Hướng Dẫn Chăm Sóc Bệnh Nhân Chấn Thương Cột sống
Khi chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống, người nhà cần hỗ trợ người bệnh phòng biến chứng và đồng thời phục hồi chức năng vận động. Chấn thương cột sống có thể làm người bệnh bị liệt một phần hoặc hoàn toàn cơ thể nên việc chăm sóc tương đối khó khăn. Tuy nhiên từ sự tận tụy của người thân mới có thể giúp người bệnh hồi phục sức khỏe tốt nhất.
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống tại nhà
Khi chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống tại nhà, người thân chủ yếu thực hiện 3 mục đích chính là phòng biến chứng, bổ sung dinh dưỡng và phục hồi chức năng. Cụ thể những việc cần làm trong quy trình này cụ thể gồm:
Phòng biến chứng của chấn thương cột sống
Bệnh nhân chấn thương cột sống nếu chỉ mới ở giai đoạn đơn giản, chưa có tổn thương ảnh hưởng đến chức năng vận động có thể an toàn trước các biến chứng. Đối với người bị liệt một phần hoặc toàn bộ cơ thể thường có những biến chứng do nằm lâu một chỗ, phổ biến nhất là chứng viêm phổi, teo cứng cơ khớp, loét do nằm lâu… Do đó khi chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống lâu ngày, quan trọng nhất là phòng biến chứng.
1. Biến chứng hô hấp
Mục đích chính của việc chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống tại nhà là phòng ngừa biến chứng viêm phổi, xẹp phổi. Người thân cần theo dõi tần số thở, hút đờm dãi định kỳ mỗi ngày 2 – 3 lần. Nếu bệnh nhân thở Oxy, hô hấp hỗ trợ nếu có liệt cơ hô hấp.
- Cần đặt bệnh nhân nằm trên mặt phẳng, kê gối đầu cao lên một chút, ngày thay đổi tư thế nằm 5-7 lần. Thường xuyên nâng người bệnh dậy, vỗ lưng để tống đờm rãi ra ngoài.
- Cho bệnh nhân ăn uống cẩn thận, nên để bệnh nhân ăn ở tư thế ngồi hoặc nửa ngồi nửa người để không bị sặc, nghẹn.
- Thực hiện các thao tác vỗ lưng bệnh nhân cho long đờm hoặc dùng thuốc hỗ trợ làm tan đờm, mục đích để bệnh nhân hô hấp nhẹ nhàng và dễ thở hơn.Cho bệnh nhân nằm đệm nước, chú ý giữ ấm cho bệnh nhân trong điều kiện phòng lạnh. Nếu bệnh nhân vẫn không thấy thoải mái có thể thực hiện xoa bóp vùng ngực và bụng cho bệnh nhân.
2. Chăm sóc tuần hoàn
Chăm sóc tuần hoàn nhằm mục đích chính đảm bảo khối lượng tuần hoàn một cách tốt nhất. Cơ bản, người thân cần cho bệnh nhân uống đủ nước, và truyền dịch đủ trong trường hợp vẫn chưa thể ăn uống.
- Phòng biến chứng viêm tắc tĩnh mạch và loét do tỳ đè khi bệnh nhân nằm lâu, hệ thống tĩnh mạch bị chèn ép bị tổn thương gây viêm tắc tĩnh mạch tại những khu vực trên cơ thể như mông, vai, chân…
- Chú ý cho trở mình cho bệnh nhân thường xuyên (2h/ lần), dùng tay massage và xoa bóp cho người bệnh (tránh vùng đốt sống tổn thương) để kích thích tuần hoàn máu.
3. Chăm sóc phòng loét
Do phải nằm lâu nên bệnh nhân có thể bị những vết loét do tỳ đè khi không được giúp đỡ trở mình thường xuyên. Các vết thương nhỏ khi không được điều trị đúng cách có nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. Thường gặp nhất là những tổn thương viêm loét tại xương chẩm, bả vai, cùng cụt, xương gót…
- Đệm nước toàn thân hoặc chỉ thực hiện tại các vùng tỳ đè.
- Hỗ trợ bệnh nhân vận động liên tục các khớp và xoay trở bệnh nhân.
- Lau khô mồ hôi và vệ sinh sạch sẽ người bệnh nhân, thay chăn đệm thường xuyên.
- Nên sử dụng thuốc phòng loét, lưới urgo… cho vùng có nguy cơ bị viêm.
- Sử dụng thuốc phòng loét khi kiểm tra thấy vùng da có biểu hiện đỏ ửng
4. Chăm sóc phòng teo cơ cứng khớp
Để phòng biến chứng teo cơ cứng khớp, thoái hóa khớp sau thời gian nằm nhiều đòi hỏi người nhà nên có một chế độ tập luyện phù hợp cho bệnh nhân. Các vận động chỉ diễn ra ở những vùng không bị tổn thương như tay hoặc chân, bắt đầu bằng những di chuyển tay cân nhẹ nhàng.
- Tập vận động thụ động và chủ động ở tất cả các khớp liên tục dưới sự trợ giúp của người thân.
- Mỗi ngày bệnh nhân nên dành 2-3h thực hiện vận động co duỗi tay chân tại giường nằm.
- Dùng các thuốc chống ngưng kết tiểu cầu để phòng teo cơ cứng khớp trong thời gian điều trị.
- Chú ý đến tình trạng bàng quang của người bệnh tránh nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn tiết niệu.
Bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống. Sau chấn thương, cột sống và các khu vực tổn thương liên quan cần được cung cấp lượng máu và các dưỡng chất để tái tạo những tế bào mới. Đồng thời ăn đủ chất cũng giúp bệnh nhân có sức lực để điều trị lâu dài.
- Bắt buộc người nhà cần cung cấp cho bệnh nhân đủ năng lượng và những vitamin, protein thiết yếu để cung cấp các chất dinh dưỡng. Quan trọng nhất là canxi, vitamin D, Omega-3, rau xanh, đạm, tinh bột và trái cây các loại.
- Trường hợp bệnh nhân không thể ăn uống bình thường thì có thể thông qua đường tĩnh mạch hoặc thông dạ dày. Hoặc bổ sung các loại thuốc bổ cần thiết theo hướng dẫn chuyên môn.
- Uống đủ nước để hoạt động trao đổi chất và bài tiết diễn ra đều đặn. Người nhà cần rèn luyện cho bệnh nhân kiểm soát đại tiện, tránh trường hợp nhịn đại tiện sẽ gây tắc ruột.
Chăm sóc vệ sinh người bệnh
Đa phần những người bị chấn thương cột sống đều không có khả năng kiểm soát vệ sinh trong và sau thời gian điều trị. Việc vệ sinh cá nhân cho người bệnh chấn thương cột sống lưng còn phụ thuộc vào khả năng vận động của người bệnh. Những lưu ý gồm:
- Đặt sonde tiểu để đảm bảo vệ sinh, vệ sinh sonde tiểu và bộ phận sinh dục thường xuyên
- Điều chỉnh kẹp thả sonde tiểu 4-6h/lần ngắt quãng, hướng dẫn người bệnh chủ động thay sone
- Trong thời gian đầu, người bệnh không nên uống quá nhiều nước khi vết thương chưa hoàn toàn hồi phục
- Khi bệnh nhân đi đại tiện, người nhà cần chú ý tính chất và màu sắc của phân.
- Sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn bác sĩ không tự ý ngưng thuốc hay tự ý sư dụng thuốc
Phục hồi chức năng vận động
Sau khi điều trị chấn thương cột sống, việc tập luyện của bệnh nhân tương đối khó khăn do mọi sinh hoạt sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào người thân trong gia đình. Sau khi vùng chấn thương có biểu hiện hồi phục, người bệnh mới bắt đầu được áp dụng liệu pháp điều trị kèm tập luyện vận động để cải thiện được khả năng vận động.
Tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân mà có những điều trị phục hồi chức năng thích hợp. Đối với những bệnh nhân bị chấn thương cột sống nhưng vẫn còn khả năng đi lại, nên bắt đầu để bệnh nhân ngồi dậy, cử động tay chân và bắt đầu đi lại sau thời gian hồi phục. Cần lưu ý hỗ trợ và theo sát bệnh nhân để tránh vấp ngã xảy ra.
Đối với bệnh nhân bị liệt nửa người, người nhà nên hướng đến việc tập luyện bàn tay và giảm co cứng cho bệnh nhân. Cụ thể phục hồi chức năng cơ tay và cơ tổng thể như sau:
-
Tập tay: Hướng dẫn bệnh nhân nắm, xòe tay thường xuyên trong ngày. Khi người bệnh có thể nắm và xòe tay thuần thục nên cho bệnh nhân tập cầm nắm những vật vừa tay, song song người thân cần xoa bóp tay cho bệnh nhân để kích thích lưu thông máu.
-
Tập tay và vai cho bệnh nhân: Khi các vận động ở bàn tay đã dễ dàng, người bệnh nên thường xuyên nâng cả cánh tay và vận động cả cánh tay. Bắt đầu bằng những vật nhẹ và tăng dần độ nặng hơn, hoạt động này sẽ tăng cường sức mạnh cho tay và cánh tay phục vụ các vận động chủ yếu ở tay trong tương lai.
-
Tập giảm co cứng cho bệnh nhân: Người nhà đặt bệnh nhân nằm ngửa, sau đó giúp bệnh nhân chống đầu gối lên và co đầu gối về phía ngực tới mức tối đa. Phương pháp này sẽ giảm co cứng cho các vùng cơ chính và giúp bệnh nhân bớt khó chịu do nằm lâu.
-
Tập lăn cho bệnh nhân: Hỗ trợ tập lăn từ bên trái sang bên phải và từ bên phải sang bên trái tại giường. Mỗi ngày dành khoảng 15 – 30 phút rèn luyện.
Ngoài ra, đối với những bệnh nhân bị tê liệt tủy có hồi phục thì người nhà nên hỗ trợ bệnh nhân động tác gấp và duỗi chân trên giường, cần giúp đỡ bệnh nhân tập đi sau khi các vận động cơ bản thuần thục.
Nguyên tắc chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống sau khi phẫu thuật
Các bác sĩ tại Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình TP HCM nhận định, người bệnh chấn thương cột sống sau khi được phẫu thuật cần nghỉ ngơi trên giường cứng với gối kê đầu thấp. Người thân nên hạn chế để người bệnh vận động, không được xoắn vặn cơ thể trong 24h đầu tiên sau phẫu thuật. Do cấu trúc cột sống sau tổn thương vẫn có lỏng lẻo, dễ bị tác động nên khi vừa phẫu thuật xong, mọi vận động đều cần được trợ giúp từ 24 đến 48h đầu.
-
Về tình trạng cơ thể: Chăm sóc người bệnh phòng chống loét da do đè ép khi nằm một chỗ lâu ngày. Đây là lưu ý rất quan trọng, thường xuyên thay đổi tư thế bệnh nhân 2 giờ một lần bằng các kỹ thuật vị thế. Đồng thơi nên giữ cho da vùng dễ bị loét luôn khô ráo và sạch sẽ, người nhà cần phát hiện sớm những vùng da có nguy cơ viêm loét để kịp thời xử lý chống nhiễm trùng.
-
Chăm sóc khu vực tiết niệu: Để đảm bảo hoạt động tiết niệu không bị đình trệ, người bệnh cần được uống đủ nước (khoảng 2 lít mỗi ngày kể cả nước trái cây và nước canh). Sau phẫu thuật người bệnh sẽ được đặt thông tiểu lưu trong giai đoạn choáng tủy và bệnh nhân được thông tiểu ngắt quãng 4 giờ một lần. Người nhà có thể hướng dẫn bệnh nhân tự thông tiểu để chủ động kiểm soát chức năng bàng quang.
-
Phục hồi chức năng tiêu hoá: Trong vòng 24h đầu sau khi phẫu thuật, người bệnh không được phép ăn uống nếu không được sự cho phép của bác sĩ. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu ăn lại với cháo loãng và tăng dần khẩu phần ăn như bình thường. Cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng và tăng cường lượng chất xơ phù hợp, tập đại tiện theo giờ cố định và tập kiểm soát khả năng đại tiện.
-
Kiên trì vận động: Vận động giúp ngăn ngừa hiệu quả các biến chứng và thương tật thứ cấp đối với những người bị tổn thương tủy sống. Trong đó chủ yếu là phòng loét da do đè ép, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu, huyết khối tĩnh mạch sâu, teo cơ, cứng khớp, co rút biến dạng… người bệnh cần được tập thở, tập ho, tập vận động đúng tư thế. Sau giai đoạn tập luyện cơ bản, bệnh nhân được tập làm mạnh cơ, tập thăng bằng ngồi tĩnh và động, và tập luyện phục hồi chức năng bằng dụng cụ.
-
Về phục hồi chức năng: Mục đích chính là giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động đã bị mất, nếu bệnh nhân bị liệt nửa người thì việc phục hồi chức năng sẽ chuyển hướng sang tập dùng xe lăn, nạng, nẹp…để có thể thực hiện được các hoạt động sống hàng ngày một cách độc lập nhất. Song song đó là điều trị tâm lý để bệnh nhân hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
Bao lâu có thể vận động sau phẫu thuật chấn thương cột sống?
Cần hạn chế vận động lưng khi chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống trong ít nhất một 3 ngày sau mổ. Sau đó người bệnh có thể thực hiện các động tác xoay trở nhẹ nhàng để tránh nguy cơ viêm loét xảy ra. Bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng trong nhà, lên xuống cầu thang sau khi vết mổ có biểu hiện khép miệng,ít đau hơn và không còn hiện tượng chảy máu.
Tuy nhiên tuyệt đối hạn chế các động tác xoắn vặn cột sống, tránh cúi ưỡn cột sống quá mức trong 3 tháng đầu tiên sau mổ. Người bệnh nên tập thư thế ngồi hằng ngày với lưng tựa chắc chắn và thành ghế, khi tựa giữ tư thế vuông góc với mặt ghế. Sau điều trị, bệnh nhân cũng nên hạn chế ngủ trên võng, trên ghế sofa, tránh cúi người mang vác vật nặng.
Nghỉ ngơi khoảng 2 – 3 tháng, người bệnh có thể chơi thể thao mang tính chất thư giãn như bơi nhẹ nhàng, thả lỏng cột sống trên xà đơn, đi bộ hoặc đạp xe, lái ôtô. Thời gian có thể vận động bình thường là khoảng 6 tháng sau mổ nếu các triệu chứng cột sống ổn định. Tuy nhiên vẫn nên loại trừ những môn thể thao có tính chất va chạm mạnh như đá bóng, bóng rổ, chạy nhanh, leo trèo núi..
Đối với sinh hoạt tình dục, người bệnh có thể thực hiện sớm sau mổ (1 đến 2 tuần) miễn sao bệnh nhân không có cảm giác khó chịu tại cột sống. Tuy nhiên các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân không nên vận động mạnh thái quá, cần dừng lại đúng lúc nếu nhận thấy cột sống bị đau, khó chịu.
Thời gian theo dõi hồi phục là khoảng 1 – 3 tháng sau phẫu thuật, cần thăm khám định kỳ để được theo dõi mức độ hồi phục. Nếu bệnh nhân có cảm giác co giật khắp cột sống và chạy dọc chân tay, cùng cột sống bị tê bì như kiến bò, cảm giác vùng phẫu thuật bị bóp chặt, co rút… thì nên thông báo với bác sĩ điều trị. Những triệu chứng này có thể cải thiện bằng các loại thuốc giãn cơ vân, thuốc chống tê bì và thuốc bổ cho hệ thần kinh. Nếu được điều trị tốt, những triệu chứng kể trên sẽ giảm dần trong 3 – 6 tháng.
Đối với những bệnh nhân chấn thương cột sống do biến chứng của loãng xương, thoái hóa cột sống, sau khi được phẫu thuật nên tăng cường bổ sung canxi. Tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc chống thoái hóa xương khớp có thành phần Glucosamin, Chondroitin sulfate, Axit Hyaluronic.
Chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống là công việc không hề dễ dàng. Thời gian hồi phục bệnh có thể kéo dài từ vài tháng cho đến một năm tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh. Quan trọng hơn cả là người nhà cần chủ động nghe hướng dẫn từ bác sĩ và đưa bệnh nhân đến thăm khám, kiểm tra, đánh giá mức độ tiến triển sau điều trị. Việc phát hiện và điều trị sớm các biến chứng phát sinh.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không cung cấp lời khuyên hay phương pháp điều trị thay cho bác sĩ chuyên môn.
Ngày Cập nhật 18/09/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!