Lao Cột Sống: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị
Lao cột sống là một trong những dạng lao ngoài phổi phổ biến. Bệnh xảy ra khi trực khuẩn lao xâm nhập vào hạch bạch huyết, đi vào tuần máu, cư trú trong cột sống và khởi phát khi có điều kiện thuận lợi. Hiện nay, điều trị chính đối với vi khuẩn lao là sử dụng thuốc kết hợp với phục hồi chức năng, bất động và can thiệp phẫu thuật.
Lao cột sống là gì?
Lao cột sống (Mục xương sống do lao) là một trong những dạng lao ngoài phổi thường gặp nhất. Bệnh lý này thực chất là tình trạng nhiễm trùng thứ phát sau lao phổi. Thống kê cho thấy, mục xương sống do lao chiếm khoảng 20% các trường hợp lao ngoài phổi (lao màng não, lao màng bụng, lao thận niệu sinh dục,…).
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis di chuyển đến phổi, gây viêm nhiễm và hư hại cơ quan này. Sau đó, vi khuẩn có thể đi vào tuần hoàn máu và di chuyển đến xương sống, trú ngụ ở dạng không hoạt động và bùng phát khi có điều kiện thích hợp. Do đặc tính ưa những nơi có nhiều oxygen và mạch máu nên sau khi gây tổn thương phổi, vi khuẩn có thể tấn công vào các mô xương và đốt sống.
Lao cột sống thường ảnh hưởng đến vùng ngực và thắt lưng (gần 80%) và chỉ có khoảng 4% khởi phát ở đốt sống cổ. Bệnh gặp nhiều ở người từ 20 – 40 tuổi và tỷ lệ mắc bệnh đồng đều giữa nam – nữ.
Nguyên nhân gây lao cột sống
Nguyên nhân trực tiếp gây lao cột sống là do vi khuẩn lao – Mycobacterium tuberculosis. Loại vi khuẩn này là một dạng trực khuẩn thanh mảnh, kích thước khoảng 0.4 x 3-5mm. Trực khuẩn lao không có lông, không có nha bào và không có vỏ.
Mycobacterium tuberculosis là loại vi khuẩn ưa khí và phát triển mạnh ở nhiệt độ 37 độ C. Sau khi xâm nhập qua đường hô hấp, trực khuẩn này di chuyển đến các nang phổi – nơi tập trung nhiều oxy nhất trong cơ thể.
Vi khuẩn lao phát triển chậm nên có thời gian ủ bệnh lâu và mất nhiều tháng mới phát sinh các biểu hiện lâm sàng. Trong thời gian bùng phát lao phổi, trực khuẩn có thể lan tới hạch bạch huyết, sau đó đi vào máu và di chuyển đến xương cột sống.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao cột sống, bao gồm:
- Độ tuổi từ 20 – 40 tuổi
- Sinh sống trong môi trường nhiễm khuẩn lao
- Căng thẳng kéo dài
- Đời sống thấp
- Hệ miễn dịch suy yếu do nhiễm HIV hoặc các bệnh mãn tính khác
Triệu chứng nhận biết bệnh lao cột sống
Lao cột sống là một dạng nhiễm trùng thứ phát và tiến triển mãn tính. Bệnh phát triển âm thầm nên đa phần không gây ra triệu chứng lâm sàng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên khi vi khuẩn phá hủy các mô trong đốt sống, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng như sau:
- Đau: Ban đầu, cơn đau thường âm ỉ, kéo dài và tăng nhiều về chiều đến đêm khuya. Cơn đau khu trú tại 1 vùng đốt sống cụ thể (thường là đốt sống ngực hoặc thắt lưng). Theo thời gian, mức độ đau có thể tăng lên khi ngồi, đi lại, cúi gập,…
- Teo chân: Teo chân là triệu chứng thường gặp ở các trường hợp lao cột sống vùng thắt lưng. Triệu chứng này xuất hiện ở 1 trong 2 chân do rễ thần kinh bị chèn ép. Tuy nhiên ở một số trường hợp, hiện tượng teo có thể xuất hiện đồng thời ở cả 2 chân.
- Áp xe lao: Áp xe lao thường xuất hiện ở vùng ổ bụng dưới, bên trái hoặc bên phải. Nếu không xử lý kịp thời, áp xe có thể tăng dần kích thước, sau đó vỡ và chảy máu ra da.
- Rối loạn biến dưỡng lông, móng và da: Triệu chứng thường xảy ra khi hai chân đều có hiện tượng teo do chèn ép rễ thần kinh.
- Lồi cột sống ra sau: Khi nghiêng hoặc cúi gập người sẽ nhìn thấy một cột sống lồi hẳn ra phía sau.
- Dấu hiệu toàn thân: Sốt nhẹ về chiều, giảm cân đột ngột, người mệt mỏi, ốm yếu, ăn uống kém,…
Theo ý kiến của các chuyên gia, lao cột sống thắt lưng là loại có mức độ nặng và dễ phát sinh biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Ở những trường hợp này, bệnh gây ra các triệu chứng tương tự đau thần kinh tọa nên rất dễ nhầm lẫn nếu không tiến hành chẩn đoán.
Lao cột sống có lây không? Nguy hiểm không?
Lao cột sống là một dạng nhiễm trùng thứ phát. Khác với các dạng nhiễm trùng thông thường, nhiễm trùng lao có tiến triển chậm, gây triệu chứng mờ nhạt, không có tính điển hình và rất khó nhận biết. Vì vậy hầu hết các trường hợp đều phát hiện khi trực khuẩn đã gây hư hại nghiêm trọng các mô xương ở cột sống.
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng như:
- Hội chứng chèn ép: Hội chứng chèn ép là biến chứng thường gặp của bệnh lao cột sống. Biến chứng này xảy ra khi đĩa đệm và đốt sống bị phá hủy, dẫn đến tình trạng lún, lệch và chèn ép vào rễ thần kinh thắt lưng. Theo thời gian, tình trạng chèn ép thần kinh có thể gây ra các ảnh hưởng nặng nề như hội chứng chùm đuôi ngựa, liệt tứ chi, rối loạn cảm giác,…
- Lao lan rộng: Sau khi phá hủy mô xương ở cột sống, trực khuẩn lao có thể di chuyển đến một số cơ quan khác và tiếp tục gây ra hiện tượng nhiễm trùng.
- Suy kiệt: Nếu không điều trị kịp thời hoặc thể trạng quá yếu, lao cột sống có thể nặng dần, gây liệt, tăng nguy cơ bội nhiễm và phát sinh các dạng lao khác như lao màng tim, lao màng phổi,… Trong trường hợp này, vi khuẩn lao có thể gây suy kiệt và dẫn đến tử vong.
Vi khuẩn lao chủ yếu lây nhiễm qua đường hô hấp. Bệnh có khả năng lây mạnh nhất khi vi khuẩn trú ngụ tại phổi. Đối với lao cột sống và các dạng lao thứ phát khác, bệnh vẫn có khả năng lây nhiễm nhưng tỷ lệ thường thấp hơn so với lao phổi.
Chẩn đoán lao cột sống bằng cách nào?
Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp chẩn đoán như:
- Thăm khám lâm sàng: Trước khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng nhằm quan sát triệu chứng cơ năng và tổn thương thực thể.
- X-Quang: X-Quang là xét nghiệm hình ảnh quan trọng trong chẩn đoán bệnh lao cột sống. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định một số yếu tố giúp chẩn đoán lao như đĩa đệm bị phá hủy, nhận thấy sự xuất hiện của áp xe lạnh,…
- Xét nghiệm máu: Nhận thấy tốc độ lắng máu tăng lên.
- Xét nghiệm PCR: Xét nghiệm này được thực hiện nhằm lấy các bệnh phẩm như xương chất trong ổ lao, bã đậu,…
Sau khi chẩn đoán xác định, bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý sau:
- Viêm cột sống do vi khuẩn mủ (tụ cầu): Phát sinh triệu chứng nhiễm trùng nặng, chụp X-Quang không có áp xe lạnh và thường đi kèm với hậu bối/ nhọt.
- Tổn thương dạng u: Như u máu, ung thư cột sống, ung thư di căn,… Phân biệt bằng triệu chứng toàn thân và chụp X-Quang không nhận thấy áp xe lạnh.
Các biện pháp điều trị bệnh lao cột sống
Khoảng 88% trường hợp bệnh nhân lao cột sống có thể điều trị bảo tồn. Bên cạnh điều trị bằng thuốc, cần kết hợp với phục hồi chức năng để tránh teo cơ. Tuy nhiên, bác sĩ có chỉ định phẫu thuật và bất động trong những trường hợp cần thiết.
1. Sử dụng thuốc theo phác đồ
Lao cột sống có thể điều trị hoàn toàn nếu sử dụng thuốc đúng phác đồ và kịp thời. So với các chủng vi khuẩn khác, trực khuẩn lao có nguy cơ đột biến kháng thuốc cao nên phải sử dụng theo nguyên tắc phối hợp thuốc, dùng đúng thời gian và đúng liều lượng.
Trong thời gian đầu, bác sĩ thường chỉ định phác đồ bao gồm 4 loại thuốc. Sau đó có thể giảm còn 2 – 3 loại tùy vào từng trường hợp cụ thể. Thời gian sử dụng thuốc kháng lao kéo dài khoảng 8 – 9 tháng.
Trong trường hợp sử dụng thuốc không đều hoặc dùng phác đồ không phù hợp, vi khuẩn lao có thể kháng thuốc. Đối với bệnh nhân lao kháng thuốc, điều trị phải thật sự cẩn trọng vì nguy cơ tử vong lên đến 40 – 60%. Điều trị cho nhóm đối tượng này thường kéo dài hơn 9 tháng và phải phối hợp nhiều hơn 4 loại thuốc.
Một số loại thuốc kháng lao thường được sử dụng, bao gồm Streptomycin, Ethambutol, Rimifon, Pyranamid, Rifampycin,…
2. Can thiệp phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định đối với trường hợp lao cột sống có nguy cơ hoặc đã chèn ép tủy, xuất hiện ổ áp xe lạnh tại chỗ hoặc di chuyển xa. Thống kê cho thấy, có khoảng 12% trường hợp phải điều trị bằng thủ thuật ngoại khoa.
Kỹ thuật ngoại khoa thường được áp dụng trong điều trị lao cột sống là phẫu thuật Hodgon/ phẫu thuật Hong Kong. Kỹ thật này được thực hiện bằng cách mổ trước xương sống nhằm loại bỏ các ổ lao như xương chết, đĩa đệm bị hư hại, mủ và mô bã đậu. Sau đó tiến hành ghép xương liên thân đốt và có thể áp dụng thêm dụng cụ cố định cột sống đối với các trường hợp có điều kiện tài chính.
Đối với những trường hợp chỉ loại bỏ ổ lao và ghép xương, phẫu thuật mất khoảng 2 tháng để hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên nếu thực hiện kèm theo kỹ thuật cố định dụng cụ, bạn có thể tập luyện và đi lại chỉ sau khoảng vài ngày.
Lưu ý: Phải sử dụng thuốc kháng lao ngay cả khi can thiệp ngoại khoa để loại bỏ hoàn toàn nhiễm trùng và giảm nguy cơ bệnh tái phát. Thuốc kháng lao thường được dùng vào sáng sớm lúc bụng đói, dùng đúng liều lượng và sử dụng liên tục trong khoảng 1 năm.
3. Biện pháp y tế khác
Ngoài dùng thuốc và phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp với một số biện pháp y tế sau:
- Phục hồi chức năng: Phục hồi chức năng được thực hiện khi cột sống hết đau nhức và viêm sưng. Biện pháp này bao gồm xoa bóp cơ kết hợp với vận động nhằm tránh cứng khớp, teo cơ và phục hồi khả năng chuyển động của cột sống.
- Bất động: Bất động chỉ được thực hiện đối với một số ít trường hợp. Biện pháp này thường kéo dài khoảng 3 – 6 tháng nhằm hạn chế tiến triển và biến chứng của bệnh. Tuy nhiên bất động trong thời gian dài có thể gây ra hiện tượng teo cơ và cứng khớp nên chỉ được thực hiện khi cần thiết.
Biện pháp cải thiện và chăm sóc bệnh lao cột sống
Bên cạnh các biện pháp y tế, bạn có thể hỗ trợ quá trình điều trị với chế độ chăm sóc và một số cách cải thiện như:
- Bệnh lao và hầu hết các bệnh nhiễm trùng đều phụ thuộc nhiều vào sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch. Vì vậy trong thời gian điều trị, cần nghỉ ngơi và ăn uống điều độ để cải thiện thể trạng và hỗ trợ ức chế bệnh.
- Nên mở cửa sổ để đảm bảo phòng bệnh có đủ ánh sáng và lưu thông tốt. Nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn lao khá nhạy cảm với ánh sáng có thể bị tiêu diệt chỉ sau 1 phút 30 giây tiếp xúc. Trong khi đó, ở điều kiện tối và ẩm ướt, vi khuẩn có thể tồn tại trong 3 – 4 tháng.
- Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần chủ động cách ly với người thân vì trực khuẩn lao có thể dễ dàng lây nhiễm thông qua các hoạt động hô hấp.
Theo dõi – tiến triển sau điều trị
Điều trị dứt điểm lao cột sống được xác định khi có các yếu tố như hết đau nhức, thể trạng tốt, không còn áp xe, rò mủ, chụp X-Quang nhận thấy tái sinh xương, tái lập khả năng học tập – làm việc,…
Sau khi điều trị, cần theo dõi 1 tháng/ lần trong năm đầu tiên. Sau đó khám 3 tháng/ lần trong nằm thứ hai và 6 tháng/ lần trong các năm về sau.
Các phương pháp ngăn ngừa mục xương sống do lao
Để phòng ngừa bệnh mục xương sống do lao và các dạng lao khác, bạn nên thực hiện các biệp pháp phòng ngừa như:
- Vệ sinh nhà cửa, đảm bảo không gian sống thông thoáng, nhiều ánh sáng và thông khí.
- Có thể sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ bụi bẩn, chất dị ứng và vô hiệu hóa một số chủng vi khuẩn, virus thường gặp.
- Tránh tiếp xúc thân mật với người bị lao và nhiễm các bệnh hô hấp khác.
- Đeo khẩu trang và vệ sinh tay sau khi đến những nơi đông người hoặc tiếp xúc với vật dụng công cộng.
- Người đã từng bị lao nên thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện và điều trị tái nhiễm.
- Người có hệ miễn dịch suy giảm (nhiễm HIV, tiểu đường,…) nên thăm khám 3 tháng/ lần và chủ động tìm gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường.
- Tiêm vaccine BCG cho trẻ dưới 1 tháng tuổi. Đây là loại vaccine đặc hiệu đối với vi khuẩn lao và là biện pháp phòng ngừa lao hiệu quả nhất hiện nay.
Lao cột sống là một dạng lao ngoài phổi tương đối phổ biến. Nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể được điều trị thông qua sử dụng thuốc, phẫu thuật và các biện pháp y tế khác. Tuy nhiên nếu chậm trễ, vi khuẩn lao có thể phát triển mạnh, gây hư hại cột sống, lan tỏa rộng, tăng nguy cơ suy kiệt và tử vong.
Tham khảo thêm: Bệnh lao phổi có nguy hiểm không? Biện pháp phòng tránh và điều trị bệnh