Viêm Tai Giữa: Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Cách Điều Trị [Đầy Đủ A-Z]
Viêm tai giữa không gây tử vong nhanh như các bệnh nhiễm trùng khác nhưng sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm liên quan đến não, dễ gây điếc hoàn toàn. Đặc biệt, bệnh có khả năng làm suy giảm khả năng phát triển ngôn ngữ và tư duy nhận thức ở trẻ. Hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh nhiễm trùng tai phổ biến này để từ đó biết cách phòng tránh xử lý bệnh khi bản thân hoặc người nhà mắc phải nhé!
Viêm tai giữa là gì? Các dạng bệnh thường gặp
Viêm tai giữa là một trong những bệnh viêm đường hô hấp trên phổ biến nhất hiện nay. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng đối tượng phổ biến nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Khoảng 80% trẻ em dưới 3 tuổi sẽ bị viêm tai giữa cấp ít nhất một lần trong đời. Trong đó, trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh là 48%, trẻ 12 tháng tuổi là 79% và trẻ nhỏ 2 tuổi là 91%.
Bệnh viêm tai giữa là gì? Đây là tình trạng nhiễm trùng tai do vi khuẩn và virus gây ra, khiến tai bị ứ đọng dịch trong nhiều ngày, có khả năng ảnh hưởng đến thính lực. Căn bệnh này bao gồm hai giai đoạn là viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa mãn tính. Ở mỗi giai đoạn lại có nhiều cấp độ hoặc dạng viêm tai giữa khác nhau.
Giai đoạn cấp tính
Tình trạng nhiễm trùng cấp ở tai giữa với các triệu chứng kéo dài từ 1 – 2 tuần. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn, từ 3 tuần đến 3 tháng thì đó là giai đoạn bán cấp. Viêm tai giữa cấp có 3 giai đoạn: xung huyết – xuất tiết – ứ mủ. Không phải bệnh nhân nào cũng trải qua hết các giai đoạn này. Có trường hợp chỉ bị viêm tai giữa cấp xung huyết hoặc xuất tiết rồi ngừng lại, không phát triển đến viêm tai giữa cấp mủ.
Giai đoạn mãn tính
Tình trạng nhiễm trùng tai ở giữa với các triệu chứng kéo dài trên 3 tháng và có nhiều biến thể khác nhau. Trong đó các dạng bệnh thường gặp nhất là:
- Viêm tai giữa thanh dịch
- Viêm tai giữa thủng màng nhĩ
- Viêm tai giữa di chứng (xơ nhĩ, xơ dính)
- Viêm tai giữa xẹp lõm (túi lõm, xụp nhĩ)
- Viêm tai giữa có mủ mãn tính (có Cholesteatoma, mủ nhầy)
Viêm tai giữa có nguy hiểm không? Bệnh có lây lan không?
Nguy cơ dễ nhận thấy nhất ở người bệnh là tình trạng thính lực bị suy giảm, thậm chí là điếc vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, bệnh còn có khả năng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác như:
- Biến chứng ngoài sọ: Viêm mê nhĩ, liệt dây thần kinh mặt, viêm xương chũm và áp xe dưới màng xương (áp xe thể Bezold), viêm xương đá (hội chứng Gradenigo).
- Biến chứng nội sọ: Viêm màng não, áp xe não, não úng thủy, viêm nghẽn tĩnh mạch xoang hang (sigma)
Người bệnh cần phải ghi nhớ rõ các triệu chứng của viêm tai giữa để nhanh chóng phát hiện khi có các dấu hiệu bất thường ở tai.
Nhiều bạn đọc thắc mắc rằng, bệnh viêm tai giữa có lây không, vì nguyên nhân chính gây ra tình trạng bệnh được biết đến chủ yếu là do virus, vi khuẩn. Giải đáp vấn đề này, bác sĩ Lê Phương – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng Đông y Việt Nam đã khẳng định: “Viêm tai giữa không phải căn bệnh truyền nhiễm. Các vi sinh vật chỉ cư trú, phát triển trong môi trường tai gây viêm tắc vòi Ơ – tát (Eustache) và nhiễm trùng, không có khả năng lây lan từ người sang người”.
Triệu chứng viêm tai giữa điển hình
Mức độ xuất hiện các triệu chứng bệnh sẽ tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Dấu hiệu viêm tai giữa ở giai đoạn cấp sẽ xuất hiện rầm rộ hơn so với giai đoạn mãn tính.
- Biểu hiện ở giai đoạn cấp: Bệnh nhân có các triệu chứng như sốt cao từ 39-40 độ C, màng nhĩ sưng đỏ, đau nhói sâu trong tai, chảy dịch tai lỏng (màu vàng) hoặc đặc (mủ xanh), khả năng nghe kém.
- Biểu hiện ở giai đoạn mãn tính: Bệnh nhân thường ít hoặc không có biểu hiện đau tai, dịch tai lúc có lúc không nhưng xuất hiện dai dẳng trong nhiều tháng, có thể là dịch nhầy, loãng, đục, mủ, có mùi hôi, khả năng nghe rất kém.
Viêm tai giữa ở trẻ em thường khó nhận biết hơn so với viêm tai giữa ở người lớn. Nhất là ở trẻ sơ sinh không biết nói và biểu đạt về triệu chứng bệnh. Cha mẹ cần quan sát sự thay đổi trong biểu hiện, hành vi của trẻ. Hãy đưa con đến cơ sở y tế thăm khám ngay nếu thấy các triệu chứng sau:
- Dấu hiệu trẻ nhỏ bị viêm tai giữa: Sốt, khả năng nghe kém, không trả lời hoặc mất tập trung khi cha mẹ nói, than đau tai (nếu trẻ biết nói).
- Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa: Bỏ bú, nôn ói, tiêu chảy, khóc quấy, lấy tay co kéo tai, dụi tai.
Nguyên nhân gây viêm tai giữa thường gặp
Cả viêm tai giữa cấp và mãn tính đều xuất phát từ việc ống vòi nhĩ bị rối loạn chức năng và bị bít tắc bởi các chất dịch ứ đọng lâu ngày. Từ đó, các vi khuẩn và virus có điều kiện thuận lợi để phát triển và sinh sôi gây nhiễm trùng tai giữa. Các loại vi sinh vật thường gặp nhất là:
- Phế cầu khuẩn: Chiếm tỷ lệ khoảng 40 – 50%
- Haemophilus Enzae: Chiếm tỷ lệ khoảng 30 – 40%
- Moraxella catarrhalis: Chiếm tỷ lệ khoảng 10 – 15%
- Liên khuẩn cầu nhóm A: Thường gặp ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi
- Staphylococcus aureus: Thường là nguyên nhân gây viêm tai mãn tính
- Trực khuẩn gram âm: Thường gặp ở trẻ sơ sinh, bệnh nhân bị ức chế miễn dịch và bệnh nhân bị viêm tai giữa mủ mạn tính
- Virus: Chiếm tỷ lệ dưới 10%, các dạng adenovirus, rhovovirus hoặc virus cúm có thể xuất hiện cùng vi khuẩn.
- Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, Chlamydia trachomatis: Thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi
- Vi sinh hiếu khí: Pseudomonas aeruginosa, Proteus mirabilis, S. aureus, Streptococcus pyogenes, Escherichia coli hoặc các loài Klebsiella
- Vi sinh kỵ khí: Các loài vi khuẩn, Peptostreptococcus hoặc Propionibacterium
Nhóm vi sinh Phế cầu khuẩn, Haemophilus Enzae, Moraxella catarrhalis, Liên cầu khuẩn nhóm A, Staphylococcus aureus cũng nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm tai giữa tái phát và kéo dài dai dẳng.
Các loại vi khuẩn này có thể thuận lợi xâm nhập vào tai giữa nếu có các yếu tố:
- Dị ứng
- Nhiễm trùng hô hấp cấp
- Thời tiết nồm ẩm, lạnh
- Chấn thương: ngoáy tai, hỏa khí
- Bất thường sọ mặt
- Tiếp xúc với khói thuốc lá
- Trẻ nhỏ bú bình nhiều và không nằm đúng tư thế
Cách điều trị dứt điểm và phòng chống bệnh
Viêm tai giữa chủ yếu được điều trị bằng thuốc uống. Sau khi các phác đồ điều trị nội khoa không thành công, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng đến các thủ thuật ngoại khoa.
Điều trị viêm tai giữa theo Tây y
Tây y điều trị bệnh bằng các loại thuốc kháng sinh và thuốc điều trị triệu chứng trước tiên. Nếu quá trình điều trị không khả quan, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật.
Viêm tai giữa uống thuốc gì?
Trong trường hợp bệnh do virus gây ra thì chỉ dùng thuốc điều trị triệu chứng. Phác đồ điều trị viêm tai giữa nội khoa thường được chỉ định như sau:
Phác đồ 1:
- Thuốc kháng sinh: Dùng Amoxicillin với liều lượng 20-40 mg/kg/ngày, dùng 3 lần/ngày, điều trị xuyên suốt trong khoảng 10-14 ngày. Trường hợp nặng thì dùng liều cao 60-90 mg/kg/ngày. Hoặc Amoxicillin/clavulanate (Augmentin) dùng 45 mg/kg/ngày, uống 2 lần/ngày, dùng trong khoảng 10-14 ngày.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, Ibufen dùng 10 mg/kg/mỗi sáu giờ đồng hồ.
- Dung dịch nhỏ tai: Ciprofloxacin hoặc Hydrocortison hoặc Ofloxacin nhỏ 3-4 giọt/lần, mỗi ngày dùng 2 lần.
Phác đồ 2:
- Thuốc kháng sinh: Cefalosporin thế hệ 2 hoặc Erythromycin/Sulfisoxazole hoặc Trimethoprim/Sulfamethoxazole dùng thay thế cho Amoxicillin.
- Thuốc điều trị triệu chứng không cần thay đổi
Sau khoảng 10 ngày điều trị, nếu phác đồ 1 tỏ ra không hiệu quả thì bệnh nhân sẽ cần dùng đến phác đồ 2. Các loại thuốc điều trị được chỉ định dựa trên nguyên nhân gây bệnh, mức độ xuất hiện các triệu chứng, thể trạng của bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà khi chưa thăm khám tại các chuyên khoa tai mũi họng.
Việc dùng sai thuốc hoặc dùng thuốc không đúng liều sẽ khiến các vi sinh vật kháng thuốc. Về sau, quá trình điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. Từ đó, bệnh nhân bị viêm tai giữa cấp có nguy cơ chuyển sang viêm tai giữa mãn tính cao. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc như dị ứng, rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, buồn nôn… Nếu các phác đồ điều trị trên đều thất bại, người bệnh sẽ được bác sĩ khuyến khích thực hiện phẫu thuật.
Can thiệp bằng phẫu thuật ngoại khoa
Bệnh nhân thường được bác sĩ chỉ định thực hiện một trong các dạng phẫu thuật:
- Trích màng nhĩ cho khi tai nung mủ
- Tạo hình màng nhĩ đối với trường hợp tai bị thủng màng nhĩ
- Đặt ống thông khi bị viêm tai giữa thanh dịch, ứ dịch
Với sự phát triển của y học hiện đại, phẫu thuật nội soi chiếm đa phần và không phải là thủ thuật quá nguy hiểm. Bệnh nhân có khả năng gặp biến chứng ít hơn. Thời gian thực hiện thủ thuật chỉ kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng tùy vào trường hợp cụ thể. Dù vậy, chi phí để thực hiện phương pháp này sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc điều trị nội khoa.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phải dùng thêm các loại thuốc hỗ trợ để chống nhiễm trùng. Người bệnh cũng cần chú ý vệ sinh và chăm sóc tai cẩn thận, tái khám đúng định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chữa viêm tai giữa bằng Đông y
Bên cạnh Tây y, đông y cũng là biện pháp điều trị an toàn, hiệu quả cho người bị viêm tai giữa. Biện pháp này rất phù hợp với những bệnh nhân có thể trạng không đáp ứng tốt với thuốc tây. Chẳng hạn như người bị suy giảm miễn dịch, trẻ em và phụ nữ có thai.
Theo Đông y, bệnh có tên gọi là “Nhĩ nùng”, do phong nhiệt và nhiệt độc xâm phạm vào kinh can đởm mà hình thành. Bệnh cũng chia thành 2 giai đoạn chính là viêm tai giữa cấp tính (do phong nhiệt) và viêm tai giữa mãn tính (do nhiệt độc). Trong đó giai đoạn mãn tính bao gồm ba biến thể: can kinh thấp nhiệt, âm hư hỏa vượng và thể tỳ hư. Mỗi thể bệnh sẽ có bài thuốc đông y điều trị riêng:
- Do phong nhiệt: Dùng bài thuốc Long đởm tả can thang gia giảm
- Do âm hư hỏa vượng: Dùng bài thuốc Tri bá địa hoàng thang gia giảm
- Do tỳ hư: Dùng bài thuốc Sâm linh bạch truật tán gia giảm
Các bài thuốc này sẽ được bác sĩ gia giảm tùy thuộc vào độ tuổi và thể trạng của người bệnh. Đồng thời bài thuốc có thể được thêm vào một số dược liệu khác nếu diễn tiến bệnh tình phức tạp hơn. Người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thuốc bột được điều chế từ thảo dược tự nhiên, hỗ trợ diệt khuẩn, kháng viêm và làm khô lưu dịch tai.
Đối với các trường hợp mãn tính, bệnh nhân có thể tham khảo thực hiện liệu pháp châm cứu. Liệu pháp này sẽ tác động vào các huyệt đạo chữa bệnh điếc như Nhĩ môn, Ế phong, Hợp cốc, Lư tức, Thính cung, Thính hội để giúp bệnh nhân lưu thông dịch tai, cải thiện thính lực bị suy giảm.
Cho dù là bốc thuốc trị bệnh hay thực hiện châm cứu, người bệnh cũng phải tìm hiểu kỹ lưỡng và lựa chọn các nhà thuốc đông y uy tín, bác sĩ có tay nghề chuyên môn. Người bệnh không nên mua thuốc hoặc thực hiện châm cứu tại các cơ sở đông y kém uy tín, bác sĩ không có chuyên môn đào tạo.
Cách điều trị viêm tai giữa tại nhà
Dân gian lưu truyền nhiều cách chữa viêm tai giữa bằng thuốc nam hoặc từ các nguyên liệu tự nhiên dễ tìm trong nhà bếp. Các mẹo dân gian có chi phí rẻ, dễ thực hiện tại nhà, tiện lợi nên được nhiều người tin dùng. Nhưng không phải biện pháp nào cũng an toàn và hiệu quả, nhất là để chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em.
Các cách chữa viêm tai giữa bằng tổ bọ ngựa, sáp ong, vảy tê tê, lông nhím… hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Người bệnh không nên vội vàng tin tưởng và áp dụng theo những chia sẻ kinh nghiệm từ mạng xã hội. Dù vậy, vẫn có một vài mẹo dân gian có đủ căn cứ khoa học mà cha mẹ có thể tin dùng như: cách chữa viêm tai giữa bằng rau diếp cá, tỏi. lá bàng, lá hẹ.
Tuy nhiên, các mẹo dân gian này chỉ dùng được trong những trường hợp nhẹ, bệnh mới khởi phát và ít triệu chứng. Hiệu quả của mẹo dân gian sẽ phụ thuộc nhiều vào cơ địa, không phải ai áp dụng cũng thành công. Thuốc cũng có tác dụng chậm nên người bệnh cần kiên trì sử dụng ít nhất là 3-5 ngày. Sau khoảng thời gian này, nếu bệnh nhân không thấy các triệu chứng thuyên giảm thì nên ngừng sử dụng và chuyển sang biện pháp điều trị chuyên sâu hơn như tây y hoặc đông y.
Lưu ý trong điều trị và phòng tránh viêm tai giữa
Người bệnh cần thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc sức khỏe trong suốt quá trình điều trị. Việc giữ môi trường tai giữa sạch sẽ và thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ đẩy nhanh tiến trình điều trị và hồi phục sức khỏe của bệnh nhân.
- Vệ sinh tai như thế nào: Lấy một cây bông ngoáy tai thấm dung dịch oxy già hoặc nước muối sinh lý và vệ sinh tai nhẹ nhàng. Thực hiện điều này trước khi dùng dung dịch nhỏ tai hoặc các loại thuốc bột có tác dụng điều trị bệnh.
- Viêm tai giữa kiêng gì: Người bệnh cần kiêng tất cả các thực phẩm gây khó nhai và làm hạn chế khả năng hoạt động của tế bào bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn. Chẳng hạn như đồ ăn dai cứng, chua cay, thực phẩm nhiều đường (bánh kẹo ngọt, nước ngọt có ga…), nhiều dầu mỡ (thức ăn nhanh, đồ ăn chiên rán…), thực phẩm dễ gây dị ứng (hải sản), mưng mủ (đồ nếp), thực phẩm chứa chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá).
- Viêm tai giữa nên ăn gì: Người bệnh nên ăn thức ăn dạng lỏng, thực phẩm giúp bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất (rau xanh và trái cây), giàu omega-3 (cá hồi, cá ngừ…), ngũ cốc (hạt lanh, hạnh nhân, đậu xanh, đậu đỏ…).
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa: Bệnh rất dễ tái phát lại nếu bệnh nhân không thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh. Người bệnh cần chú ý: vệ sinh tai sạch sẽ hàng ngày, không sử dụng các vật sắc nhọn để lấy ráy tai, sau khi tắm rửa và bơi lội cần lau tai khô, tránh xa môi trường ô nhiễm có nhiều khói thuốc lá, hạn chế ăn các thực phẩm gây dị ứng (tôm, cá, mực…).
Viêm tai giữa mặc dù không dễ gây tử vong nhưng việc chủ quan trong điều trị sẽ khiến người bệnh dễ gặp các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ em. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh, bạn đọc hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời, giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn.