Tràn dịch khớp gối có nên hút dịch? Lời khuyên từ chuyên gia
Chọc hút dịch là một trong những cách điều trị tràn dịch ở khớp gối. Nó có thể giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và bị tràn dịch khớp gối có nên hút dịch hay không còn tùy vào từng trường hợp.
Ý kiến của chuyên gia về cách chữa tràn dịch khớp gối bằng hút dịch
Khớp gối bị tràn dịch có thể do tác động cơ học hoặc hậu quả của một số bệnh lý nào đó về xương khớp. Một trong những cách điều trị tràn dịch khớp gối được đánh giá cao về hiệu quả đó là chọc hút dịch. Lượng dịch khớp dư thừa ở khớp gối sẽ được lấy ra ngoài qua một cái kim.
Các chuyên gia cho biết cách làm này có thể giúp bệnh nhân nhanh chóng cải thiện triệu chứng đau nhức và sưng tấy. Đồng thời, chọc hút dịch khớp còn giúp ngăn ngừa các biến chứng. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ xét nghiệm chất dịch lấy ra từ khớp gối để chẩn đoán nguyên nhân gây tràn dịch. Từ đó có hướng điều trị hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể áp dụng cách điều trị này. Dựa vào kết quả chẩn đoán tình trạng sức khỏe của từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ là người quyết định tràn dịch khớp gối có nên hút dịch hay không. Nếu tự ý chọc hút dịch, nguy cơ nhiễm trùng sẽ rất cao. Đồng thời, trong một số trường hợp nó có thể đe dọa đến tính mạng của người được chọc hút dịch.
Những trường hợp tràn dịch khớp gối không được hút dịch
- Bị bệnh ưa chảy máu (Hemophilia);
- Đang sử dụng thuốc chống đông máu;
- Vùng da ở vị trí chọc hút dịch bị tổn thương.
Ngoài ra, một số trường hợp vẫn có thể điều trị tràn dịch khớp gối bằng cách hút dịch nhưng phải hết sức cẩn thận và cân nhắc kỹ các rủi ro trước khi thực hiện. Cụ thể là:
- Mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường và suy tim;
- Người bị nhiễm HIV (Hệ miễn dịch của những đối tượng này đang bị suy giảm. Nếu quá trình chọc hút dịch ở khớp gối có sai sót họ sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng).
Những trường hợp tràn dịch khớp gối cần hút dịch
- Viêm màng hoạt dịch khớp gối: Bao gồm những trường hợp do bệnh lý, nhiễm khuẩn hoặc chưa rõ nguyên nhân;
- Khớp gối bị tràn dịch do tác động cơ học (tai nạn, lao động hoặc tập luyện quá sức);
- Tràn dịch khớp gối có tính chu kỳ.
Các nguyên tắc khi chọc hút dịch khớp gối
Nguyên tắc đầu tiên khi chọc hút dịch khớp gối là phải thực hiện trong phòng tiểu phẫu. Đầu gối và dụng cụ chọc hút phải được khử trùng trước khi tiến hành. Nhiều người cho rằng cách hút dịch khớp gối khá đơn giản. Họ có thể thực hiện ở nhà mà không cần đến cơ sở y tế. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Nếu không được đào tạo chuyên môn và dụng cụ thực hiện không đảm bảo vô trùng thì nguy cơ xảy ra biến chứng rất cao.
Nguyên tắc thứ hai là chỉ thực hiện kỹ thuật điều trị này khi người bệnh đồng ý và mong muốn hợp tác.
Nguyên tắc cuối cùng là dịch khớp sau khi được lấy ra cần được xét nghiệm trong vòng 8 giờ nếu để ở nhiệt độ bình thường. Trường hợp bảo quản dịch khớp ở nhiệt độ từ 4 – 8 độ C thì thời gian mang đi xét nghiệm cũng không được quá 24 giờ.
Rủi ro khi chọc hút dịch khớp gối không đúng nguyên tắc
- Nhiễm trùng: Đây là biến chứng thường gặp. Chủ yếu là do dụng cụ chọc hút không được đảm bảo vô trùng trước khi thực hiện;
- Mất máu: Xảy ra khi chọc hút dịch khớp ngay vị trí của mạch máu hoặc dây thần kinh;
- Các triệu chứng do tâm lý không ổn định: buồn nôn hoặc nôn, hạ huyết áp, vã mồ hôi, tim đập nhanh… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các triệu chứng này là do người được chọc hút dịch khớp gối chưa được trấn an tâm lý tốt. Có thể họ chưa sẵn sàng hoặc không tự nguyện. Và những điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả điều trị.
Lưu ý sau khi chữa tràn dịch khớp gối bằng cách hút dịch
Trong sinh hoạt:
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế đi lại;
- Chườm đá để giảm sưng và viêm;
- Dùng nẹp cố định đầu gối nếu có chỉ định của bác sĩ;
- Tái khám đúng lịch hẹn hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường ở đầu gối cũng như toàn thân;
- Có thể thực hiện các bài tập vật lý trị liệu nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về thời điểm mà cường độ tập;
- Suy nghĩ tích cực và giữ tâm lý thoải mái.
Trong chế độ ăn uống:
- Đảm bảo đầy đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày;
- Kiểm soát trọng lượng thông qua chế độ ăn uống để tránh gia tăng thêm áp lực cho đầu gối;
- Bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất từ rau củ quả;
- Tiêu thụ từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày (bao gồm lượng nước trong thực phẩm);
- Hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng. Ngừng sử dụng các chất kích thích.
Xem thêm: Tràn dịch khớp gối nên ăn gì để hỗ trợ điều trị bệnh?
Ngày Cập nhật 18/07/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!