Tắc tia sữa sau sinh: Triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
Một trong những nỗi ám ảnh kinh hoàng của các mẹ bỉm sau sinh là hiện tượng tắc tia sữa. Những người chưa trải qua thì luôn cảm thấy lo lắng. Những người đã làm mẹ, đã từng chịu đựng những đau đớn, bất tiện do tắc tia sữa thì luôn nơm nớp lo lắng cho lần sinh con tiếp theo. Vậy, tắc tia sữa là gì, nguyên nhân, triệu chứng, thuốc và cách điều trị hiệu quả ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tắc tia sữa là gì?
Tắc tia sữa là quá trình bế tắc, ứ đọng sữa trong bầu ngực, có thể gây mủ. Hiện tượng này thường xảy ra ở các mẹ sau sinh, trong thời kỳ cho con bú và đa phần là các mẹ mới sinh lần đầu vì các cơ chế tiết sữa chưa mới được hình thành. Lúc này, sữa mẹ bị giữ lại trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực, việc cho con bú, hút sữa gặp khó khăn và vô cùng đau đớn.
Tình trạng này thường khiến các mẹ mệt mỏi, gặp nhiều áp lực. Nếu không giải quyết nhanh chóng có thể gây áp xe vú, viêm tuyến vú và mất sữa hẳn. Không có sữa mẹ, các bé cũng sẽ không đủ điều kiện để phát triển toàn diện về thể chất, đề kháng kém và dễ ốm vặt.
Nguyên nhân, triệu chứng tắc tia sữa
Nguyên nhân tắc tia sữa
Nguyên nhân gây tắc tia sữa rất đa dạng. Tuy nhiên, đa phần các mẹ gặp phải tình trạng này do:
- Tuyến sữa mới được hình thành, cơ chế tiết sữa chưa hoạt động tốt nên sữa bị ứ đọng, không thể chảy ra ngoài
- Dư thừa sữa mẹ
- Ngực phải chịu áp lực, căng tức khi mẹ mặc áo lót quá chật, có gọng cản trở quá trình lưu thông sữa
- Cho con bú không đúng cách
- Mẹ chưa có kinh nghiệm, không cho bú cũng như hút sữa thường xuyên
- Căng thẳng, stress thường xuyên
Tắc tia sữa có thể do các mẹ cho con bú sai cách, do sữa còn thừa trong bầu vú hoặc do là lần đầu sinh con
Triệu chứng tắc tia sữa
Tắc tia sữa thường đi kèm một số triệu chứng điển hình như:
- Sữa không tiết ra được hoặc tiết ra rất ít kể cả khi chủ động vắt hoặc nặn sữa.
- Ngực căng cứng và to hơn so với bình thường, mức độ căng cứng càng lúc càng to dần, cảm giác đau nhức
- Nếu sờ vào bầu ngực cảm thấy có một số cục cứng ở khắp bầu. Có thể đã chuyển sang viêm tuyến vú và mẹ luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi. Ngực sưng nóng đỏ.
- Đôi khi tắc tia sữa gây viêm, tạo mủ ở bầu vú, khiến người mẹ bị sốt cao, đầu ti đau rát.
Với những triệu chứng trên, nếu các mẹ không được điều trị, xử lý tắc tia sữa kịp thời sẽ gây ra hiện tượng viêm tuyến vú, áp xe vú, tạo mủ và còn có thể tạo thành u xơ tuyến vú. Một số mẹ dễ bị trầm cảm do áp lực, mệt mỏi và phải chịu đau đớn thời gian dài.
Cách chữa trị tắc tia sữa hiệu quả
Các mẹ bỉm muốn chữa trị tắc sữa cần phải thay đổi từ thói quen đến việc áp dụng một số phương pháp điều trị phù hợp. Trước tiên, hãy khởi động cùng các thói quen để thích nghi dần với quá trình cải thiện tình trạng tắc sữa:
- Cho bé bú bên ngực bị đau trước: Bầu vú không quá đau, bạn nên cho con bú ở ngực bị tắc tia sữa trước để bé bú mút bằng lực mạnh nhất, hút sữa mẹ ra, giúp khai thông các tia sữa bị tắc.
- Chườm ấm quanh bầu ngực để kích thích các tia sữa, giúp sữa vón cục, sữa đông chảy ra đều đặn hơn.
- Thay đổi tư thế cho con bú: có 4 tư thế cho con bú tốt nhất mà các mẹ bầu nên thử đó là tư thế hình nôi, tư thế nôi chéo (cho các bé khó ngủ), tư thế ấp trứng (dành cho các mẹ có bầu ngực lớn), tư thế nằm một bên.
- Xoa bóp: Các bác sĩ, chuyên gia khuyên bạn nên áp dụng một số động tác massage nhẹ nhàng vùng ngực đau thường xuyên và đều đặn. Xoa nhẹ từ bầu vú hướng dần vào trong núm vú. Bạn có thể áp dụng massage đồng thời với biện pháp chườm ấm trước khi cho con bú có thể giúp sữa chảy ra tốt hơn, hỗ trợ giảm đau và sưng.
- Chế độ dinh dưỡng: Uống nhiều nước, bổ sung nhiều chất xơ, trái cây, rau củ bổ máu và vitamin A, B, C, chất saponin, chất chống oxy hóa, các hợp chất như anethole, dianethole và photoanethole giúp lợi sữa, tăng đề kháng cho các mẹ.
- Nghỉ ngơi khoa học: Giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học rất cần thiết cho việc phục hồi cơ thể và cải thiện tâm trạng của người mẹ sau khi sinh. Việc trông con, chăm sóc con rất dễ khiến đồng hồ sinh học của mẹ bị thay đổi, áp lực, mệt mỏi sinh ra dễ cáu gắt, trầm cảm. Điều này ảnh hưởng đến việc sản sinh và làm mất cân bằng các hormone sinh dục, khiến tình trạng tắc sữa trở nên nghiêm trọng hơn.
- Sử dụng áo ngực thoải mái, không ôm hay bó sát để tránh gây căng, tức ngực.
Ngoài việc xây dựng cho mình những thói quen tốt, các mẹ cũng cần áp dụng một số phương pháp điều trị tắc sữa phù hợp. Do cơ thể mẹ bỉm sữa sau sinh còn yếu, lại đang trong thời kỳ cho con bú nên các mẹ cần hạn chế sử dụng các loại thuốc Tây có nhiều hóa chất, thay vào đó có thể dùng các bài thuốc dân gian như:
Dùng lá đinh lăng
Theo nhiều mẹo dân gian, lá đinh lăng rất thường được sử dụng trong các trường hợp tắc sữa. Sử dụng loại lá này, các mẹ có thể dùng để đắp hoặc đun nước uống. Cách làm như sau:
- Đắp lá đinh lăng: Chuẩn bị 100gr lá đinh lăng tươi, 50gr lá diếp cá, rửa sạch, để cho ráo nước rồi cho tất cả vào cối giã nát, đắp lên ngực. Đắp lá đinh lăng giúp bầu ngực trở nên dễ chịu, bớt căng tức, kết hợp với xoa bóp giúp sữa mau về hơn.
- Uống nước lá đinh lăng: Chuẩn bị 150gr lá đinh lăng tươi, rửa sạch, đun sôi với khoảng 250ml nước, đun trong 7 phút rồi chắt lấy nước uống. Tiếp tục làm như vậy ở lần đun thứ hai, thứ ba. Bạn không nên chỉ sử dụng nước đinh lăng mà cần uống cả nước lọc như thường ngày. Sau 2 đến 3 ngày, bạn sẽ nhận thấy hiệu quả mà nước lá đinh lăng mang lại.
- Canh thịt nấu với lá đinh lăng: Để thay đổi, bạn có thể sử dụng lá đinh lăng ngay cả trong khẩu phần ăn hàng ngày. Dùng 100gr lá đinh lăng nấu canh thịt lợn xay hoặc nấu cùng sườn, nêm gia vị cho vừa miệng. Sử dụng món canh này vừa giúp mẹ bỉm tăng sức đề kháng, thải độc tốt và đặc biệt là khiến cho tình trạng tắc tia sữa được cải thiện.
- Nấu cháo lá đinh lăng với chân giò: Chuẩn bị 150gr lá đinh lăng, 1 cái giò heo và khoảng 100gr gạo tẻ. Đun lá đinh lăng trong khoảng 15 phút, lọc lấy nước, dùng nước đó để nấu cháo.
- Lá đinh lăng luộc: Luộc lá đinh lăng ăn như một món rau, bổ sung trong khẩu phần ăn có tác dụng chữa tắc tia sữa hiệu quả.
Dùng bắp cải
Bắp cải rửa sạch, bỏ bớt cọng, ngâm với nước muối loãng khoảng 2 đến 3 phút rồi để ráo nước. Trần sơ với nước sôi, để cho bớt nóng rồi đắp lên bầu ngực bị đau. Đây là mẹo dân gian được các bà, các mẹ áp dụng rất phổ biến từ xưa đến nay.
Dùng xôi nếp và men rượu
Trộn 2 chén xôi nếp nóng với 2 viên men rượu, bọc lại bằng gạc mỏng và đắp lên ngực, kết hợp cùng với việc xoa bóp nhẹ nhàng, tập trung vào những chỗ vón cục sữa, tắc sữa.
Dùng lá mít
Dùng lá mít chữa tắc sữa dường như đã trở thành một mẹo quá quen thuộc không chỉ với các mẹ bỉm ở nông thôn mà còn cả ở những thành phố lớn.
Hái một nắm lá mít nửa non, nửa già, rửa sạch và để thật khô. Hơ lá mít trên lửa cho thật nóng rồi dùng lá đó đắp lên bầu ngực bị tắc sữa, day nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ từ trong hướng ra ngoài. Dùng trong khoảng 2 đến 3 ngày sẽ giúp thông tia sữa hiệu quả.
Dùng lá bồ công anh
Chuẩn bị khoảng 10gr bồ công anh khô, rửa sạch, đun sôi với khoảng 500ml nước, để nguội rồi uống.
Bạn cũng có thể sử dụng cả lá bồ công anh tươi. Theo Đông y, lá bồ công anh tươi có vị đắng ngọt, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm. Không những vậy, lá bồ công anh chứa nhiều khoáng chất vi lượng như sodium, canxi, magie và đặc biệt là sắt, không chỉ hỗ trợ cải thiện tình trạng tắc tia sữa mà còn giúp phục hồi sức khỏe, nâng cao đề kháng cho cơ thể, tốt cho hệ thần kinh, ổn định tinh thần.
Chia khoảng 50gr lá bồ công anh tươi cho mỗi lần sử dụng. Bạn rửa sạch lá bồ công anh, ngâm nước muối loãng, để ráo rồi cho vào máy xay nhuyễn cùng 250ml nước lọc, lọc lấy nước uống, dùng bã đắp lên bầu vú bị đau. Dùng nước lá này 2 lần một ngày, uống khoảng 3 ngày sẽ thấy sữa về.
Phương pháp vật lý trị liệu
Nếu sử dụng những bài thuốc dân gian mà không thấy hiệu quả, bạn có thể áp dụng một số phương pháp trị liệu như dùng sóng siêu âm đa tần số kết hợp với chiếu tia hồng ngoại hoặc sử dụng dòng điện xung. Những phương pháp này có tác dụng làm tan các cục cứng ở bầu vú, tan sữa bị đông, vón cục mà không làm tổn thương đến tuyến sữa, bầu ngực.
Nếu điều trị bằng Đông y, bạn có thể tham khảo thêm phương pháp châm cứu, tác động vào các huyệt đạo như: Chiên trung, Thiếu trạch, Nhũ căn, Hợp cốc, Túc tam lý, Tỳ du, Trung quản, Kỳ môn. Tùy vào nguyên nhân và cách điều trị mà các thầy thuốc Đông y sẽ kết hợp châm cứu cùng một số bài thuốc nhằm cải thiện tình trạng tắc sữa cho bệnh nhân. Bên cạnh châm cứu, thầy thuốc còn có thể dùng pháp Nhĩ châm vào các vị trí như: Tuyến vú, Tuyến nội tiết, Can.
Một số lưu ý khi thực hiện điều trị tắc tia sữa
Khi điều trị tắc tia sữa, các mẹ cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau để tránh gây phản tác dụng cũng như nhanh chóng đạt được hiệu quả:
- Vệ sinh núm vú sạch sẽ trước, trong và sau khi thực hiện các phương pháp để tránh nhiễm trùng.
- Sử dụng các phương pháp đắp lá, thuốc, cần đảm bảo nguyên liệu được sơ chế sạch sẽ.
- Dùng với liều lượng vừa đủ, không nên hấp tấp.
- Vừa sử dụng các phương pháp, bạn vừa phải cảm nhận cơ thể của mình. Nếu có bất cứ dấu hiệu dị ứng, khó chịu hay nhiễm trùng, bạn cần dừng lại để theo dõi tình hình và có biện pháp thay thế.
- Tuyệt đối không cố nặn, bóp hay nhờ người thân bú, mút để kích thích sữa ra vì như vậy rất dễ nhiễm trùng.
- Nếu tình trạng trở nên xấu hơn, xuất hiện mủ, chảy máu có lẫn trong sữa thì rất có thể bạn đã bị áp xe vú, nhiễm trùng tuyến vú, thậm chí có nguy cơ hoại tử và cần đến các cơ sở y tế để được kê thuốc kháng sinh điều trị.
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc gì bởi nó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Những thông tin trên đã cung cấp cho người đọc tất cả về tắc tia sữa, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị phù hợp, hiệu quả. Dù bạn chưa từng mang thai, sinh con hay đã sinh con và đang có ý định tiếp tục sinh nở, hãy tìm hiểu kỹ những thông tin cần thiết để đảm bảo có đủ kiến thức, sẵn sàng cho những vấn đề có thể xảy ra sau khi sinh như tắc tia sữa. Tuy đây là một vấn đề khá phổ biến và có thể điều trị tại nhà nhưng chị em cũng nên cẩn thận, tránh áp dụng sai cách để gây ra những biến chứng nặng nề.
Ngày Cập nhật 29/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!