Viêm loét đại tràng: Triệu chứng và cách điều trị phòng tránh biến chứng
Viêm loét đại tràng với những mối nguy hiểm tiềm ẩn là bệnh lý không thể xem thường. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân còn chưa thực sự hiểu rõ về bệnh. Để giúp người bệnh có thể điều trị tốt, ban biên tập đã tìm hiểu và tổng hợp những kiến thức cơ bản về bệnh (triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị) trong bài viết dưới đây.
Viêm loét đại tràng là gì?
Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Thư (Nguyên Viện Trưởng Viện Y Dược Học Dân Tộc) cho biết:
“Viêm đại tràng chính là tình trạng tổn thương của riêng ruột già và là một dạng của bệnh viêm ruột. Vết loét thường xuất hiện ở mặt trong, tức mặt lòng ống của ruột già, bao gồm cả đại tràng và trực tràng. Các vết loét này là các điểm trên lớp niêm mạc mà tại đó phần mô bị phá hủy, hình thành nên các vết thương hở trên bề mặt ruột.
Như tên gọi, bệnh lý này gây viêm và loét, ảnh hưởng đến lớp niêm mạc và lớp dưới niêm của chỉ riêng đại tràng. Đây là đặc điểm quan trọng phân biệt viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, một dạng khác của bệnh viêm ruột.”
Viêm loét đại trực tràng chảy máu
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là tình trạng viêm nhiễm xuất hiện ở trực tràng trước, sau đó mới lan dần lên đại tràng. Không chỉ vậy, bệnh còn gây ra tình trạng xung huyết, chảy máu bên trong đại tràng.
Nguyên nhân của bệnh lý này hiện chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm loét đại trực tràng chảy máu có liên quan đến:
- Các bệnh tự miễn, có thể di truyền
- Sự đáp ứng miễn dịch một cách bất thường với vi khuẩn gây bệnh
- Dị ứng với thuốc hoặc thức ăn
Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả tình trạng viêm loét thông thường. Cũng vì không rõ nguyên nhân gây bệnh nên cũng rất khó để điều trị. Vì vậy cần nhận biết và điều trị từ sớm để giảm thiểu tối đa những vấn đề gặp phải trong quá trình chữa bệnh.
Triệu chứng viêm loét đại tràng
Nếu xét nghiệm kiểm tra viêm loét đại tràng, các bác sĩ có thể thấy đặc điểm của vết loét thường hình tròn và liên tục, nghĩa là hiện tượng viêm ảnh hưởng đến toàn bộ mặt lòng đại tràng, bắt đầu từ trực tràng lan rộng dọc theo đại tràng mà không có bất kỳ vùng nào không bị ảnh hưởng.
Khi tổn thương mô trầm trọng hơn, bệnh nhân có thể thấy đau ở phần bụng dọc theo khung trực tràng, và có nhiều đợt tiêu chảy nặng và thường xuyên hơn, thỉnh thoảng có kèm máu và nhầy trong phân.
Ngoài ra, do các tế bào lót bị phá hủy, ruột già không thể thực hiện chức năng hấp thụ nước một cách bình thường, từ đó dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón.
Viêm loét đại tràng có nguy hiểm không?
Tình trạng viêm loét đại tràng có thể gây chảy máu, lâu ngày khiến người bệnh mất máu nhiều, từ đó dẫn đến thiếu máu kèm theo các vấn đề như hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp. Tuy nhiên, đó mới chỉ là mức độ nhẹ.
Ở tình trạng nặng hơn, khi mà các vết loét đã ăn sâu xuống các lớp niêm mạc dưới của đại tràng, lúc này người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với một biến chứng nghiêm trọng là thủng đại tràng và viêm phúc mạc. Đây là tình trạng cấp cứu vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Đối với viêm loét đại trực tràng chảy máu, bên cạnh những nguy hiểm kể trên ra thì người bệnh còn có thể gặp phải biến chứng ảnh hưởng tới các bộ phận khác như viêm quanh mật quản, viêm khớp, viêm xơ đường mật tiên phát, viêm thận bể thận và sỏi,…
Không chỉ vậy, biến chứng nặng nhất của viêm loét đại tràng phải kể đến bệnh lý ung thư đại tràng – nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 ở cả nam và nữ.
Chắc chắn là không ai muốn gặp phải những vấn đề trên, vậy nên các duy nhất là chúng ta cần phải điều trị bệnh càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, kể cả là khi được phát hiện và điều trị ngay từ ban đầu thì bệnh lý này cũng rất khó để điều trị triệt để. Vì thế cho nên việc tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ là yêu cầu bắt buộc cho người bệnh.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần biết được nguyên nhân gây bệnh của bản thân là gì để từ đó các cách khắc phục, giúp cho việc điều trị đạt được hiệu quả cao hơn.
Nguyên nhân viêm loét đại tràng
Tuy rằng những yếu tố môi trường nhất định như chế độ ăn hay stress đã từng được cho là thủ phạm của các vết loét ở ruột, nhưng người ta lại nhận thấy các yếu tố nêu trên chỉ đóng vai trò thứ yếu. Viêm loét đại tràng ngày nay được cho là có căn nguyên của các bệnh tự miễn.
Tế bào lympho T gây độc từ hệ miễn dịch thường được tìm thấy trong lớp biểu mô lót đại tràng nên người ta nghĩ rằng hiện tượng viêm và loét đại tràng là do các tế bào T phá hủy lớp tế bào lót mặt trong đại tràng, hình thành nên các vùng tổn thương và loét. Tuy nhiên người ta vẫn chưa xác định được rõ ràng mục tiêu tấn công của các tế bào T này tại ruột.
Bệnh nhân cũng thường có nhiều vi khuẩn đường ruột có khả năng sản xuất sunfit, và nồng độ sulfit cao cũng có liên quan đến những đợt viêm cấp, gây cản trở quá trình thoái lui bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là những liên hệ và giả thuyết, và chúng ta vẫn chưa thể làm sáng tỏ cơ chế chính xác của sự phá hủy niêm mạc.
Nguyên nhân sâu xa có thể là sự phối hợp giữa kích thích từ môi trường, như vi khuẩn sản xuất sunfit, và yếu tố di truyền, bởi những bệnh nhân có tiền căn gia đình mắc viêm loét đại tràng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bệnh cũng phổ biến hơn ở những phụ nữ trẻ từ tuổi vị thành niên đến độ tuổi 30.
Chẩn đoán viêm loét đại tràng như thế nào?
Chẩn đoán viêm loét đại tràng cần phải nội soi đại tràng, được thực hiện bằng cách đưa một ống thông dài có một đầu gắn camera từ hậu môn ngược lên trực tràng và đại tràng để quan sát vết loét và sinh thiết.
Ngoài ra, hình ảnh X-quang đại tràng có thể được chụp với máy CT, MRI, hay chụp sau bơm barium. Nghĩa là sau khi bơm một lượng chất lỏng vào trong trực tràng qua một ống nhỏ và chụp X-quang để quan sát các bất thường trong ruột già.
Cách điều trị bệnh viêm loét đại tràng
Để điều trị viêm loét đại tràng, người bệnh có thể lựa chọn các phương pháp dưới đây:
Dùng thuốc Tây y để giảm tình trạng viêm loét
Việc điều trị viêm loét đại tràng bằng thuốc Tây còn phụ thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng, thông thường có các nhóm thuốc bao gồm:
- Nhóm thuốc kháng viêm aminosalicylat: Sulfasalazin, mesalazin, olsalazin… được sử dụng điều trị bệnh ở mức độ nhẹ.
- Nhóm thuốc kháng viêm toàn thân corticosteroid: Ơrednisolon, dexamethason, betamethason… được sử dụng điều trị viêm loét ở mức độ trung bình hay nặng.
- Nhóm thuốc ức chế miễn dịch: azathioprin, ciclosporin, infliximab… được sử dụng khi các nhóm thuốc trên không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn.
- Nhóm thuốc chống tiêu chảy: loperamid, diphenoxylat… Tác dụng làm giảm nhu động ruột nên được sử dụng điều trị tiêu chảy do viêm loét đại tràng gây ra.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: acetaminophen (paracetamol) thường được chọn lựa để làm giảm triệu chứng đau, sốt.
- Nhóm thuốc kháng sinh: metronidazole và ciprofloxacin là hai loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng để kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng.
- Bổ sung sắt và vitamin B12: giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do xuất huyết tiêu hóa kéo dài.
Cần lưu ý: Các thuốc trên thường gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến cơ thể, người bệnh không nên tự ý sử dụng mà phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, viêm loét đại tràng cũng rất dễ tái phát sau khi ngừng dùng thuốc. Vậy nên để hạn chế tình trạng đó, người bệnh cần dùng đủ đơn thuốc mà bác sĩ kê.
Thuốc chữa viêm loét đại tràng hiệu quả và an toàn từ Đông y
Do thuốc Tây y dẫn tới nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe nên hiện nay, đa số người bệnh tìm đến một phương pháp an toàn và lành tính hơn là thuốc Đông y. Không như thuốc Tây y, cơ chế hoạt động của thuốc Đông y là tác động từ từ, giúp các dược chất ngấm dần vào cơ thể từng chút một, vì vậy sẽ đem lại hiệu quả lâu dài hơn.
Trong Đông y, căn nguyên các vấn đề về đại tràng được cho là do các chứng bệnh như phúc thống, tiết tả, lỵ tật, tràng phong. Những chứng này khiến cho tạng phủ bị suy yếu và làm rối loạn quá trình tiêu hóa thức ăn gây nên tình trạng viêm đại tràng. Lâu ngày, tình trạng sưng viêm sẽ ngày càng nặng hơn trở thành các vết loét.
Vì vậy, để giải quyết triệt để bệnh tránh tái phát, thì ngoài việc làm lành các tổn thương ra còn cần khôi phục chức năng của hệ tiêu hóa và đại tràng, đồng thời thanh nhiệt, giải độc, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn để bệnh không nặng thêm.
Đặc biệt cần lưu thông khí huyết, đả thông kinh mạch tại vùng bị đau để giảm cơn co thắt, giúp người bệnh giảm các cơn đau và dễ chịu hơn.
Viêm loét đại tràng nên ăn gì?
Đối với bệnh nhân viêm loét đại tràng, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị. Việc duy trì một bữa ăn khoa học có thể giúp đẩy lùi cơn đau và cải thiện các triệu chứng. Một số loại thực phẩm tốt cho người bị bệnh gồm có:
- Sữa và chế phẩm từ sữa: Sữa bò, sữa hộp, bơ, pho mát.
- Thực phẩm giàu chất đạm: Các loại thịt , cá nạc, trứng,…
- Chất xơ: Tất cả các loại rau, củ, quả
- Tinh bột: Cơm, bánh mì, các loại khoai củ, cháo,…
Bên cạnh những loại thực phẩm trên, bệnh nhân cũng chú ý kiêng đồ nhiều dầu mỡ, đồ chua, cay; đồ chế biến sẵn và các thức ăn dai, cứng. Những thứ này có thể khiến cho bệnh trình của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.
Tóm lại, viêm loét đại tràng là bệnh lý không thể coi thường. Nó không chỉ gây ra những cơn đau dữ dội cho người bệnh, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc hàng ngày; mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đe dọa mạng sống của bệnh nhân.
Chính vì vậy, bất cứ khi nào bạn nhận thấy mình có những triệu chứng bất thường, đừng chủ quan mà hãy đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị ngay.
Bệnh lý viêm loét đại tràng cũng đòi hỏi người bệnh phải kiên trì chữa trị. Vậy nên đừng nôn nóng mà làm sai chỉ định của bác sĩ. Hi vọng những thông tin và gợi ý trên đây sẽ hữu ích với bạn trong việc tìm kiếm giải pháp.
Chúc các bạn đạt được kết quả điều trị tốt nhất!