Bệnh thoái hóa cột sống có chữa được không?
Hầu hết các bệnh về xương khớp đều không thể chữa khỏi hoàn toàn. Thế nhưng có rất nhiều lời quảng cáo trên Internet rằng có thuốc chữa dứt điểm bệnh. Điều này khiến nhiều người băn khoăn là thoái hóa cột sống có chữa được không, nếu không thì phải điều trị thế nào….
Bệnh thoái hóa cột sống chưa thể chữa dứt điểm
Trước đây, thoái hóa cột sống là căn bệnh của người già. Bởi theo thời gian, xương khớp sẽ bị lão hóa và suy yếu chức năng. Đó là sự suy giảm mang tính “hệ thống”. Như vậy, không một giải pháp nào có thể chữa được tình trạng thoái hóa cột sống. Thay vào đó, người ta chỉ có thể làm chậm lại quá trình thoái hóa và kiểm soát mức độ gây đau nhức cho người bệnh.
Với thắc mắc người già bị thoái hóa cột sống có chữa được không thì câu trả lời chắc chắn là không. Thế nhưng, nếu đối tượng là người trẻ thì thế nào? Về tổng thể, những người trẻ đang ở thời kỳ đỉnh cao của sức khỏe, liệu họ có thể dùng khả năng tự hồi phục của cơ thể kết hợp với một số loại thuốc nhất định để chữa khỏi hoàn toàn bệnh?
Câu trả lời tiếp tục là không. Các giải pháp từ điều trị bảo tồn đến phẫu thuật chỉ có thể làm chậm lại quá trình thoái hóa. Tuy nhiên, so với người lớn tuổi thì người trẻ đạt hiệu quả điều trị cao hơn. Thậm chí, họ có thể tạm hoãn sự phát triển của bệnh và trở lại sinh hoạt gần như bình thường. Thế nhưng, những thương tổn vẫn còn đó. Và nó sẽ lại đe dọa nếu những người này không chú ý giữ gìn sức khỏe cột sống.
Kiểm soát bệnh thoái hóa cột sống bằng phương pháp bảo tồn
Thuật ngữ y khoa chỉ bệnh thoái hóa cột sống là Degenerative spine. Vùng cột sống bị thoái hóa thường có tình trạng thoát vị đĩa đệm và xuất hiện gai xương. Bệnh gây nhiều đau đớn. Vị trí đau có thường lan ra toàn bộ cơ thể. Có thể gây tê tay chân tạm thời. Biến chứng của bệnh rất dễ dẫn đến bại liệt vĩnh viễn.
Thoái hóa cột sống không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn. Ngay cả dùng đến phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được nó. Mục đích là để bệnh tình không chuyển biến nặng hoặc chuyển sang biến chứng. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc quan trọng trong điều trị bệnh là phát hiện càng sớm thì khả năng kiểm soát và hiệu quả điều trị càng cao.
Hầu hết các trường hợp bị thoái hóa cột sống đều áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn. Các cách điều trị này gồm: dùng thuốc (Tây y, Đông y hoặc các phương pháp dân gian…); vật lý trị liệu; xoa bóp, châm cứu; điều trị bằng nhiệt; chườm nóng, lạnh; nghỉ ngơi, ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Dùng thuốc giảm triệu chứng thoái hóa cột sống
Thuốc Đông y
So với thuốc Tây y thì thuốc Đông y cần nhiều thời gian hơn để phát huy tác dụng. Tuy nhiên nhiều người vẫn chuộng dùng thuốc Đông y nhiều hơn bởi hầu như nó không có tác dụng phụ. Trong khi đó, thuốc Tây y thì dễ gây phụ thuộc hoặc lờn thuốc.
Các thảo dược thiên nhiên thường dùng để chữa thoái hóa cột sống là: cây đinh lăng, ngải cứu, lá lốt, xương rồng, cây trinh nữ, cỏ xước… Mỗi loại có cách sử dụng khác nhau. Một số bài thuốc kết hợp hai hay nhiều loại với nhau để tăng hiệu quả chữa bệnh. Tuy nhiên, cách kết hợp thế nào cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Ngoài ra, người bệnh cũng cần dùng đúng liều lượng khuyến cáo. Bởi một số vị thuốc có thể gây ngộ độc nếu dùng quá liều.
Thuốc Tây y (tân dược)
Để giảm nhanh các triệu chứng đau nhức do bệnh thoái hóa cột sống gây ra, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc tân dược có tác dụng giảm đau và chống viêm. Các nhóm thuốc tiêu biểu là: Corticoid, Paracetamol, Diclofenac hoặc Ibuprofen và các vitamin nhóm B.
Bên cạnh đó, nếu người bệnh có tình trạng co rút cơ, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giãn cơ là Myonal hoặc Mydocalm. Mặt khác, nếu tình trạng đau nhức dữ dội và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, người bệnh sẽ được dùng thuốc tiêm ngoài màng cứng. Hiệu quả của cách này nhanh chóng nhưng lại chứa nhiều rủi ro.
Kích điện thông qua da giảm cơn đau thoái hóa cột sống
Kích điện thông qua da (TENS) là phương pháp chữa thoái hóa cột sống bằng cách dùng điện làm gián đoạn tín hiệu đau từ dây thần kinh lên não. Đồng thời, phương pháp này còn giúp cơ thể sản sinh ra hormone endorphin với tác dụng giảm đau tự nhiên. Nhờ đó, các triệu chứng của bệnh sẽ được cải thiện.
Kích thích cơ chế tự làm lành bằng trị liệu thần kinh cột sống
Một số cơ sở y tế áp dụng phương pháp trị liệu thần kinh cột sống. Tác dụng của cách điều trị này là chỉnh sửa sự rối loạn của hệ thần kinh do cấu trúc cột sống bị sai lệch. Nhờ đó cơ chế tự làm lành sẽ được kích thích. Cơn đau sẽ được giảm một cách tự nhiên.
Ngoài ra, điều trị bảo tồn bệnh thoái hóa cột sống còn có phương pháp dùng nhiệt. Cụ thể là dùng tia hồng ngoại, chườm nóng hoặc ngâm bùn. Tương tự như hiệu quả của cách kích điện thông qua da, điều trị nhiệt cũng làm giảm tình trạng đau nhức do thoái hóa cột sống gây ra.
Cải thiện bệnh thoái hóa cột sống bằng vật lý trị liệu
Các bài tập chữa thoái hóa cột sống cần nhiều thời gian để cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, hiệu quả của nó luôn được đánh giá cao. Các bài tập không chỉ giúp người bệnh giảm triệu chứng đau nhức mà còn giúp cho cột sống chắc khỏe và dẻo dai hơn. Vậy thoái hóa cột sống có chữa được không khi áp dụng các bài tập này? Câu trả lời của các chuyên gia là nó không chữa được tận gốc bệnh nhưng có thể kiểm soát và cải thiện các triệu chứng.
Nếu kết hợp cùng các bài tập là châm cứu và xoa bóp thì hiệu quả cải thiện bệnh sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, khi quyết định sử dụng phương pháp châm cứu, bạn cần lựa chọn những cơ sở uy tín. Còn cách thức xoa bóp thì có thể thực hiện tại nhà nhưng trước đó phải có sự hướng dẫn của kỹ thuật viên.
Lưu ý trong sinh hoạt hằng ngày để chữa thoái hóa cột sống
Trong quá trình điều trị thoái hóa cột sống bằng các phương pháp bảo tồn. Người bệnh cần phải đặc biệt lưu ý lại chế độ sinh hoạt hằng ngày của mình. Cụ thể là không được mang vác vật quá nặng. Thực hiện đúng tư thế khi mang vác (ngồi xuống và từ từ nâng vật nặng lên). Người bệnh cần phải nghỉ ngơi hợp lý và vận động vừa sức. Bên cạnh đó, người bị thoái hóa cột sống cũng cần hạn chế ngồi quá lâu một chỗ.
Ngoài ra, trong chế độ ăn uống hằng ngày, người bệnh nên đảm bảo lượng dinh dưỡng đầy đủ. Có thể bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi nhưng không nên ăn quá nhiều thực phẩm này. Song song đó, bạn cũng cần biết cách kiểm soát cân nặng của mình. Nếu để tình trạng thừa cân kéo dài sẽ gia tăng thêm áp lực cho cột sống và khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn.
Phẫu thuật không phải là giải pháp chữa dứt điểm thoái hóa cột sống
Những trường hợp điều trị thoái hóa cột sống bằng phương pháp bảo tồn không hiệu quả sẽ được cân nhắc dùng đến phẫu thuật. Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nặng cũng sẽ cần đến phương pháp này. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tối ưu nhất bởi phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro và không chữa dứt điểm bệnh. Nó có thể gây liệt, thậm chí tử vong. Bởi vị trí phẫu thuật có rất nhiều rễ dây thần kinh đan xen phức tạp.
Các phương pháp phẫu thuật gồm: mổ hở, mổ nội soi, mổ cố định cột sống hoặc mổ thay thế đĩa đệm nhân tạo. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp thích hợp. Chi phí thực hiện mỗi ca phẫu thuật có thể từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng.
Lưu ý khi tìm giải pháp chữa thoái hóa cột sống
Bệnh thoái hóa cột sống không thể chữa khỏi hoàn toàn. Điều này có nghĩa là những lời quảng cáo trên mạng về các loại thuốc chữa khỏi 100% bệnh này không đáng tin. Có chăng, những loại thuốc đó chỉ tạm thời chặn đứng bệnh. Tình trạng thoái hóa cột sống vẫn còn đó và đe dọa tái phát bất cứ lúc nào.
Thay vì lo lắng rồi hoang mang với câu hỏi thoái hóa cột sống có chữa được không, bạn cần thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Trong điều trị bệnh bằng thuốc nói riêng và các phương pháp bảo tồn nói chung cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, ngay khi có những biểu hiện bất thường nào, hãy đến cơ sở y tế kiểm tra để chủ động các giải pháp điều trị.
Ngày Cập nhật 23/06/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!