Viêm niệu đạo bao lâu thì khỏi? Bệnh có tự khỏi được không?
Viêm niệu đạo bao lâu thì khỏi? Bệnh có tự khỏi được không là vấn đề chung của nhiều người bệnh. Theo các chuyên gia, bệnh lý này không chỉ làm ảnh hưởng đến ống dẫn nước tiểu và các hoạt động sinh hoạt của người bệnh mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, viêm nhiễm lây lan khiến các bộ phận khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt là khi không sớm điều trị.
Viêm niệu đạo có tự khỏi được không?
Viêm niệu đạo là tình trạng ống dẫn nước tiểu (bộ phận đưa nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) có dấu hiệu viêm nhiễm. Thông thường bệnh lý này xảy ra và tiến triển nhanh do sự xâm nhập của vi khuẩn.
Thường gặp gồm vi khuẩn E.coli, Neisseria gonorrhoeae, Chlamydia trachomatis. Đôi khi người bệnh có thể bị nhiễm trùng do nấm, ký sinh trùng và virus, điển hình như virus herpes simplex (HSV-1 và HSV-2), Trichomonas.
Bệnh viêm niệu đạo khiến cho ống dẫn nước tiểu viêm đỏ và sưng phù, làm ảnh hưởng đến hoạt động tiểu tiện và xuất tinh đối với nam giới. So với nam giới, bệnh viêm niệu đạo ở nữ xảy ra phổ biến hơn. Nguyên nhân là do niệu đạo của nữ giới ngắn hơn so với phái mạnh và nằm gần với hậu môn – nơi chứa nhiều vi khuẩn nếu không vệ sinh sạch sẽ.
Khi bị viêm niệu đạo những biểu hiện khó chịu dưới đây sẽ xuất hiện:
- Thường xuyên có cảm giác cần đi tiểu khẩn cấp, tuy nhiên rất khó để bắt đầu đi tiểu và thường tiểu sót
- Có cảm giác ngứa ngáy, đau và khó chịu khi không thể tiểu được
- Có máu trong nước tiểu
- Có máu trong tinh dịch đối với nam giới
- Đau khi quan hệ tình dục
- Dương vật/ âm đạo tiết ra chất dịch có màng nhầy
- Đau và cảm thấy rát bỏng khi tiểu tiện
- Ngứa và khó chịu ở niệu đạo.
Theo các chuyên gia, bệnh viêm niệu đạo không thể tự khỏi. Bệnh nhân buộc phải áp dụng các biện pháp can thiệp để tiêu diệt nguyên nhân gây bệnh và khắc phục triệu chứng. Bên cạnh đó người bệnh cần phải chú ý sớm thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, điều trị kịp thời và đúng cách theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Trong trường hợp chậm trễ trong quá trình điều trị bệnh hoặc điều trị sai cách, người bệnh sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng sau do tình trạng nhiễm trùng lây lan. Cụ thể
- Viêm buồng trứng, viêm cổ tử cung và viêm âm đạo đối với nữ giới
- Ảnh hưởng đến thai nhi ở phụ nữ mang thai
- Viêm tuyến tiền liệt đối với nam giới
- Viêm thận, suy thận khi viêm nhiễm lây lan
- Viêm bàng quang
- Hẹp ống niệu đạo
- Viêm hệ tiết niệu
- Vô sinh, hiếm muộn kể cả viêm niệu đạo ở nam hoặc ở nữ
- Suy giảm sinh lý, suy giảm ham muốn và khả năng tình dục ở cả nam giới lẫn phụ nữ
Viêm niệu đạo bao lâu thì khỏi?
Thực tế cho thấy không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi viêm niệu đạo bao lâu thì khỏi. Nguyên nhân là do không có thời gian điều trị cụ thể cho tình trạng viêm nhiễm niệu đạo cũng như bất kỳ một vấn đề hay bệnh lý nào khác.
Thông thương thời gian điều trị viêm niệu đạo chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó có phác đồ điều trị của bác sĩ, loại thuốc đang sử dụng, mức độ viêm nhiễm, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm), nguy cơ phát sinh biến chứng của mỗi bệnh nhân, tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng với thuốc.
Chính vì thế để rõ hơn về vấn đề bệnh viêm niệu đạo bao lâu thì khỏi, người bệnh cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa, thông báo rõ tình trạng sức khỏe để được kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán mức độ nghiêm trọng và áp dụng phác đồ điều trị do bác sĩ hướng dẫn. Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể giúp bạn rõ hơn về thời gian khỏi bệnh của mình.
Ngoài ra thời gian điều trị bệnh sẽ ngắn hơn so với dự đoán nếu người bệnh có sức đề kháng, hệ miễn dịch và sức khỏe tốt, sử dụng thuốc đúng liều và đúng cách, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh và áp dụng chế độ ăn uống khoa học. Đặc biệt người bệnh nên uống nhiều nước để lợi tiểu và đẩy nhanh quá trình đào thải vi khuẩn ra khỏi niệu đạo.
Ngược lại, thời gian điều trị viêm niệu đạo sẽ dài hơn so với dự đoán nếu bệnh nhân có sức đề kháng, hệ miễn dịch và sức khỏe suy yếu, người bệnh sử dụng thuốc không đúng với thời gian quy định, có thói quen uống ít nước, căng thẳng, thiếu ngủ, ăn uống thiếu khoa học, thường xuyên sử dụng những loại thực phẩm dễ tạo phản ứng viêm và kích thích niệu đạo như thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ, chứa chất bảo quản, thực phẩm cay nóng, món ăn nhiều đường hoặc nhiều muối…
Nên làm gì khi bị viêm niệu đạo?
Khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như tiểu khó, đau khi đi tiểu, thường xuyên cần đi tiểu khẩn cấp, đau khi quan hệ tình dục, có máu trong nước tiểu hoặc trong tinh dịch… người bệnh cần đến bệnh viện, trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Việc sớm điều trị sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt các triệu chứng, khắc phục bệnh lý. Đồng thời giúp phòng ngừa viêm nhiễm lây lan và phát sinh những vấn đề không mong muốn.
Cụ thể một số điều người bệnh nên làm khi bị viêm niệu đạo:
1. Thăm khám cùng với bác sĩ chuyên khoa
Càng để lâu bệnh viêm niệu đạo càng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chức năng sinh sản. Chính vì thế thăm khám cùng với bác sĩ chuyên khoa chính là điều đầu tiên cần thực hiện khi có nghi ngờ mắc bệnh.
Thông thường sau khi được thông báo về tình trạng sức khỏe, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, đồng thời khai thác tiền sử mắc bệnh để xác định bệnh lý và mức độ viêm nhiễm.
Ngoài ra để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và tổn thương thực thể, người bệnh sẽ được chỉ định một số xét nghiệm chẩn đoán. Bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu cho phép bác sĩ tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh cũng như xác định sự tồn tại của một số loại vi khuẩn gây viêm niệu đạo như vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae, chlamydia, vi khuẩn lậu cầu…
- Kiểm tra dịch tiết trong âm đạo/ dương vật: Kiểm tra dịch tiết trong âm đạo/ dương vật dưới kính hiển vi có thể giúp bác sĩ xác định chủng vi khuẩn gây bệnh, khả năng sinh sôi và phát triển bệnh lý. Từ đó giúp xác định mức độ nghiêm trọng và hướng điều trị.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu thường không phổ biến. Tuy nhiên xét nghiệm này sẽ được chỉ định cho những trường hợp bị nghi ngờ viêm niệu đạo do bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là HIV.
Sau khi có kết quả chẩn đoán cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc và đề ra phương pháp điều trị viêm niệu đạo thích hợp.
2. Sử dụng thuốc đúng với chỉ định của bác sĩ
Đa số các bệnh nhân bị viêm nhiễm niệu đạo đều được chỉ định điều trị với thuốc kháng sinh dựa trên những yếu tố sau:
- Bệnh viêm niệu đạo xuất hiện ở dạng đơn thuần hay phức tạp
- Hiệu quả điều trị khi dùng thuốc, chi phí và khả năng đáp ứng với thuốc của người bệnh
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc kháng lại với thuốc kháng sinh hay không
- Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh viêm niệu đạo trước đó.
Thông thường khi điều trị bệnh viêm niệu đạo bằng thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ chia thuốc thành hai nhóm. Bao gồm thuốc điều trị viêm niệu đạo do lậu và thuốc điều trị viêm niệu đạo không do lậu. Chính vì thế mỗi bệnh nhân sẽ được áp dụng phác đồ điều trị riêng biệt.
Thuốc kháng sinh dùng trong điều trị viêm niệu đạo không do lậu
Những loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị bệnh viêm niệu đạo không do lậu gồm:
- Tetracycline: Uống 500mg Tetracycline/ lần x 4 lần/ ngày, sử dụng thuốc liên tục trong 7 ngày.
- Doxycycline: Uống 100mg Doxycycline/ lần x 2 lần/ ngày, sử dụng thuốc liên tục trong 7 ngày.
- Azithromycin: Uống 1 gram thuốc Azithromycin với một liều duy nhất.
Lưu ý: Doxycycline và Tetracycline không được sử dụng để điều trị bệnh viêm niệu đạo cho những trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ hoặc phụ nữ đang mang thai.
Thuốc kháng sinh dùng trong điều trị viêm niệu đạo do lậu
Uống 100mg Doxycycline/ lần x 2 lần/ ngày, sử dụng thuốc liên tục trong 7 ngày. Đồng thời sử dụng Doxycycline kết hợp với những loại thuốc điều trị sau:
- Cefotaxime: Tiêm bắp 1 gram Cefotaxime với một liều duy nhất.
- Spectinomycin: Tiêm bắp 2 gram Spectinomycin với một liều duy nhất.
- Ceftriaxone: Tiêm bắp 250mg Ceftriaxone với một liều duy nhất.
Lưu ý: Điều trị đồng thời cho bạn tình của bệnh nhân bằng phác đồ tương tự, ngay cả khi bạn tình bị nhiễm vi khuẩn lậu hoặc có nghi ngờ.
Khi sử dụng thuốc kháng sinh điều trị bệnh viêm niệu đạo người bệnh cần lưu ý dùng thuốc đúng với chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, dùng thuốc đúng liều và đúng cách. Người bệnh tuyệt đối không dùng kháng sinh bừa bãi vì có thể gây lờn thuốc và làm phát sinh nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Ngoài ra người bệnh cần tái khám đúng với lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra tình trạng sức khỏe, khả năng đáp ứng với thuốc và điều chỉnh phác đồ dùng thuốc nếu cần thiết. Người bệnh cần đảm bảo sử dụng thuốc đúng với thời gian quy định Không tự ý ngừng hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc.
3. Áp dụng chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp
Việc áp dụng chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp là điều vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân bị viêm niệu đạo. Bởi điều này sẽ giúp người bệnh hỗ trợ phòng ngừa viêm nhiễm, nâng cao khả năng điều trị bệnh của các phương pháp và phòng ngừa viêm nhiễm tái phát.
Cụ thể khi mắc bệnh viêm niệu đạo, người bệnh cần áp dụng chế độ sinh hoạt và ăn uống như sau:
Loại bỏ thói quen xấu, áp dụng chế độ sinh hoạt phù hợp
- Không sử dụng thuốc lá, nguyên nhân là do khói thuốc lá có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm niệu đạo và làm ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
- Cần kiêng quan hệ tình dục trong suốt quá trình điều trị nhiễm trùng niệu đạo bị tổn thương và lây lan mầm bệnh cho bạn tình.
- Nên mặc những bộ quần áo rộng rãi, sạch sẽ, khô ráo, có khả năng thấm hút mồ hôi và có chất liệu mềm mại, tránh mặc những bộ quần áo bó sát.
- Không sử dụng nước hoa vùng kín, sữa tắm hoặc dung dịch vệ sinh có chứa chất tẩy rửa mạnh, hương thơm hoặc hóa chất tạo bọt, tạo màu.
- Không tạo áp lực, tránh lo âu và căng thẳng quá mức, không nên làm việc gắng sức khiến cơ thể mệt mỏi.
- Nên tắm rửa, vệ sinh cá nhân và thay quần áo mỗi ngày. Nên dùng dung dịch dịu nhẹ hoặc nước ấm để vệ sinh vùng kín.
- Nên duy trì thói quen luyện tập thể thao, tốt nhất nên dành từ 30 – 60 phút cho việc luyện tập mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng, sức khỏe tổng thể. Từ đó giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả những tác động của vi khuẩn, nấm, virus và ký sinh trùng.
Áp dụng chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng
- Đảm bảo cơ thể được dung nạp đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra người bệnh cần tập trung bổ sung các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu vitamin, probiotic và những loại thực phẩm kháng viêm như tỏi, gừng, nghệ… vào thực đơn ăn uống mỗi ngày. Những loại thực phẩm này có khả năng hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm nhiễm niệu đạo, kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát.
- Nên uống từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để lợi tiểu, thanh lọc cơ thể, đào thải chất độc và tác nhân gây bệnh ra khỏi bàng quang và niệu đạo.
- Hạn chế sử dụng những loại thực phẩm có khả năng kích thích phản ứng viêm ở niệu đạo và gây dị ứng như tôm, cua, thịt đỏ, cá biển và những loại thực phẩm có chứa nhiều protein lạ khác để phòng ngừa bệnh tiến triển theo hướng xấu.
- Phòng ngừa nóng rát niệu đạo bằng cách hạn chế sử dụng cà phê, rượu bia.
- Tránh sử dụng những loại thực phẩm chứa nhiều đường, muối, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, thức ăn cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn và chứa chất bảo quản. Vì đây đều là những loại thực phẩm có khả năng kích thích niệu đạo và gây viêm.
Bài viết là thông tin chi tiết giúp người bệnh hiểu rõ hơn về vấn đề “Viêm niệu đạo bao lâu thì khỏi? Bệnh có tự khỏi được không? Nên làm gì khi bị viêm niệu đạo?”. Từ những thông tin này có thể thấy bệnh viêm niệu đạo không thể tự khỏi mà phải sử dụng thuốc điều trị và hỗ trợ bằng chế độ sinh hoạt và ăn uống. Bên cạnh đó không thể xác định cụ thể thời gian khỏi bệnh. Chính vì thế người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và tư vấn điều trị. Điều này giúp rút ngắn thời gian khắc phục bệnh lý và phòng ngừa biến chứng.
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!