- Tên
- Loại thuốc Biệt dược
- Xuất xứ Pháp
- Loại thuốc Biệt dược
- Hoạt chất Biệt dược
Thuốc Tacrolimus Và Công Dụng Điều Trị Viêm Da Cơ Địa
Thuốc Tacrolimus được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm da cơ địa và một số bệnh da liễu có cơ chế miễn dịch như vảy nến, viêm da dị ứng, viêm da tiết bã nhờn,… Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và ác tính hóa tế bào da. Vì vậy thuốc chỉ được cân nhắc sử dụng cho các trường hợp cần thiết.
Tacrolimus là thuốc gì?
Tacrolimus (Fujimycin) là thuốc ức chế miễn dịch được chiết xuất từ Streptomyces tsukubaensis. Hiện nay, thuốc được sử dụng trong cấy ghép nội tạng nhằm giảm nguy cơ thải ghép, viêm loét đại tràng, viêm thận lupus và các bệnh da liễu.
Loại thuốc này hoạt động bằng cách ức chế quá trình sản xuất interleukin-2 – thành phần có vai trò tăng sinh và thúc đẩy sự phát triển của tế bào lympho T (một phân lớp của bạch cầu có vai trò miễn dịch). Với cơ chế này, Tacrolimus được ứng dụng trong điều trị các bệnh da liễu có vai trò của tế bào lympho T như viêm da cơ địa, bệnh vảy nến, eczema thể đồng tiền, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc,…
Công dụng điều trị viêm da cơ địa của thuốc Tacrolimus
Viêm da cơ địa là bệnh da liễu mãn tính, dai dẳng và dễ tái phát. Cơ chế khởi phát bệnh bắt nguồn từ thể địa dị ứng, vai trò hoạt hóa của tế bào lympho T, các chất trung gian hóa học (histamine, cytokines,…) và sự thiếu hụt Filaggrin trong cấu trúc da.
Với hoạt động ức chế tế bào lympho T, thuốc Tacrolimus có tác dụng giảm tổn thương da và các triệu chứng cơ năng do viêm da cơ địa gây ra.
Hiện nay, Tacrolimus được sử dụng thay thế hoặc dùng xen kẽ với thuốc bôi corticoid trong điều trị viêm da cơ địa để hạn chế các tác dụng phụ do corticoid gây ra như teo da, rạn da, dày sừng nang lông, mụn trứng cá,…
Chống chỉ định thuốc Tacrolimus
Thuốc Tacrolimus chống chỉ định cho các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với Tacrolimus và các thành phần trong thuốc
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Trẻ dưới 2 tuổi
- Nhiễm trùng da
- Nghi ngờ hoặc đã xác định tổn thương da ác tính
Để giảm rủi ro, bạn nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng bệnh lý để được cân nhắc về việc sử dụng thuốc.
Cách sử dụng & Liều dùng
Thuốc Tacrolimus dùng trong điều trị các bệnh ngoài da được bào chế ở dạng thuốc bôi (thuốc mỡ hoặc dạng kem). Bác sĩ thường chỉ định thuốc Tacrolimus có nồng độ 0.03% cho trẻ nhỏ và nồng độ 0.1% cho người lớn.
Liều dùng tham khảo:
- Thoa 2 lần/ ngày
- Dùng theo thời gian được bác sĩ chỉ định
Mặc dù không gây mỏng da như corticoid nhưng thuốc Tacrolimus không được khuyến khích dùng trong thời gian dài. Lạm dụng thuốc có thể làm tăng nguy cơ ác tính hoặc tiền ác tính (ung thư da).
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Tacrolimus
Thuốc Tacrolimus có hoạt tính mạnh và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Để hạn chế tác dụng phụ khi dùng thuốc, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Trong thời gian sử dụng thuốc, nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tránh áp dụng liệu pháp ánh sáng. Tia UV có thể kích thích vùng da sử dụng thuốc, gây bỏng rát và kích ứng.
- Tuyệt đối không thoa thuốc Tacrolimus lên vùng da có vết thương. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ loạn sản tế bào hoặc thậm chí gây ung thư da.
- Khi thoa thuốc, nên tránh để thuốc tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm như mắt, miệng và niêm mạc. Bên cạnh đó, cần rửa sạch tay với xà phòng sau khi dùng thuốc.
- Thuốc Tacrolimus chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng thuốc khi hàng rào da bị tổn thương hoàn toàn.
- Sử dụng Tacrolimus dài hạn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và hình thành khối u ác tính. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng thuốc theo liều lượng, tần suất và thời gian được bác sĩ chỉ định.
- Đối với các bệnh ngoài da, tuyệt đối không dùng thuốc Tacrolimus đường uống.
- Không sử dụng thuốc bôi Tacrolimus khi da xuất hiện nhiễm trùng và không băng kín vùng da sử dụng thuốc.
- Chưa có nghiên cứu cụ thể về hiệu quả và rủi ro khi sử dụng thuốc bôi Tacrolimus cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
- Ngưng sử dụng thuốc nếu không nhận thấy hiệu quả sau 6 tuần sử dụng.
- Không nên thoa kem dưỡng ẩm và các chế phẩm dạng bôi khác trong ít nhất 2 giờ sau khi sử dụng thuốc Tacrolimus.
Tác dụng phụ của thuốc Tacrolimus trị viêm da cơ địa
Thuốc điều trị viêm da cơ địa Tacrolimus có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Cảm giác bỏng rát
- Dị cảm
- Ngứa
- Kích ứng tại chỗ
- Da đỏ bừng
Thông thường, các tác dụng phụ này đều có mức độ nhẹ và thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài, bạn nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách xử lý.
Trong trường hợp sử dụng thuốc diện rộng, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ nặng nề như:
- Đau đầu
- Ho
- Nóng vùng da mặt
- Xuất hiệu các triệu chứng tương tự cúm
Tương tác thuốc
Chưa có nghiên cứu cụ thể về tương tác của thuốc Tacrolimus dạng bôi ngoài da. Tuy nhiên để hạn chế các vấn đề phát sinh, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng phối hợp loại thuốc này với kem dưỡng ẩm và các chế phẩm dạng bôi/ dạng uống khác.
Thuốc Tacrolimus được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm da cơ địa và các bệnh da liễu có cơ chế miễn dịch. Tuy nhiên loại thuốc này có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng không mong muốn. Vì vậy bạn nên tham vấn y khoa trước khi sử dụng.
Tham khảo thêm: Dùng kem Atopalm trị viêm da và những điều cần lưu ý