An Tức Hương - Tác Dụng Cây Thuốc Và Cách Dùng Trị Bệnh

An tức hương là phần nhựa cứng của cây bồ đề. Dược liệu có màu nâu hoặc vàng nhạt và có mùi thơm vani. Trong Đông y, vị thuốc này thường được sử dụng để trừ tà khí, hoạt huyết, chỉ thống, điều huyết, an thần,…  trong các trường hợp trúng tà khí, trúng phong. Tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm những công dụng khác của dược liệu này.

An tức hương còn được gợi là Cánh kiến trắng, Tịch tà, Mệnh môn lục sự - Là phần nhựa cứng của cây bồ đề
An tức hương còn được gợi là Cánh kiến trắng, Tịch tà, Mệnh môn lục sự – Là phần nhựa cứng của cây bồ đề

Tên gọi – Phân loại

  • Tên gọi khác: Bồ đề, Cánh kiến trắng, Thiên kim mộc chi, Thoán hương, Tiện khiên ngưu, Tịch tà, Mệnh môn lục sự, Chuyết bối la hương,…
  • Danh pháp khoa học: Styrax Tonkinensis (Pier.) Craib.
  • Họ: Thuộc họ Bồ đề (Styracaceae)

Đặc điểm sinh thái

Mô tả: An tức hương là phần nhựa cứng của cây bồ đề – đây là một loại cây thân gỗ, khi trưởng thành, cây có thể cao lên tới 20 mét. Lá mọc so le có hình quả trứng, nhọn phần đầu và tù ở phía gốc, cuống lá ngắn. Mặt lá trên nhẵn, bóng và mặt dưới của lá có nhiều lông tơ. Hoa của cây bồ đề có màu trắng và mọc thành chùm với mỗi chùm khoảng 20 – 25 bông, nhụy hoa màu vàng và có mùi thơm. Cây có quả hình cầu và mặt ngoài của quả có hông hình sao.

Phân bố: Loại dược liệu này thường được tìm thấy nhiều ở các tỉnh thành khu vực phía bắc nước ta như: Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Hà Tuyên và một số tỉnh thành khác.

Hình ảnh cây bồ đề
Hình ảnh cây bồ đề

Bộ phận dùng, thu hoạch, chế biến và cách bảo quản

Bộ phận dùng: Dùng phần nhựa của cây bồ đề để làm thuốc.

Thu hoạch: Thu hoạch những phần nhựa màu vàng nhạt, đỏ nhạt hoặc nâu, trên mặt bẻ ngang có màu trắng sữa và xen kẽ màu nâu bóng, cứng, có mùi thơm. Thu hoạch quanh năm, thích hợp nhất là vào tháng 6, tháng 7, bởi đây là thời điểm cây bồ đề cho ra nhiều phần nhựa nhất. Nên lựa chọn những cây trên 5 tuổi.

Chế biến: Phân loại những phần nhựa vừa mới thu hoạch thành 2 loại: loại tốt (có mùi thơm vani) và loại kém (lẫn nhiều tạp chất). Đem những phần nhựa loại tốt ngâm vào rượu và tiến hành đun sôi cho phần nhựa tan hết. Tắt bếp và cho toàn bộ phần nhựa thả vào trong nước cho đến khi phần nhựa cứng lại là được, sau đó vớt lên và đem phơi khô.

Cách bảo quản: Bảo quản dược liệu An tức hương ở nơi thoáng mát, tránh cất trữ dược liệu ở nơi ẩm ướt. Tốt nhất nên bảo quản trong bọc kín để sử dụng được lâu dài.

Thành phần hóa học của dược liệu An tức hương

Trong dược liệu An tức hương của Việt Nam có chứa các thành phần chính sau:

  • Chất keo;
  • Acid siaresinolic;
  • Cinnamyl benzoate;
  • Coniferyl benzoate;
  • Lubanyl benzoate;
  • Phenylpropyl cinnamate;
  • Vanillin.

Mặt khác, dược liệu An tức hương của Trung Quốc có chứa các thành phần hoạt chất sau:

  • Chất keo;
  • Tinh dầu quế;
  • Acid benzoic;
  • Acid sumaresinolic;
  • Benzaldebyde;
  • Coniferyl cinnamate;
  • Cimanyl cinnamate;
  • Lubanyl cinnamate;
  • Phenylpropyl cinnamate;
  • Styracin;
  • Styrene;
  • Vanillin.
Hình ảnh thu hoạch phần nhựa của cây bồ đề (An tức hương)
Hình ảnh thu hoạch phần nhựa của cây bồ đề (An tức hương)

Tính vị và quy kinh dược liệu An tức hương

Tính vị:

  • Vị cay, đắng và tính ấm (theo Trung Dược Đại Từ Điển)
  • Vị cay, đắng và tính ấm (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
  • Vị cay, đắng, không độc và tính bình (theo Đường Bản Thảo)
  • Vị cay, đắng, hơi ngọt, không độc và tính bình (theo Bản Kinh Phùng Nguyên)

Quy kinh:

  • Kinh Tâm, Can và Tỳ (theo Trung Dược Học)
  • Thủ Thiếu âm Tâm kinh (theo Bản Thảo Kinh Sơ)
  • Kinh Tâm và Tỳ (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
  • Kinh Tâm và Tỳ (theo Bản Thảo Tiện Độc)
  • Thủ Thái âm Phế, túc Quyết âm Can kinh (theo Ngọc Quyết Dược Giải)

Tác dụng dược lý của An tức hương

Theo nghiên cứu của nền y học hiện đại: Chưa có tài liệu nào báo cáo về vấn đề này.

Theo Y học cổ truyền:

  • An thần, trừ tà, khai khiếu, hành khí huyết (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển);
  • Ấm thận, trừ ác khí (theo Hải Dược Bản Thảo);
  • Khai khiếu, thanh thần, chỉ thống, hoạt huyết và hành khí (theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển);
  • Hành khí, hạ khí, an thần, phá phục, tuyên hành khí huyết (theo Bản Thảo Tùng Tân).

Chủ trị:

An tức hương được sử dụng để điều trị các triệu chứng sau:

  • Di tinh ở nam giới;
  • Ngực và bụng bị ác khí;
  • Huyết tà, hoắc loạn;
  • Huyết vận ở phụ nữ sau khi sinh;
  • Trúng phong;
  • Phong thấp, đau nhức xương khớp, đau lưng;
  • Tim đau đột ngột;
  • Ói nghịch;
  • Trẻ em bị động kinh, kinh phong.
An tức hương thường được sử dụng để trừ tà khí, hoạt huyết, chỉ thống, điều huyết, an thần,...  trong các trường hợp trúng tà khí, trúng phong
An tức hương thường được sử dụng để trừ tà khí, hoạt huyết, chỉ thống, điều huyết, an thần,…  trong các trường hợp trúng tà khí, trúng phong

Cách dùng và liều dùng An tức hương

Cách dùng: Dùng An tức hương để tán thành bột mịn, sắc lấy nước dùng hoặc dùng để xông hơi.

Liều dùng: Mỗi ngày sử dụng khoảng 4 – 8 gram và có thể thay đổi tùy theo từng bệnh lý và từng bài thuốc.

An tức hương và những bài thuốc hay từ dược liệu này

Một số bài thuốc từ dược liệu An tức hương, bạn đọc có thể tham khảo:

1. Bài thuốc từ An tức hương trị trúng ác khí, trúng phong (theo Phương Mạch Chính Tông)

  • Chuẩn bị: An tức hương, Thạch xương bồ và Sinh khương mỗi vị 4 gram, 8 gram Qủy cửu, Đơn sa, Nhũ hương và Hùng hoàng mỗi vị 4.8 gram, 3.2 gram Tê giác cùng với 2 gram Ngưu hoàng.
  • Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc cùng với một lượng nước vừa đủ. Tiến hành sắc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn phân nửa là được. Chắc lọc lấy phần nước vừa mới sắc được và chia thành 3 phần nhỏ để sử dụng trong ngày. Nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm.

2. Bài thuốc từ An tức hương trị đau tim đột ngột, tim đập nhanh kinh niên (theo Thế Y Đắc Hiệu Phương)

  • Chuẩn bị: An tức hương.
  • Cách thực hiện: Mang An tức hương tán thành bột mịn rồi cất trữ trong hũ thủy tinh để sử dụng. Mỗi lần sử dụng 2 gram cùng với một ly nước ấm. Ngày sử dụng 2 lần vào mỗi buổi sáng và tối.

3. Bài thuốc từ An tức hương trị chứng hàn thấp, hoắc loạn thể ẩm, lãnh khí (theo Bản Thảo Hối Ngôn)

  • Chuẩn bị: 4 gram An tức hương cùng với Nhân sâm và Phụ tử mỗi vị 8 gram.
  • Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc để lấy nước dùng. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.

4. Bài thuốc từ An tức hương trị phong thấp, đau nhức xương khớp ở người già và người trẻ (theo Thánh Huệ Phương)

  • Chuẩn bị: 80 gram An tức hương cùng với 160 gram thịt nạc heo.
  • Cách thực hiện: Thịt nạc heo cần được làm sạch rồi thái thành từng lớp mỏng. Sau đó, cho tiếp phần An tức hương vào trộn đều. Cho hỗn hợp vào trong ống hoặc bình rồi để lên lò rồi bắt ngọn lửa lớn. Lưu ý, bạn nên đặt một miếng đồng để An tức hương cháy ở phía trên.Đục một lỗ trên ống để khói bốc ra lỗ ấy mà người bệnh tiến hành xông hơi để trị chứng đau nhức xương khớp, phong thấp.

5. Bài thuốc từ An tức hương trị chứng huyết trướng, huyết vận, cấm khẩu ở phụ nữ sau khi sinh (theo Bản Thảo Hối Ngôn)

  • Chuẩn bị: 4 gram An tức hương cùng với 20 gram Ngũ linh chi.
  • Cách thực hiện: Mang hai nguyên liệu đã được chuẩn bị tán thành bột mịn rồi trộn đều. Sau đó, đem cất trữ trong bao bì kín để sử dụng dần. Dùng mỗi lần 4 gram cùng với nước gừng sao.

6. Bài thuốc từ An tức hương trị vú bị nứt nẻ (theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

  • Chuẩn bị: 20 gram An tức hương và cồn 80º.
  • Cách thực hiện: Đem An tức hương ngâm cùng với cồn trong vòng 10 ngày, thi thoảng cần lắc nhẹ chai để thuốc thấm đều. Sau 10 ngày ngâm là có thể sử dụng. Mỗi lần sử dụng một ít để thoa lên vùng vú, ngực bị nứt nẻ.

7. Bài thuốc từ An tức hương trị chứng kinh phong do tà ở trẻ nhỏ (theo Kỳ Hiệu Lương Phương)

  • Chuẩn bị: An tức hương có kích thước to bằng hạt đậu.
  •  
  • Cách thực hiện: Đốt An tức hương để cho trẻ xông hơi.

8. Bài thuốc từ An tức hương trị chứng đau bụng, chân co rút ở trẻ em khiến cho trẻ quấy khóc (theo An Tức Hương Hoàn – Toàn Ấu Tâm Giám)

  • Chuẩn bị: An tức hương, Mộc hương, Trầm hương, Đình hương, Hoắc hương và Bát giác hồi hương mỗi vị 12 gram cùng với Cam thảo (chích), Súc sa nhân và Hương phụ tử mỗi vị 20 gram.
  • Cách thực hiện: Đem An tức hương chưng với rượu cao và tiến hành chưng có đến khi thành cao. Các nguyên liệu còn lại cần được tán nhuyễn, sau đó đem trộn cùng với An tức hương và một ít mật để hoàn thành viên. Mỗi ngày sử dụng 8 gram, dùng thuốc cùng với nước sắc lá tía tô.

9. Bài thuốc từ An tức hương trị chứng hôn mê, co giật do bị sốt cao

  • Chuẩn bị: An tức hương, Tê giác, Thiên trúc hoàng, Nhân sâm, Ngưu hoàng, Hùng hoàng, Xạ hương, Băng phiến, Chế nam tinh, Đại mao, Chu sa, Hổ phách với liều lượng bằng nhau.
  • Cách thực hiện: Đem các vị thuốc đã được liệt kê trên tán thành bột mịn và cất trữ trong bao bì kín để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng 2 – 4 gram hòa cùng với nước ấm. Dùng thuốc mỗi ngày 1 – 2 lần.

10. Bài thuốc từ An tức hương giúp oan thông, hóa trọc, giải uất, khai khiếu, dùng cho các trường hợp trúng phong

  • Chuẩn bị: An tức hương, Chu sa, Tê giác, Tỳ bạt, Xạ hương, Bạch truật, Đinh hương, Hương phụ, Kha tử, Bạch đàn hương, Bạch đàn hương và Trầm hương mỗi vị 40 gram cùng với Băng phiến, Dầu tô hợp hương và Nhũ hương mỗi vị 20 gram.
  • Cách thực hiện: Đem các vị thuốc trừ Băng phiến, Dầu tô hợp hương và Xạ hương tán thành bột mịn. 3 nguyên liệu đã được để riêng đem nghiền nát. Trộn đều hai hỗn hợp, thêm một ít mật ong rồi hoàn thành viên với kích thước mỗi viên nặng 2 gram. Mỗi lần sử dụng 1 – 2 viên cùng với nước ấm, dùng mỗi ngày 1 – 2 lần.

11. Bài thuốc từ An tức hương trị chứng động kinh ở trẻ nhỏ do tà khí

  • Chuẩn bị: An tức hương có kích thước bằng hạt đậu.
  • Cách thực hiện: Đem An tức hương đốt trên lửa để dược liệu tỏa mùi thơm rồi đem xông cho trẻ.
An tức vương và những bài thuốc chữa bệnh hay được giới Y học cổ truyền ghi nhận
An tức vương và những bài thuốc chữa bệnh hay được giới Y học cổ truyền ghi nhận

Những điểm cần lưu ý khi sử dụng dược liệu An tức hương

Các đối tượng dưới đây tuyệt đối không được sử dụng các bài thuốc từ An tức hương:

  • Dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần hoạt chất có trong dược liệu An tức hương. Điều này có thể làm gia tăng một số tác dụng phụ gây bất lợi cho sức khỏe;
  • Âm hư hỏa vượng (theo Trung Dược Đại Từ Điển);
  • Khi hư, âm hư hỏa vượng, ăn không ngon miệng (theo Bản Thảo Phùng Nguyên);
  • Các bệnh lý không liên quan đến ác khí (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Bài viết đã xoay quanh vấn đề dược liệu An tức hương và những bài thuốc chữa bệnh hay từ dược liệu này. Bạn đọc có thể tham khảo và lưu trữ để sử dụng khi thực sự cần thiết. Tuy nhiên, loại dược liệu này chưa được giới dược lý hiện đại nghiên cứu và đưa ra báo cáo chính thức về nội dung công dụng. Chính vì vậy, bạn đọc không được tự ý sử dụng khi chưa có sự cho phép của bác sĩ hay lương y.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm:

Ngày Cập nhật 03/06/2024

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *