Bệnh sỏi gan có nguy hiểm không? Chuyên gia giải đáp
“Dạo gần đây tôi thấy xuất hiện triệu chứng khó tiêu, chướng bụng, thỉnh thoảng đau nhẹ ở vùng hạ sườn phải. Đi khám thì được bác sĩ kết luận là bị bệnh sỏi gan. Tôi rất lo lắng. Xin hỏi bệnh sỏi gan có nguy hiểm không? Làm thế nào để phòng ngừa biến chứng? Mong bác sĩ giải đáp”. (Chị Trần Thu T, Gia Lâm, Hà Nội)
Trả lời: Để giải đáp thắc mắc, mời chị T và độc giả cùng lắng nghe tư vấn của bác sĩ, lương y Đỗ Minh Tuấn – GĐ chuyên môn nhà thuốc Đỗ Minh Đường.
Bác sĩ giải đáp: Bệnh sỏi gan có nguy hiểm không?
Sỏi gan (còn gọi là sỏi trong gan hay sỏi đường mật trong gan) là bệnh lý khá phổ biến ở nước ta. Những viên sỏi trong nhu mô gan, ống gan hoặc trong đường dẫn mật, có thành phần chính là Bilirubin (sỏi sắc tố). Nguyên nhân gây ra bệnh sỏi gan được xác định gồm: Nhiễm trùng dịch mật, độc tố tích tụ trong gan lâu ngày, ký sinh trùng, ăn uống thiếu chất…
Ở giai đoạn đầu, người bệnh có các triệu chứng như chướng bụng, khó tiêu, đau nhẹ vùng hạ sườn. Khi chuyển qua giai đoạn nặng, kích thước sỏi to, bệnh nhân sẽ gặp dấu hiệu như: Sốt cao 39 – 40 độ C, đau quặn và dữ dội vùng sườn phải, vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, sụt cân, chán ăn…
Sỏi gan là căn bệnh nguy hiểm, dễ gây biến chứng hơn so với sỏi thận hay sỏi mật. Nếu không được chữa trị sớm và đúng cách, người bệnh có thể gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng dưới đây:
1. Biến chứng cấp tính
+ Tổn thương gan, viêm gan: Do sỏi xuất hiện ở đường dẫn mật, gây tắc nghẽn khiến dịch mật bị ứ trệ. Các chất độc không được đào thải ra ngoài, lâu dần sẽ khiến men gan tăng cao, viêm gan.
+ Thấm mật phúc mạc: Chiếm tỷ lệ 14 – 18% trong số các biến chứng do sỏi gan mật gây ra. Khi có sỏi, các ống gan sẽ giãn mỏng, khiến mật thấm qua thành ống mật vào ổ bụng.
+ Viêm phúc mạc mật: Chiếm 8% trong tổng số bệnh nhân bị sỏi đường mật trong gan.
+ Sốc nhiễm khuẩn đường mật: Chiếm từ 16 – 24%, thường gặp ở người trên 50 tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Hiện tượng sốc rất nặng khi sỏi kết hợp với xác giun chết trong đường mật.
+ Viêm tụy cấp: Xảy ra khi sỏi ở đoạn thấp của ống mật chủ.
+ Viêm mủ đường mật và áp xe gan, mật: Tình trạng ứ đọng mật, sỏi gan lâu ngày kết hợp với vi khuẩn gây viêm mủ đường mật. Viêm nhiễm sẽ tạo thành các ổ áp xe nằm ở 2 thùy gan và nằm sâu trong nhu mô gan.
+ Chảy máu đường mật: Do áp xe đường mật và viêm nhiễm dẫn tới loét thành ống mật, phá hủy nhu mô gan, gây chảy máu.
2. Biến chứng lâu dài
+ Xơ gan, ung thư gan: Tình trạng ứ trệ mật kéo dài, các chất độc tích tụ, khiến các tế bào gan bị suy giảm, lâu dần dẫn đến xơ gan, nặng hơn là ung thư gan.
+ Nhiễm trùng huyết: Khi gặp biến chứng này, người bệnh có hiện tượng sốt cao kèm rét, nhiễm khuẩn, tắc mật nặng, rối loạn đông máu. Nếu không xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
+ Ung thư đường mật: Đây là biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Nếu bị ung thư đường mật, người bệnh chỉ sống được vài tháng đến vài năm tùy theo sức khỏe. Theo thống kê, có khoảng 3 – 10% các trường hợp bị sỏi gan gặp biến chứng này.
Tất cả những biến chứng trên đều nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Do việc nhận biết và điều trị sớm là vô cùng quan trọng, ngăn ngừa ảnh hưởng do sỏi gan gây ra.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh sỏi gan, ngăn biến chứng?
Để ngăn ngừa biến chứng do bệnh sỏi gan gây ra, ngoài việc điều trị tích cực, người bệnh cần có biện pháp phòng ngừa. Theo BS, lương y Đỗ Minh Tuấn, cách phòng tránh tốt nhất là người bệnh xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học, lành mạnh. Cụ thể:
+ Uống nhiều nước, mỗi ngày nên uống 1,5 – 2 lít nước.
+ Ăn chín uống sôi, ăn thực phẩm sạch, hạn chế ăn đồ tái, sống (hải sản sống, rau sống…)
+ Giảm mỡ, cholesterol trong khẩu phần ăn bằng cách ăn ít đồ ăn chiên xào, nội tạng động vật…
+ Bổ sung nhiều thực phẩm chất xơ (rau xanh, các loại ngũ cốc…), ăn nhiều trái cây tươi, nhất là các loại quả mọng.
+ Bổ sung đạm bằng cách ăn các loại đậu, thịt lợn nạc, thịt da cầm bỏ da, cá… Nên hạn chế ăn thịt đỏ.
+ Ăn uống đủ bữa, đúng giờ.
+ Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
+ Thường xuyên luyện tập thể thao để nâng cao sức khỏe, tăng cường vận động đường mật và hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm ứ trệ. Nên tập các môn như yoga, đi bộ, chạy bộ, đạp xe…
+ Thăm khám sức khỏe định kỳ.
Trên đây là những giải đáp của chuyên gia về vấn đề “bệnh sỏi gan có nguy hiểm không?”. Hy vọng bài viết đã giúp chị T và bạn đọc hiểu hơn về bệnh lý, đồng thời có cách phòng tránh hiệu quả, ngăn biến chứng. Chúc chị và gia đình nhiều sức khỏe.
Ngày Cập nhật 19/08/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!