Bệnh viêm thanh quản mãn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm thanh quản mãn tính là hậu quả của tình trạng viêm thanh quản kéo dài do nhiều nguyên nhân, chủ yếu liên quan đến lối sống và sinh hoạt. Bệnh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Để hiểu hơn về căn bệnh nguy hiểm này, đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Viêm thanh quản mãn tính là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Viêm thanh quản mãn tính là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc thanh quản kéo dài trên 3 tuần. Quá trình này có thể dẫn tới quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản. So với viêm thanh quản cấp tính, viêm thanh quản mãn tính là một rối loạn dai dẳng hơn, tạo ra khàn giọng kéo dài và thay đổi giọng nói khác. Bệnh thường không gây đau và không có dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng. Việc điều trị bệnh tốn khá nhiều thời gian, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, phác đồ điều trị và sức khỏe người bệnh.
Viêm thanh quản mãn tính có nguy hiểm không? – Thông thường sẽ không gây nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu người bệnh không điều trị sớm, các triệu chứng dai dẳng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn tăng nguy cơ phát sinh nhiều bệnh lý nguy hiểm. Cụ thể là:
- Tổn thương dây thanh âm: do bị kích thích liên tục trong thời gian dài.
- Hình thành polyp thanh quản.
- Mất giọng vĩnh viễn
- Viêm phế quản, viêm phổi hay gặp trong viêm thanh quản mãn tính do trào ngược dạ dày thực quản
- Ung thư thanh quản: có thể lấy đi giọng nói và đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh viêm thanh quản mãn tính
Khác với viêm thanh quản mãn tính gây ra bởi các nhiễm trùng, viêm thanh quản mãn tính là tình trạng tổn thương do tiếp xúc với các chất kích thích theo thời gian. Bao gồm:
- Lạm dụng giọng nói: Viêm phế quản có thể gặp nhiều ở những người phải nói quá nhiều hoặc quá to như giáo viên, ca sĩ, diễn viên, luật sư… và bất cứ ai phải la hét to trong công việc. Ngay cả trẻ em cũng có thể bị viêm dây thanh quản mãn tính do la hét trong vui chơi, sử dụng thanh quản sai cách trong luyện tập hợp xướng, cổ vũ.
- Hút thuốc lá: Khói thuốc lá gây kích ứng thanh quản, gây sưng, viêm, phù nề dây thanh âm và có thể làm giảm cao độ của giọng nói hoặc khiến âm thanh phát bị khàn, gắt.
- Uống rượu nhiều: Rượu cũng gây ra những kích thích lên dây thanh quản.
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Axit từ dạ dày chảy ngược vào thực quản và cổ họng gây kích ứng thanh quản. Hiện tượng này thường trầm trọng hơn khi nằm xuống nên triệu chứng khàn giọng thường rõ nét vào buổi sáng mới thức dậy. Người bệnh viêm thanh quản mãn tính do GERD thường không có các triệu chứng ợ nóng, khó tiêu mà thay vào đó là dấu hiệu đau rát họng, cảm giác khó chịu khi nuốt, nuốt vướng, ho dai dẳng.
- Do hóa chất hoặc bụi bẩn.
- Do vi khuẩn, virus và nấm
- Do bệnh rối loạn tự miễn: Một số rối loạn tự miễn cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh như viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, bệnh u hạt Wegener…
Triệu chứng viêm thanh quản mãn tính
Triệu chứng điển hình và phổ biến nhất của bệnh là khàn giọng. Biểu hiện và mức độ của các triệu chứng kèm theo phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm thanh quản mãn tính, bao gồm:
- Đau rát cổ họng, khô ngứa họng
- Cảm giác vướng trong cổ họng
- Khàn giọng, mất tiếng
- Ho khan, ho dai dẳng
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Nuốt vướng, khó nuốt
- Tăng tiết chất nhầy trong cổ họng
Người bệnh cần đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng dưới đây:
- Khó thở
- Ho ra máu
- Sốt kéo dài, không đáp ứng với thuốc hạ sốt
- Đau họng tăng dần
Với trẻ nhỏ, tình trạng viêm thanh quản giai đoạn mãn tính thường khó nhận biết và gây nhiều nguy hiểm hơn. Cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng của trẻ và cho bé đến gặp bác sĩ khi:
- Thở rít ngay cả khi nằm nghỉ
- Khó thở
- Khó nuốt
- Sốt cao hơn 39,5 độ C
Các triệu chứng bệnh thường kéo dài hằng tuần, thậm chí hằng tháng. Điều này gây nhiều cản trở và khó chịu cho người bệnh trong đời sống sinh hoạt và công việc.
Chẩn đoán xác định viêm thanh quản mãn tính
Chẩn đoán viêm thanh quản mãn tính thường được thực hiện bằng cách đánh giá các triệu chứng lâm sàng kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng và kiểm tra cổ họng.
Sau đó, bệnh nhân có thể được chỉ định nội soi thanh quản để đánh giá tình trạng tổn thương. Bên cạnh đó, để phân biệt với các bệnh lý có liên quan, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác như X quang, CT hoặc cộng hưởng từ, xét nghiệm máu, sinh thiết mẫu mô thanh quản…
Quá trình kiểm tra và đánh giá cần được thực hiện càng sớm càng tốt để nâng cao hiệu quả điều trị, phòng ngừa và hạn chế biến chứng xảy ra.
Viêm thanh quản mãn tính có chữa được không? Điều trị như thế nào?
Viêm thanh quản mãn tính có chữa được không? – Việc điều trị bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ biểu hiện của bệnh. Nếu viêm thanh quản do trào ngược dạ dày thực quản thì cần điều trị trào ngược trước tiên. Nếu viêm thanh do nhiễm khuẩn thì cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nguyên tắc của việc điều trị này là kết hợp các phương pháp điều trị y khoa kết hợp chăm sóc tại nhà.
Điều trị dùng thuốc
Mục đích của việc dùng thuốc là giải quyết nguyên nhân và cải thiện các triệu chứng bệnh. Các nhóm thuốc bác sĩ có thể kê cho người bệnh gồm:
- Thuốc chống viêm Alphachymotrypsin
- Corticoid chống viêm, chống phù nề: Dexamethason, Methylprednisolon, …
- Kháng Histamin H1 giảm kích ứng cổ họng
- Thuốc kháng sinh: nếu viêm thanh quản do vi khuẩn
- Thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản nếu viêm thanh quản do GERD
- Thuốc giảm đau, khí dung phế quản để giảm sung huyết, phù nề, làm dịu cổ họng, thuốc giảm ho…
Các biện pháp chăm sóc tại nhà
- Uống nhiều nước, tốt nhất là nước ấm để tống chất nhầy, làm sạch cổ họng, làm dịu cổ họng, giảm kích ứng, giảm ho.
- Bỏ hút thuốc lá, tránh xa môi trường có nhiều khói thuốc lá
- Bỏ qua các thức uống có chứa chất kích thích như cồn, cafein vì chúng có thể làm mất nước, khô cổ họng, làm nặng thêm các triệu chứng viêm thanh quản
- Tránh các thức ăn cay nóng, chứa gia vị kích thích như tiêu, ớt, mù tạt…
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây…
- Vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để cân bằng độ ẩm không gian sinh hoạt, giúp người bệnh dễ chịu hơn
- Hạn chế sử dụng giọng nói, không nên nói to, la hét, nói nhiều hay gắng sức
- Tránh xa môi trường có nhiều hơi hóa chất độc hại, đeo khẩu trang khi ra ngoài
Liệu pháp luyện giọng
Tùy vào mức độ tổn thương của thanh quản ảnh hưởng đến giọng nói, các chuyên gia có thể đề xuất phối hợp cùng bệnh nhân tìm ra các phương thức luyện giọng thích hợp.
Việc luyện tập sẽ giúp thanh âm trở nên mềm mại, uyển chuyển, cải thiện chất lượng giọng nói, hạn chế gây tổn thương lên dây thanh quản. Việc luyện tập cũng cần ý chí kiên trì và thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia.
Phẫu thuật
Phẫu thuật mở thanh quản thường là lựa chọn điều trị cuối cùng, chỉ được cân nhắc khi bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa. Ngoài ra, phẫu thuật còn được chỉ định trong một số trường hợp cụ thể như:
- Hạt xơ thanh quản
- U thanh quản
- Polyp thanh quản
- Viêm thanh quản bị phù Reinke
Phẫu thuật thanh quản có thể mang lại hiệu quả tốt nhưng nó yêu cầu kỹ thuật khá cao. Quá trình phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể khiến bệnh nhân bị tổn thương dây thanh quản, gây mất tiếng vĩnh viễn.
Cách phòng ngừa bệnh viêm thanh quản mãn tính
Cùng với việc điều trị mọi người nên chủ động phòng tránh nguy cơ mắc bệnh. Bệnh lý này hoàn toàn thể phòng tránh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống hàng ngày. Cụ thể là:
- Ngừng hút thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc lá
- Tránh sử dụng giọng nói quá mức cần thiết
- Kiểm soát, hạn chế sử dụng rượu và cà phê
- Rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể sạch sẽ tránh xa các tác nhân gây bệnh
- Uống nhiều nước lọc, hạn chế sử dụng nhiều nước uống, thức ăn quá lạnh
- Bảo vệ cổ họng, đeo khẩu trang, giữ ấm khi đi ra ngoài
- Khi bị viêm thanh quản cấp tính cần điều trị triệt để, tránh bị chuyển nặng thành viêm thanh quản mãn tính
- Điều trị triệt để các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm, cảm lạnh hoặc các bệnh viêm đường hô hấp khác
- Tiêm chủng vắc xin đầy đủ theo lịch
- Khám sức khỏe định kỳ
Viêm thanh quản mãn tính là bệnh lý cần được điều trị sớm và triệt để để tránh những biến chứng nguy hiểm ngoài ý muốn. Mỗi người chúng ta nên chủ động phòng bệnh từ những điều nhỏ nhất. Khi đã mắc bệnh, cần sớm đi khám và điều trị theo đúng phác đồ và hướng dẫn của các bác sĩ.
Ngày Cập nhật 29/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!