Viêm da liên cầu khuẩn: Độ nguy hiểm và cách điều trị
Viêm da liên cầu khuẩn xuất hiện với tình trạng viêm loét, đỏ hoặc ngứa ngáy trên da,… Mặc dù triệu chứng bệnh ít nghiêm trọng nhưng nếu không can thiệp y khoa sớm, bệnh gây nhiễm trùng nặng, làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng nhiễm trùng máu, viêm cầu thận.
Viêm da liên cầu khuẩn là gì?
Viêm da liên cầu khuẩn là thuật ngữ mô tả tình trạng viêm đỏ, ngứa trên da do liên cầu khuẩn sinh sôi và phát triển trên da gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, nhất là sau khi ngập lụt. Bởi đây chính là điều kiện thuận lợi cho nhóm khuẩn gây bệnh này phát triển mạnh.
Theo các chuyên gia chăm sóc y tế, viêm da liên cầu khuẩn thường xuất hiện chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ em, đặc biệt trẻ từ 10 tuổi trở xuống. Ngoài ra, bệnh còn tìm thấy ở người trưởng thành và người già có hệ miễn dịch thấp. Bệnh nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, các chuyên gia thường khuyên bệnh nhân thăm khám sớm.
Nguyên nhân gây viêm da liên cầu khuẩn
Theo các chuyên gia, viêm da liên cầu khuẩn hình thành chủ yếu là do vi khuẩn liên cầu khuẩn streptococci gây nên. Tuy nhiên, chủng khuẩn này chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh khi gặp các điều kiện phát triển thuận lợi sau:
- Hệ miễn dịch và sức đề kháng suy giảm
- Da bị trầy xước hoặc có vết thương hở nhưng không được vệ sinh tốt
- Thời tiết ẩm ướt với độ ẩm cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh
- Da luôn bám bẩn hoặc thường xuyên bị ẩm ướt, đổ nhiều mồ hôi nhưng không biết cách vệ sinh đúng
- Môi trường sống tồn tại nhiều liên cầu khuẩn
Triệu chứng viêm da liên cầu khuẩn
Bệnh hình thành với các triệu chứng nhận biết sau:
- Da đỏ và nổi những nốt giống như mụn nhọt
- Ngứa ngáy dữ dội
- Đau nhức ở vị trí nhiễm trùng
- Rỉ dịch vàng tại vị trí nhiễm trùng
Trong trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng như:
- Nhức mỏi
- Cơ thể luôn ở trạng thái mệt mỏi
- Ớn lạnh
- Sốt
Ngoài các triệu chứng này ra, bệnh còn gây nên các biểu hiện khác nhau. Tùy thuộc vào chủng khuẩn và loại bệnh mắc phải mà dấu hiệu nhận biết bệnh ở mỗi người không giống nhau.
Viêm da liên cầu khuẩn có mấy thể?
Bệnh viêm da liên cầu khuẩn có 5 thể chính. Mỗi thể có triệu chứng nhận biết và cách điều trị riêng biệt. Cụ thể:
1. Bệnh chốc loét (Ecthyma)
Là một trong những bệnh lý gây tổn thương sâu ở phần trung bì. Bệnh thường xảy ra ở phần chi dưới, đặc biệt là chi có giãn tĩnh mạch. Chốc loét xuất hiện với triệu chứng khởi đầu là phỏng mủ hoặc phỏng nước.
Thông thường, các phỏng mủ này sẽ tự vỡ sau đó vài ngày rồi kết dính, đóng vảy màu nâu đen hoặc vàng sẫm. Sau khi bóc vảy để lại ít nụ thịt, rớm mủ hoặc có vết loét tái tím ở da xung quanh. Nhìn chung, các vết loét này thường dai dẳng và khó lành.
Trong trường hợp chốc loét nặng, theo thời gian chúng có thể ăn sâu, gây loét sâu và rộng với tổ chức da xung quanh xơ cứng và màu tái. Khi đó, bệnh tiến triển dai dẳng và gây khó khăn trong chữa trị.
Bệnh chốc loét thường gặp chủ yếu ở các đối tượng sau:
- Bệnh nhân thiếu dinh dưỡng
- Ý thức vệ sinh kém
- Người nghiện rượu
- Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường
Cách điều trị:
Để kiểm soát triệu chứng bệnh, nhân viên y tế thường chỉ định bệnh nhân dùng thuốc tím 1/4000 để rửa và khử trùng vết loét. Ngoài ra, để ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu, người bệnh cũng có thể dùng dung dịch nitrat bạc với nồng độ 0.25 – 0.50% hoặc thuốc mỡ kháng sinh bôi ngoài. Trong trường hợp nặng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh dùng theo đường uống hoặc tiêm cho bệnh nhân sử dụng.
2. Bệnh chốc lây
Chốc lây là bệnh lý hình thành bởi tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở trẻ em, tại các vị trí như đầu, mặt, cổ và tay, chân. Triệu chứng tổn thương của bệnh thường bắt đầu với các nốt phỏng nước nhỏ, hình tròn và có quầng viêm đỏ.
Khi bệnh mới khởi phát, các nốt phỏng có màu trong những về sau chúng trở nên đục dần. Sau đó thời gian, chúng vỡ và đóng vảy tiết vàng. Ngoài triệu chứng này, bệnh còn kèm theo biểu hiện sốt. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây biến chứng viêm cầu thận cấp với dấu hiệu mi mắt hoặc chân phù nề.
Cách điều trị:
Sử dụng dung dịch sát khuẩn rửa sạch vùng da xuất hiện chốc lây. Trong trường hợp các nốt phỏng mủ chưa vỡ, người bệnh có thể dùng kim sát khuẩn chọ mủ. Tuy nhiên, trong quá trình chọc không nên để mủ dính sang vùng da lành. Tốt nhất nên dùng bông thấm nốt mủ vừa chọc xong.
Một số loại thuốc sát khuẩn giúp ngăn ngừa viêm nhiễm như eosin 2%, thuốc mỡ chlorocid 1% và dung dịch milian xanh methylen 1%,… Trong một số trường khớp, nhân viên y tế sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân dùng.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị chốc lây, bệnh nhân nên tránh dùng chung đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn, chăn hoặc màn,… với người khác. Bởi chốc lây do liên cầu khuẩn gây nên có thể lây nhiễm từ người này sang người khác. Đồng thời, khi tắm không nên chà xát quá mạnh để da không bị tổn thương.
3. Viêm quầng (Erysipelas)
Viêm quầng là bệnh nhiễm khuẩn dưới da do liên cầu khuẩn Streptococcus pyogenes gây nên. Thông thường, sau khi xâm nhập vào cơ thể khoảng 2 – 5 ngày, bệnh sẽ khởi phát với các triệu chứng như sốt cao đột ngột kèm theo tình trạng đau đầu, nôn mửa hoặc sốt rét. Ngoài các triệu chứng này ra, viêm quầng còn gây tổn thương ở vùng da với biểu hiện đỏ, phát ban hoặc sưng phù.
Các đám viêm quầng có màu đỏ tươi, thường cộm và có ranh giới rõ. Bệnh có thể gây cảm giác đau tự nhiên hoặc đau khi dùng tay ấn hoặc bóp nhẹ. Ở những vùng có tổ chức cấu trúc lỏng lẻo, bên cạnh phù nề và phát ban còn xuất hiện mụn nước ở rìa vùng da viêm. Bên cạnh vùng da thương tổn có thể có những vết loét hoại tử.
Viêm quầng nếu không điều trị, bệnh có thể dần dần khỏi sau đó 1 – 3 tuần. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp mắc bệnh, người bệnh cần can thiệp y khoa sớm. Bởi theo các chuyên gia, viêm quầng nếu điều trị sai cách hoặc muộn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Cách điều trị:
Viêm quầng là bệnh lý do vi khuẩn có độc tố cao gây nên. Do đó, để ngăn chặn bệnh phát triển theo chiều hướng xấu, bác sĩ thường kê các đầu thuốc kháng sinh mạnh cho bệnh nhân sử dụng như lincomycin hoặc gentamycin.
Trong trường hợp, bệnh thường xuyên tái phát kèm theo tình trạng hệ miễn dịch suy yếu và sưng phù tế bào lympho, kháng sinh pelicillin dùng trong thời gian dài sẽ là lựa chọn chữa trị phù hợp. Bên cạnh dùng kháng sinh, bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần. Ngoài ra, để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch, bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng khoa học.
Lưu ý: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và độ tuổi ở mỗi người mà bác sĩ kê đơn thuốc với thời gian và liều dùng phù hợp.
4. Hăm kẽ (intertrigo)
Hăm kẽ là tình trạng tổn thương trên da do vi khuẩn liên cầu gây nên. Bệnh thường gặp ở những vùng da có nếp gấp như kẽ mông, cổ, các ngấn da hoặc kẽ sau tai, kẽ bẹn,… Hăm kẽ xuất hiện với hiện tượng kẽ đỏ hoặc rớm dịch. Ngoài ra, bệnh còn gây đau nhức dữ dội với các vết loét chảy nước hoặc chảy mủ.
Bệnh hăm kẽ thường gặp nhiều ở trẻ em thường xuyên ra mồ hôi. Bên cạnh đó, căn bệnh do vi khuẩn liên cầu gây nên cũng hay xuất hiện ở trẻ thừa cân, béo phì. Bệnh hăm tã tuy không quá nghiêm trọng nhưng nếu điều trị không đúng cách có thể khiến bệnh thêm phức tạp và khó chữa lành. Vì vậy, khi thấy con xuất hiện triệu chứng bệnh, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn cách chữa trị thích hợp.
Cách điều trị:
Để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, bác sĩ thường yêu cầu cha mẹ dùng thuốc tím 1/4.000 hoặc dung dịch nitrat bạc 0.25% để rửa vết thương. Bên cạnh đó, để bệnh mau khỏi, các bậc phụ huynh cũng nên giữ vệ sinh trẻ sạch sẽ bằng cách tắm rửa hàng ngày cho trẻ, đặc biệt là tại vùng nếp kẽ. Mặt khác, cha mẹ cũng nên thay tã thường xuyên cho con, nhất là khi tã ướt hoặc bẩn.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ nên tránh những sai lầm sau đây:
- Không nên dùng thuốc mỡ bôi lên vùng da bị hăm kẽ
- Không sử dụng tinh bột ngô hoặc phấn rôm để chữa bệnh
- Không chà mạnh khi tắm cho con
- Không dùng xà phòng, sữa tắm hay sản phẩm chăm sóc da có chứa chất khử trùng mạnh
5. Chốc lở
Chốc lở là bệnh lý da liễu thường gặp ở trẻ em, có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh hình thành chủ yếu là do liên cầu khuẩn Streptococcus. Ngoài ra, chốc lở xảy ra cũng có thể là do tụ cầu khuẩn Staphylococcus hay do thiếu hụt dinh dưỡng gây nên.
Bệnh chốc lở xuất hiện với triệu chứng nổi mụn nước, các vết loét đỏ hoặc tổn thương trên da. Các vết loét trên da thường tập trung ở mũi, miệng và một số khu vực khác. Ngoài ra, bệnh còn kèm theo triệu chứng ngứa ngáy và đau nhức. Ở một số trường hợp nặng, vết loét ăn sâu và xuất hiện hạch bạch huyết ở gần vị trí nhiễm trùng.
Cách điều trị:
Thông thường, để điều trị bệnh, cha mẹ cần vệ sinh da sạch sẽ cho bé. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc kháng sinh đường uống cho trẻ dùng. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể kết hợp thêm một số loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc mỡ bôi ngoài để làm lành vùng da tổn thương và ngăn chặn nhiễm trùng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con, cha mẹ chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ.
Viêm da liên cầu khuẩn có nguy hiểm không?
Như đã đề cập, bệnh viêm da liên cầu khuẩn là một trong những bệnh lý ngoài da do liên cầu khuẩn gây nên. Tùy thuộc vào từng loại vi khuẩn gây bệnh mà tình trạng bệnh có nguy hiểm hay không. Cụ thể, đối với liên cầu khuẩn gây bệnh thuộc loại không xâm lấn như bệnh chốc lở, nhiễm trùng thường dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiễm trùng này thường không nghiêm trọng.
Thế nhưng, trong trường hợp viêm da liên cầu khuẩn do vi khuẩn liên cầu xâm lấn, bệnh ít lây nhiễm nhưng mức độ nguy hiểm lại khá cao. Bệnh nếu không chữa trị dứt điểm ngay từ đầu, vi khuẩn có thể xâm nhập vào xương khớp và máu gây nhiễm trùng máu hoặc hoại tử. Nguy hiểm hơn, nhiễm trùng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Vì vậy, khi mắc bệnh, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra và chữa trị theo chỉ định từ nhân viên y tế. Tuyệt đối không chủ quan, tự ý chữa trị gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng.
Điều trị viêm da liên cầu khuẩn
Thông thường để sát khuẩn, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân dùng nước muối sinh lý hoặc một số loại thuốc sát trùng để vệ sinh da hàng ngày. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh được xem là một trong những lựa chọn đầu tiên nghĩ đến khi chữa viêm da do liên cầu khuẩn. Thuốc hoạt động bằng cơ chế tác động và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Từ đó giúp cải thiện triệu chứng bệnh và ngăn ngừa biến chứng xuất hiện.
Chữa viêm da liên cầu bằng thuốc kháng sinh
Dưới đây là một số loại thuốc kháng sinh điều trị viêm da liên cầu khuẩn thường sử dụng:
- Thuốc amoxicillin: Là thuốc kháng sinh thuộc nhóm Penicillin, thường được sử dụng trong trường hợp bệnh nhiễm khuẩn. Liều dùng mỗi ngày là 40 mg/kg, chia sử dụng 3 lần trong ngày
- Mupirocin (Bactroban): Là thuốc kháng sinh điều trị tại chỗ, có tác dụng ức chế sự hoạt động của vi khuẩn Staphylococcus và chủng khuẩn kháng methicilline. Thuốc được sử dụng bôi ngoài da với ngày 3 lần bôi. Sử dụng liên tục trong 10 ngày
- Clindamycin phosphate (Cleocin Phosphate): Thuốc kháng sinh hoạt động với cơ chế ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn. Thuốc được sử dụng dưới dạng đường uống hoặc tiêm bắp, tĩnh. Tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nhiễm trùng mà liều dùng ở mỗi người không giống nhau
- Erythromycin: Thuốc kháng sinh nhóm Marcolid, có tác dụng kìm chế sự phát triển của vi khuẩn gram âm, gram dương và một số chủng khuẩn khác. Thuốc thường dùng điều trị mụn trứng cá, một số nhiễm trùng ngoài da và dự phòng thấp khớp cấp. Liều dùng đối với người lớn là 1 – 2 gram/ ngày, chia dùng 2 – 4 lần trong ngày. Còn liều dùng ở trẻ em là 30 – 50 miligram/ thể trọng/ ngày. Tùy thuộc vào mức độ bệnh và độ tuổi, bác sĩ sẽ gia giảm liều lượng thích hợp.
- Penicillin: Thường được khuyên dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng streptococci beta-tán huyết nhóm A. Thời gian uống thuốc là 10 ngày. Bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi được bác sĩ kê đơn.
Lưu ý: Mặc dù thuốc kháng sinh có tác dụng chữa viêm da liên cầu khuẩn nhưng nếu không biết cách sử dụng bệnh vẫn có thể tái phát. Do đó, để giảm nguy cơ bệnh trở lại, bệnh nhân nên dùng thuốc theo yêu cầu từ bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị viêm da liên cầu bằng biện pháp chăm sóc tại nhà
Ngoài dùng thuốc kháng sinh, bệnh nhân có thể áp dụng thêm các biện pháp chữa trị tại nhà sau đây để kiểm soát triệu chứng bệnh.
- Sử dụng thảo dược và một số loại tinh dầu tự nhiên như dầu hoa anh thảo, dầu cây trà hoặc dầu lưu ly,…
- Bổ sung men vi sinh giúp cải thiện hệ tiêu hóa khi dùng kháng sinh. Từ đó giúp tăng cường hấp thu dưỡng chất, giúp nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ đẩy lùi bệnh
- Dùng một loại kem giảm viêm và làm mềm da có nguồn gốc từ tự nhiên để hạn chế tình trạng ngứa ngáy hoặc bong tróc da do bệnh gây nên
- Sử dụng mật ong, dầu dừa hoặc dầu ô liu,… dưỡng ẩm
- Tắm bằng bột yến mạch hoặc muối Epsom để sát khuẩn da
Lưu ý khi điều trị viêm da mủ và cách phòng bệnh
Để tăng hiệu quả chữa trị và ngăn ngừa bệnh tái phát, bệnh nhân nên tuân thủ các gợi ý sau:
- Không tự ý dùng các bài thuốc tắm hoặc đắp từ dân gian để chữa bệnh nhằm tráng tình trạng bội nhiễm
- Không gãi hoặc cào xước vùng da bị tổn thương, chưa hóa mủ
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ
- Tăng cường bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin C, A,…
- Hạn chế ăn đồ ăn, thức uống chứa nhiều đường
- Tránh dùng bia rượu và hút thuốc lá
Viêm da liên cầu khuẩn cần được điều trị sớm nhằm tránh trường hợp bệnh chuyển nặng và gây biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi thấy biểu hiện bất thường xuất hiện, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị.
→ Có thể bạn quan tâm:
Ngày Cập nhật 23/07/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!