Viêm Tai Giữa Ứ Dịch: Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Cách Điều Trị Sớm
Viêm tai giữa ứ dịch là một dạng nhiễm trùng tai mãn tính thường gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ và nhận thức của trẻ. Người mắc bệnh sẽ bị suy giảm thính lực nghiêm trọng, thậm chí là điếc hoàn toàn nếu bệnh chuyển biến sang giai đoạn mãn tính và bị biến chứng.
Viêm tai giữa ứ dịch là gì? Bệnh có nguy hiểm không
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học viêm tai giữa ứ dịch, đây là tình trạng tích tụ dịch tai giữa sau một màng nhĩ đóng kín nhưng không có các triệu chứng cấp như sốt, đau tai, kích thích. Chính vì vậy mà bệnh cũng rất khó để phát giác từ sớm.
Viêm tai giữa ứ dịch phổ biến nhất ở trẻ em. Theo báo cáo đăng trên Tạp chí Y Dược học – Trường Đại học Y Dược Huế vào năm 2016, khoảng 90% các bé bị viêm tai giữa ứ dịch chủ yếu nằm trong độ tuổi dưới 10, đa số là từ 6 tháng đến 4 tuổi. Nó cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc trẻ bị chậm nói, nhận thức kém hơn so với trẻ cùng lứa tuổi.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc viêm tai giữa ứ dịch không xuất hiện ở người trưởng thành. Hiện tượng viêm tai giữa ứ dịch ở một bên phổ biến hơn ở người lớn, thay vì bị cả hai bên như trẻ nhỏ. Ngoài ra, nguy cơ bệnh chuyển thành mãn tính cũng cao hơn do thường chủ quan trong điều trị.
Viêm tai giữa ứ dịch khi chuyển biến nặng có thể dẫn đến các bệnh lý mãn tính gây điếc hoàn toàn như: Túi co kéo màng nhĩ, chứng xẹp nhĩ, viêm tai xơ dính, xơ nhĩ, viêm tai có Cholesteatoma – khối viêm ăn mòn hệ thống xương trong tai…Do đó, người mắc bệnh không được chủ quan trong điều trị viêm tai giữa ứ dịch.
Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa ứ dịch
Bệnh viêm tai giữa xuất hiện nhiều ở trẻ là do cấu tạo vòi nhĩ bẩm sinh ngắn và nhỏ, trong khi đó khẩu kính lại to nên thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Viêm tai giữa ứ dịch cũng xuất phát từ yếu tố nhiễm trùng do vi khuẩn. Ngoài ra còn có các yếu tố bệnh sinh như:
- Rối loạn chức năng vòi tai: Ống vòi nhĩ bị rối loạn chức năng, dịch lỏng tích tụ và không thể thoát ra ngoài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng.
- Các bệnh viêm đường hô hấp trên: Ống vòi nhĩ thông với vòm mũi họng nên vi khuẩn từ các chất dịch mũi họng có thể xâm nhập vào tai giữa và tạo thành bệnh.
Mặc dù không phải là nguyên nhân chính nhưng các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa ứ dịch:
- Trẻ bú bình nhiều với tư thế nằm sai: Trẻ nằm ngửa bú bình có thể khiến sữa từ mũi họng trào vào tai và gây ứ dịch ở tai giữa
- Tiếp xúc với khói thuốc lá: Khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây nên những thay đổi về cấu trúc sinh lý ở niêm mạc đường hô hấp và niêm mạc ở tai giữa.
- Nhiễm siêu vi: Khi bị cảm lạnh, cảm cúm sẽ có tình trạng sổ mũi, ngạt mũi. Vi khuẩn từ những bệnh này sẽ xâm nhập vào tai giữa theo đường mũi họng
- Cơ địa dị ứng: Người có cơ địa dị ứng thường bị viêm tắc vòi mũi, tạo ra áp lực âm trong tai giữa và tạo lực hút, hút vi khuẩn, dịch tiết từ vòm mũi họng vào tai giữa
Triệu chứng viêm tai giữa ứ dịch
Viêm tai giữa rất khó để xác định nếu không nhờ đến các kỹ thuật và dụng cụ chuyên khoa như máy nội soi, máy đo nhĩ lượng. Tuy nhiên, người bệnh có thể tự theo dõi tình hình sức khỏe và đến ngay các chuyên khoa tai mũi họng nếu có các biểu hiện lâm sàng sau:
- Triệu chứng ngoài tai: Ngạt mũi, chảy mũi do bệnh có mối liên hệ mật thiết với viêm VA.
- Triệu chứng ở tai: Ù tai, nghe kém, có thể thấy óc ách trong tai.
Khi thực hiện nội soi tai, bác sĩ có thể quan sát thấy màng nhĩ bị mờ đục, mất nón sáng, màu sắc thay đổi, hơi bị co kéo hoặc căng phồng, độ di động giảm mạnh hoặc không di động…
Ở trẻ nhỏ chưa biết nói, do bệnh không có các dấu hiệu rõ rệt như đau tai hay sốt, dịch tai bị đóng sau màng nhĩ nên cha mẹ thường khó để phát hiện. Khi nhận thấy trẻ chậm nói hơn bình thường, không nghe thấy hoặc mất tập trung khi người xung quanh nói, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khám tai ngay.
Viêm tai giữa ứ dịch điều trị như thế nào, bao lâu thì khỏi?
Viêm tai giữa ứ dịch cần được điều trị dứt điểm ngay từ sớm để tránh diễn tiến bệnh trở nên phức tạp. Quá trình điều trị có thể diễn ra trong vài ngày nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến vài năm. Thời gian và phương pháp chữa trị chính xác phải phụ thuộc vào các yếu tố như: Mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng đáp ứng với thuốc và phương pháp điều trị.
Viêm tai giữa ứ dịch uống thuốc gì?
Người bị viêm tai giữa ứ dịch trong trường hợp nhẹ có thể sử dụng phương pháp điều trị nội khoa. Nếu bệnh không đi kèm với các bệnh viêm đường hô hấp thì không cần dùng đến thuốc kháng sinh, chỉ cần điều trị triệu chứng.
Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị viêm tai giữa bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Amoxicillin, ampicillin, cephalosporin thế hệ II, III, nhóm macrolid, nhóm quinolon
- Thuốc kháng viêm: Corticoid ngắn ngày, thuốc không chứa steroid
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, ibuprofen
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách dùng và liều lượng tùy theo độ tuổi, thể trạng sức khỏe của bệnh nhân. Không phải ai bị viêm tai giữa ứ dịch cũng có cách chữa trị giống nhau. Người bệnh phải trực tiếp đến bệnh viện thăm khám, không được mua thuốc và tự điều trị tại nhà nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh điều trị nội khoa thường chỉ dùng thuốc trong khoảng 5-10 ngày. Sau khi tái khám, nếu bác sĩ thấy tai ổn định, các triệu chứng thuyên giảm thì người bệnh có thể ngưng dùng thuốc.
Thủ thuật đặt ống thông khí
Trường hợp viêm tai giữa ứ dịch tiến triển đến giai đoạn nặng, thính lực đã suy giảm trên 15dB, không đáp ứng với thuốc hoặc bị biến chứng xẹp nhĩ có túi co kéo thì cần thực hiện thủ thuật đặt ống thông khí. Ống thông khí là biện pháp tối ưu nhất để dẫn lưu dịch tai từ hòm nhĩ ra bên ngoài, giúp thính lực được cải thiện và giảm nguy cơ tái phát sau điều trị.
Trước khi tiến hành đặt ống thông khí, bác sĩ sẽ gây mê toàn thân đối với trẻ nhỏ và gây tê tại chỗ đối với người lớn. Sau đó rạch màng nhĩ khoảng 1.5 – 2mm để đặt ống thông vào trong. Loại ống thông được dùng nhiều nhất là Grommet có thời gian ngắn dưới 1 năm. Đối với những trường hợp có hiện tượng xẹp nhĩ thì phải dùng ống chữ T, có thời gian lưu dài trên
Ống thông khí có thể tự rơi ra ngoài trong khoảng 6 – 18 tháng. Nếu hết thời gian điều trị theo quy định, ống vẫn chưa tự rơi ra thì bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật lấy ống thông thêm lần nữa.
Thủ thuật này được thực hiện tương đối đơn giản, chỉ khoảng 30 phút – 60 phút/tai. Chi phí thực hiện tương đối đắt đỏ, dao động trong khoảng 10-15 triệu đồng. Người bệnh cần cân nhắc và lựa chọn cơ sở y tế đảm bảo chất lượng trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật.
Lưu ý: Trước khi đặt ống thông tai, nếu bệnh nhân bị viêm VA thì cần nạo VA trước
Phương pháp chữa bệnh bằng Đông y
Đông y quan điểm viêm tai giữa hình thành do kinh can đởm bị phong nhiệt hoặc nhiệt độc xâm phạm. Vì vậy, muốn điều trị bệnh phải dùng phép sơ phong thanh nhiệt hoặc trừ thấp nhiệt ở kinh can đởm.
Thuốc đông y trị bệnh theo nguyên tắc loại bỏ từ căn nguyên gây bệnh đến điều trị triệu chứng, mang lại hiệu quả lâu dài. Thuốc cũng được bào chế từ dược liệu tự nhiên nên tương đối an toàn với người bệnh, bao gồm cả trẻ nhỏ. Trong trường hợp viêm tai giữa ứ dịch thể nhẹ, người bệnh có thể tham khảo sử dụng các bài thuốc như Sài hồ thanh can thang gia giảm hoặc Long đởm tả can thang gia giảm.
Trường hợp viêm tai nặng hơn cần kết hợp sử dụng thuốc uống với các liệu pháp hỗ trợ như thuốc bột và châm cứu. Thuốc bột có tác dụng điều trị tại chỗ, diệt vi khuẩn khu trú trong tai giữa và làm lưu dịch tai khô. Trong khi đó, châm cứu lại thông qua các huyệt đạo chủ trị chứng điếc tai để lưu thông kinh mạch, hồi phục thính lực. Để đảm bảo chữa bệnh an toàn, người bệnh cần tìm hiểu kỹ càng và đến thăm khám tại các nhà thuốc đông y uy tín, có kinh nghiệm lâu năm trong nghề.
Biện pháp phòng tránh viêm tai giữa ứ dịch
Viêm tai giữa ứ dịch có thể phòng ngừa bằng các biện pháp đơn giản sau:
- Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và các chất gây dị ứng
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giữ cho môi trường sống thông thoáng, hạn chế vi khuẩn
- Cho trẻ bú sữa mẹ, hạn chế sử dụng bình bú sữa. Khi bú nên nâng cao đầu trẻ hơn, không để trẻ nằm ngửa
- Giữ ấm cơ thể phòng tránh bệnh cảm lạnh, cảm cúm, với trẻ em thì nên tiêm phòng đầy đủ
- Chữa trị tận gốc các bệnh viêm đường hô hấp: viêm họng, viêm mũi…
- Khi tắm hoặc bơi lội xong nên sử dụng khăn khô hoặc bông ngoáy tai thấm nước ở trong tai
- Vệ sinh tai bằng bông thấm nước muối sinh lý hoặc oxy già mỗi ngày
Viêm tai giữa ứ dịch là dạng nhiễm trùng tai rất khó phát hiện và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực. Bạn đọc cần chủ động theo dõi tình hình sức khỏe để kịp thời phát hiện và tiếp nhận điều trị bệnh từ sớm. Đặc biệt là với trẻ nhỏ cũng như những người mắc bệnh viêm đường hô hấp nói chung.
Ngày Cập nhật 07/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!