Anh Túc Xác - Đặc Điểm, Công Dụng Và Cách Dùng
Anh túc xác là phần vỏ quả khô của cây thuốc phiện (hay còn gọi là cây A phiến) – đây là một trong số loại cây bị Chính phủ cấm trồng do phần nhựa của cây là một loại chất gây nghiện làm hại đến sức khỏe người sử dụng. Chính vì vậy, đã không ít người không để ý nhiều đến công dụng của phần vỏ khô của cây thuốc phiện (anh xúc tác). Trong Y học cổ truyền, loại dược liệu này có vị chua, tính sáp hơi lạnh, có tác dụng điều trị bệnh di tinh, đau bụng, lỵ, ho lâu ngày không khỏi,…
Tên gọi khác – Phân loại
- Tên gọi khác: Cây thuốc phiện, A tử túc, A phiến, Cù túc xác, Anh tử xác, Túc xác, Yên đầu đầu, Nha phiến yên quả quả, Phù dung, Giới tử xác, Mễ nang, Mễ xác, Oanh túc xác,…
- Danh pháp khoa học: Fructus paraveris Deseminatus
- Tên tiếng Trung: 虞美人
- Họ: Thuộc họ Thuốc phiện (Papaveraceae)
Đặc điểm sinh thái anh túc xác
Mô tả dược liệu: Anh túc xác là phần quả của cây thuốc phiện. Chúng có hình cầu hoặc trụ dài khoảng 5 – 7 cm với đường kính khoảng 3 – 6cm. Khi chín chúng chuyển sang màu vàng xám và cuống sẽ có khả năng phình to ra. Đỉnh quả có núm. Nếu rạch phần quả sẽ thấy khá nhiều phần hạt nhỏ màu đen hoặc xám đen có hình dạng giống quả thận.
Phân bố: Cây thuốc phiện là loại cây thân thảo, có tuổi thọ cao nhất chỉ 2 năm, sống chủ yếu ở những vùng núi cao. Loại cây này có nguồn gốc ở nước Ấn Độ và một số nước khác trên thế giới như Hy Lạp, Iran hoặc Trung Á. Loại cây này đã từng xuất hiện khá nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Nhưng hiện nay, cây thuốc phiện đã cấm trồng do phần nhựa của cây là nguyên liệu chính để làm nên thuốc phiện.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
Bộ phận dùng: Vỏ quả khô.
Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch là vào tháng 4 – 5 hàng năm và chỉ nên thu hái khi trời nắng hoặc trời khô ráo.
Chế biến: Đem những phần quả anh túc xác vừa mới thu hoạch rửa qua nhiều lần với nước sạch để loại bỏ lớp bụi bẩn, sau đó loại bỏ hết phần hạt nhỏ bên trong và gân màng, chỉ lấy phần vỏ ngoài. Đem phần cỏ ngoài cắt thành từng đoạn mỏng rồi đem phơi trong bóng râm hoặc sấy khô, sau đó tẩm mật sao hoặc tẩm giấm sao vàng.
Cách bảo quản: Bảo quản dược liệu trong bọc kín và cất trữ ở nơi thoáng mát, khô ráo để tránh tình trạng ẩm mốc, thi thoảng nên lấy ra phơi nắng.
Thành phần hóa học của anh túc xác
Theo sự ghi nhận của Trung Dược Học, trong anh túc xác có chứa các thành phần sau: Morphin, Codein, Thebain, Narcotin, Narcotolin, Cedoheptulose, Cholin, Cryptop D – Mannoheptulose, Erythritol, Myoinositol, Sanguinarin, Norsanguinarin, Protopine,…
Theo Trung Dược Đại Từ Điển, trong dược liệu anh túc xác có chứa các thành phần điển hình sau: Cryptoplne, Narcotoline, Sedoheptulose, D – Mannoheptulose, Erythritol, Sanguinarine, Myoinositol, Norsanguinarine,…
Tính vị và quy kinh của anh túc xác
Tính vị:
- Vị chua, tính bình (theo Trung Dược Đại Từ Điển)
- Vị chua, tính sáp, hơi lạnh, có độc (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
- Vị chua, tính sáp (theo Y Học Khải Nguyên)
- Vị chua, tính sáp, hơi lạnh, không độc (theo Bản Thảo Cương Mục)
- Vị chua, tính sáp, tính bình (theo Bản Thảo Tùng Tân)
Quy kinh:
- Kinh Phế, Thận và Đại trường (theo Trung Dược Đại Từ Điển)
- Kinh Phế, Thận và Đại trường (theo Bản Thảo Cầu Chân)
- Kinh túc quyết âm Can (theo Đắc Phối Bản Thảo)
Tác dụng dược lý của dược liệu anh túc xác
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Có tác dụng giảm đau: Thành phần hoạt chất Morphin có trong dược liệu anh túc xác chiếm khá lớn, chúng đóng vai trò là một loại chất giảm đau;
- Có tác dụng thôi miên: Trong anh xúc tác có chứa một lượng hợp chất gây mê là Morphin và Codein nhưng chỉ có tác dụng gây ngủ nhẹ;
- Ức chế mạnh lên hệ hô hấp, ức chế cơn ho;
- Thành phần hoạt chất Morphin có trong anh túc xác gây giãn nở mạch ngoại vi và giải phóng histamin, có thể dẫn đến tình trạng huyết áp thấp. Vì thế, cần hết sức thận trọng khi sử dụng dược liệu cho các đối tượng mệt lả người do thiếu máu;
- Gia tăng trường lực giữa đường tiểu và cơ bàng quang;
- Thành phần hoạt chất Morphin nếu được sử dụng ở liều thấp có thể gây ra tình trạng táo bón (do thành phần Morphin làm tăng trương lực và thúc đẩy quá trình làm co cơ thành ruột, đồng thời làm giảm dịch nội tiết tiêu hóa, gây sức ép lớn lên ống mật).
Theo Y học cổ truyền:
- Giảm ho;
- Trị chứng di tinh ở nam giới;
- Trị lỵ thông thường, lỵ lâu ngày không khỏi;
- Chữa các cơn ho: ho lâu ngày không khỏi, ho ra máu, ho mãn tính, suyễn,…;
- Cố thận;
- Cố thu chính khí.
Cách dùng và liều lượng sử dụng anh túc xác
Cách dùng: Dùng ở dạng thuốc sắc hoặc tán thành bột rồi hoàn thành viên để sử dụng.
Liều dùng: Dùng 6 – 12 gram/ ngày. Tuy nhiên, liều lượng có thể thay đổi tùy vào từng đối tượng và bệnh lý đang mắc phải.
Một số bài thuốc từ dược liệu anh túc xác
Dưới đây là một số bài thuốc hay từ dược liệu anh túc xác, bạn đọc có thể tham khảo và lưu lại để sử dụng khi cần thiết:
1. Bài thuốc từ anh túc xác trị chứng ho lâu ngày không khỏi (theo Thế Y Đắc Hiệu Phương)
- Nguyên liệu: Anh túc xác.
- Cách thực hiện: Dược liệu anh túc xác cần được tách bỏ gân rồi đem nướng mật, sau đó tán thành bột mịn. Cho những phần bột đã được tán mịn vào trong hũ thủy tinh có nắp đậy để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng 2 gram cùng với nước pha mật.
2. Bài thuốc từ anh túc xác chữa lao, hen suyễn, đổ mồ hôi trộm, chứng ho lâu ngày không khỏi (theo Tiểu Bách Lao Tán Tuyên Minh Phương)
- Nguyên liệu: 100 gram anh túc xác cùng với 20 gram ô mai.
- Cách thực hiện: Anh túc xác cần được cắt bỏ phần đế và màng, rồi đem sao cùng với giấm. Sau đó đem trộn cùng với phần ô mai đã được chuẩn bị, đem tán thành bột mịn và cất trữ trong hũ thủy tinh có nắp đậy để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng 8 gram cùng với ly nước ấm. Người bệnh nên sử dụng thuốc trước khi đi ngủ buổi tối.
3. Bài thuốc từ anh túc xác trị kiết lỵ (theo Bách Trung Tán – Bách Nhất Tuyển Phương)
- Nguyên liệu: Anh túc xác bà hậu phác với liều lượng bằng nhau.
- Cách thực hiện: Anh túc xác cần được cắt bỏ phần núm trên và dưới, rồi đập dập, sau đó đem nướng cùng với một ít mật cho hơi đỏ. Còn hậu phác, cần được tách bỏ vỏ rồi ngâm cùng với nước cốt gừng qua đêm, sau đó đem nướng. Khi toàn bộ nguyên liệu đã qua khâu sơ chế, tiếp tục đem tán thành bột mịn để sử dụng với mỗi ngày dùng khoảng 8 – 12 gram cùng với nước cơm.
4. Bài thuốc từ anh túc xác trị chứng lỵ lâu ngày không khỏi
Cách số 1: Theo Y Học Nhập Môn
- Nguyên liệu: 350 – 400 gram anh túc xác.
- Cách thực hiện: Mang anh túc xác tách bỏ lớp màng rồi chia thành 3 phần nhỏ: một phần để sống, một phần sao với giấm, phần còn lại sao với mật. Đem toàn bộ những phần anh túc xác đã được sơ chế trộn đều rồi tán thành bột mịn, sau đó thêm một ít mật rồi hoàn thành viên. Mỗi ngày sử dụng 8 – 12 gram để uống cùng với nước cơm.
Cách số 2: Theo Bản Thảo Cương Mục
- Nguyên liệu: Anh túc xác.
- Cách thực hiện: Mang anh túc xác tách bỏ lớp màng rồi nướng cùng với giấm. Sau đó, tán thành bột mịn, thêm một ít mật rồi hoàn thành viên. Mỗi ngày sử dụng 6 – 8 gram cùng với nước gừng tươi sắc.
5. Bài thuốc từ anh túc xác trị thủy tả không cầm
- Nguyên liệu: 1 quả anh túc xác cùng với đại táo và ô mai nhục mỗi vị 10 quả.
- Cách thực hiện: Đem các nguyên liệu vừa được chuẩn bị sắc cùng với 1 thấu nước. Tiến hành đun cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng phân nửa là có thể tắt bếp. Chắt lọc lấy phần nước và chia thành 2 phần nhỏ để sử dụng hết trong ngày. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
6. Bài thuốc từ anh túc xác trị thổ tả, bạch lỵ, chán ăn, ăn không ngon miệng dẫn đến sụt cân (theo Anh Túc Tán – Phổ Tế Phương)
- Nguyên liệu: Anh túc xác (sao), kha tử (nướng bỏ hạt) và trần bì (sao) mỗi vị 40 gram cùng với sa nhân và chích thảo mỗi vị 8 gram.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị tán thành bột mịn và cất trữ trong bọc kín để sử dụng dần. Mỗi ngày sử dụng 8 – 12 gram cùng với nước cơm, bạn nên chia thành nhiều lần để sử dụng trong ngày.
7. Bài thuốc từ anh túc xác trị chứng xích bạch lỵ ở trẻ nhỏ (theo Toàn Ấu Tâm Giám Phương)
- Nguyên liệu: Anh túc xác và binh lang mỗi vị 20 gram.
- Cách thực hiện: Đem anh túc xác sao cùng với giấm, tán nhỏ rồi sao qua. Còn binh lang cũng được sao cho hơi đỏ rồi nghiền nhỏ. Mang hai nguyên liệu đã được sơ chế tán thành bột mịn rồi cất trữ trong hũ thủy tinh có nắp đậy để sử dụng dần. Nếu trẻ bị xích lỵ thì cho trẻ uống cùng với mật ong, nếu trẻ bị bạch lỵ thì cho trẻ uống cùng với nang đường.
Sử dụng dược liệu anh túc xác cần lưu ý đến những vấn đề gì?
Để việc sử dụng bài thuốc từ anh túc xác không gặp phải vấn đề gì, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Các đối tượng bị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu anh túc xác cần hết sức lưu ý khi sử dụng, tốt nhất là không nên sử dụng để phòng tránh tình trạng gặp phải những tác dụng phụ ngoài ý muốn có thể xảy ra;
- Những trường hợp vừa xuất hiện các triệu chứng ho hay mới bị lỵ thì không nên dùng anh túc xác;
- Không sử dụng bài thuốc từ anh túc xác cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi;
- Các đối tượng thường xuyên mệt mỏi, tay chân hay bủn rủn, chân khí suy có thực tà, con gái đang ở độ tuổi dậy thì, người già có vấn đề về gan thận không được khuyến cáo sử dụng dược liệu anh túc xác;
- Không sử dụng đồng thời dược liệu anh túc xác cùng với các loại thuốc hay đồ uống dưới đây, bởi việc sử dụng đồng thời có thể gây nên một số tương tác gây bất lợi cho sức khỏe:
- Muối sắt;
- Các loại đồ uống có cồn: bia, rượu,…
- Thuốc chống viêm loét;
- Thuốc Lorazepam;
- Thuốc Diazepam;
- Thuốc Codeine;
- Thuốc điều trị bệnh trầm cảm.
Trên đây là những thông tin liên quan đến dược liệu anh túc xác và những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng. Tuy nhiên, những thông tin về anh túc xác vừa được chúng tôi chia sẻ chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế lời khuyên hay tư vấn từ bác sĩ. Chính vì vậy, bạn đọc không được tự ý sử dụng loại dược liệu này khi chưa có sự cho phép.
Có thể bạn đọc chưa biết:
Ngày Cập nhật 12/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!