Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là do đâu? Bố mẹ cần xử lý tình trạng này thế nào?
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thường xuyên xảy ra vì hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện nên rất dễ bị cảm lạnh hoặc virus, vi khuẩn,… tấn công gây bệnh. Đây là tình trạng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bé bởi khi bị nghẹt, các bé thường cảm thấy khó chịu, quấy khóc, bỏ bú, khó ngủ, đòi bế liên tục. Do vậy, để bảo vệ bé khỏi nghẹt mũi, bố mẹ cần trang bị cho bản thân đầy đủ thông tin về bệnh cũng như cách phòng và điều trị an toàn.
Tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là gì? Có nguy hiểm không?
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là tình trạng khoang mũi của bé bị tắc nghẽn do dịch nhầy ngăn bít, làm chặn đường đi của không khí, khiến việc thở bằng mũi trở nên khó khăn.
Nói về vấn đề trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè có nguy hiểm không, nhiều chuyên gia y tế nhận định, tình trạng này không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày của bé. Bởi nghẹt mũi khiến trẻ phải thở bằng miệng, dẫn tới tình trạng khô miệng và họng. Không khí đi qua miệng không được lọc, làm ấm và làm ẩm trước khi vào phổi sẽ đưa nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp cho trẻ sơ sinh
Ngoài ra, nếu dịch nhầy mũi không được loại bỏ có thể chảy xuống họng dẫn tới các bệnh về tai – mũi – họng như viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, viêm phế quản, viêm đường ruột… Trong trường hợp nặng hơn, nghẹt mũi có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết và tử vong..
Đặc biệt, nghẹt mũi khiến quá trình bú của trẻ bị ngắt quãng, bé không bú được hơi dài do phải thở bằng miệng. Điều này cũng khiến trẻ dễ bị sặc sữa nôn trớ, thậm chí, gây ra tình trạng sữa trào ngược vào phổi gây suy hô hấp cấp tính. Nếu không được xử lý kịp thời, trẻ sơ sinh sẽ gặp nguy hiểm về tính mạng. Do vậy cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi. Cần sớm phát hiện các triệu chứng để đưa bé đi khám và có phương án điều trị phù hợp.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè
Nhiều người cho rằng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh là do thời tiết thay đổi hay do các tác động từ môi trường như khói bụi, nấm mốc, hóa chất,… Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè, trong đó phải kể tới các nguyên nhân chính sau:
# Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi do dịch nhầy bào thai
Trẻ sơ sinh khi mới chào đời thường được hút dịch nhầy bào thai có trong miệng và mũi. Tuy nhiên, dịch này không được hút hoàn toàn mà vẫn còn đọng lại một chút trong miệng hoặc mũi của bé khiến bé bị nghẹt mũi thở khò khè trong những ngày đầu sau sinh. Ở trường hợp này, bố mẹ không cần quá lo lắng bởi tình trạng có thể tự khỏi sau vài ngày.
# Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi do có nhiều gỉ mũi, nước mũi
Trong mũi của mỗi người kể cả người lớn lẫn trẻ sơ sinh đều có một lượng dịch mũi nhất định đóng vai trò làm ẩm và lọc không khí. Thông thường, mỗi ngày, một phần dịch này kết thành gỉ mũi, nếu không được dọn đi, chúng có thể bịt kín đường thở, gây ra nghẹt mũi. Ở trẻ sơ sinh, tình trạng này thường gặp hơn bởi lỗ mũi nhỏ nên chỉ cần một lượng nhỏ gỉ mũi cũng có thể gây ra tình trạng nghẹt mũi.
# Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi do bị cảm cúm, cảm lạnh
Đây là một trong những nguyên nhân chính, thường gặp nhất dẫn tới tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh. Cảm cúm, cảm lạnh có triệu chứng khá giống nhau, hầu hết trẻ khi mắc phải hai căn bệnh này đều bị nghẹt mũi kèm với các biểu hiện như ho khan, ho có đờm, chảy nước mũi, thở khò khè,…
# Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi do dị ứng
Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài như phấn hoa, khói bụi, thuốc lá, hóa chất,… Do vậy, khi tiếp xúc với các yếu tố này, niêm mạc mũi của bé có thể bị kích ứng, sưng to, phù nề dẫn, tăng tiết dịch nhầy,… từ đó dẫn tới nghẹt mũi.
# Trẻ sơ sinh nghẹt mũi do cấu trúc mũi
Một số tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh bắt nguồn do các dị tật bẩm sinh như hẹp lỗ mũi, phì đại lưỡi bẩm sinh, thiểu sản xương hàm dưới, mềm sụn thanh quản… Những yếu tố này làm đường thở tăng tiết dịch, dịch nhầy ứ đọng dẫn tới nghẹt mũi, thậm chí suy hô hấp ngay từ thời kì sơ sinh.
Triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
Do trẻ sơ sinh không thể tự nói tình trạng bệnh mình gặp phải cho bố mẹ nên việc phát hiện nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh thường khó khăn hơn với các đối tượng khác. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn có thể nhận biết tình trạng này thông qua một số dấu hiệu như:
- Chảy nước mũi
- Hắt hơi
- Ho khan, ho có đờm
- Ngáy to
- Quấy khóc, bỏ ăn
- Hơi thở có mùi
- Sốt (thường gặp ở trường hợp trẻ mắc một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp).
Ngoài ra, trong trường hợp trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có đờm hoặc trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi và ho, bố mẹ cần hết sức lưu ý bởi đây có thể là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm mũi,…
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi bao lâu thì hết?
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi bao lâu thì hết là câu hỏi của không ít bậc phụ huynh. Giải đáp thắc mắc này, bác sĩ Lê Phương – GĐ chuyên môn Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng Đông y Việt Nam cho biết, tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi kéo dài, triệu chứng bệnh không thuyên giảm mà còn xuất hiện những biểu hiện dưới đây:
- Bé khó thở, thở từng cơn.
- Thở quá mạnh hoặc thở nhanh khi bú.
- Da xanh xao, nhất là vùng môi và móng tay.
- Trẻ quấy khóc không ngừng.
Khi nhận thấy những biểu hiện này, bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán kịp thời:
Trẻ sơ sinh nghẹt mũi phải làm sao?
Đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, nghẹt mũi thường khiến bé khó chịu quấy khóc về đêm, bỏ bú,… Do vậy, việc điều trị nghẹt mũi sớm là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc dùng thuốc trong giai đoạn này nên được hạn chế. Các bậc phụ huynh có thể cải thiện triệu chứng bằng những phương pháp dưới đây.
# Dùng nước muối sinh lý
Dùng nước muối sinh lý chữa nghẹt mũi cho trẻ là một trong những bí quyết được nhiều người mẹ áp dụng. Bởi nước muối an toàn, lành tính với trẻ hơn nữa lại có tính kháng khuẩn, kháng viêm, đồng thời cũng làm loãng dịch mũi hiệu quả, giúp mũi thông thoáng, bé dễ thở hơn.
Các mẹ có thể mua nước muối sinh ly ở hiệu thuốc để vệ sinh mũi mỗi ngày cho bé. Tùy thuộc vào mức độ nghẹt mũi của bé mà cha mẹ có thể vệ sinh mũi cho bé từ 3 – 5 lần/ ngày. Lưu ý, không nên quá lạm dụng phương pháp này bởi nước muối dùng nhiều cũng có thể làm khô, teo niêm mạc mũi, khiến tình trạng nghẹt mũi thêm nặng.
# Xông hơi
Xông hơi là cách làm sạch và trị nghẹt mũi được nhiều bà mẹ áp dụng cho con. Hơi nước nóng trong quá trình xông giúp làm loãng dịch nhầy đồng thời thông thoáng hốc mũi từ đó chấm dứt tình trạng nghẹt mũi ở trẻ.
Cha mẹ có thể thực hiện xông hơi tại nhà cho bé bằng cách bế bé nằm cạnh bồn nước ấm từ 10 -15 phút vào buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ. Lưu ý, khi xông hơi không nên dùng nước quá nóng, cần đóng kín cửa, tránh gió lùa. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần chú ý khoảng cách giữa bé và bồn tắm sao cho bé không bị hơi nước làm bỏng.
# Dùng dụng cụ hút rửa mũi
Dịch nhầy tích tụ trong mũi quá nhiều chính là nguyên nhân dẫn tới nghẹt mũi. Do vậy, muốn trẻ hết nghẹt mũi, cần loại bỏ dịch nhầy ứ đọng trong mũi bé. Bố mẹ có thể sử dụng dụng cụ hút mũi cho bé. Tuy nhiên, trước và sau khi sử dụng cần vệ sinh dụng cụ sạch sẽ, tránh tình trạng lây nhiễm vi khuẩn.
# Nâng cao phần gối của trẻ
Nước mũi có xu hướng chảy ngược về phía sau khi bé nằm dẫn tới nghẹt mũi và thở khò khè. Để tránh hiện tượng này, bố mẹ có thể kê cao gối của bé, tuy nhiên không nên kê quá cao vì điều này sẽ khiến bé khó chịu, ảnh hưởng tới vùng đốt sống cổ.
# Cho con bú nhiều lần trong ngày
Chất lỏng làm loãng dịch nhầy giúp chúng thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Do vậy, bố mẹ nên cho bé bú nhiều lần trong ngày.
# Cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh dân gian
Các mẹo dân gian trị nghẹt mũi của trẻ cũng là lựa chọn được nhiều bà mẹ áp dụng cho bé bởi tính an toàn, đơn giản lại hiệu quả. Một số biện pháp phổ biến nhất phải kể tới:
- Thoa tinh dầu: Đây là một trong những mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh rất hiệu quả. Để giúp khí huyết của các thiên thần nhỏ lưu thông tốt hơn, bố mẹ có thể thoa tinh dầu vào lòng bàn chân kết hợp day nhẹ sau đó đi tất cho bé. Ngoài ra, cũng có thể thoa tinh dầu lên ngực, lưng của bé để tăng hiệu quả.
- Ngửi hương tinh dầu bạc hà: Tinh dầu bạc hà giúp làm giãn các mạch máu, tạo điều kiện cho không khí lưu thông dễ dàng hơn. Bố mẹ có thể đốt tinh dầu bạc hà trong phòng để tạo hương thơm nhẹ nhàng. Lưu ý, không đốt quá nhiều tinh dầu và đặt tinh dầu cách xa em bé.
- Tắm nước gừng ấm: Hơi gừng ấm giúp làm lỏng dịch mũi, bé sẽ dễ xì ra hoặc mẹ cũng dễ làm sạch bằng dụng cụ hút mũi hơn. Lưu ý, khi tắm cho bé nên chọn nơi kín gió, trước khi mặc quần áo cần lau khô người và không nên tắm quá lâu.
Phòng ngừa nghẹt mũi ở trẻ nhỏ thế nào?
Nghẹt mũi ở trẻ ở trẻ sơ sinh không chỉ ảnh hưởng tới khả năng hô hấp mà còn khiến trẻ khó ngủ, mệt mỏi, chán ăn. Hơn nữa, nếu tình trạng này kéo dài còn khiến bé dễ mắc phải các bệnh như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm họng,… Do vậy, bên cạnh việc điều trị bệnh, bố mẹ cũng cần chú ý các biện pháp phòng ngừa như sau:
- Vệ sinh không gian sống thường xuyên, loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc.
- Không cho trẻ ăn dặm quá sớm bởi nếu ăn dặm trước 6 tháng tuổi, bé dễ mắc các bệnh về tiêu hóa cũng như bệnh về hô hấp.
- Vệ sinh cơ thể cho bé hàng ngày nhằm loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn bám trên da. Ngoài ra, cần thường xuyên lau tay cho bé bởi trẻ sơ sinh thường có thói quen mút và ngậm tay.
- Rửa mũi cho bé 2 -3 lần/ tuần nhằm loại bỏ gỉ mũi, bụi bẩn, dịch mũi tích tụ.
- Tránh để bé tiếp xúc với người nhiễm bệnh bởi virus, vi khuẩn gây nhiễm trùng đều có thể lây lan qua đường hô hấp.
- Tiêm vắc – xin đầy đủ cho bé để giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp.
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh chủ quan, cho rằng đây là triệu chứng đơn giản mà không đưa bé đi khám. Điều này có thể khiến trẻ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bé như thở khò khè, quấy khóc, bố mẹ cần đưa bé tới bệnh viện khám để có phương án điều trị kịp thời.
Ngày Cập nhật 29/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!