Bệnh Lao Phổi Có Chữa Được Không? Điều Trị Bao Lâu Thì Khỏi?
Bệnh lao phổi có chữa được không và thường mất bao lâu thì bệnh sẽ chữa khỏi hoàn toàn? Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao phổi hoàn toàn chữa được nếu bệnh nhân tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc vàng và phác đồ điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần chủ động điều trị sớm theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để mang lại hiệu quả tốt nhất, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh lao phổi có chữa được không?
Lao phổi là một căn bệnh truyền nhiễm do chủng vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Theo báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, trong khoảng 10 triệu người mắc bệnh vào năm 2018, khoảng 3 triệu trường hợp không thể cứu chữa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhận định rằng: Lao phổi là căn bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi và phòng tránh được. Đến nay lao phổi vẫn là một đại dịch cần được quan tâm ở mức độ toàn cầu bởi tỷ lệ tử vong còn ở mức cao. Số ít trường hợp là do điều kiện nghèo nàn về kinh tế, y tế, không đủ thuốc điều trị nên không qua khỏi. Phần lớn nguyên nhân không chữa khỏi lao phổi là:
- Bệnh không được phát hiện kịp thời: Người bệnh có những biểu hiện lâm sàng tương đối giống với các căn bệnh về hệ hô hấp khác như viêm phế quản, giãn phế quản, viêm phổi cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…
- Vi khuẩn kháng thuốc: Chủng vi khuẩn này có khả năng kháng thuốc cực mạnh dẫn đến quá trình điều trị trở nên rất phức tạp và khó khăn, người bệnh không thể đáp ứng tốt với các thuốc đặc hiệu.
- Người bệnh bỏ dở điều trị: Quá trình điều trị kéo dài nên nhiều trường hợp bệnh nhân không kiên trì tuân thủ theo phác đồ, bỏ dở điều trị khiến tình trạng bệnh diễn tiến xấu.
Do đó, khi người bệnh nhận thấy các triệu chứng lâm sàng của lao phổi như ho khan, ho có đờm (màu xanh, vàng hoặc ra máu), sốt về chiều tối, tự ra mồ hôi, đau tức ngực… thì cần đến bệnh viện khám chữa ngay.
Bệnh lao phổi điều trị trong bao lâu? Phác đồ chữa khỏi hoàn toàn
Nếu người bệnh được phát hiện kịp thời và tiếp nhận điều trị ngay thì quá trình điều trị rất khả quan, có thể chữa khỏi hoàn toàn. Thời gian điều trị bệnh thông thường là 6-8 tháng. Cũng nhiều trường hợp phải kéo dài điều trị trong khoảng 19 đến 24 tháng nếu diễn tiến bệnh trở nên phức tạp.
1. Phác đồ điều trị lao phổi dành cho bệnh nhân mới khởi phát lần đầu
Bộ Y tế đã công bố phác đồ điều trị lao phổi cho các trường hợp mới được phát hiện. Các loại thuốc được dùng trong điều trị bao gồm nhóm kháng sinh đã được ký hiệu: isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), streptomycin (S), ethambutol (E).
Có 2 phác đồ điều trị chính, việc sử dụng sẽ tùy vào độ tuổi, thể trạng và diễn tiến của bệnh. Bệnh nhân điều trị bệnh cần trải qua 2 giai đoạn dùng thuốc là thời kỳ tấn công và thời kỳ duy trì, kéo dài trong khoảng 6 hoặc 8 tháng.
Phác đồ 2S(E)HRZ/4RH:
- Giai đoạn tấn công: Dùng loại thuốc S hoặc E và 3 loại H, R, Z mỗi ngày trong khoảng 2 tháng đầu.
- Giai đoạn duy trì: Dùng 2 loại thuốc R và H liên tục mỗi ngày trong khoảng 4 tháng cuối.
Phác đồ 2S(E)HRZ/6HE:
- Giai đoạn tấn công: Dùng loại thuốc S hoặc E và 3 loại H, R, Z mỗi ngày trong khoảng 2 tháng đầu.
- Giai đoạn duy trì: Dùng 2 loại thuốc H và E liên tục mỗi ngày trong khoảng 6 tháng cuối.
Bệnh nhân có thể không đáp ứng với thuốc tốt và xuất hiện vi khuẩn kháng lao. Các loại vi khuẩn lao có thể kháng một trong số các loại thuốc đặc hiệu trên. Nguy hiểm hơn là kháng nhiều hoặc kháng tất cả thuốc đặc hiệu, khiến bệnh nhân chuyển sang tình trạng lao kháng đa thuốc (MDR-TB) và lao siêu kháng thuốc (XDR-TB).
Thời gian điều trị lao kháng thuốc thông thường kéo dài từ 19 đến 24 tháng. Tỷ lệ thành công lên đến 70% nếu bệnh nhân tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị bệnh.
Hiện nay, y học hiện đại đã nghiên cứu phát triển thành công các loại thuốc kháng sinh mới, có tác dụng đặc trị các loại lao kháng thuốc và rút ngắn thời gian điều trị xuống còn khoảng 9-11 tháng:
- Thuốc kháng sinh nhóm fluoroquinolones
- Kháng sinh dạng tiêm: Amikacin (Amikin), Capreomycin (Capastat) và Kanamycin
- Kháng sinh đặc hiệu lao đa kháng và siêu kháng thuốc: Bedaquiline (Sirturo), ethionamide (Trecator) và axit para-amino salicylic, Pretomanid (được sử dụng kết hợp với bedaquiline và linezolid).
2. Phác đồ điều trị lao phổi dành cho bệnh nhân tái nhiễm
Phác đồ này dành cho những bệnh nhân bị tái nhiễm do vết sơ nhiễm cũ hoặc tiếp xúc với ổ lao mới. Những bệnh nhân từng điều trị thất bại hoặc bỏ điều trị cũng có thể sử dụng phác đồ này. Thời gian điều trị cũng kéo dài khoảng 8 tháng.
Phác đồ 2SRHZE/1RHZE/5RHE:
- Giai đoạn tấn công: Dùng 5 loại thuốc S, R, H, Z, E mỗi ngày trong 2 tháng đầu – 4 loại thuốc R, H, Z, E trong 1 tháng tiếp theo.
- Giai đoạn duy trì: Dùng 3 loại thuốc R, H, E trong 5 tháng cuối.
Phác đồ 2SRHZE/1RHZE/5R3H3E3:
- Giai đoạn tấn công: Dùng 5 loại thuốc S, R, H, Z, E mỗi ngày trong 2 tháng đầu – 4 loại thuốc R, H, Z, E trong 1 tháng tiếp theo.
- Giai đoạn duy trì: Dùng 3 loại thuốc R, H, E cách quãng 3 lần/tuần trong khoảng 5 tháng cuối.
Điều trị lao phổi phải sử dụng các thuốc kháng sinh đặc hiệu trong dài ngày. Vì vậy mà hệ miễn dịch và cơ quan nội tạng của bệnh nhân có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Đặc biệt, các loại thuốc kháng lao có thể dẫn đến các tai biến, bệnh nhân phải đặc biệt chú ý theo dõi thể trạng và báo ngay cho bác sĩ nếu:
- Sốt liên tục trên 3 ngày
- Đau ở dưới bụng
- Ngứa hoặc phát ban
- Buồn nôn và chán ăn, người suy nhược
- Da và mắt bị vàng
- Nước tiểu màu sẫm hoặc nâu đậm
- Tay chân tê bì, đau nhói
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
3. Phẫu thuật điều trị lao phổi
Phẫu thuật thường ít khi được áp dụng trừ những trường hợp bệnh nhân không đáp ứng tốt với tất cả các phác đồ nội khoa. Hoặc bệnh nhân đã gặp các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như u lao, hang lao xẹp, tràn dịch màng phổi…
Phẫu thuật lao phổi được coi là những thủ thuật lớn, rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến tử vong nếu không được chuẩn bị tốt. Bệnh nhân chỉ được phép thực hiện các thủ thuật ngoại khoa nếu thể trạng có thể đáp ứng được. Bệnh nhân phải sẵn sàng đối mặt với các rủi ro sau phẫu thuật như:
- Suy hô hấp
- Rối loạn tim mạch
- Sốc thứ phát
- Xuất huyết
- Nhiễm trùng
- Chảy máu do tan sợi tơ huyết
Mặc dù nền y học đã có những thành tựu đáng kể trong điều trị lao phổi nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh vẫn luôn là mối lo ngại hàng đầu trên toàn cầu. Người bệnh cần phải tuân thủ những nguyên tắc vàng trong điều trị, phối hợp với điều dưỡng để hạn chế tác dụng phụ của thuốc và nâng cao sức đề kháng.
Hy vọng thông qua những chia sẻ trên đây, bạn đọc đã giải đáp được vấn đề “Bệnh lao phổi có chữa được không?” cũng như hiểu rõ về những phác đồ điều trị bệnh. Lao phổi có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, phối hợp điều trị tốt và biết cách chăm sóc, điều dưỡng thân thể trong suốt quá trình trị bệnh. Chúc bạn đọc luôn khỏe mạnh!
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!