Bạch Hạc - Đặc Điểm, Công Dụng Và Cách Dùng Cây Thuốc
Cây bạch hạc trong dân gian còn được gọi là cây kiến cò, cây lác thuộc họ Ô rô với danh pháp khoa học là Rhinacanthus nasuta. Đây là một trong những vị thuốc nam được dân gian sử dụng để trị các bệnh ngoài da, bệnh viêm khớp, chứng đau nhức xương khớp, trị bệnh lao phổi ở giai đoạn đầu,… Tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm những công dụng khác của vị thuốc này.
Tên gọi – Phân loại
- Tên gọi khác: Cây lác, Cây kiên cò, Nam uy linh tiên, Cánh cò, Chòm phòn, Thuốc lá nhỏ, Tiên thảo, Bạch hạc linh chi,…
- Tên khoa học: Rhinacanthus nasuta
- Họ: Thuộc họ Ô rô (Acanthaceae)
Đặc điểm sinh thái của cây bạch hạc
Mô tả dược liệu: Cây bạch hạc có thân mọc thẳng đứng, mỗi thân chính có nhiều cành nhỏ mọc ra. Khi trưởng thành, cây bạch hạc có thể cao tới 1,5 mét. Lá mọc đối, lá có cuống, phiến lá hình trứng thuôn dài với đầu nhọn và phía cuống lá tù. Mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới hơi có nhiều lông mịn. Hoa nhỏ, có màu trắng hơi điểm hồng, có hình dạng như con hạc đang bay, mọc thành xim với nhiều hoa trên một cuống. Hoa thường mọc ở đầu cành hay đầu thân cây. Quả của cây bạch hạc là quả nang, phía dưới dẹt không chứa hạt và phía trên có 2 – 4 hạt. Hạt hình trứng với 2 mặt lồi.
Phân bố dược liệu: Cây bạch hạc là cây mọc hoang ở các bụi cây khác ở bìa rừng hoặc các vùng ẩm ướt. Loại cây này xuất hiện khá nhiều ở các tỉnh miền Bắc nước ta và rải rác các tỉnh thành miền Nam. Ngoài ra, cây bạch hạc cùng được tìm thấy ở một số đất nước khác như Ấn Độ, Malaysia, đông Châu Phi.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
Bộ phận dùng: Phần lá và rễ của cây bạch hạc là hai bộ phận chính của cây được bào chế làm thuốc chữa bệnh.
Thu hái: Thu hái quanh năm, nhưng thời điểm tốt nhất để thu hái là vào mùa đông hằng năm.
Chế biến: Làm sạch dược liệu bằng nước sạch để loại bỏ lớp bụi bẩn, đất cát. Nếu sử dụng ở dạng khô, sau khi được làm sạch cần thái thành đoạn nhỏ rồi đem phơi cho khô.
Cách bảo quản: Bảo quản dược liệu khô trong bọc kín để sử dụng được lâu ngày. Thi thoảng cần lấy ra phơi để tránh ẩm mốc.
Thành phần hóa học của dược liệu bạch hạc
Trong dược liệu bạch hạc có chứa các thành phần hóa học sau:
- Thân cây bạch hạc có chứa các thành phần hợp chất như: Tanin, Vitamines, Saponin, Germanium organic, Phenols, Acid amin,…
- Những thành phần có trong lá cây bạch hạc bao gồm: Anthoyan, Acid chrysophanic, Kali nitrat, Alcaloid,…
- Trong rễ cây bạch hạc có chứa các thành phần hoạt chất như: Stigmasterol, Lupeol, Glycocides, Naphthoquinone, B – sitosterol, Rhinacanthin A, B, C, D,…
- Thành phần hoạt chất Flavonoid là thành phần hóa học chính có trong hoa cây bạch hạc.
Tính vị và quy kinh của dược liệu bạch hạc
Tính vị: Dược liệu bạch hạc có vị ngọt nhạt, tính bình. Còn rễ của cây bạch hạc có mùi hắc nhẹ, vị ngọt như dược liệu sắn rừng.
Quy kinh: Trong Đông y cổ truyền, dược liệu bạch hạc được quy vào kinh Phế.
Tác dụng dược lý của dược liệu bạch hạc
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
- Chiết xuất từ rễ cây bạch hạc có tác dụng bảo vệ các tế bào thần kinh, giúp cải thiện trí nhớ, chống đột quỵ. Bên cạnh đó, các thành phần hoạt chất có trong rễ cây bạch hạc có tác dụng giảm sự tích tụ của các loại oxy phản ứng;
- Các thành phần có trong cây bạch hạc có tiềm năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Đồng thời, có tác dụng ức chế sự phát triển khối u trong cơ thể;
- Cây bạch hạc có tác dụng hạ đường huyết có trong máu, hỗ trợ điều trị tiểu đường, giảm béo phì. Khi tiến hành thí nghiệm trên cơ thể chuột đực, chiết xuất có trong lá bạch hạc có tác dụng giảm nồng độ lipid có trong huyết thanh và mô gan, giúp giảm sự tích tụ chất béo có trong gan, hạ đường huyết, cải thiện độ nhạy insulin.
Theo sự ghi nhận của Y học cổ truyền
- Công dụng: Nhuận phế, giáng hỏa, trừ phong thấp, kháng khuẩn, sát trùng, ngừa ho, ngừa ngứa,…
- Chủ trị: Trị các triệu chứng ho do suy nhược cơ thể; trị các bệnh ngoài da như: bệnh chàm eczema, lở ngứa, mẩn ngứa, hội chứng Ecpet mảng tròn, hắc lào; trị bệnh viêm khớp, đau nhức xương khớp,…
Bên cạnh đó, cây bạch hạc còn được dân gian sử dụng để bào thuốc chữa bệnh trong một số trường hợp sau:
- Huyết áp cao
- Ho
- Lao phổi ở giai đoạn khởi phát
- Viêm phế quản cấp và mãn tính
- Phong thấp, đau nhức xương khớp, viêm khớp, tê bì tay chân, nhức gân cốt,…
Cách dùng và liều lượng sử dụng dược liệu bạch hạc
Cách dùng: Dùng độc vị hoặc kết hợp cùng với một số vị thuốc khác ở dạng thuốc sắc hoặc thuốc đắp ngoài da.
Liều dùng: Dùng 9 – 15 gram/ ngày hoặc có thể tự điều chỉnh liều lượng sao cho phù hợp với mức độ bệnh lý hay từng đối tượng.
Những bài thuốc cải thiện bệnh lý từ dược liệu bạch hạc theo kinh nghiệm của dân gian
Bạch hạc là một trong những vị thuốc nam quý được ông bà ta thời xưa sử dụng khá nhiều trong những bệnh lý phổ biến, điển hình là những bệnh lý ngoài da. Và dưới đây là một số bài thuốc hay về dược liệu này, bạn đọc có thể tham khảo và lưu lại để áp dụng điều trị khi cần thiết:
1. Bài thuốc từ bạch hạc trị các bệnh ngoài da như: Hội chứng Ecpet mảng tròn, chàm eczema, lở ngứa, hắc lào
- Chuẩn bị: 50 gram rễ cây bạch hạc, 100 ml cồn Etylic 70 độ.
- Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ rễ cây bạch hạc vừa được chuẩn bị, rồi thái thành từng đoạn nhỏ và giã nát. Sau đó đem ngâm cùng với 100 ml cồn Etylic 70 độ. Sau 1 – 2 tuần ngâm là có thể sử dụng. Mỗi lần sử dụng một ít để bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương. Mỗi ngày áp dụng hai lần vào buổi trưa và buổi tối trước khi đi ngủ.
2. Bài thuốc từ bạch hạc trị viêm khớp, đau nhức xương khớp
- Chuẩn bị: Lá cây bạch hạc một lượng vừa đủ.
- Cách thực hiện: Rửa sạch toàn bộ lá cây bạch hạc vừa được chuẩn bị để loại bỏ bụi bẩn rồi đem giã nát. Sau đó đem đắp lên vùng da bị viêm khớp, đau nhức và dùng băng gạc để cố định lại qua đêm. Rửa lại bằng nước mát và dùng khăn bông lau khô hoặc để khô tự nhiên.
3. Bài thuốc từ bạch hạc trị đau thần kinh tọa cho lạnh, giúp khu phong, tán hành, giảm đau, hành khí hoạt huyết
- Chuẩn bị: Rễ cây bạch hạc, ngải cứu, quế chi và vỏ quýt mỗi vị 8 gram; rễ lá lốt, rễ cỏ xước và ráy sơn thục mỗi vị 12 gram cùng với 16 gram cẩu tích.
- Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc cùng với một lượng nước vừa đủ. Tiến hành sắc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn phân nửa. Người bệnh có thể chi lượng nước sắc được thành nhiều phần nhỏ để sử dụng hết trong ngày.
4. Bài thuốc từ bạch hạc trị đau nhức cơ khớp do phong hàn
- Chuẩn bị: Rễ cây bạch hạc, ý dĩ, cam thảo nam và củ cây kim cang mỗi vị 12 gram; thổ phục linh, ké đầu ngựa, kim ngân hoa và hy thiêm mỗi vị 16 gram; quế chi và bạch chỉ mỗi vị 8 gram.
- Cách thực hiện: Mang toàn bộ nguyên liệu trên sắc cùng với 7 chén nước. Tiến hành sắc trên ngọn lửa nhỏ sao cho còn lại khoảng 2 chén là được. Chắt lọc lấy phần nước cốt và bỏ phần bã. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
5. Bài thuốc từ bạch hạc trị bệnh lao phổi ở giai đoạn khởi phát
- Chuẩn bị: 40 gram bạch hạc tươi hoặc 12 – 20 gram bạch hạc khô.
- Cách thực hiện: Đem sắc để lấy nước dùng, thêm một ít đường phèn để cho dễ uống. Chia lượng nước sắc được thành 2 phần nhỏ để dùng. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
6. Bài thuốc từ cây bạch hạc hỗ trợ điều trị bệnh huyết áp cao
- Chuẩn bị: Lá cây bạch hạc và rễ cây trinh nữ mỗi vị 30 gram; lá vú sữa và cỏ mần trâu mỗi vị 40 gram cùng với 20 gram rễ nhàu.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu trên làm sạch rồi phơi cho ráo nước. Sau đó, cho toàn bộ nguyên liệu vào trong nồi nước và tiến hành đun sôi trong khoảng 40 phút. Chắt lọc lấy phần nước cô đặc và loại bỏ phần bã. Chia phần nước sắc được thành 2 phần nhỏ để sử dụng trong ngày. Người bệnh nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
Trên đây là những thông tin về dược liệu bạch hạc và một số bài thuốc hay về dược liệu này. Tuy nhiên, những thông tin vừa được chúng tôi chia sẻ trong bài viết chỉ mang giá trị tham khảo và không thay thế chỉ định hay lời khuyên từ bác sĩ. Do đó, người bệnh không được tự ý sử dụng các bài thuốc từ dược liệu này. Mặt khác, tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ về cách dùng và những công dụng khác của dược liệu này.
Có thể bạn đọc quan tâm:
Ngày Cập nhật 12/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!