Xơ Gan Ứ Mật: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị
Xơ gan ứ mật là tình trạng xơ hóa tế bào gan do hiện tượng ứ mật. Bệnh lý này có thể khởi phát do rối loạn tự miễn (nguyên phát), tác dụng phụ của thuốc hoặc do các nguyên nhân thực thể như viêm đường mật, sỏi đường mật, dị tật ống mật bẩm sinh,…
Xơ gan ứ mật là gì?
Xơ gan ứ mật là tình trạng gan bị xơ hóa do hiện tượng ứ mật. Khi mật bị ứ đọng, đường dẫn mật ở trong và ngoài gan thường có xu hướng viêm, tổn thương và dẫn đến tình trạng xơ hóa tế bào gan. Phần lớn các trường hợp xơ gan ứ mật đều xảy ra do nguyên phát (hoạt động rối loạn miễn dịch) và chỉ có 1 số ít xảy ra do tổn thương thực thể ở tuyến tụy, gan và đường mật.
Thống kê cho thấy, bệnh lý này thường gặp nhiều nữ hơn nam giới, đặc biệt là người từ 30 – 60 tuổi. Mặc dù có tiến triển chậm nhưng xơ gan ứ mật có mức độ nghiêm trọng và gây ra nhiều biến chứng nếu không kiểm soát kịp thời. Hiện nay, điều trị bệnh lý này chủ yếu là cải thiện lưu thông đường mật, làm giảm triệu chứng và dự phòng biến chứng phát sinh.
Nguyên nhân gây xơ gan ứ mật
Như đã đề cập, xơ gan ứ mật chủ yếu khởi phát do rối loạn miễn dịch. Ở một số ít trường hợp, bệnh có thể xảy ra do ảnh hưởng của một số bệnh lý tại tuyến tụy, đường mật, gan hoặc có thể là hệ quả do một số loại thuốc điều trị.
Các nguyên nhân gây xơ gan ứ mật thường gặp, bao gồm:
- Nguyên phát: Phần lớn xơ gan ứ mật đều khởi phát do nguyên phát (được gọi là xơ gan ứ mật nguyên phát). Đây là bệnh lý tự miễn xảy ra khi tế bào lympho T gây tổn thương niêm mạc ở đường mật bên trong gan và dẫn đến hiện tượng viêm. Theo thời gian, các tế bào xung quanh sẽ bị phá hủy, sau đó có xu hướng thay thế bằng các mô sẹo và dẫn đến chứng xơ gan.
- Khối u ở ống mật: Khối u xuất hiện ở ống mật có thể gây tắc nghẽn mật, dẫn đến hiện tượng viêm và phá hủy tế bào gan.
- U nang tuyến tụy: U nang tuyến tụy là một trong những nguyên nhân có khả năng gây xơ gan ứ mật. Tuyến tụy là cơ quan nằm phía sau dạ dày, có chức năng sản xuất enzyme và hormone tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên nang xuất hiện ở tuyến tụy có thể gây cản trở lưu thông đường mật, dẫn đến hiện tượng ứ mật và xơ hóa tế bào gan.
- Viêm đường mật: Viêm đường mật là hiện tượng niêm mạc ở đường mật bị viêm do nhiễm trùng hoặc biến chứng của bệnh viêm gan, sỏi đường mật, dị dạng đường mật bẩm sinh,… Bệnh lý này làm hẹp không gian trong đường mật, gây tắc nghẽn mật và tăng nguy cơ mắc bệnh xơ gan.
- Sỏi ống mật: Sỏi ống mật là bệnh lý tương đối phổ biến. Bệnh có thể xảy ra do nhiễm giun sán hoặc do chế độ ăn uống không phù hợp. Sỏi hình thành ở ống mật làn gián đoạn quá trình dẫn lưu mật và có thể gây ra các biến chứng nặng nề như áp xe gan đường mật, viêm mủ đường mật, viêm tụy cấp do sỏi mật và xơ gan mật.
- Ảnh hưởng của một số loại thuốc điều trị: Xơ gan ứ mật cũng có thể là tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Terbinafine, Estradiol, Chlorpromazine, Cimetidine, Tolbutamide,…
- Viêm gan do virus: Các bệnh viêm gan do virus (chủ yếu là viêm gan B và C) có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng xơ gan. Virus gây ra các bệnh lý này có thể làm tổn thương ống dẫn mật, dẫn đến hiện tượng gián đoạn lưu thông, gây ứ mật và xơ gan.
- Dị tật ống mật bẩm sinh: Một số trường hợp bị xơ gan ứ mật có thể xảy ra do dị tật cấu trúc ống mật bẩm sinh. Đối với những trường hợp này, bệnh thường khởi phát trong những năm đầu đời.
- Nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân trên, xơ gan ứ mật còn có thể xảy ra do áp xe gan, bệnh gan do rượu,…
Ngoài những nguyên trên, bệnh xơ gan do ứ mật còn có thể khởi phát do các yếu tố thuận lợi như:
- Giới tính nữ (tỷ lệ nữ mắc bệnh cao hơn nam gấp 10 lần)
- Tuổi từ 30 – 60
- Có tiền sử mắc các bệnh lý về gan
Triệu chứng của bệnh xơ gan ứ mật
Xơ gan ứ mật có tiến triển chậm nên thường không gây ra triệu chứng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên sau nhiều năm khởi phát, bệnh có thể biểu hiện qua một số dấu hiệu lâm sàng như sau:
- Ngứa da
- Khô mắt
- Khô miệng
- Cơ thể mệt mỏi
- Đau vùng bụng bên phải
- Vàng da, vàng mắt
- Sưng bàn chân và mắt cá chân
- Sạm da (không do ánh nắng mặt trời)
- Tích tụ dịch trong ổ bụng (phù nề bụng)
- Tiêu chảy có kèm mỡ
- Mỡ lắng đọng ở các nếp gấp lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, mí mắt và vùng da xung quanh mắt
Xơ gan ứ mật có nguy hiểm không?
Xơ gan ứ mật có tiến triển chậm nên rất khó nhận biết. Đối với những trường hợp phát hiện muộn và không kịp thời điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng như:
- Suy giảm chức năng gan: Các mô sẹo thay thế cho tế bào gan bị xơ hóa thường không có chức năng hoạt động. Vì vậy, xơ gan ứ mật kéo dài có thể khiến cơ quan này suy giảm hoạt động.
- Giãn tĩnh mạch: Tình trạng ứ mật có thể làm chậm quá trình lưu thông máu, từ đó làm tăng áp lực và gây ra hiện tượng giãn tĩnh mạch. Giãn tĩnh mạch trong thời gian dài có thể khiến thành tĩnh mạch mỏng dần, có nguy cơ tổn thương và vỡ.
- Ung thư gan: Thống kê cho thấy, ung thư gan thường phát triển từ các mô sẹo do xơ gan gây ra.
- Thiếu hụt vitamin: Gan là cơ quan đảm nhiệm chức năng chuyển hóa và tổng hợp chất dinh dưỡng. Do đó khi cơ quan này suy giảm chức năng, cơ thể thường bị thiếu hụt lipid, vitamin K (yếu tố đông máu) và các loại vitamin tan trong chất béo.
- Tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác: Người bị xơ gan ứ mật – đặc biệt là do nguyên phát thường mắc các vấn đề liên quan đến tự miễn như xơ cứng bì, bệnh tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp,…
Chẩn đoán bệnh xơ gan ứ mật
Sau khi thăm khám lâm sàng, khai thác triệu chứng và tiền sử bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật chẩn đoán như:
- Xét nghiệm máu: Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ có thể xác định được chức năng gan, dấu hiệu tự miễn, nhiễm trùng và một số nguyên nhân có khả năng gây xơ gan khác.
- Sinh thiết gan: Sinh thiết gan là kỹ thuật chẩn đoán sử dụng kim để lấy một mẫu mô gan nhỏ và đem kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Kỹ thuật này giúp xác định giai đoạn phát triển của bệnh và loại trừ khả năng ung thư gan.
- Chẩn đoán hình ảnh: Các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng tử có thể giúp bác sĩ xác định các biểu thiện bất thường ở gan, tuyến tụy và đường mật.
Các biện pháp điều trị xơ gan ứ mật
Các trường hợp xơ gan ứ mật do nguyên nhân thực thể có khả năng điều trị dứt điểm. Tuy nhiên nếu xảy do nguyên phát, bệnh không thể chữa trị hoàn toàn. Việc điều trị chỉ giúp làm giảm triệu chứng, ngăn chặn tiến triển của bệnh và dự phòng biến chứng.
1. Điều trị nguyên nhân
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp nhằm khắc phục nguyên nhân gây xơ gan ứ mật như:
- Phẫu thuật loại bỏ nang, sỏi
- Sử dụng kháng sinh nhằm giảm viêm và ức chế nhiễm trùng
- Tích cực điều trị các bệnh viêm gan do virus
- Phẫu thuật chỉnh hình và nới rộng không gian đường mật đối với những trường hợp dị tật bẩm sinh
- Ngưng sử dụng thuốc và điều trị triệu chứng nếu xơ gan ứ mật xảy ra do tác dụng phụ của thuốc
2. Điều trị triệu chứng
Bên cạnh điều nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp giúp cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các biện pháp kiểm soát triệu chứng thường được áp dụng, bao gồm:
- Modafinil: Loại thuốc này có tác dụng làm giảm tình trạng mệt mỏi do xơ gan ứ mật gây ra. Tuy nhiên, chưa có đủ nghiên cứu cho thấy loại thuốc này đem lại hiệu quả lâm sàng trong điều trị xơ gan do ứ mật.
- Cholestyramin: Cholestyramin thường được bào chế ở dạng bột và được dùng bằng cách pha với nước hoặc trộn đều với thức ăn. Thuốc có tác dụng giảm ngứa ngáy ở bệnh nhân mắc các vấn đề về gan.
Trong trường hợp xơ gan ứ mật nguyên phát, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số biện pháp như:
- Axit ursodeoxycholic (UDCA): UDCA là một loại axit mật giúp thúc đẩy quá trình lưu thông mật qua gan, từ đó làm giảm hiện tượng ứ mật và xơ gan. Loại thuốc này thường được dùng trong điều trị sỏi mật và xơ gan ứ mật nguyên phát. Mặc dù không chữa trị bệnh hoàn toàn nhưng UDCA có thể làm chậm quá trình xơ hóa tế bào gan.
- Ghép gan: Xơ gan ứ mật nguyên phát tiến triển mãn tính và không thể điều trị hoàn toàn. Do đó khi tìm được lá gan thích hợp, bác sĩ thường khuyến khích phẫu thuật ghép gan để cải thiện chức năng của cơ quan này và kéo dài sự sống.
3. Dự phòng và điều trị biến chứng
Song song với điều trị nguyên nhân và triệu chứng, bạn sẽ được chỉ định một số biện pháp nhằm dự phòng và khắc phục biến chứng. Các biện pháp này thường được áp dụng cho trường hợp khởi phát bệnh do rối loạn tự miễn và các vấn đề gan mãn tính.
Các biện pháp dự phòng và điều trị biến chứng của bệnh xơ gan ứ mật, bao gồm:
- Bổ sung vitamin D và canxi: Người bị xơ gan ứ mật thường có nguy cơ bị loãng xương do gan không thể tổng hợp các chất dinh dưỡng cần thiết. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng canxi và vitamin D để dự phòng biến chứng nói trên.
- Dùng viên bổ sung vitamin: Ngoài ra, xơ gan ứ mật còn gây thiếu hụt các loại vitamin như vitamin K, D, E và A. Vì vậy bác sĩ có thể đề nghị dùng các loại viên uống bổ sung để cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
- Tầm soát áp lực tĩnh mạch: Đối với các trường hợp xơ gan ứ mật kéo dài trong nhiều năm, bác sĩ sẽ tiến hành tầm soát áp lực tĩnh mạch. Nếu nhận thấy bạn có nguy cơ bị vỡ tĩnh mạch, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật hoặc dùng thuốc dự phòng.
Chăm sóc bệnh xơ gan ứ mật
Xơ gan ứ mật có thể tiến triển mãn tính – đặc biệt là do nguyên phát và các bệnh gan mãn tính. Vì vậy bên cạnh phương pháp y tế, bạn nên kết hợp với các biện pháp chăm sóc như:
- Bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau xanh, củ, nấm, trái cây, các loại hạt, sữa chua, trứng,…
- Hạn chế dùng thức ăn chứa nhiều muối do loại gia vị này làm tăng natri trong cơ thể và tăng tích tụ dịch ở khoang bụng.
- Các chất độc hại trong bia rượu và khói thuốc có thể gây hư hại tế bào gan, kích thích phản ứng viêm ở đường mật và làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh xơ gan ứ mật. Do đó cần tránh hút thuốc và sử dụng rượu bia trong thời gian điều trị.
- Nên dành 30 phút/ ngày để tập các bộ môn có cường độ nhẹ nhàng như đi bộ, yoga và bơi lội. Hoạt động thể chất giúp cải thiện sức khỏe, điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch và tăng cường chức năng gan.
- Giới hạn lượng chất lỏng dung nạp mỗi ngày. Bổ sung quá nhiều nước có thể làm nghiêm trọng tình trạng phù nề bụng và các chi.
- Xơ gan ứ mật thường gây giảm chức năng chuyển hóa và tổng hợp của gan. Vì vậy cần tham vấn y khoa trước khi sử dụng các viên uống hỗ trợ và thực phẩm chức năng.
Phòng ngừa xơ gan ứ mật bằng cách nào?
Hiện tại, không có biện pháp phòng ngừa bệnh xơ gan ứ mật hoàn toàn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh với các biện pháp sau:
- Tích cực điều trị các bệnh lý nguyên nhân.
- Chích ngừa viêm gan B để phòng ngừa bệnh lý này và giảm nguy cơ bị viêm gan D, ứ mật, xơ gan, suy gan, ung thư gan,…
- Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn.
- Hoạt động rối loạn miễn dịch thường có xu hướng bùng phát khi thể trạng và hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, bạn nên xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học và tập luyện thường xuyên để tăng cường chức năng đề kháng.
- Tuyệt đối không lạm dụng bia rượu và thuốc điều trị.
- Hạn chế hút thuốc lá và tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
Xơ gan ứ mật thường gây ra triệu chứng mờ nhạt, tiến triển chậm và rất khó phát hiện trong giai đoạn mới phát. Vì vậy bạn nên thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn và tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất.
Tham khảo thêm: Xơ gan mất bù là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị