Bạch Biển Đậu: Đặc Điểm, Công Dụng & Cách Dùng Vị Thuốc
Bạch biển đậu hay còn được gọi là đậu ván, đậu ván trắng, bạch đậu,… có danh pháp khoa học là Dolichos Lablab Lin thuộc họ Đậu (Fabaceae). Loại dược liệu này có thể sử dụng để chế biến thành món ăn hoặc thành thuốc chữa với công dụng chống suy nhược cơ thể, trị tiêu chảy, lỵ, cảm, sốt, bạch đới, giải độc,… Tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm những công dụng khác về dược liệu này.
Tên gọi – Phân nhóm
- Tên gọi khác: Đậu ván, Đậu ván trắng, Biển đậu, Bạch đậu, Đậu bàn trắng, Nam biển đậu, Biển đậu hoa, Thụ đậu, Nga mi đậu, Duyên ly đậu, Biển đậu y,…
- Tên khoa học: Dolichos Lablab Lin
- Tên dược: Semen Lablab
- Tên tiếng Trung: 白扁豆
- Họ: Thuộc họ Đậu (Fabaceae)
Đặc điểm sinh thái
Mô tả: Cây đậu ván là loại cây leo hoặc bò sát mặt đất, dài khoảng 4 – 5 m, sống nhiều năm, nhưng đối với những cây trồng chủ yếu lấy quả thì chỉ sống 1 năm. Thân cây hình trụ, hơi có lông. Lá cây đậu ván là loại lá kép mọc so le, có 3 lá chét. Lá chét có hình dạng trái xoan hoặc hình thoi cụt với đầu tù, mũi nhọn và ngắn. Mặt trên của lá không có lông hoặc cực ít lông, mặt dưới có ít lớp lông ngắn. Cuống lá kép có rãnh. Cụm hoa hình chùm, mọc thẳng đứng, cụm hoa thường mọc ở những kẽ lá. Hoa có màu trắng, có mùi thơm. Quả ngắn, dẹp và chỉ phình to khi hạt chuyển già, đầu cụt nghiêng có mũi nhọn, cong, màu lục nhạt, một mép của quả sần sùi. Hạt trắng hoặc vàng nằm bên trong quả.
Mô tả dược liệu bạch biển đậu: Bạch biển đậu là phần hạt của cây đậu ván, có hình dạng tròn dẹp. Vỏ ngoài màu trắng ngà, ở những vài hạt đôi khi có chấm đen, nhẵn, hơi bóng. Ở mép có cạnh tù màu trắng nổi lên là mầm rốn hình lưỡi liềm dài khoảng 1 – 1.5 cm. Trong lớp vỏ là phần thịt màu vàng sữa, vị nhạt, khi nhai có mùi đặc biệt.
Phân bố: Loại cây này được trồng khá nhiều, rải rác ở các tỉnh thành ở nước ta như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Đồng Nai,… chủ yếu để thu hoạch lấy quả để sử dụng.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
Bộ phận dùng: Sử dụng phần hạt và hoa của cây đậu ván để làm thuốc hoặc thực phẩm. Thường sử dụng những phần hạt màu trắng hoặc vàng hạt, không sử dụng hạt màu đen hoặc tím.
Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch quả đậu ván là vào đầu tháng 9 hoặc tháng 10 và kéo dài cho đến khi hết mùa đông.
Chế biến:
- Theo kinh nghiệm dân gian: Tách quả phần quả và chỉ lấy phần hạt bên trong, đem rửa qua nhiều lần với nước, nhặt bỏ những phần hạt tím, đen hay bị sâu đục. Sau đó cho vào chảo sao qua cùng với cát mịn để khỏi bốc cháy. Sàng bỏ phần cát và chỉ lấy phần hạt. Khi bốc thuốc thì giã dập để sử dụng.
- Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Lấy phần hạt của cây đậu ván có vỏ cứng, để nguyên cả vỏ, sau đó đem sao chín trước khi sử dụng. Đôi khi có thể tẩm vào nước sôi cho tróc vỏ, lọc bỏ vỏ rồi để sử dụng.
Cách bảo quản dược liệu: Bảo quản nơi thoáng mát, tránh nơi ẩm ướt. Tốt hơn nên bảo quản trong bọc kín để được sử dụng thêm lâu dài.
Thành phần hóa học của bạch biển đậu
Trong bạch biển đậu có chứa các thành phần hóa học sau:
- Tinh dầu;
- Vitamin B1;
- Carotene;
- Sucrose;
- Glucose;
- Stachyose;
- Maltose;
- Raffinose;
- Palmitic acid;
- Behenic acid;
- Arachidic acid;
- Linoleic acid;
- Elaidc acid;
- Oleic acid;
- Stearic acid;
- Trigonelline ;
- Methionine;
- Leucine;
- Threonine;
- Phytoagglutinin;
- Và một số thành phần khác.
Tác dụng dược lý của dược liệu bạch biển đậu
Theo nghiên cứu y học hiện đại:
- Có tác dụng ức chế khuẩn lỵ, kháng lỵ độc khi tiến hành thí nghiệm trên chuột nhắt;
- Có tác dụng chống bị ngộ độc thức ăn, kèm theo đó là biểu hiện như nôn mửa, viêm dạ dày cấp tính, viêm ruột thừa cấp tính;
- Giải độc rượu;
- Giải độc cá nóc.
Theo Y học cổ truyền:
- Trị bạch đới, thổ tả. Có tác dụng giải độc rượu, bổ tỳ, hóa thấp, hòa trung hạ khí (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển);
- Trị tiêu chảy, bạch trọc, thổ tả do cảm thử nhiệt. Có tác dụng giải độc, thanh thử, hóa thấp, hòa trung (theo Đông Dược Học Thiết Yếu);
- Trị tỳ vị bị hư, tiêu chảy, ăn uống không tiêu, bạch đới, hóa thấp, hòa trung, kiện tỳ (theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển);
- Có tác dụng hạ sốt, giải co thắt, kích thích sinh dục, kiện vị (theo Tài nguyên cây thuốc Việt Nam);
- Trị trúng độc do ngộ độc thảo dược, trị phụ nữ bị đới hạ, có tác dụng chủ hành phong khí (theo Bản Thảo Đồ Kinh);
- Bổ ngũ tạng (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo);
- Có tác dụng an thai (theo Tùy Tức Cư Ẩm Thực Phổ);
- Trị noãn tỳ vị, tiêu thử, lỵ, trừ thấp nhiệt (theo Bản Thảo Cương Mục).
Tính vị và quy kinh của dược liệu bạch biển đậu
Tính vị:
- Vị ngọt, tính hơi ôn (theo Đông Dược Học Thiết Yếu)
- Vị ngọt, tính hơi ấm (theo Biệt Lục)
- Vị ngọt, tính hơi ấm (theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển)
- Tinh hơi hàn (theo Thực Liệu Bản Thảo)
- Tính bình, không độc (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo)
Quy kinh:
- Thái âm, phần khí (theo Bản Thảo Cương Mục)
- Kinh Tỳ và Vị (theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển)
- Túc Thái âm Tỳ, túc Dương minh Vị, phần khí (theo Bản Thảo Kinh Sơ)
Cách dùng và liều dùng sử dụng dược liệu bạch biển đậu
Liều dùng: Dùng 8 – 12 gram/ ngày.
Cách dùng: Bạch biển đậu có thể sử dụng độc vị hoặc kết hợp cùng với một số vị thuốc khác ở dạng thuốc sắc hoặc dạng bột.
Những bài thuốc từ dược liệu bạch biển đậu
Dưới đây là những bài thuốc từ dược liệu bạch biển đậu, bạn đọc có thể tham khảo và lưu lại để sử dụng khi cần thiết:
1. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị lở ngứa (Trữu Hậu Phương)
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu.
- Cách thực hiện: Giã nát bạch biển đậu vừa chuẩn bị rồi đem đắp vào chỗ bị lở ngứa. Giữ yên khoảng 15 – 20 phút rồi rửa lại bằng nước mát.
2. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị thổ tả (Thiên Kim Phương)
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu và hương nhu mỗi vị 40 gram.
- Cách thực hiện: Đem hai vị thuốc trên sắc cùng với 5 chén nước. Tiến hành sắc cô đặc lại còn khoảng 2 chén nước. Chia phần nước sắc được thành hai phần nhỏ để sử dụng hết trong ngày. Dùng thuốc khi thuốc còn đủ ấm.
3. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị thổ tả, đau bụng vào mùa hè do nội thương thử thấp
Cách số 1: Theo Hương Nhu Tán – Thái Bình Huệ Dân Hòa Tễ Cục Phương
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu và hương nhu mỗi vị 12 gram cùng với 8 gram hậu phác.
- Cách thực hiện: Mang một thang thuốc trên sắc cùng với một lượng nước vừa đủ, tiến hành sắc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn phân nửa. Chắt lọc lấy phần nước đặc để sử dụng.
Cách số 2: Theo Hương Nhu Thang – Hòa Tễ Cục Phương
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu (sao), hậu phác (sao gừng) và phục thần mỗi vị 30 gram; 16 gram chích thảo cùng với 60 gram hương nhu.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị tán thành bột mịn rồi cất trữ trong hũ thủy tinh để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng 6 gram để sắc lấy nước dùng.
Cách số 3: Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách
- Chuẩn bị: 4 gram bạch biển đậu cùng với hoắc hương và thương truật mỗi vị 8 gram
- Cách thực hiện: Sắc để lấy dùng cải thiện bệnh lý .
4. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị chứng tiêu chảy do tỳ vị hư yếu
Cách số 1: Theo Sâm Linh Bạch Truật Tán – Hòa Tễ Cục Phương
- Chuẩn bị: 960 gram bạch biển đậu; bạch truật, phục linh, đảng sâm và cam thảo mỗi vị 1280 gram cùng với sa nhân, cát cánh, ý dĩ nhân và liên nhục mỗi vị 640 gram.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị tán thành bột mịn. Cất trữ trong hũ thủy tinh để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng 12 gram để uống cùng với nước sắc đại táo. Mỗi ngày sử dụng 2 – 3 lần.
Cách số 2: Theo Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương
- Chuẩn bị: 50 gram bạch biển đậu (sao), 30 gram mạch nha (sao sơ), 40 gram sơn tra (hắc) và 60 gram sơn dược.
- Cách thực hiện: Mang toàn bộ nguyên liệu trên tán thành bột mịn và bảo quản trong hũ thủy tinh để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng 16 gram hỗn hợp bột và sử dụng mỗi ngày 2 lần
5. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị thổ tả
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu.
- Cách thực hiện: Đem tán thành bột mịn rồi dùng với nước giấm pha loãng.
6. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị bệnh tiểu đường, chứng khát nước
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu và thiên hoa phấn.
- Cách thực hiện: Đem bạch biển đậu ngâm nước, tách bỏ vỏ rồi nghiền nát. Thêm một ít mật ong và nước sắc của thiên hoa phấn để hoàn thành viên với kích thước mỗi viên bằng hạt ngô đồng. Sau đó lấy kim bạc bọc ngoài làm áo. Mỗi lần sử dụng 20 – 30 viên để dùng cùng với nước sắc thiên hoa phấn mỗi ngày 2 lần.
7. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị xích bạch đới
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu.
- Cách thực hiện: Đem bạch biển đậu sao vàng rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 8 gram cùng với nước cơm. Dùng mỗi ngày 1 lần.
8. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị trúng độc dược liệu nhân ngôn hoặc thạch tín
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu sống.
- Cách thực hiện: Mang bạch biển đậu sống tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 8 gram trộn cùng với nước để dùng.
9. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị thai bị trệ vì uống nhầm thuốc làm đau bụng
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu sống.
- Cách thực hiện: Bạch biển đậu sống ngâm cùng với nước để tách bỏ lớp vỏ, sau đó tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 1 thìa trộn cùng với nước cơm hoặc có thể sắc để lấy nước dùng.
10. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị sinh non
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu và sinh khương mỗi vị 20 gram; bạch truật, bán hạ, nhân sâm và tỳ bà diệp (bỏ lông) mỗi vị 8 gram cùng với 30 gram bạch mao căn.
- Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên tán thành bột mịn và cất trữ trong hũ thủy tinh để sử dụng dần. Mỗi lần sử dụng 8 gram cùng với nước ấm.
11. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị trúng độc do ăn thịt từ các loại chim (Sự Lâm Quảng Ký Phương)
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu.
- Cách thực hiện: Mang bạch biến đậu đã được chuẩn bị nghiền nát thành bột mịn rồi hòa với nước lạnh để sử dụng.
12. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị chứng nôn mửa, kiết lỵ cho thương thử
- Chuẩn bị: 16 gram bạch biển đậu và 8 gram hoắc hương.
- Cách thực hiện: Sắc để lấy nước dùng.
13. Bài thuốc sử dụng bạch biển đậu để giải độc dược
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu.
- Cách sử dụng: Đem bạch biển đậu tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 12 gram bột bạch biển đậu cùng với ly nước ấm. Dùng mỗi ngày 2 lần.
14. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị chứng vàng da, thiếu máu
- Chuẩn bị: Bạch biển đậu, bố chính sâm và hoài sơn mỗi vị 12 gram cùng với hạt keo dậu, mẫu lệ, ô tặc cốt và ý dĩ mỗi vị 6 gram.
- Cách thực hiện: Sắc một thang thuốc trên cùng với một với 6 chén nước, tiến hành đun trên ngọn lửa nhỏ, sắc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 2 chén. Chia phần thuốc sắc được thành 2 phần nhỏ để sử dụng hết trong ngày, mỗi lần sử dụng một phần. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
15. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị tiêu chảy, khát nôn mửa, phiền táo, thương thử
- Chuẩn bị: 120 gram bạch biển đậu (sao) và 60 gram lá hương nhu.
- Cách thực hiện: Tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 6 gram hòa cùng với nước ấm để dùng và uống thuốc mỗi ngày 2 – 3 lần.
16. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị thủy thũng do tỳ hư
- Chuẩn bị: 160 gram bạch biển đậu.
- Cách thực hiện: Mang toàn bộ bạch biển đậu sao vàng rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 12 gram hòa cùng nước ấm, dùng thuốc mỗi ngày 3 lần.
17. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị bạch đới ra nhiều màu xanh
- Chuẩn bị: 16 gram bạch biển đậu (sao), 18 gram sơn dược, 12 gram tiền nhân và 6 gram ô tặc cốt.
- Cách thực hiện: Mang một thang thuốc trên sắc để lấy nước dùng. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
18. Bài thuốc từ bạch biển đậu trị lỵ trực khuẩn
- Chuẩn bị: 10 gram hoa bạch biển đậu tươi và 30 gram địa miên thảo (tươi).
- Cách thực hiện: Sắc để lấy nước uống cải thiện bệnh lý.
Sử dụng bạch biển đậu cần lưu ý đến những vấn đề gì?
Các đối tượng dưới đây tuyệt đối không được sử dụng các bài thuốc hay món ăn từ bạch biển đậu:
- Dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu bạch biển đậu;
- Trường vị có trệ (theo Đông Dược Học Thiết Yếu);
- Bị chứng thương hàn, ngoại tà (theo Trung Dược Học).
Bạch biển đậu khô có chứa chất độc Cyanua, do đó, khi sử dụng, bạn cần rang hoặc nấu chín và phải mở nắp nồi trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, bạn cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu bạch biển đậu.
Những thông tin trong bài viết chỉ có giá trị tham khảo và không thay thế lời khuyên hay các phương pháp điều trị y khoa.
Bạn đọc có thể quan tâm:
Ngày Cập nhật 31/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!