Bà bầu bị viêm da dị ứng nên kiêng gì và điều trị thế nào?
Các kết quả thống kê cho biết có gần 50% phụ nữ đang mang thai bị viêm da dị ứng. Hiểu biết về nguyên nhân gây ra tình trạng này sẽ có hướng điều trị và chăm sóc da phù hợp. Bên cạnh đó, những thông tin về việc bà bầu bị viêm da dị ứng nên kiêng gì sẽ giúp nâng cao hiệu quả chữa trị.
Nguyên nhân gây viêm da dị ứng ở bà bầu
Những thay đổi về nội tiết tố
Một số nội tiết tố trong giai đoạn mang thai sẽ tăng hoặc giảm với biên độ lớn mà tốc độ nhanh. Những người không thích ứng kịp rất dễ dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe. Trong đó có tình trạng viêm da dị ứng. Nói về nguyên nhân sâu xa thì đây là sự xung đột giữa các kháng thể. Bên cạnh đó, sự suy yếu của hệ miễn dịch cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ bị viêm da dị ứng ở đối tượng là phụ nữ đang mang thai.
Cơ địa của người mẹ quá nhạy cảm
Nếu như trước thời điểm mang thai, người phụ nữ từng bị dị ứng ở da hoặc da của họ thuộc loại quá nhạy cảm thì khi mang thai sẽ rất dễ bị viêm da dị ứng. Nguyên nhân này liên quan nhiều đến yếu tố di truyền. Đồng thời, số trường hợp bị viêm da dị ứng trong giai đoạn thai kỳ do da quá nhạy cảm chiếm hơn 40% tổng các trường hợp bị tình trạng này.
Tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng từ môi trường sống
Nguyên nhân này thường đi kèm với vấn đề cơ địa của người phụ nữ khi mang thai. Những yếu tố gây dị ứng gồm: chất lượng không khí, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, phấn hoa, lông động vật và một số loại thực phẩm…
Dấu hiệu khi bà bầu bị viêm da dị ứng
Ngứa ngáy khó chịu
Sự xung đột giữa các kháng nguyên hoặc phản ứng giữa chúng với “yếu tố ngoại lai” thường gây cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu. Tuy nhiên, tình trạng này ít khi gây đau.
Nổi mẩn đỏ
Có thể là những chấm nhỏ li ti hoặc có kích thước lớn. Nó có thể phát triển về kích thước và gây viêm nếu bị cào xước. Ngứa và nổi mẩn đỏ trên da là hai dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng viêm da dị ứng.
Da khô và nứt nẻ
Da của bà bầu khi bị dị ứng có thể xuất hiện tình trạng bong tróc. Đồng thời, vùng da bị tổn thương đó cũng rất khô. Thậm chí có trường hợp còn bị nứt nẻ. Dấu hiệu này thường đi kèm với tình trạng ngứa và nổi mẩn đỏ khi bị viêm da dị ứng. Trường hợp da khô mà không có hai dấu hiệu đã trình bày thì có thể đó chỉ là tình trạng khô da bình thường (do nội tiết tố thay đổi).
Một số dấu hiệu khác
Một vài trường hợp bị viêm da dị ứng khi mang thai là do thực phẩm có thể xuất hiện thêm dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn và nôn. Hoặc cũng có khi người mẹ còn bị sổ mũi nếu nguyên nhân gây viêm da dị ứng từ môi trường hoặc lông động vật.
Viêm da dị ứng ở bà bầu có nguy hiểm không?
Như đã trình bày, hầu hết những trường hợp bị viêm da dị ứng trong giai đoạn thai kỳ là do những thay đổi sinh lý trong cơ thể. Vì thế, nó thường không gây nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và bé. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Mức độ ảnh hưởng nhiều hay ít tùy thuộc nhiều vào cơ địa của người mẹ. Bên cạnh đó, cách chăm sóc da bị dị ứng cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến vấn đề này. Viêm da dị ứng trong giai đoạn thai kỳ tác động gián tiếp đến thai nhi thông qua sức khỏe và tâm trạng của người mẹ.
Cụ thể, nếu tình trạng ngứa ngáy diễn ra thường xuyên, tâm trạng và giấc ngủ của người mẹ sẽ không tốt. Những điều này có thể dẫn đến tình trạng chán ăn và suy yếu hệ miễn dịch. Thêm vào đó, các tổn thương trên da có thể để lại sẹo nếu không biết cách chăm sóc.
Ngoài ra, trong trường hợp cào gãi quá mức và không biết cách chăm sóc có thể khiến da bị nhiễm trùng. Khi đó các nốt mẩn đỏ có thể phát triển to ra và chứa dịch nhầy bên trong. Nếu để tình trạng viêm da dị ứng đến mức độ này thì thật sự là rắc rối lớn. Người mẹ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế kiểm tra để tìm phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Điều trị viêm da dị ứng ở bà bầu
Dùng thuốc tân dược giúp bà bầu chữa viêm da dị ứng
Tất cả các loại thuốc sử dụng trong giai đoạn thai kỳ đều cần phải hết sức thận trọng. Việc dùng thuốc tân dược trị dị ứng trên da cũng không ngoại lệ. Thông thường, nếu không phải trường hợp nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ không chỉ định dùng thuốc. Đa số sẽ tạm hoãn điều trị đến khi sinh con xong.
Nếu tình trạng ngứa ngáy ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người mẹ và có nguy cơ phát triển nặng thì bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc giảm ngứa có dược tính nhẹ. Chủ yếu để cải thiện phần nào các triệu chứng.
Một số thuốc tân dược giảm ngứa dành cho phụ nữ đang mang thai thường dùng là Chlorpheniramine (dạng viên nén); phenergan, hydrocortison 0.1% hoặc eumovate 0.05% (dạng bôi ngoài da).
Việc sử dụng loại thuốc nào, liều lượng ra sao, thời điểm bắt đầu và kết thúc cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngay cả những loại chỉ bôi ngoài da. Nếu không, sự phát triển của thai nhi rất dễ bị ảnh hưởng. Thực tế là có những loại thuốc bôi dùng đúng liều lượng thì không sao nhưng dùng kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Thực hiện một số biện pháp giảm ngứa tạm thời
Trong những trường hợp nhẹ, mẹ bầu có thể thực hiện một số biện pháp giảm ngứa tạm thời tại nhà. Phổ biến trong đó là vệ sinh da với nước muối sinh lý (NaCl 0,9%). Cách này vừa giảm ngứa vừa loại bỏ được phần nào vi khuẩn trên da. Qua đó phòng được tình trạng viêm nhiễm.
Nếu mẹ bầu dùng các phương pháp giảm ngứa tại nhà theo kinh nghiệm dân gian thì việc sử dụng nước muối để vệ sinh da trước là đều rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc dùng nước muối, thuốc tân dược hay dùng thảo dược theo kinh nghiệm dân gian đều cần phải đi kèm với chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp.
Ngoài nước muối sinh lý, bà bầu bị viêm da dị ứng có thể sử dụng một số dung dịch vệ sinh khác. Tuy nhiên, cần chọn những loại dịu nhẹ, không kích ứng da. Tốt nhất là loại dành riêng cho da nhạy cảm của phụ nữ khi mang thai. Hoặc bạn có thể hỏi ý kiến của bác sĩ về một số dung dịch vệ sinh da có thể sử dụng khi bị viêm da dị ứng.
Mặt khác, mục đích sử dụng nước muối sinh lý hay dung dịch vệ sinh là để giảm ngứa và chống nhiễm trùng. Mẹ bầu cần sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo. Lạm dụng có thể không giảm ngứa mà trái lại còn khiến tình trạng viêm da dị ứng thêm trầm trọng.
Mẹo dân gian chữa viêm da dị ứng cho bà bầu
Việc sử dụng thuốc tân dược khiến nhiều mẹ bầu lo ngại cho sự phát triển của thai nhi dù hiệu quả nhanh. Trong khi đó, giải pháp giảm ngứa bằng nước muối chỉ giải quyết được tạm thời. Chính vì thế, nhiều mẹ bầu tìm đến các mẹo dân gian khi bị viêm da dị ứng.
Điểm chung của cách điều trị này là khá an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, nguyên liệu lại khá dễ tìm và chi phí rẻ nên được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, nhược điểm khi áp dụng các mẹo dân gian đó là hiệu quả chưa được kiểm chứng rõ ràng và kém tiện lợi. Đồng thời, người bị viêm da dị ứng cần kiên trì sử dụng một thời gian nhất định mới cải thiện được các triệu chứng. Ngoài ra, đa số các cách điều trị này chỉ thích hợp khi tình trạng viêm da dị ứng còn nhẹ.
Dưới đây là 2 mẹo dân gian được nhiều phụ nữ mang thai sử dụng và đánh giá cao về hiệu quả. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi sử dụng luôn rất cần thiết.
Mẹo dùng lá khế tươi chữa viêm da dị ứng cho bà bầu
Dùng 1 nắm lá khế tươi nấu lấy nước tắm hoặc vệ sinh dùng da bị dị ứng. Trong lúc đó có thể dùng bã lá chà nhẹ lên da. Ngoài ra, mẹ bầu có thể giã nát lá tươi và đắp ngoài da. Dùng băng gạc y tế cố định lại trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Mỗi ngày tắm nước lá này một lần hoặc đắp từ 2 – 3 lần. Kiên trì thực hiện trong một vài ngày thì tình trạng ngứa ngáy và khó chịu sẽ giảm đáng kể.
Tắm nước lá trầu không giúp bà bầu trị viêm da dị ứng
Khả năng sát khuẩn, tiêu viêm và giảm ngứa của lá trầu không là vấn đề không có gì để bàn cãi. Loại thảo dược này an toàn cho cả đối tượng là phụ nữ đang mang thai và trẻ sơ sinh khi dùng ngoài da.
Cách dùng phổ biến để chữa viêm da dị ứng từ lá trầu không là nấu lấy nước tắm. Mẹ bầu cần khoảng 10 – 15 lá trưởng thành. Sau khi rửa sạch thì nấu sôi với 1 – 2 lít nước. Có thể chờ nước nguội bớt rồi tắm hoặc pha với nước bình thường nếu muốn sử dụng liền. Nên tắm nước lá trầu không ngày 2 lần để nhanh chóng cải thiện các triệu chứng của tình trạng viêm da dị ứng.
Bà bầu bị viêm da dị ứng nên kiêng gì?
Kiên một số thói quen không tốt và một số thực phẩm sẽ giúp tình trạng viêm da dị ứng khi mang thai không chuyển nặng. Đồng thời, những điều này sẽ nâng cao hiệu quả các biện pháp điều trị. Cụ thể là:
Không cào gãi quá mức
Gãi khi ngứa là phản xạ tự nhiên. Thế nhưng, mẹ bầu cần phải hết sức lưu ý và kiềm chế hành động này nếu không muốn tình trạng viêm nhiễm thêm trầm trọng. Bởi vùng da bị dị ứng đang rất mỏng. Việc cào gãi mạnh dễ dẫn đến trầy xước. Điều này vô tình khiến cho vi khuẩn có điều kiện xâm nhập, phát triển và gây nhiễm trùng.
Không tắm nước nóng, hạn chế để da tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời
Hai yếu tố này đều khiến cho da dễ mất nước và khô đi. Kéo theo đó là tình trạng bong tróc. Khi đó, vùng da bị dị ứng sẽ tổn thương nhiều hơn. Đồng thời, thời gian điều trị cũng sẽ kéo dài.
Không sử dụng các sản phẩm dễ gây dị ứng
Nếu mẹ bầu vẫn đang sử dụng một số sản phẩm chăm sóc da như lúc chưa mang thai thì hãy để ý lại thành phần và khả năng gây kích ứng da của những sản phẩm này. Nên cân nhắc đến việc thay thế chúng bằng những sản phẩm chuyên dành cho phụ nữ đang mang thai. Hoặc bạn sẽ phải ngưng dùng một thời gian cho đến khi tình trạng dị ứng trên da được cải thiện.
Xem thêm: Viêm da dị ứng kiêng ăn gì? Nên ăn gì? Lời khuyên về chế độ tốt nhất
Không ăn những thực phẩm để gây dị ứng
Hãy nhớ lại các món ăn hoặc những thực phẩm nào từng gây dị ứng và loại nó khỏi thực đơn hằng ngày. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn những thức ăn dễ gây dị ứng. Ví dụ như thịt gà và hải sản. Ngoài ra, với món ăn hoặc thực phẩm lạ và mẹ bầu không biết chắc nó có gây dị ứng không thì tốt nhất đừng sử dụng.
Không mặc đồ quá chật hoặc làm từ chất liệu dễ ngứa
Mặc đồ quá chật không những khiến da hầm bí, khó chịu mà còn dễ gây ngứa và viêm nhiễm. Do đó, mẹ bầu chỉ nên chọn những trang phục thoải mái. Ngoài ra, chất liệu của trang phục cũng rất quan trọng. Mẹ bầu nên hạn chế chọn những loại làm từ len hoặc vải bố. Những chất liệu này có thể khiến da khó chịu và gây ngứa nhiều hơn.
Không sử dụng chất kích thích
Ngay cả khi không bị viêm da dị ứng thì bà bầu cũng không nên sử dụng chất kích thích. Bởi nó ảnh hưởng không tốt đến quá trình tổng hợp các chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi cho thai nhi. Đồng thời, chất kích thích có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ.
Nếu bà bầu bị viêm da dị ứng và sử dụng chất kích thích thì khả năng bị ngứa ngáy và kích ứng da sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng chất kích thích còn gia tăng nguy cơ viêm nhiễm khi bị dị ứng.
Những lưu ý khi bà bầu bị viêm da dị ứng
-
Vệ sinh da thường xuyên và đúng cách
Giữ cho vùng da bị viêm và dị ứng được sạch sẽ và khô thoáng. Đặc biệt là những khi trời nắng nóng và cơ thể ra nhiều mồ hôi. Hạn chế tiếp xúc với các chất tẩy rửa có độ kiềm cao.
-
Uống đủ nước
Cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể sẽ giúp da hạn chế tình trạng khô và bong tróc. Qua đó, triệu chứng của viêm da dị ứng sẽ được cải thiện đáng kể. Lượng nước cơ thể người bình thường cần vào khoảng 1,5 – 2 lít. Tuy nhiên, nếu là phụ nữ đang mang thai thì con số này sẽ từ 2 – 2,5 lít.
-
Dinh dưỡng đầy đủ
Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Điều này không những giúp mẹ bầu cải thiện đáng kể các triệu chứng của viêm da dị ứng mà còn tốt cho sự phát triển của thai nhi.
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!