Mề đay cấp tính: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị

Nổi mề đay cấp tính là bệnh ngoài da với các triệu chứng nổi mẩn đỏ, ngứa da rất khó chịu. Để xoa dịu cơn ngứa, người bệnh thường lấy tay gãi. Tuy nhiên, hành động này sẽ khiến da bị tổn thương, gây nhiễm trùng và phù mạch. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng ngứa ngáy do bệnh mề đay gây ra, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Mề đay cấp tính là một bệnh lý ngoài da phổ biến
Mề đay cấp tính là một bệnh lý ngoài da phổ biến

Bệnh nổi mề đay cấp tính là gì? Triệu chứng nhận biết

Bệnh mề đay (hay còn gọi là mày đay) là một loại dị ứng ngoài da. Khi gặp các tác nhân gây dị ứng bên trong hoặc bên ngoài cơ thể, các mao mạch, niêm mạc dưới da sẽ phản ứng lại, gây nên hiện tượng sưng phù, mẩn đỏ và ngứa ngáy khó chịu. Các nốt nổi mề đay thường có đường kính từ vài milimet đến vài centimet và có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.

Mề đay cấp tính là tình trạng bệnh xuất hiện trong khoảng thời gian từ vài ngày đến 6 tuần. Các nốt mẩn đỏ có thể tự mất đi mà không cần dùng thuốc, nhưng nhiều trường hợp sẽ tái phát nhiều lần sau đó.

Triệu chứng của nổi mề đay cấp tính khá giống với một số bệnh viêm da khác như chàm, eczema,… và thường có những biểu hiện như sau:

  • Xuất hiện nhiều nốt sần phù trên da: Các nốt này nổi gồ lên da, có đường viền xác định, có màu đỏ hoặc hồng, ở giữa có màu trắng xám. Nốt mề đay có nhiều kích thước, hình thù khác nhau nhưng phổ biến là hình tròn, ovan hoặc ngoằn ngoèo.
  • Gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu: Tại những vùng da nổi mề đay, người bệnh sẽ có cảm giác ngứa dữ dội, kèm theo nóng rát, khó chịu. Nhưng nếu gãi thì sẽ khiến da đỏ, trầy xước và tổn thương nhiều hơn. Tình trạng ngứa ngáy sẽ diễn ra nhiều hơn vào buổi chiều và buổi tối.
  • Các nốt mẩn ngứa có thể lan rộng: Trong một vài giờ đến một vài ngày, các nốt mề đay có thể phát triển nhanh chóng, lớp này lặn rồi lớp mới lại nổi lên. Tuy nhiên, khi lành bệnh, các nốt mẩn sẽ lặn hoàn toàn và không để lại sắc tố hay sẹo trên da.
Các triệu chứng phổ biến của nổi mề đay cấp tính
Các triệu chứng phổ biến của nổi mề đay cấp tính

Ngoài những triệu chứng nêu trên, một số người bệnh sẽ có thể xuất hiện những triệu chứng đặc biệt khác. Trong trường hợp này, bạn nên sớm đi khám để được chẩn đoán bệnh chính xác và có hướng điều trị kịp thời.

Nổi mề đay cấp tính có lây không?

Các nốt nổi mề đay trên da có thể bị lan rộng trên cơ thể, tuy nhiên mề đay không phải là bệnh truyền nhiễm. Vì vậy bệnh mề đay cấp tính không thể lây từ người này sang người khác. Nếu trong một gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh thì có khả năng là do yếu tố di truyền hoặc do cùng môi trường sống với nhiều yếu tố gây dị ứng.

Nguyên nhân bệnh mề đay cấp tính

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây bệnh mề đay có thể là do cơ thể dị ứng với các yếu tố dị nguyên từ bên ngoài và do cơ địa của người đó bị nhạy cảm. Những yếu tố đó gồm có:

Dị ứng thực phẩm: khi hệ miễn dịch của cơ thể xác định một thực phẩm nào đó là yếu tố ngoại lai thì nó sẽ phản ứng lại và gây ra hiện tượng dị ứng mề đay.

  • Dị ứng thuốc: Hầu hết các loại thuốc đều có thể gây dị ứng nhưng thuốc kháng sinh nhóm beta lactam; thuốc chống viêm aspirin, các loại vacxin, thuốc kháng histamin tổng hợp… là những loại dễ gây dị ứng hơn cả.
  • Dị ứng hóa chất: Một số sản phẩm nhiều hóa chất như mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm, đồ tẩy rửa… có thể gây nổi mề đay.
  • Do côn trùng cắn: Nọc độc của côn trùng có thể gây ra một phản ứng dị ứng dẫn đến phù nề, khó thở và ngứa phát ban toàn thân ở một số cơ địa nhạy cảm
Những nguyên nhân phổ biến gây ra nổi mề đay cấp tính
Những nguyên nhân phổ biến gây ra nổi mề đay cấp tính
  • Do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn: Nhiều người thường bị nổi mề đay khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như tai, mũi, họng, miệng, … hoặc nhiễm vi khuẩn đường ruột, virus viêm gan B.
  • Do bệnh lý: Một số bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận mãn tính, bệnh tuyến giáp… có thể gây nổi mề đay, mẩn ngứa do phản ứng tự miễn dịch của cơ thể.
  • Do di truyền: Yếu tố di truyền qua gen mặc dù khá hiếm gặp nhưng việc điều trị thường khó dứt điểm do yếu tố cơ địa chi phối.

Để chẩn đoán bệnh, xác định nguyên nhân bác sĩ dựa vào những dấu hiệu lâm sàng, đồng thời có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Công thức máu: Dựa trên số lượng bạch cầu đa nhân ái toan. Nếu số lượng bạch cầu này tăng thì nổi mề đay có thể do ký sinh trùng. Nếu số lượng bạch cầu này giảm thì có thể do bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây ra.
  • Thử nghiệm lấy da (prick test): Áp dụng khi nghi ngờ nguyên nhân do phấn hoa, bụi…

Những lưu ý về ăn uống và sinh hoạt của người mắc bệnh mề đay cấp tính

Để việc điều trị bệnh mề đay đạt kết quả cao, thì ngoài việc sử dụng một trong những loại thuốc nêu trên thì người bệnh cần chú ý chăm sóc và dự phòng bệnh đúng cách.

Những thực phẩm người bị mề đay nên ăn và không nên ăn

Theo các chuyên gia y tế, người bị mề đay thường có cơ địa nhạy cảm, sức đề kháng yếu do đó cần bổ sung thực phẩm tăng cường sức đề kháng, thanh lọc cơ thể, dễ hấp thu, giải phóng histamin trong cơ thể. Dưới đây là một số thực phẩm nên bổ sung:

Ngoài ra người bệnh cũng cần tránh hoặc hạn chế những thực phẩm sau để tránh làm bệnh trở nên nặng nề hơn:

  • Thực phẩm cay nóng như ớt, hạt tiêu…: Các gia vị này gây nóng trong người, tạo cảm giác bứt rứt và khó chịu, đồng thời làm khô da, khiến da dễ bong tróc.
  • Thực phẩm chứa nhiều đường, muối: Đường trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng dị ứng, còn lượng muối nhiều sẽ gây kích ứng thần kinh ngoại biên, khiến các nốt mẩn ngứa càng nghiêm trọng và khó lành hơn.
  • Thực phẩm giàu đạm, protein tôm, cua, ghẹ, da gà, thịt bò… : Thực phẩm giàu protein thường khiến cơ thể khó chuyển hóa, dễ gây ra hiện tượng dị ứng nổi mẩn ngứa
  • Đồ uống chứa cồn, ga: Rượu, bia, cà phê, nước ngọt… gây kích ứng tới các tế bào thần kinh dẫn đến nổi mề đay, sưng phù hay thậm chí là sốc phản vệ.

Người bị bệnh mề đay có tắm được không?

Dân gian thường quan niệm, bị mề đay thì phải kiêng nước nhưng thực tế việc này sẽ khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu không tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ, bã nhờn trên cơ thể tiết ra, tích tụ quá nhiều ngày sẽ khiến phát sinh vi khuẩn trên da, làm nhiễm trùng các nốt mề đay. Tuy nhiên, khi bị mề đay, làn da trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn so với bình thường. Vì vậy, khi tắm, người bệnh cần chú ý:

  • Tắm bằng nước ấm: Khi bị nổi mề đay, để tránh gây kích ứng da, người bệnh nên tắm bằng nước ấm, không dùng nước quá nóng, cũng không dùng nước quá lạnh. Nước nóng sẽ làm mất độ ẩm và mất cân bằng độ pH tự nhiên, làm da bị khô, tăng cảm giác ngứa ngáy và bỏng rát. Còn tắm nước lạnh có thể khiến bệnh nhân sốc nhiệt, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
  • Không tắm quá lâu: Người bị bệnh mề đay không nên tắm quá 10 phút mỗi lần và không quá 1 lần/ngày để tránh làm da bị khổ và mất độ ẩm tự nhiên, khiến tình trạng ngứa ngáy trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Không chà xát quá mạnh: Nếu chà xát quá mạnh để làm da bị tổn thương nặng hơn, tăng nguy cơ trầy xước, nhiễm trùng, thậm chí để lại sẹo trên da.
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không gây kích ứng: Bạn nên chọn những sản phẩm có chiết xuất tự nhiên để tắm gội, tẩy tế bào chết, … để tránh da bị kích ứng, khiến cho tình trạng mề đay nặng hơn.

Người bị bệnh mề đay có cần kiêng gió không?

Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh mề đay là do cơ thể bị nhiễm phong (gió). Lúc này, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng với môi trường, sản sinh ra chất có thể gây dị ứng, sẩn ngứa. Bên cạnh đó, khi đang nổi mề đay, làn da bệnh nhân đã bị tổn thương, nếu tiếp xúc với gió, bụi bẩn bên ngoài sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Vì vậy, người bị bệnh mề đay nên tránh gió để bệnh mau khỏi hơn.

Tuy nhiên, kiêng gió không đồng nghĩa với việc bệnh nhân phải tuyệt đối ở trong phòng kín, không được phép ra ngoài. Người bệnh chỉ nên hạn chế ra ngoài, trong trường hợp muốn thay đổi không khí thì cần phải mặc kín, tránh để da tiếp xúc với gió và ánh nắng mặt trời.

Một số cách chữa mề đay cấp tính hiện nay

Mề đay cấp tính là một bệnh tương đối lành tình, những trường hợp nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần phải dùng thuốc. Còn với những trường hợp phức tạp hơn, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc uống, thuốc bôi, thuốc tiêm hoặc một số mẹo chữa dân gian để chữa bệnh. Điều quan trọng là phải xác định được chính xác yếu tố gây bệnh và loại bỏ nó, tránh tiếp xúc lại sau này.

Những cách chữa mề đay cấp tính hiện nay
Những cách chữa mề đay cấp tính hiện nay

Chữa mề đay bằng mẹo dân gian tại nhà

Với những trường hợp mề đay cấp tính, người bệnh có thể áp dụng tại nhà một số cách chữa dân gian sau đây làm giảm nhẹ triệu chứng bệnh:

  • Chữa mề đay bằng lá khế: Lá khế có tính bình, ôn trung, có tác dụng giải nhiệt độc, giảm cơn ngứa ngoài da. Để chữa mề đay bằng lá khế bạn có thể sử dụng một trong hai cách: Đun nước tắm hoặc sao nóng, bọc vào khăn và chườm lên da.
  • Gừng tươi: Gừng tươi có chứa chất chống oxy hóa mạnh là gingerol. Dùng gừng tươi hấp cách thủy cùng giấm, đường phèn, nước, rồi lấy nước uống sẽ giúp da giảm tình trạng dị ứng, đẩy lùi viêm da, lão hóa da.
  • Lá trầu không: Trong dân gian, lá trầu không được biết đến là có tính kháng viêm. Bạn có thể đun lá trầu cùng với muối và nước, rồi dùng để ngâm vùng da bị mề đay để giảm tình trạng mẩn ngứa.
  • Lá tía tô: Với đặc điểm tính ấm, vị cay nồng… lá tía tô có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm… điều trị nhiều bệnh ngoài da. Dùng lá tía tô xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt để uống và bôi nước lá tía tô lên da hoặc nấu nước tắm hàng ngày để giảm triệu chứng bệnh.
Các bài thuốc dân gian chữa mề đay cấp tính
Các bài thuốc dân gian chữa mề đay cấp tính
  • Rau kinh giới: Kinh giới có tính ấm, tán hàn, chống kinh giật, có tác dụng giảm triệu chứng ngứa do mề đay, phát ban, dị ứng. Xông hơi nước lá kinh giới hoặc sao nóng chườm lên vùng da bị nổi mề đay sẽ giúp người bệnh xoa dịu tình trạng mẩn ngứa.
  • Nha đam (lô hội): Đông y thường dùng lớp thịt của cây nha đam đắp lên vùng da bị mề đay để làm giảm và ngăn chặn sự lây lan mề đay sang các vùng da lân cận. Đắp nha đam nhiều lần trong ngày cho đến khi có được kết quả chữa mề đay tốt nhất.

Điều trị mề đay bằng thuốc tây

Khoảng 70% các trường hợp mề đay cấp tính sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Các loại thuốc tây dùng để chữa mề đay cấp hiện nay chỉ yếu là hướng tới việc khắc phục các triệu chứng ngứa, mẩn đỏ, phù mạch, … do bệnh gây ra. Việc sử dụng thuốc cần đặc biệt theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên môn.

Một số loại thuốc tây thường được kê đơn để trị mề đay gồm có:

Thuốc kháng Histamin

Thuốc kháng histamin gồm có histamin thế hệ I, cholinergic, histamin thế hệ II, có tác dụng kìm hãm sự tác động của histamine gây ra cho cơ thể và làm giảm nổi mẩn, mề đay.

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như: buồn ngủ, khô miệng, táo bón, bí tiểu… Trường hợp dùng quá liều có thể gây li bì, co giật.

Thuốc Corticoid

Thuốc corticoid có dạng uống, dạng tiêm và dạng bôi. Corticoid dạng bôi được sử dụng cho trường hợp bị nổi mề đay mức độ nhẹ, có tác dụng giảm nhanh triệu chứng tại chỗ.

Còn trong trường hợp bệnh nhân bị nổi mề đay cấp tính nặng, xuất hiện tình trạng phù thanh quản hoặc nổi mề đay do viêm mạch, không đáp ứng với thuốc Histamin thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng corticoid dạng uống hoặc tiêm, kết hợp với thuốc kháng histamin thế hệ I.

Thuốc Epinephrin

Thuốc thường được sử dụng kết hợp với kháng histamin liều cao. Và chỉ sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị phù mạch cấp tính.

Lưu ý: Tất cả các thuốc đề cập trên đều có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh tuyệt đối phải tuân theo chỉ định, hướng dẫn sử dụng của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ em.

Chữa mề đay cấp tính bằng thuốc Đông y

Theo Y học cổ truyền, mề đay cấp tính do nhiều nguyên nhân gây ra. Hiện tượng phong hàn bên ngoài kết hợp với huyết nhiệt bên trong, cùng đó là tác động của những yếu tố dị nguyên như thức ăn, môi trường, không khí, sinh vật… khiến cơ thể bị rối loạn chức năng, dẫn tới phản ứng nổi mề đay.

Ngoài ra, bệnh mề đay còn có nguyên nhân từ việc các tạng can, thận bị suy yếu, khiến sức đề kháng của cơ thể yếu kém, dễ bị tấn công bởi các yếu tố bên ngoài.

Từ lý luận này, Đông y chỉ ra rằng, để điều trị mề đay sẽ dựa trên nguyên tắc tiêu độc, trừ tà, lợi tiểu, an thần, chống dị ứng, lấy tiêu độc trừ tà là khâu quyết định. Có nghĩa là bên trong thanh nhiệt, giải độc, phục hồi chức năng các tạng can, thận để tăng cường hệ miễn dịch. Còn bên ngoài điều trị các triệu chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy, phù mạch giúp bệnh nhân chữa bệnh triệt để.

Cách phòng tránh bệnh mề đay cấp tính

Muốn phòng tránh bệnh mề đay cấp tính, điều quan trọng nhất là phải xác định được tác nhân gây ra dị ứng, để sau đó không tiếp xúc với chúng nữa. Nếu tác nhân đó quá phổ biến, không thể tránh gặp được thì người bệnh nên thực hiện các biện pháp giải dị ứng.

Còn trường hợp không xác định được nguyên nhân gây dị ứng thì bạn nên chủ động vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, tránh khói bụi, tránh lông động vật,… Đồng thời không nên đến những khu vực có độ ẩm cao, nhiều phấn hoa, cây độc, không nên lạm dụng các loại hóa mỹ phẩm gây kích ứng, không nên mặc quần áo quá chật, hạn chế ăn thực phẩm dễ gây dị ứng,…

Với toàn bộ thông tin được chia sẻ trên đây, hy vọng bạn đã có thêm những hiểu biết về bệnh mề đay cấp tính và cách phòng chữa sao cho hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

>> Nổi mẩn ngứa là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa từ chuyên gia