Nhiễm khuẩn hậu sản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nhiễm khuẩn hậu sản là một trong những bệnh lý nguy hiểm, tốc độ lây lan của vi khuẩn nhanh nên người bệnh cần được điều trị nhanh chóng, kịp thời. Tuy phổ biến và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng nhiều chị em vẫn chủ quan với bệnh. Vì vậy, những chia sẻ của Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thanh Hà – Nguyên trưởng khoa Phụ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn nhiễm khuẩn hậu sản là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao.
Nhiễm khuẩn hậu sản là gì? Nguyên nhân nhiễm khuẩn hậu sản
Bác sĩ Đỗ Thanh Hà cho biết, nhiễm khuẩn hậu sản là bệnh lý xảy ra ở sản phụ sau khi sinh hoặc mổ lấy thai, khi các cơ quan sinh dục bị vi khuẩn tấn công.
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hậu sản là do cơ sở, thiết bị y tế hỗ trợ quá trình sinh nở cho người mẹ không đảm bảo, chấn thương xảy ra trong suốt quá trình sinh hoặc mổ lấy thai, khống chế nhiễm khuẩn chưa đúng cách và cả những thay đổi về sinh lý trong thai kỳ. Điều này khiến một số sinh vật ở da như Streptococcus hoặc Staphylococcus và các vi khuẩn khác phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt và ấm áp, tấn công sức khỏe, đề kháng yếu ớt của phụ nữ sau sinh. Từ đó gây nên tình trạng nhiễm trùng hậu sản. người phụ nữ sau sinh , khi mà sức khỏe, sức đề kháng của họ đang rất yếu.
Một số dạng nhiễm khuẩn hậu sản được kể đến như: Nhiễm khuẩn tầng sinh môn hay âm hộ, âm đạo, viêm nội mạc tử cung, viêm cơ tử cung, viêm dây chằng và phần phụ, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm khuẩn huyết, choáng nhiễm khuẩn, viêm vú, nhiễm trùng vú, nhiễm trùng vết mổ, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Triệu chứng nhiễm khuẩn hậu sản và những đối tượng thường mắc phải
Triệu chứng nhiễm khuẩn hậu sản
Khi bị nhiễm trùng hậu sản, các bà mẹ thường gặp một số triệu chứng điển hình như:
- Người bệnh phát sốt nhẹ, đau và khó chịu vùng hạ vị hoặc sản dịch có mùi hôi (thường là dấu hiệu cảnh báo viêm nội mạc tử cung).
- Hai bên vú có biểu hiện đau tức, căng cứng, nóng và ửng đỏ kèm theo sốt nhẹ, ớn lạnh, đau mỏi cơ, người bải hoải, chóng mặt, đau đầu (triệu chứng của viêm tuyến vú).
- Vùng da xung quanh vết mổ, vết thương ửng đỏ, tiết dịch, đau, có thể kèm sưng nóng và nhạy cảm, vết mổ có dấu hiệu sắp bung, hở miệng (nhiễm trùng vết mổ).
- Bí tiểu, tiểu rắt, tiểu tiện có cảm giác đau âm đạo, buồn tiểu thường xuyên và khẩn trương nhưng tiểu ít hoặc không có nước tiểu, tiểu nhiều bọt có thể kèm máu (dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của nhiễm trùng đường tiểu).
Đối tượng nào có nguy cơ cao gặp phải vấn đề này
Bác sĩ Đỗ Thanh Hà cho hay, tỷ lệ nhiễm khuẩn hậu sản thay đổi theo phương pháp sinh em bé. Trường hợp sản phụ sinh thường sẽ ít có khả năng nhiễm khuẩn hậu sản nhất. Đối với phụ nữ sinh mổ, tỷ lệ nhiễm khuẩn hậu sản cao nhất (15-20%).
Sản phụ có nguy cơ mắc bệnh cao thường thuộc những nhóm sau:
- Người bị thiếu máu hoặc béo phì.
- Người mắc các bệnh viêm, nhiễm khuẩn âm đạo, nhiễm trùng lây qua đường tình dục.
- Thăm khám âm đạo quá nhiều dẫn đến tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công trong quá trình chuyển dạ.
- Sử dụng các biện pháp xâm nhập tử cung để theo dõi thai nhi.
- Chuyển dạ kéo dài hoặc xử lý chậm trễ khi vỡ ối và sinh.
- Sản phụ có vi khuẩn liên cầu B trú ở âm đạo.
- Sản phụ còn sót nhau thai trong tử cung sau khi sinh.
- Sản phụ bị băng huyết sau sinh.
Cách điều trị nhiễm khuẩn hậu sản hiệu quả
Theo bác sĩ Đỗ Thanh Hà, Tây y là cách điều trị chính, chủ chốt với trường hợp nhiễm khuẩn hậu sản, để giải quyết vấn đề này một cách tốt nhất, bác sĩ chuyên khoa sẽ lấy mẫu nước tiểu, mẫu máu và dịch tiết âm đạo của người bệnh, đưa đi làm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra vi khuẩn và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Nguyên tắc trong việc điều trị nhiễm khuẩn hậu sản là sử dụng kháng sinh. Vì vậy, nếu bạn là một bà mẹ đang cho con bú, hãy trao đổi với bác sĩ về vấn đề này trước khi lên kế hoạch điều trị, để bác sĩ có sự điều chỉnh toa thuốc phù hợp.
Với những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể được chỉ định dùng kháng sinh tĩnh mạch và một số cách khác. Nếu sản phụ có vết thương bị nhiễm trùng, gây áp xe, chảy mủ thì sẽ phải thực hiện phẫu thuật để dẫn lưu, loại bỏ mủ, viêm và vi khuẩn.
Phụ nữ sau sinh nên phòng ngừa bệnh như thế nào
Người bệnh cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn sau sinh dưới đây:
- Đảm bảo sinh nở trong điều kiện vô khuẩn, môi trường sạch sẽ; thiết bị, dụng cụ y tế tiệt trùng và an toàn tuyệt đối.
- Xử trí tốt các tổn thương, vết thương sau khi sinh.
- Phát hiện sớm và có biện pháp điều trị tích cực, nhanh chóng các trường hợp nhiễm khuẩn sinh dục cả trước, trong và sau đẻ.
- Đề phòng nhiễm khuẩn ối và chuyển dạ kéo dài.
- Sau đẻ cần tránh bế sản dịch, vệ sinh, chăm sóc tầng sinh môn đúng cách, sạch sẽ (nên tham khảo ý kiến, lời khuyên của bác sĩ).
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn chín uống sôi, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ và ưu tiên cho thực phẩm hấp, luộc, rau củ quả nhiều chất xơ.
- Nghỉ ngơi khoa học, có giờ giấc, giữ tinh thần luôn thoải mái.
- Hạn chế quan hệ tình dục thời gian kiêng cữ và cần giữ vệ sinh vùng kín cẩn thận.
Hy vọng những thông tin trên đã cung cấp cho bạn đủ kiến thức về bệnh cũng như nguyên nhân, triệu chứng và cách thức điều trị hiệu quả. Khi có bất cứ dấu hiệu nào, chị em cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám để được hỗ trợ điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên chủ quan, tự điều trị tại nhà, tránh để nhiễm khuẩn nặng hơn và gây ra những biến chứng không đáng có.
Ngày Cập nhật 03/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!