Vi khuẩn gây sâu răng là gì? Phòng ngừa như thế nào?
Streptococcus mutans là vi khuẩn chính gây ra bệnh sâu răng. Ngoài ra bệnh lý này cũng có thể khởi phát do khuẩn Lactobacillus và Actinomyces. Tuy nhiên các vi khuẩn này chỉ bùng phát mạnh và gây hư hại răng khi có các yếu tố thuận lợi như vệ sinh răng miệng kém, thói quen ăn uống không khoa học hoặc do ảnh hưởng của một số bệnh lý khác.
Các vi khuẩn thường gặp gây bệnh sâu răng
Sâu răng là tình trạng răng bị mất mô cứng do quá trình hủy khoáng được gây ra bởi hại khuẩn có trong khoang miệng. Thông thường các hại khuẩn này chỉ tồn tại với số lượng hạn chế. Chính vì vậy, độc tố và axit do các vi khuẩn này bài tiết đều bị trung hòa bởi nước bọt.
Tuy nhiên thói quen vệ sinh răng miệng kém, thiếu hụt fluoride, mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, sử dụng thuốc làm giảm bài tiết nước ngọt, chế độ ăn uống không phù hợp,… có thể gây hình thành mảng bám, tạo vôi răng và tăng số lượng hại khuẩn.
Vi khuẩn có hại tăng lên kích thích quá trình hủy khoáng, làm mất mô cứng và gây ra bệnh sâu răng. Dưới đây là một số vi khuẩn gây sâu răng thường gặp, bao gồm:
1. Streptococcus mutans
Streptococcus mutans được xem là tác nhân chính gây ra bệnh sâu răng. Vi khuẩn này tồn tại trong khoang miệng và phát triển mạnh khi dung nạp thực phẩm chứa nhiều carbohydrate.
Khi dung nạp các loại thực phẩm này, carbohydrate có xu hướng tạo thành mảng bám ở mặt và kẽ răng. Vi khuẩn xâm nhập vào mảng bám gây lên men carbohydrate, bài tiết axit và khiến nồng độ pH trong khoang miệng giảm xuống <5.
Thông thường khi hại khuẩn bài tiết axit, nước bọt sẽ trung hòa lượng axit này nhằm cân bằng độ pH và bảo vệ sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên hoạt động bài tiết axit của hại khuẩn có thể gia tăng bất thường do thức ăn và vệ sinh kém, dẫn đến tình trạng hủy khoáng và làm khởi phát bệnh sâu răng.
2. Actinomyces
Actinomyces là vi khuẩn kỵ khí, sinh sống trong đại tràng, răng và nướu. Tuy nhiên nếu mắc bệnh nha chu, vệ sinh răng miệng kém, răng vỡ do chấn thương,… vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập và gây ra bệnh sâu răng. Tuy nhiên rất ít trường hợp mắc bệnh sâu răng do vi khuẩn Actinomyces.
3. Lactobacillus
Lactobacillus là vi khuẩn sống hoại sinh trong sữa và thực vật. Ngoài ra vi khuẩn này cũng tồn tại trong khoang miệng với tỷ lệ khoảng 1%. Tuy nhiên số lượng vi khuẩn Lactobacillus có thể tăng lên do thói quen vệ sinh kém và chế độ ăn uống thiếu khoa học. Tương tự Streptococcus mutans, vi khuẩn này có thể lên men carbohydrate trong mảng bám, tạo thành axit và tăng nguy cơ sâu răng.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học không chấp nhận giả thuyết Lactobacillus là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh sâu răng. Bởi khi tiến hành phân tích mảng bám, nhận thấy vi khuẩn này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (1:10 000). Chính vì số lượng không thấp nên hàm lượng axit được Lactobacillus bài tiết thường rất hạn chế và hầu như không đáng kể so với các hại khuẩn khác.
Ngoài yếu tố vi khuẩn, bệnh sâu răng còn có thể tiến triển do ảnh hưởng của một số loại vi nấm trong khoang miệng như nấm men Candida albicans.
Phòng ngừa bệnh sâu răng bằng cách nào?
Sâu răng là bệnh nha khoa phổ biến, có thể khiến răng hư hại, tăng nguy cơ nhiễm trùng nha chu, áp xe chân răng và mất răng vĩnh viễn. Tuy nhiên bệnh lý này có thể phòng ngừa hoàn toàn với những biện pháp sau:
1. Chăm sóc răng miệng đúng cách
Mảng bám sinh học là yếu tố làm tăng số lượng hại khuẩn trong khoang miệng và tạo điều kiện cho bệnh sâu răng phát triển. Chính vì vậy biện pháp quan trọng nhất đối với phòng ngừa sâu răng là vệ sinh răng miệng đúng cách.
Hướng dẫn cách chải răng đúng cách:
- Trước khi đánh răng, nên súc miệng với nước lạnh trong khoảng 20 – 30 giây để loại bỏ bớt thức ăn thừa.
- Sau đó, làm ướt bàn chải với nước và lấy một lượng kem đánh răng vừa đủ.
- Đặt bàn chải nghiêng 45 độ so với phiền nướu và cầm ngang.
- Thao tác chải răng theo chiều dọc để làm sạch mảng bám ở mặt và kẽ răng. Khi chải, cần chú ý làm sạch cả mặt trong và mặt ngoài.
- Sau khi chải mặt ngoài và mặt trong, đưa bàn chải tiếp xúc với mặt răng bên trong (răng số 4 – 8) và chải nhẹ nhàng trong khoảng 5 – 7 lần.
- Lặp lại động tác cho đến khi toàn bộ răng được làm sạch hoàn toàn.
- Cuối cùng súc miệng lại với nước sạch.
- Thời gian chải răng kéo dài khoảng 2 – 3 phút.
Bên cạnh việc chải răng đúng cách, bạn cần xây dựng chế độ chăm sóc răng miệng khoa học với những biện pháp sau:
- Chải răng ít nhất 2 lần/ ngày (trước khi ngủ và sau khi ăn).
- Có thể dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng chứa fluoride để làm sạch mảng bám, vi khuẩn và làm giảm nguy cơ mắc phải các bệnh lý nha khoa.
- Nhai kẹo gum không đường ngay sau khi ăn có thể hỗ trợ làm sạch thức ăn thừa, giảm hình thành mảng bám và ngăn ngừa hại khuẩn bùng phát.
- Thay bàn chải đánh răng sau 2 – 3 tháng sử dụng.
2. Thiết lập thói quen ăn uống khoa học
Ngoài cách vệ sinh răng miệng, thói quen ăn uống cũng ảnh hưởng không nhỏ quá trình hình thành bệnh sâu răng và các vấn đề nha khoa khác.
Vì vậy để phòng ngừa sâu răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng, bạn nên thiết lập thói quen ăn uống khoa học như sau:
- Cắt giảm số lượng thực phẩm và thức uống chứa axit, đường và tinh bột. Các thành phần dinh dưỡng này có thể hình thành mảng bám ở mặt răng, kẽ răng và tăng số lượng hại khuẩn có trong khoang miệng.
- Uống nhiều nước nhằm duy trì lượng nước bọt nhất định khoang miệng. Giảm bài tiết nước bọt có thể khiến vi khuẩn bùng phát mạnh, tiết nhiều axit, độc tố và kích thích quá trình hủy khoáng.
- Bổ sung các thực phẩm có lợi cho răng miệng như thực phẩm chứa nhiều canxi, trái cây, rau xanh, sữa chua, thực phẩm giàu vitamin C và D.
- Tránh dùng rượu, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị và trà đặc.
- Khi ăn uống, nên ăn chậm nhai kỹ để tránh gây áp lực lên răng. Hạn chế ăn thực phẩm khô cứng và dùng đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh.
3. Thay đổi thói quen xấu
Bên cạnh đó để phòng ngừa bệnh sâu răng, bạn nên thay đổi một số thói quen xấu như:
- Tuyệt đối không dùng răng để cắn, xé hoặc cạy vật dụng. Các hoạt động này có thể làm hư hại men răng và tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào ngà răng, gây hư tổn mô răng và tăng nguy cơ viêm nhiễm tủy.
- Nếu thường xuyên nghiến răng khi ngủ, bạn nên giải tỏa căng thẳng hoặc tìm gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị. Thói quen này có thể khiến răng suy yếu, làm hư hại men răng và tăng nguy cơ sâu răng.
- Cần tránh hút thuốc lá. Khói thuốc chứa nhiều chất độc hại, có thể khiến men răng hư hại, ố vàng và kích thích hại khuẩn trong khoang miệng bùng phát mạnh.
4. Tích cực điều trị bệnh lý nguyên nhân
Ngoài yếu tố vệ sinh, ăn uống và thói quen xấu, sâu răng còn có thể là hệ quả do ảnh hưởng của một số bệnh lý trong cơ thể. Vì vậy để phòng ngừa bệnh sâu răng, bạn nên tích cực điều trị các bệnh lý sau:
- Trào ngược dạ dày thực quản: Bệnh lý này thường gây ra tình trạng trào ngược dịch vị lên thực quản và khoang miệng. Dịch vị dạ dày có tính axit, có thể làm thay đổi độ pH và kích thích hại khuẩn phát triển, gây bệnh sâu răng.
- Thiếu hụt Fluoride: Fluoride là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của răng. Thiếu hụt khoáng chất này có thể khiến răng hư yếu, dễ tổn thương và có nguy cơ sâu răng cao. Để điều trị tình trạng này, bạn có thể bổ sung nước chứa fluoride hoặc sử dụng kem đánh răng chứa khoáng chất này.
- Các vấn đề nha khoa khác: Sâu răng có thể là hệ quả do bệnh viêm nha chu, viêm nướu, viêm tủy răng và áp xe răng không được điều trị triệt để. Vì vậy để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên tiến hành điều trị các vấn đề nha khoa trên trong thời gian sớm nhất.
5. Cạo vôi răng và thăm khám nha khoa thường xuyên
Mảng bám sinh học có xu hướng khoáng hóa trở thành vôi răng. Khác với mảng bám, vôi răng bám chặt vào chân răng và có kết cấu cứng nên không thể loại bỏ thông qua việc chải răng thông thường. Vôi răng hình thành tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, kích thích quá trình hủy khoáng, làm mất mô cứng và gây bùng phát bệnh sâu răng. Chính vì vậy bạn nên cạo vôi răng từ 1 – 2 lần/ năm.
Bên cạnh đó cần thăm khám nha khoa định kỳ để bác sĩ kiểm tra sức khỏe răng miệng và kịp thời điều trị khi có vấn đề bất thường.
Vi khuẩn gây sâu răng chỉ bùng phát mạnh và gây ra quá trình hủy khoáng khi có điều kiện thuận lợi. Chính vì vậy, bạn cần vệ sinh răng miệng đúng cách, kiểm soát bệnh lý nguyên nhân, thay đổi thói quen,… để phòng ngừa sâu răng và các vấn đề nha khoa khác.
Tham khảo thêm: Sâu răng gây hôi miệng và cách khắc phục triệt để
Ngày Cập nhật 11/01/2020