Viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng – Cách điều trị và phòng ngừa
Viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng là hiện tượng da bị tổn thương do tiếp xúc với nọc độc hoặc hóa chất của côn trùng. Ngứa rát và phát ban da có màu đỏ là biểu hiện lâm sàng của bệnh. Ngoài ra trên da của người bệnh còn có nguy cơ xuất hiện các mụn nước nhỏ gây khó chịu và đau đớn.
Viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng là gì?
Viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng là một tổn thương da thuộc dạng cấp tính. Tổn thương này sẽ hình thành khi da tiếp xúc với lượng nọc độc hoặc/và hóa chất của côn trùng.
Những triệu chứng của bệnh thường có dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt sau vài giờ hoặc sau một tuần chăm sóc và điều trị. Các triệu chứng tổn thương do côn trùng gây ra hầu như không tác động và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nguyên nhân
Nguyên nhân khiến trên da xuất hiện những triệu chứng là do người bệnh tiếp xúc với axit phosphor và hóa chất pederin tồn tại bên trong nọc độc của côn trùng. Các chất này khi tiếp xúc với da sẽ kích thích và tạo nên những phản ứng viêm. Đồng thời gây ngứa ngáy và hình thành các mụn nước. Ngoài ra khi bạn sử dụng tay để giết hoặc đập côn trùng, nọc độc cũng có thể phát ra và gây tổn thương trên bề mặt của da.
Những loại côn trùng mang nọc độc và hóa chất có khả năng làm tổn thương và gây kích ứng da gồm:
- Kiến ba khoang (Paederus)
- Sâu ban miêu (Epicauta)
- Bướm đuôi vàng (Euproctis similis)
- Bướm đuôi nâu (Euproctis chrysorrhoea)
- Bướm đục thân lúa (Tryporyza)
- Ruồi Tây Ban Nha.
Bệnh viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng có thể bùng phát mạnh mẽ và tạo thành dịch trong thời gian loại côn trùng đó sinh sôi và phát triển mạnh. Thường là vào tháng 9, tháng 10, tháng 11 hàng năm.
Biểu hiện lâm sàng
Bệnh viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng xảy ra kèm theo những triệu chứng khá đặc trưng. Phần lớn tổn thương da chỉ xuất hiện tại những vị trí có tiếp xúc với côn trùng gây bệnh.
Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ gặp phải các biểu hiện lâm sàng của bệnh. Bao gồm:
- Vào thời gian đầu mắc bệnh, da có xu hướng chuyển sang màu hồng hoặc da đỏ hơn bình thường.
- Vài phút sau đó, da xuất hiện các mảng hoặc hình thành những đốm da phù nề. Chúng thường xảy ra với kích thước từ vài mm đến vài cm.
- Khoảng 30 phút hoặc vài giờ sau, những bọng nước lớn hoặc các mụn nước sẽ hình thành trên da, ngay tại các vùng da có ban đỏ.
- Tổn thương da thường xuất hiện đồng thời cùng với triệu chứng đau rát, ngứa ngáy và bứt rứt.
- Tổn thương có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên tổn thương thường tập trung ở những vùng da hở.
- Những mụn nước có xu hướng tự vỡ ra sau khoảng từ 3 – 5 ngày. Sau đó chúng khô lại và bong vảy.
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng xuất hiện trên da, bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng còn có khả năng hình thành thêm nhiều triệu chứng toàn thân. Cụ thể như:
- Đau nhức
- Cơ thể mệt mỏi
- Sốt
- Nổi hạch ở cổ.
Đối với những trường hợp bệnh nặng, mụn mủ và có mụn nước có thể lây lan gây nhiễm trùng da và trợt loét. Các dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị nhiễm trùng da bao gồm:
- Ớn lạnh
- Người nóng sốt
- Da có mủ
- Vùng da bệnh nóng hơn so với bình thường
- Buồn nôn
- Nhức mỏi cơ.
Cách điều trị bệnh viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng
Hầu hết những trường hợp viêm da, tổn thương da do tiếp xúc với côn trùng không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ điều trị và khắc phục. Bệnh lý này chủ yếu được khắc phục bằng những phương pháp điều trị tại chỗ như vệ sinh da và bôi thuốc giảm sưng viêm, giảm ngứa rát…
Vệ sinh và làm dịu da
Ngay sau khi tiếp xúc với côn trùng, người bệnh cần vệ sinh da sạch sẽ để loại bỏ dị nguyên. Để đảm bảo nọc độc từ côn trùng được loại bỏ, làm dịu nhanh cảm giác viêm, người bệnh nên rửa vùng da tiếp xúc với côn trùng bằng nước lạnh.
Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng dung dịch natri clorid 0.9% để rửa và vệ sinh những khu vực đang bị tổn thương từ 3 – 4 lần/ngày. Hoạt động này sẽ giúp bạn trung hòa nọc độc của côn trùng. Đồng thời hạn chế những tổn thương lan rộng.
Sau khi xử lý vùng da bị tổn thương, bạn nên giặt giũ mền, chiếu, gối, khăn lau mặt… Bên cạnh đó bạn nên vệ sinh sạch sẽ những vật dụng có khả năng hoặc đã chứa côn trùng gây dị ứng. Đồng thời lau dọn, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để phòng ngừa bệnh tái phát và giữ không gian sống thoáng đãng.
Nếu tình trạng sưng, viêm và ngứa ngáy chưa được cải thiện, bạn có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh. Sau khi vệ sinh da bằng nước sạch, hãy lấy vài viên đá chườm trực tiếp lên da hoặc bọc trong một miếng vải mỏng. Áp túi vải lên các mảng phát ban để giảm sưng, viêm và làm giảm nguy cơ hình thành các mụn nước.
Nhiệt độ lạnh từ những viên đá sẽ tác động làm co mạch, giúp hạn chế lượng máu tuần hoàn về vùng da đang bị tổn thương. Từ đó giúp bạn giảm nguy cơ đối mặt với tình trạng nóng rát, viêm nhiễm do sự tác động của nọc độc côn trùng.
Sử dụng thuốc bôi
Khi nhận thấy vùng da tiếp xúc với côn trùng bắt đầu hình thành những tổn thương đỏ, ngứa ngáy, có dấu hiệu đau rát, người bệnh nên sử dụng một số loại thuốc dạng mỡ, kem bôi để làm dịu da và làm giảm viêm.
Một số loại thuốc bôi mà bạn có thể sử dụng gồm:
- Hồ Tetra-Pred
- Hồ nước
- Dalibour
- Thuốc mỡ kháng sinh (Eumovate, Gentrison và Fucicort).
Để cải thiện tổn thương da và giúp giảm ngứa, người bệnh nên kiên trì sử dụng thuốc từ 2 – 3 lần/ngày. Dùng thuốc liên tục trong vài ngày.
Đối với các trường hợp da đã nổi mụn nước hoặc nổi bọng mủ, người bệnh nên dùng các loại thuốc mang tính sát trùng cao. Cụ thể như:
- Thuốc tím
- Castellani
- Dung dịch màu Milian.
Với những loại thuốc này, bệnh nhân cần thoa thuốc lên các khu vực, vùng da bị tổn thương từ 1 – 2 lần/ngày cho đến khi nhận thấy da phục hồi hoàn toàn.
Sử dụng thuốc toàn thân
Tồn tại rất ít trường hợp viêm da tiếp xúc xảy ra do côn trùng phải nhờ đến việc sử dụng các loại thuốc toàn thân để khắc phục bệnh lý. Những loại thuốc này chỉ được sử dụng khi có yêu cầu của bác sĩ, tổn thương da có dấu hiệu bị nhiễm trùng và có xu hướng lây lan rộng.
Các loại thuốc toàn thân thường được sử dụng để khắc phục bệnh viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng gồm:
- Kháng sinh thuộc nhóm Penicillin và Cephalosporin: Đối với những trường hợp tổn thương xuất hiện đồng thời cùng với dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn sử dụng những loại thuốc kháng sinh trong vòng 7 ngày để khắc phục tình trạng này.
- Thuốc kháng histamin H1: Thuốc kháng histamin H1 như Clorpheniramin, Loratadin, Diphenhydramin, Alimemazin, Promethazin… được sử dụng với mục đích làm giảm tình trạng kích ứng da, phản ứng quá mẫn do nọc độc từ côn trùng. Những loại thuốc thuộc nhóm thuốc kháng histamin có khả năng làm giảm tổn thương da trên diện rộng. Đồng thời cải thiện những triệu chứng sưng viêm và ngứa ngáy.
Trong thời gian sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cần tuân thủ cách dùng và liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Điều này sẽ giúp bạn phòng ngừa sự xuất hiện của những rủi ro không đáng có.
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng
Những tổn thương da xuất hiện do tiếp xúc với côn trùng thường không tác động và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên những triệu chứng mà bệnh gây ra có thể tạo nên cảm giác khó chịu cho người bệnh. Đồng thời tạo nên cảm giác ngứa ngáy và gây mất tập trung khi bạn học tập hoặc làm việc.
Ngoài ra, nếu tình trạng tổn thương da tái phát nhiều lần, vùng da bệnh sẽ hình thành các vết thâm đậm màu. Hơn thế tình trạng tái phát nhiều lần còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, bạn cần chủ động hơn trong việc phòng ngừa sự xuất hiện của bệnh lý này.
Những biện pháp phòng ngừa sự xuất hiện của bệnh viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng gồm:
- Bạn tuyệt đối không để da va chạm cũng như tiếp xúc với các loại côn trùng.
- Trong trường hợp nọc độc của côn trùng vô tình dính trên da, bạn cần nhanh chóng sử dụng dung dịch natri clorid hoặc sử dụng nước sạch để rửa da, làm giảm tổn thương da và trung hòa nọc độc.
- Vào những tháng côn trùng sinh sản mạnh, bạn nên thường xuyên giặt giũ gối, mền, khăn lau và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
- Vào mỗi buổi tối các loại côn trùng có thể vào bên trong nhà do sự thu hút của ánh sáng. Chính vì thế, mỗi tối bạn nên kéo rèm, đóng cửa sổ và hạn chế ngồi gần các nguồn sáng.
- Mỗi 4 – 6 tháng, bạn nên phun thuốc diệt côn trùng một lần.
- Khi làm những công việc ngoài vườn, bạn nên mang gân tay để hạn chế tiếp xúc với các loại côn trùng gây hại.
- Hạn chế phơi quần áo bên ngoài, đặc biệt là phơi quần áo vào mỗi buổi tối. Bởi côn trùng có thể bám dính vào khăn mặt và quần áo.
Hầu hết các trường hợp viêm da dị ứng tiếp xúc côn trùng đều thuyên giảm rõ rệt sau khoảng 7 ngày điều trị bệnh. Tuy nhiên nếu vùng tổn thương da của bạn có dấu hiệu bị nhiễm trùng hoặc tổn thương phát triển và lây lan trên diện rộng, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám bệnh và chữa trị đúng cách.
Ngày Cập nhật 05/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!