mạnh và gây nhiễm trùng. Việc điều trị phụ thuộc vào loại nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nha sĩ sẽ kê một loại kháng sinh có tác dụng với hầu hết các loại vi khuẩn.
Các loại thuốc kháng sinh điều trị áp xe răng phổ biến thường bao gồm:
1. Nhóm Penicillin
Thuốc kháng sinh thuộc nhóm Penicillin (như Penicillin và Amoxicillin) là dạng kháng sinh phổ biến nhất được dùng để điều trị áp xe răng. Một số nha sĩ cũng có xu hướng khuyên dùng Amoxicillin kết hợp với Axit Clavulanic, vì sự kết hợp này có thể loại bỏ các loại vi khuẩn cứng đầu hơn.
Liều dùng khuyến cáo:
- Amoxicillin: 500 miligam sau mỗi 8 giờ hoặc 1.000 mg mỗi 12 giờ.
- Amoxicillin kết hợp Axit Clavulanic: 500 – 2.000 miligam sau mỗi 8 giờ hoặc 2.000 miligam sau mỗi 12 giờ.
Tuy nhiên, một số loại vi khuẩn có thể kháng kháng sinh thuốc nhóm Penicillin, điều này khiến việc điều trị kém hiệu quả. Ngoài ra, Penicillin cũng là nhóm kháng sinh dễ gây dị ứng. Vì vậy, nếu dị ứng với thuốc hoặc có tiền sử bệnh dị ứng, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ trước khi áp dụng điều trị.
2. Clindamycin
Clindamycin có hiệu quả chống lại một loạt các loại vi khuẩn truyền nhiễm. Một số nghiên cứu khuyên dùng Clindamycin như một loại thuốc kháng sinh điều trị áp xe răng trong trường hợp vi khuẩn kháng thuốc nhóm Penicillin hoặc khi người bệnh dị ứng với Penicillin.
Clindamycin thường được sử dụng 300 – 600 mg sau mỗi 8 giờ. Ngoài ra, liều lượng có thể thay đổi phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng và khả năng hồi phục của người bệnh.
3. Azithromycin
Azithromycin là thuốc kháng sinh hoạt động chống lại nhiều loại vi khuẩn và ngăn chặn sự phát triển của chúng. Thuốc có thể mang lại quả trong một số trường hợp áp xe quanh chân răng có ổ hoặc không ổ.
Thuốc kháng sinh Azithromycin thường được chỉ định cho người bệnh dị ứng với thuốc thuộc nhóm Penicillin hoặc không đáp ứng các loại thuốc khác như Clindamycin.
Liều dùng Azithromycin khuyến cáo điển hình là 500 mg sau mỗi 24 giờ và trong 3 ngày liên tiếp.
4. Metronidazole
Metronidazole là một thuốc kháng sinh điều trị áp xe răng không phổ biến. Loại thuốc này thường không được ưu tiên và có thể không phù hợp với tất cả mọi người.
Liều dùng phổ biến của Metronidazole là khoảng 500 – 700 mg sau mỗi 8 giờ.
Tác dụng phụ khi sử dụng kháng sinh điều trị áp xe răng
Mặc dù thuốc kháng sinh có thể loại bỏ nhiễm trùng nhưng các loại thuốc điều trị áp xe răng này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ phổ biến bao gồm:
- Tiêu chảy
- Buồn nôn hoặc nôn
- Mất cảm giác ngon miệng
Nếu người bệnh cảm thấy buồn nôn khi sử dụng Clindamycin, có thể thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện các triệu chứng. Tránh các loại thức ăn cay hoặc các loại thực phẩm kích ứng dạ dày khác.
Nếu người bệnh tiêu chảy thường xuyên, hãy liên hệ với bác sĩ. Trong một số trường hợp tiêu chảy có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa và dẫn đến tình trạng nhiễm trùng khác.
Biện pháp hỗ trợ cải thiện áp xe răng tại nhà
Thuốc kháng sinh có thể loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nha sĩ có thể đề nghị các thủ thuật điều trị chuyên sâu hơn.
Các biến pháp điều trị áp xe răng khác bao gồm:
- Dẫn lưu áp xe
- Trám răng
- Điều trị tủy răng
- Nhổ răng
Ngoài ra, một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng. Các loại thuốc phổ biến bao gồm Acetaminophen hoặc Ibuprofen.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng tại nhà như:
- Súc miệng bằng nước muối ấm
- Súc miệng với nước có pha baking soda
- Tránh các loại thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh, đặc biệt là đối với người có răng nhạy cảm
- Nhai ở khu vực không bị ảnh hưởng để tránh khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng
- Đánh răng với bàn chải mềm
- Tránh sử dụng các loại thức ăn khó nhai và dễ gây kẹt trong răng
Áp dụng cách thực hành vệ sinh răng miệng tốt, chẳng hạn như đánh răng 2 lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa và gặp nha sĩ để kiểm tra thường xuyên, có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng răng và các biến chứng liên quan khác.
Biện pháp phòng ngừa áp xe răng
Tránh sâu răng và nứt răng là điều quan trọng nhất để ngăn ngừa áp xe răng. Các biện pháp phòng ngừa phổ biến bao gồm:
- Đánh răng ít nhất hai lần một ngày bằng kem đánh răng có Fluoride.
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng hàng ngày.
- Thay bàn chải đánh răng sau 3 – 4 tháng hoặc bất cứ khi nào lông bàn chải sờn.
- Ăn các loại thực phẩm lành mạnh, hạn chế thức ăn có đường và thức ăn vặt.
- Thường xuyên đến gặp nha sĩ để kiểm tra nha khoa.
- Cân nhắc sử dụng các loại nước súc miệng sát khuẩn để bảo vệ và chống sâu răng.
Các loại thuốc kháng sinh điều trị áp xe răng có thể loại bỏ nhiễm trùng. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của phương pháp điều trị. Hầu hết các trường hợp, nha sĩ có thể dẫn lưu mủ hoặc thực hiện các biện pháp nha khoa chuyên môn khác. Điều trị kịp thời là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây lan và các biến chứng khác. Trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Ngày Cập nhật 24/03/2023