Xơ gan là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
Với những tổn thương không thể khôi phục trở lại, xơ gan là tình trạng hết sức nguy hiểm. Vậy nhưng, đa số chúng ta chưa trang bị đủ kiến thức để nhận biết bệnh từ sớm, dẫn đến việc chức năng thải độc của gan bị suy giảm nghiêm trọng do điều trị muộn. Vậy xơ gan là gì, nguyên nhân và triệu chứng bệnh ra sao và hiện có những cách gì để điều trị? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bệnh xơ gan là gì? Các mức độ xơ hóa của gan
Nếu vì nguyên nhân nào đó khiến cho các tế bào gan sẽ bị tổn thương và chết đi, gan sẽ bắt đầu trở nên xơ hóa do các mô chết bị thay thế bởi lớp protein và mô sẹo. Đó gọi là bệnh xơ gan (cirrhosis). Bởi vì quá trình này không thể phục hồi lại được, nên bệnh lý về gan này thường được gọi là tổn thương gan “giai đoạn cuối” hoặc “giai đoạn muộn”.
Tình trạng xơ hóa gan phát triển qua 4 giai đoạn khác nhau, mức độ ngày càng tăng dần, và mỗi giai đoạn sẽ có những đe dọa khác nhau đến người bệnh.
Xơ gan F1
Gan bắt đầu xuất hiện tổn thương nhưng chưa biểu hiện rầm rộ. Giai đoạn đầu người bệnh ít thấy những triệu chứng biểu hiện rõ ràng bởi nó xuất hiện cực kỳ mờ nhạt. Các mô sẹo xơ hóa mới bắt đầu hình thành.
Xơ gan F2
Ở giai đoạn này, các mô xơ xuất hiện nhiều hơn so với giai đoạn F1, gan bị tổn thương nhiều và các triệu chứng ở thời kỳ F2 cũng dễ nhận biết hơn.
Lúc này, trong gan xuất hiện nhiều hơn các mô sẹo, mô xơ hóa. Người bệnh có thể nhìn thấy rõ nét hơn. Lượng tế bào mô xơ giai đoạn này tăng lên rất nhiều, làm gan bị suy yếu chức năng rõ rệt.
Xơ gan F3
Khi đã bị xơ gan giai đoạn 3, lượng tế bào bị xơ hóa lớn hơn nhiều gây rối loạn chức năng gan. Các tế bào gan còn lại sẽ phải hoạt động nhiều hơn để lọc thải chất độc cho cơ thể nhưng vẫn không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu.
Vì vậy, cơ thể người bệnh thường có dấu hiệu phù nề, vàng da rõ rệt và cảm thấy đau mỏi toàn thân.
Xơ gan F4
Bệnh nhân được chẩn đoán là xơ gan F4 khi tế bào gan đã bị tổn thương hoàn toàn, gan không còn chức năng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người bệnh đang ở trong tình trạng cực kì nguy hiểm.
Từ giai đoạn F3 trở đi, gan đã bị tổn thương quá nghiêm trọng, khiến cho cơ thể gặp những biến chứng nặng nề. Việc đưa ra phác đồ điều trị bệnh lúc này cũng rất khó khăn. Vậy nên, nếu gặp phải bất cứ bệnh lý nào về gan, người bệnh cần điều trị ngay, tránh để bệnh kéo dài dẫn đến tình trạng gan xơ hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tránh những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên nhân xơ gan là do đâu?
Trong khoang quanh xoang gan có các tế bào hình sao với chức năng chính là dự trữ vitamin A ở dạng tĩnh và đóng vai trò quan trọng trong quá trình lành vết thương tự nhiên. Tuy nhiên nếu tế bào gan bị tổn thương, chúng sẽ tiết ra các yếu tố kích hoạt và biến đổi các tế bào hình sao.
Khi được kích hoạt, các tế bào hình sao mất vitamin A và bắt đầu tiết ra yếu tố tăng trưởng chuyển dạng beta1 (transforming growth factor beta1) hoặc TGF-beta. Từ đó chúng sản xuất collagen, mô xơ và mô sẹo. Đây chính là tình trạng xơ gan.
Tác nhân chính làm tổn thương tế bào gan và gây bệnh thường do tiêu thụ rượu quá mức hoặc do nhiễm virus viêm gan B hoặc viêm gan C.
Xơ gan rượu
Xơ gan do rượu xảy ra ở những người thường xuyên uống quá nhiều rượu bia, đồ uống có cồn và tiếp diễn trong nhiều năm. Ban đầu người bệnh sẽ bị viêm gan, sau đó nếu không điều trị nghiêm túc mới khiến gan bị xơ. Ở người bị bệnh do rượu, gan sẽ phình to.
Xơ gan do nhiễm virus
Bên cạnh rượu thì virus viêm gan B và viêm gan C cũng là một trong những yếu tố dẫn đến xơ gan. Hay nói đúng hơn, đây là hệ quả của quá trình viêm gan kéo dài và đã trở thành mãn tính. Khác với trường hợp do rượu gây ra, những người bị nhiễm virus có lá gan teo nhỏ hơn bình thường.
Các nguyên nhân gây bệnh khác
Ngoài 2 nguyên nhân chính kể trên (chiếm 90%) thì vẫn còn một số vấn đề khác có thể gây ra bệnh, bao gồm: Ứ mật, ứ đọng máu ở gan kéo dài, nhiễm độc, rối loạn chuyển hóa, nhiễm ký sinh trùng…
Đặc biệt, béo phì cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, vì những người bị béo phì thường có xu hướng bị gan nhiễm mỡ. Nếu không chữa trị cẩn thận, tình trạng này cũng có thể làm gan bị xơ.
Bệnh xơ gan có lây không? Có nguy hiểm không?
Được nhận định là giai đoạn sau, cũng như là hệ quả của cả quá trình tổn thương gan, vậy nên các chuyên gia cho biết: Tình trạng xơ hóa gan không thể lây từ người này sang người khác. Chúng ta chỉ bị lây những căn bệnh về gan do virus gây nên như viêm gan B, viêm gan C, và nếu không điều trị thì từ đó mới có thể dẫn đến xơ gan.
Vậy xơ gan có nguy hiểm không?
Do phần gan bị xơ, sẹo không thể phục hồi trở lại nữa, cho nên xơ gan được liệt vào trong “tứ chứng nan y”. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và ngăn chặn quá trình xơ hóa gan tiếp diễn thì chức năng gan sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ gặp phải nhiều vấn đề nguy hiểm.
Biến chứng xơ gan
Khi số lượng đơn vị chức năng cơ bản của gan ngày càng ít đi, khả năng thải độc của nó kém dần. Cho đến khi gan không còn có thể ngăn độc tố xâm nhập vào trong máu, những độc tố này có thể đi vào não và bắt đầu gây ảnh hưởng suy nhược tâm thần, dẫn đến bệnh lý não do gan. Thậm chí khi độc tố tích tụ quá nhiều, bệnh nhân có thể ngất xỉu và hôn mê.
Ngoài ra, do gan đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa estrogen, nên bệnh nhân cũng có thể xuất hiện những biến chứng do tăng estrogen trong máu như: Nữ hóa tuyến vú, xuất hiện dấu sao mạch hay nhện mạch, lòng bàn tay son đỏ. Không chỉ vậy, bệnh còn khiến gan ngừng sản xuất các yếu tố đông máu, dẫn đến bệnh lý máu khó đông.
Bên cạnh những biến chứng trên, bệnh còn dẫn đến biến chứng nghiêm trọng khác, được gọi riêng thành một bệnh lý với tên gọi “xơ gan cổ trướng”.
Xơ gan cổ trướng
Khi những mô xơ được tạo ra, chúng bắt đầu chèn ép các tĩnh mạch trung tâm và xoang gan, dẫn đến tăng áp lực trong xoang gan hoặc trong tĩnh mạch cửa. Với tình trạng này, dịch trong các mạch máu dễ bị đẩy vào các mô, sau đó xuyên qua mô vào các khoang mở lớn như khoang phúc mạc.
Đó là lý do tại sao xơ hóa gan dẫn đến dịch dư thừa trong khoang phúc mạc và gây phình to ổ bụng. Đây gọi là xơ gan cổ trướng, và có thể dẫn đến các biến chứng khác như lách to, xung huyết và cường lách.
Triệu chứng xơ gan theo từng giai đoạn
Trong cơ thể con người, gan đóng vai trò như một bộ lọc để ngăn không cho các chất gây hại xâm nhập vào cơ thể. Vậy nên khi gan bị xơ, chức năng này cũng sẽ bị ảnh hưởng, gây ra nhiều vấn đề đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, biểu hiện cụ thể của bệnh còn tùy thuộc vào từng giai đoạn.
Xơ gan giai đoạn đầu (Xơ gan còn bù)
Ở giai đoạn này, chức năng của gan chưa bị ảnh hưởng nhiều. Lý do là bởi lượng mô sẹo và xơ rất nhỏ, vậy nên hoạt động của phần gan khỏe mạnh vẫn có thể bù trừ cho những phần bị tổn thương.
Tuy nhiên, do gan vẫn thực hiện được chức năng của mình, nên người bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào. Đa số chỉ phát hiện ra bệnh qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ do thời gian này gặp phải tình trạng ăn không ngon, khó tiêu, tức bụng, hoặc bị rối loạn kinh nguyệt.
Xơ gan giai đoạn cuối (Xơ gan mất bù)
Khi tình trạng tiến triển sang giai đoạn nặng, phần mô sẹo và xơ đã chiếm quá nhiều khiến cho phần gan khỏe mạnh không còn thích ứng bù trừ được nữa. Điều này đồng nghĩa với việc chức năng gan bị suy giảm. Lúc này các triệu chứng rõ ràng và nghiêm trọng hơn bắt đầu xuất hiện, biểu hiện qua 2 nhóm hội chứng:
Hội chứng suy gan: Người bệnh bắt đầu chán ăn, khó tiêu, đầy bụng, kèm theo các vấn đề như rối loạn kinh nguyệt, xuất huyết, rụng tóc, 2 chân phù mềm, da vàng nhẹ, thiếu máu, có nốt giãn mạch hình sao ở ngực và lưng, hồng ban lòng bàn tay, môi đỏ, lưỡi bóng đỏ,…
Hội chứng tăng áp tĩnh mạch cửa: Đi đại tiện thấy phân sệt, có thể lẫn máu; nôn ra máu; lách lớn, cổ trướng và có thể bị bệnh trĩ.
Điều trị xơ gan thế nào cho hiệu quả?
Để có thể điều trị bệnh, trước hết các bác sĩ sẽ dựa vào một số triệu chứng lâm sàng cùng các kết quả xét nghiệm để xác định tình trạng bệnh.
Chẩn đoán xơ gan
Để chẩn đoán, bước đầu bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đồng thời yêu cầu người bệnh làm xét nghiệm sinh thiết gan (lấy một mẫu nhỏ của mô gan và kiểm tra dưới kính hiển vi).
Khi tế bào gan bị tổn thương, chúng bắt đầu tập hợp lại với nhau và hình thành nên các “nốt tân sinh tái tạo”. Đây là một trong những chỉ dấu kinh điển của bệnh gan và là lý do tại sao gan xơ hóa có bề mặt gồ ghề, trái ngược với gan khỏe mạnh có bề mặt trơn nhẵn.
Bạn có thể tưởng tượng, nốt tân sinh tái tạo là một cụm tế bào gan còn sống. Với mô gan bị xơ hóa, bạn sẽ thấy giữa các nốt tân sinh tái tạo là mô xơ và collagen. Dưới đây là một hình ảnh mô học của xơ gan: Cụm tế bào màu đỏ nốt tân sinh tái tạo, và phần màu xanh xung quanh là những dải protein hình thành do quá trình xơ hóa.
Ngoài ra, các bác sĩ còn sử dụng bảng tiêu chuẩn Child (Child-pugh). Theo đó, các bác sĩ sẽ dựa vào thông số của một vài yếu tố để xác định vấn đề mà người bệnh gặp phải. Sau khi tổng hợp những chỉ số này, kết quả được chia làm các mức độ là child-pugh A, B và C. Trong đó:
- Child-pugh A: Giai đoạn còn bù
- Child-pugh B, C: Giai đoạn mất bù
Xơ gan có chữa được không?
Như đã đề cập, quá trình xơ hóa không thể đảo ngược được. Vì vậy việc điều trị chỉ mang tính chất hạn chế bệnh không tiến triển thêm chứ không thể giúp gan hồi phục lại bình thường.
Về mặt lý thuyết, vẫn có phương pháp để chữa khỏi bệnh lý này, đó là ghép gan – nghĩa là thay phần gan mới khỏe mạnh cho phần bị xơ. Tuy nhiên, bởi yêu cầu cần có gan để thay thế, cho nên trên thực tế, phương pháp này rất khó để có thể thực hiện
Thuốc trị xơ gan
Thuốc dành cho bệnh nhân chủ yếu có vai trò bảo vệ gan, tăng cường sức khỏe của gan và hỗ trợ chức năng gan. Một số nhóm thuốc được dùng phổ biến hiện nay bao gồm:
- Thuốc làm cải thiện chức năng chuyển hoá của tế bào gan và các hoóc-môn glucococticoit: Vitamin C, B12, Cyanidanol, Prednizolon, Testosteron, Legalon,…
- Tiêm truyền dịch: plasma đậm đặc, dung dịch albumin 20%, các loại đạm tổng hợp: alvezin, moriami; truyền máu trong trường hợp bị xuất huyết,…
- Thuốc điều trị cổ trướng: Aldacton, Furocemid (Lasix),…
Lưu ý: Để sử dụng các loại thuốc điều trị của Tây y, người bệnh cần đi khám để bác sĩ kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh. Không nên tự ý mua thuốc về sử dụng bởi rất dễ gặp phải tác dụng phụ.
Bên cạnh các loại thuốc Tây, Đông y cũng có những vị thảo dược vô cùng hữu ích trong việc hỗ trợ gan, giúp gan khỏe mạnh hơn như: Bạch linh, Bạch truật, Đẳng sâm, Cam thảo, Hoàng kỳ, Sài hồ, Chỉ xác, Sinh địa…
Theo Đông y, xơ gan có liên quan đến 3 tạng là: Can, Tỳ, Thận. Nguyên nhân chính là do khí trệ, huyết ứ, thủy thấp ứ đọng trong cơ thể dẫn đến làm hư tổn thận âm, thận dương. Vậy nên cần phải hoạt huyết, hóa ứ kiêm điều can lý tỳ, sơ can, kiện tỳ, lợi thủy.
Với thành phần hoàn toàn từ các thảo dược thiên nhiên, thuốc Đông y vô cùng lành tính. Vậy nên nó cồn được xem là phương pháp bồi bổ rất tốt cho sức khỏe người bệnh.
Người bị xơ gan nên ăn gì, kiêng gì?
Chế độ ăn uống cho người bệnh đặc biệt quan trọng bởi vì gan là cơ quan chuyển hóa, đào thải độc tố. Bởi vậy, nếu không kiêng khem và có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì sẽ gia tăng gánh nặng cho gan, khiến bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu.
Bệnh xơ gan nên ăn gì?
Với những bệnh nhân bị xơ gan, bác sĩ khuyên nên chú trọng bổ sung các nhóm thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu protein: Thịt, cá, trứng, sữa
- Thực phẩm giàu vitamin: Các loại trái cây, cá, sữa,…
- Thực phẩm giàu chất xơ: Tất cả các loại rau củ quả
- Thực phẩm giàu chất Beta-carotene: Cà rốt
- Thực phẩm giàu Omega-3: Cá hồi, cá thu, cá ngừ,…
Bệnh xơ gan kiêng ăn gì?
Bên cạnh những loại thực phẩm tốt cho gan, bệnh nhân cũng cần chú ý kiêng một số thứ sau để ngăn không cho bệnh biến chuyển nặng hơn:
- Rượu: Để điều trị bệnh, việc đầu tiên cần làm đó là tránh xa rượu – một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh.
- Đường: Ăn quá nhiều đường cũng có thể khiến gan bị tổn thương thêm
- Muối: Do khi bị tổn thương, gan không thể xử lý được natri trong muối nên những loại thực phẩm này có thể gây sưng phù và tích nước.
Phòng ngừa bệnh xơ gan hiệu quả
Trước tính chất nghiêm trọng của bệnh, mỗi người phải trang bị cho bản thân đủ kiến thức để phòng ngừa bệnh hiệu quả. Theo đó, chúng ta cần thực hiện những điều sau:
- Tiêm vaccine phòng viêm gan
- Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại
- Hạn chế tiếp xúc với máu và dịch cơ thể người bệnh
- Quan hệ tình dục an toàn để tránh các bệnh về gan
- Hạn chế rượu bia – nguyên nhân chủ yếu gây xơ
- Có chế độ ăn uống khoa học để bảo vệ sức khỏe gan
Qua những thông tin vừa tìm hiểu được, có thể thấy rằng xơ gan là một bệnh lý không thể coi thường khi nó ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người. Vì vậy không được chủ quan khi thấy cơ thể có bất kỳ biểu hiện nào bất thường nào dù là rất nhỏ.
Gan không chỉ chuyển hóa thức ăn mà còn giúp thanh lọc độc tố, vậy nên hãy quan tâm và bảo vệ gan bởi đó cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân mình.