Bệnh vôi hóa cột sống: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị
Bệnh vôi hóa cột sống liên quan đến sự tích tụ canxi ở dây chằng. Chưa có thuốc đặc trị bệnh này. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực, bệnh tình có thể được kiểm soát tốt và phòng được biến chứng.
Vôi hóa cột sống là bệnh gì?
Cấu tạo của cột sống gồm 33 đốt sống. Giữ nhiệm vụ bao bọc và cố định các đốt sống lại với nhau là hệ thống dây chằng. Bệnh vôi hóa cột sống hình thành do sự lắng đọng canxi trên các dây chằng và khiến chúng bám vào thân, mấu ngang hoặc mấu gai đốt sống. Khi đó, các dây thần kinh mạch máu sẽ bị chèn ép.
Tình trạng vôi hóa có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cột sống. Trong đó, các đốt sống cổ và thắt lưng là hai nơi dễ bị vôi hóa nhất. Nguyên nhân là do cổ và thắt lưng chịu nhiều áp lực nhiều trong hầu hết các hoạt động.
Những dấu hiệu của bệnh vôi hóa cột sống
-
Đau nhức đốt sống
Đây là dấu hiệu phổ biến khi bị vôi hóa cột sống. Tuy nhiên, nó không phải là biểu hiện đặc trưng của bệnh. Bởi đau nhức đốt sống có khi là do các bệnh lý khác như: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm…
Tình trạng đau nhức khi bị vôi hóa cột sống nói riêng và các bệnh ở cột sống nói chung sẽ không chỉ xuất hiện tại vị trí cột sống bị thương tổn mà nó còn theo dây thần kinh lan truyền ra những vùng phụ cận. Nếu bị vôi hóa đốt sống cổ, cơn đau sẽ đi sang bả vai, xuống cánh tay và đến từng ngón tay. Còn nếu vôi hóa đốt sống thắt lưng, dây thần kinh tọa sẽ dẫn truyền cảm giác đau nhức đến mông, đùi, bắp chân, gót chân rồi đến từng ngón chân.
Tình trạng đau nhức sẽ còn dữ dội hơn khi cột sống hình thành các gai xương. Chúng sẽ cọ xát với cơ, rễ dây thần kinh và gây thương tổn đến những thành phần này. Trong trường hợp tình trạng vôi hóa cột sống đã xuất hiện các gai xương, người bệnh sẽ cảm thấy rất đau đớn khi mang vác vật nặng.
-
Lực tay và chân yếu dần, có thể xuất hiện tình trạng teo cơ
Vôi hóa cột sống có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu đến các chi. Cộng với đó, tình trạng đau nhức khiến tay chân khó cử động. Lâu dần, các tác động này làm cho cơ bị yếu và mất sức lực.
-
Tê ở vùng cổ hoặc thắt lưng
Biểu hiện này khá nguy hiểm. Nếu vôi hóa cột sống vẫn không được chữa trị thì người bệnh rất dễ đối mặt với nguy cơ mất khả năng điều khiển hoạt động của tay hoặc chân. Bởi đây là dấu hiệu cho thấy các dây thần kinh đang bị chèn ép quá mức.
-
Có thể mất kiểm soát khi đại hoặc tiểu tiện
Tình trạng vôi hóa cột sống nhiều khả năng khiến ống tủy bị thu hẹp. Tác động này ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa và cả hệ thần kinh thực vật. Ngoài vấn đề mất tự chủ trong tiểu tiện hoặc đại tiện, sinh hoạt tình dục cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
-
Các dấu hiệu khác của bệnh vôi hóa cột sống
Đi kèm với những triệu chứng khá phổ biến như đã trình bày, người bị vôi hóa cột sống còn có thể bị thêm một số tình trạng khác. Tiêu biểu là chóng mặt, ù tai hoặc suy giảm trí nhớ…
Chẩn đoán bệnh vôi hóa ở cột sống
Để xác định một người nào đó có bị vôi hóa cột sống hay không, bác sĩ sẽ dựa vào những dấu hiệu lâm sàng (biểu hiện của bệnh có thể quan sát thấy) và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Các kỹ thuật dùng để chẩn đoán bệnh gồm:
- Chụp X- quang;
- Chụp CT;
- Chụp MRI (Cộng hưởng từ).
Có thể bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện tất cả hoặc một vài kỹ thuật chẩn đoán này. Mục đích là xác định tình trạng tổn thương ở cột sống để có hướng điều trị hiệu quả nhất.
Nguyên nhân khiến cột sống bị vôi hóa
Bệnh vôi hóa cột sống xảy ra khi có 3 yếu tố tác động cùng lúc:
- Sự lắng đọng canxi bất thường ở cột sống: Yếu tố chủ chốt;
- Tuần hoàn máu bị hạn chế, lượng dinh dưỡng và oxy không đủ đến các đốt sống khiến chúng bị thoái hóa và xốp;
- Quá trình trao đổi chất tại các tế bào ở cột sống giảm, tỷ lệ tế bào bị thoái hóa tăng.
Những nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến sự xuất hiện đồng thời của cả 3 yếu tố trên là: quá trình lão hóa tự nhiên; chấn thương, sinh hoạt sai tư thế trong thời gian dài…
Lão hóa là nguyên nhân chính yếu gây vôi hóa cột sống
Sự suy yếu hoạt động của các cơ quan và bộ phận trong cơ thể khi về già thường kéo theo sự rối loạn chuyển hóa canxi. Lượng khoáng chất này có thể bị hao hụt hoặc lắng đọng bất thường ở một số vị trí nhất định. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tình trạng vôi hóa cột sống dường như đang trở thành một phần không thể tách rời của quá trình lão hóa tự nhiên.
Chấn thương, sinh hoạt sai tư thế trong thời gian dài gia tăng nguy cơ vôi hóa cột sống
Cột sống có thể bị biến đổi cấu trúc do hậu quả của chấn thương. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, tình trạng này rất dễ kết hợp với các yếu tố khác gây nên bệnh vôi hóa ở cột sống. Đặc biệt là khi người ta bước qua độ tuổi trung niên.
Bên cạnh đó, những người sinh hoạt sai tư thế trong thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân hoặc yếu tố gia tăng nguy cơ bị vôi hóa cột sống. Cụ thể là những người phải thường xuyên ngồi một chỗ, ít vận động; lao động tay chân nặng nhọc hoặc mang vác vật nặng không đúng tư thế.
Thiếu hoặc dư thừa các dưỡng chất cần thiết cho cơ xương cũng gây vôi hóa cột sống
Nguyên nhân này thường kết hợp cùng với các yếu tố khác và dẫn đến tình trạng vôi hóa cột sống. Thông thường có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, chế độ ăn quá dư thừa canxi. Thứ hai, thiếu dưỡng chất cho cơ xương. Cả hai yếu tố này đều khiến quá trình chuyển hóa canxi của cơ thể bị rối loạn. Đồng thời, các tế bào sụn rất dễ bị bào mòn và xương bị xốp.
Các đối tượng dễ bị vôi hóa cột sống
- Những người từ độ tuổi trung niên (40 tuổi) trở lên;
- Nhân viên văn phòng, thợ may hoặc những người thường xuyên phải ngồi một chỗ nhiều;
- Béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
Điều trị bệnh vôi hóa cột sống
Vôi hóa cột sống cũng tương tự nhiều bệnh lý về xương khớp khác đó là chưa có thuốc đặc trị. Người bệnh chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng hoặc làm chậm lại quá trình vôi hóa thông qua dùng thuốc, vật lý trị liệu, can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật.
Việc áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đa số các trường hợp bị vôi hóa cột sống muốn kiểm soát bệnh tốt cần được điều trị theo phác đồ. Nếu tự ý dùng thuốc hoặc ngừng điều trị, bệnh rất dễ chuyển sang biến chứng bại liệt.
Các loại thuốc điều trị vôi hóa cột sống
Thuốc Tây y trị vôi hóa cột sống
Chủ yếu là thuốc giãn cơ. Bên cạnh tác dụng làm giảm tình trạng co thắt cơ, thuốc này còn tác động lên hệ thần kinh trung ương làm giảm cơn đau và giúp an thần. Tiêu biểu là Chlorzoxazone hoặc Metaxalone. Thêm vào đó, người bệnh có thể được chỉ định dùng thêm một số loại thuốc kháng viêm và giảm đau ngoại vi.
Ngoài ra, một số trường hợp sẽ cần dùng đến Glucosamine. Khi được bào chế dạng thuốc, Glucosamine có tác dụng tái tạo và nuôi dưỡng các tế bào sụn khớp. Loại thuốc này không có tác dụng giảm đau hoặc cải thiện trực tiếp các triệu chứng của tình trạng vôi hóa cột sống. Tuy nhiên, sự có mặt của nó sẽ giúp bệnh tình được kiểm soát tốt hơn.
Bài thuốc Đông y chữa vôi hóa cột sống
Đông y có khá nhiều bài thuốc chữa vôi hóa cột sống. Phổ biến trong số đó là bài thuốc với cây chìa vôi và đu đủ.
Chữa vôi hóa cột sống với cây chìa vôi
+Sắc lấy nước uống: Chuẩn nguyên liệu ở dạng khô gồm: 50g chìa vôi; dền gai, lá lốt, tầm gửi và cỏ xước (mỗi loại 30g). Mang các thảo dược nấu với 1 lít nước. Đến khi nước sắc còn khoảng 100ml là có thể dùng. Lượng thuốc sau khi sắc chia thành 3 lần, uống hết trong ngày.
+ Đắp ngoài da: Nguyên liệu tương tự như bài thuốc sắc lấy nước uống nhưng dùng ở dạng tươi. Sau khi giã nhuyễn thì đắp lên vị trí cột sống bị vôi hóa. Ngày thực hiện từ 2 – 3 lần.
Cả hai phương pháp cần kết hợp với nhau liên tục trong khoảng tháng. Bệnh vôi hóa cột sống sẽ được kiểm soát.
Đắp hạt đu đủ chữa vôi hóa cột sống
Bạn cần hạt của một quả đu đủ chín. Chà xát hạt cho đến khi bong màng bao bọc bên ngoài. Lấy phần hạt đen giã nát rồi đắp lên vị trí cột sống bị vôi hóa trong khoảng 30 phút. Lưu ý khi đắp hạt đu đủ, bạn đừng để hạt quá khô hoặc quá ướt. Chữa bệnh bằng phương pháp này cần kiên trì thực hiện trong một thời gian dài mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Điều trị vôi hóa cột sống không dùng thuốc
Phương pháp này gồm vật lý trị liệu và can thiệp ngoại khoa. Trong đó, vật lý trị liệu gồm: các bài tập hỗ trợ chức năng cột sống; xoa bóp; châm cứu, bấm huyệt; dùng tia laser hoặc đèn hồng ngoại; dùng sóng xung kích; kéo giãn cột sống…
Ngoài ra, một số trường hợp bị vôi hóa cột sống có thể cần đến phẫu thuật. Mục đích là giải phóng các dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép. Tuy nhiên đây không phải là giải pháp ưu việt nhất. Bởi kể cả khi đã phẫu thuật thì khả năng tái phát bệnh vẫn còn. Bên cạnh đó, cột sống có rất nhiều dây thần kinh, can thiệp ngoại khoa ở vị trí này có thể dẫn đến nhiều rủi ro.
Các biện pháp phòng ngừa vôi hóa cột sống
- Trong sinh hoạt và làm việc, bạn không nên ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ. Nếu phải mang vác nặng, hãy chú ý tư thế để hạn chế gia tăng áp lực cho cột sống;
- Kiểm soát và duy trì cân nặng hợp lý;
- Luyện tập thể dục đều đặn và vừa sức;
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/1 lần hoặc khi nghi ngờ mình đang có các dấu hiệu của bệnh vôi hóa cột sống;
- Ăn uống đủ chất, bổ sung nhiều canxi và vitamin từ các loại rau củ quả;
- Đảm bảo cơ thể hấp thụ khoảng 2 lít nước mỗi ngày;
- Cân bằng giữa công việc và thư giãn. Giữ cho tinh thần thoải mái.