Cây Bầu Đất - Đặc Điểm, Công Dụng Và Lưu Ý Khi Dùng
Cây bầu đất là cây thuốc nam tuy mọc hoang nhưng lại mang đến nhiều công dụng đối với sức khỏe con người như: hỗ trợ điều trị bệnh viêm bàng quang, viêm phế quản mãn tính, trị tiểu buốt, táo bón, kiết lỵ,… Trong Đông y, loại dược liệu này có vị cay, ngọt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, chỉ khái, tiêu thũng,…
Tên gọi – Phân nhóm
- Tên gọi khác: Kim thất, Dây chua lè, Khảm khom, Hắc địa hồng,…
- Tên khoa học: Gynura procumbens (Lour) Merr. (G. sarmentosa DC)
- Họ: Thuộc họ Cúc (Asteraceae)
Đặc điểm sinh thái của cây bầu đất
Mô tả cây bầu đất: Cây bầu đất là loại cây thân thảo, mọc bò, hơi leo, cây dài khoảng 1 mét. Thân cây nhẵn bóng, màu xanh lục hoặc màu tím tía, mọng nước và phân thành nhiều nhánh nhỏ xuất phát từ nhánh gốc. Lá cây bầu đất là loại lá dày, có hình trứng hoặc tù ở đáy lá nhưng lại nhọn dần về đầu lá. Lá mọc so le, lá có cuống ngắn và dài khoảng 4 – 7 cm, mặt trên của lá có màu xanh đậm nhưng mặt dưới lại có màu tím tía. Mép lá có hình răng cưa không đều. Hoa của cây bầu đất có màu vàng, mọc thành cụm ở đầu cành hoặc kẽ lá. Quả bế, hình trụ, phần đỉnh có mào lông trắng hoặc vàng.
Cây bầu đất được trồng nhiều ở đâu? Cây bầu đất là loại cây mọc hoang ở những vùng đất ẩm ướt, ở một số địa phương chủ yếu trồng để lấy rau ăn hoặc để làm thuốc chữa bệnh. Loại cây này không chỉ xuất hiện nhiều ở nước ta mà còn xuất hiện nhiều ở các nước khác thuộc khi vực châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippin… và cả Việt Nam.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
Bộ phận dùng: Sử dụng toàn cây bầu đất để làm thuốc cải thiện bệnh lý.
Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch là vào mùa hè, trời nắng, không ẩm ướt.
Chế biến: Rửa sạch toàn bộ dược liệu đã được thu hoạch bằng nước sạch để loại bỏ toàn bộ bụi bẩn, tạp chất và vi khuẩn. Có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc cắt thành từng đoạn nhỏ rồi đem phơi khô để sử dụng.
Cách bảo quản: Đối với dược liệu khô, cần được bảo quản trong bọc kín và cất trữ nơi thoáng mát, thi thoảng nên lấy ra phơi khô để tránh tình trạng mốc meo.
Thành phần hóa học có trong cây bầu đất
Trong cây bầu đất có chứa các thành phần hóa học sau:
- Nước
- Protein
- Gluxit
- Carotene
- Vitamin
- Chất xơ
Tính vị và quy kinh của dược liệu cây bầu đất
Tính vị: Cây bầu đất có vị cay, ngọt, hơi đắng và mang tính bình.
Quy kinh: Chưa có tài liệu nào báo cáo về mục này.
Tác dụng dược lý của cây bầu đất
Theo nghiên cứu của nền y học hiện đại
- Có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu
- Kiểm soát và phòng ngừa lượng mỡ trong máu
- Chống viêm nhiễm da, lở loét da
Theo sự ghi nhận của Y học cổ truyền
- Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tán ứ, tiêu viêm, tiêu thũng, lợi tiểu, thông tiểu, chỉ khái.
- Chủ trị: Hỗ trợ điều trị bệnh viêm bàng quang, bệnh tiểu đường. Trị bệnh viêm phế quản mãn tính, ho khan, ho gió, ho có đờm. Trị chứng mất ngủ, giúp an thần. Điều hòa đường huyết. Hỗ trợ điều trị khí hư, bạch đới và kinh nguyệt không đều ở giới nữ. Trị chứng đái dầm ở trẻ nhỏ.
Cách dùng và liều lượng sử dụng dược liệu bầu đất
Cách dùng: Có thể sử dụng bầu đất ở dạng tươi hoặc dạng khô. Dùng độc vị hoặc kết hợp cùng với một số vị thuốc khác ở dạng thuốc sắc hoặc thuốc đắp ngoài da.
Liều dùng: Dùng 10 – 15 gram/ ngày đối với dạng khô. Tuy nhiên, liều lượng sử dụng có thể thay đổi tùy vào từng bệnh lý và từng độ tuổi.
Những bài thuốc hay từ cây bầu đất theo kinh nghiệm của dân gian
Cây bầu đất là một trong những vị thuốc nam quen thuộc, được ông bà ta sử dụng khá nhiều trong những bài thuốc để điều trị một số bệnh lý ở người như: viêm bàng quang, tiểu són, tiểu buốt, ho có đờm, ho gió, rối loạn kinh nguyệt, bạch đới,… Và dưới đây là một số bài thuốc cụ thể, bạn đọc có thể tham khảo và lưu lại để sử dụng khi cần thiết:
1. Bài thuốc từ cây bầu chất chữa bệnh viêm bàng quang
- Chuẩn bị: Lá bầu đất, thổ tam thất và ý dĩ mỗi vị 10 – 15 gram.
- Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ nguyên liệu trên rồi đem sắc cùng với 600 ml nước. Tiến hành sắc cô đặc cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại khoảng 100 – 150 ml nước. Chắt lọc lấy phần nước để sử dụng. Dùng mỗi ngày 2 lần và dùng nhiều ngày liên tiếp để có kết quả tốt nhất.
2. Bài thuốc từ bầu đất trị khí hư, bạch đới, kinh nguyệt không đều ở nữ giới
- Chuẩn bị: 20 gram bầu đất, 16 gram cam thảo đất, rễ củ gai (sao vàng) và cỏ xước mỗi vị 15 gram cùng với 12 gram kim ngân hoa.
- Cách thực hiện: Mang một thang thuốc trên sắc cùng với một lượng nước vừa đủ để sử dụng. Chia phần nước sắc được thành 2 – 3 phần nhỏ để sử dụng hết trong ngày. Người bệnh nên sử dụng mỗi ngày một thang thuốc với các nguyên liệu trên.
3. Bài thuốc từ bầu đất chứng đái dầm ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: 80 gram lá bầu đất tươi.
- Cách thực hiện: Rửa sạch lá bầu đất bằng nước mát rồi đem nấu thành canh. Cho trẻ sử dụng nước canh vào mỗi buổi trưa và tập thói quen cho trẻ uống nhiều nước.
4. Bài thuốc từ bầu đất trị chứng tiểu buốt, tiểu són
Cách số 1:
- Chuẩn bị: 30 gram bầu đất; râu ngô và mã đề mỗi vị 20 gram.
- Cách thực hiện: Mang sắc để lấy nước dụng. Chia phần nước sắc được thành 2 lần sử dụng trong ngày. Kiên trì sử dụng trong vòng 10 ngày, người bệnh sẽ thấy được sự thay đổi.
Cách số 2:
- Chuẩn bị: 80 gram bầu đất.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ dược liệu cây bầu đất rửa sạch qua nhiều lần với nước sạch để loại bỏ lớp bụi bẩn và tạp chất. Sau đó cho vào nồi cùng với 700 ml nước, tiến hành đun sôi trên ngọn lửa nhỏ, đun cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 200 ml nước. Chắt lọc lấy phần nước và không sử dụng phần bã. Chia nhỏ thành 2 lần uống trong ngày và sử dụng hết trong ngày.
5. Bài thuốc từ bầu đất hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
- Chuẩn bị: Một nắm lá cây bầu đất.
- Cách thực hiện: Rửa sạch bằng nước sạch để loại bỏ lớp đất cát và bụi bẩn. Người bệnh sử dụng để ăn sống. Dùng mỗi ngày 2 lần vào mỗi buổi sáng và chiều.
6. Bài thuốc từ bầu đất trị ho khan có đờm, ho gió nhiều đờm
- Chuẩn bị: Một nắm lá bầu đất.
- Cách thực hiện: Rửa sạch toàn bộ nắm lá bầu đất vừa được chuẩn bị rồi dùng để ăn sống. Người bệnh nhai cho đến khi các tinh chất trong lá ra hết rồi nuốt trôi dần. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể sử dụng loại lá này để nấu canh dùng cùng với cơm trắng nóng.
7. Bài thuốc từ cây bầu đất trị mất ngủ, giúp an thần
- Chuẩn bị: Lá cây bầu đất.
- Cách thực hiện: Đem lá cây bầu đất để nấu canh hoặc xào cùng với tôm hoặc thịt.
8. Bài thuốc từ cây bầu đất chữa vết thương bị bầm tím do chấn thương, va đập hoặc bị tai nạn
- Chuẩn bị: Một nắm lá cây bầu đất và một vài hạt hồ tiêu.
- Cách thực hiện: Lá cây bầu đất sau khi được làm sạch thì đem giã nát cùng với hạt hồ tiêu. Sau đó đắp trực tiếp lên vết thương và dùng băng gạc để cố định lại. Cứ mỗi 3 tiếng là thay băng 1 lần. Áp dụng liên tục trong vòng 3 ngày để có kết quả điều trị tốt nhất.
9. Bài thuốc từ cây bầu đất trị kiết lỵ, táo bón
- Chuẩn bị: Một nắm lá cây bầu đất.
- Cách thực hiện: Làm sạch toàn bộ nắm lá cây bầu đất rồi đem giã nát. Thêm 100 ml nước sôi , khuấy đều và có thể sử dụng. Chia thành 2 lần dùng trong ngày vào mỗi buổi sáng và chiều tối. Kiên trì sử dụng ít nhất 5 – 6 ngày để thấy rõ sự thay đổi.
10. Bài thuốc từ cây bầu đất trị táo bón ở trẻ em
- Chuẩn bị: Lá cây bầu đất và rau ngót mỗi vị 30 gram cùng với 1 quả bầu dục lợn.
- Cách thực hiện: Sơ chế toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị rồi đem nấu thành canh cho trẻ sử dụng. Cho trẻ dùng khi canh còn nóng và dùng mỗi ngày một lần.
Trên đây là những thông tin liên quan đến dược liệu cây bầu đất và một số bài thuốc chữa bệnh hay từ dược liệu này. Mặc dù loại dược liệu này mang lại nhiều công dụng trong việc cải thiện bệnh lý nhưng người bệnh vẫn nên thận trọng khi sử dụng và nên tuân thủ một số nguyên tắc khi sử dụng. Trao đổi với bác sĩ khi gặp phải những dấu hiệu bất thường trong khoảng thời gian sử dụng thuốc.
Có thể bạn đọc chưa biết:
Ngày Cập nhật 03/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!