Bệnh vảy nến có nguy hiểm không? Các biến chứng có thể gặp
Bệnh vảy nến có nguy hiểm không, là thắc mắc của rất nhiều người bệnh. Bệnh có thể gây khô, đỏ, nứt nẻ da và đặc biệt rất dễ dẫn đến bội nhiễm. Bên cạnh đó, bệnh cũng gây nhiều áp lực tâm lý và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu một số thông tin cơ bản cũng như biện pháp điều trị bệnh vẩy nến hiệu quả.
Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?
Bệnh vẩy nến là tình trạng các tế bào da tái tạo và phát triển nhanh hơn bình thường. Những tế bào này chồng chất lên nhau trong nhiều tháng và tạo thành các mảng da gây ngứa và đau.
Vẩy nến là bệnh toàn thân và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến da, sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Bệnh cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng khác như viêm khớp vẩy nến (sưng, đau khớp), xơ vữa động mạch (tích tụ mảng bám trong động mạch), huyết áp cao, tiểu đường và béo phì
Ngoài ra, hai loại bệnh vẩy nến được xem là nghiêm trọng nhất và có thể gây tử vong là:
- Vẩy nến Erythrodermic: Chỉ chiếm khoảng 3% các trường hợp vẩy nến, khiến da biến thành màu đỏ và bong ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng như run rẩy, nhịp tim tăng cao. Nếu không được điều trị, vẩy nến Erythrodermic có thể dẫn đến viêm phổi, suy tim xung huyết và gây tử vong.
- Vẩy nến thể mủ: Thường xuất hiện dưới dạng các mụn nước nhỏ, tụ thành một vùng da lớn, màu đỏ, bên trong chứa nhiều mủ. Người bệnh cũng có thể bị sốt, mất nước, giảm cân không rõ lý do, yếu cơ bắp.
Nói chung, vẩy nến là một bệnh tự miễn, chủ yếu gây ảnh hưởng đến da. Tuy nhiên, tình trạng viêm da này có thể dẫn đến các biến chứng khác thậm chí là tử vong nếu không được điều trị phù hợp. Do đó, nếu được chẩn đoán mắc bệnh vẩy nến, người bệnh nên đến bệnh viện để được tư vấn kế hoạch điều trị cụ thể.
Các biến chứng thường gặp của bệnh vẩy nến
Bệnh vẩy nến là một bệnh viêm tự miễn và có thể kéo dài suốt đời. Bệnh thường được biểu hiện thông qua da. Tuy nhiên, đây là bệnh toàn thân và có thể gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể.
Vẩy nến là một tình trạng phức tạp và cần điều trị phù hợp để tránh các rủi ro có thể xảy ra. Trong nhiều trường hợp, bệnh vẩy nến có thể dẫn đến một số biến chứng như:
1. Viêm khớp vẩy nến
Viêm khớp vẩy nến chiếm 10 – 30% các trường hợp vẩy nến. Bệnh có thể ảnh hưởng đến khớp và da, gây đau, cứng, sưng ở khớp và gân của người bệnh.
Các triệu chứng viêm khớp vẩy nến khác thường bao gồm:
- Đỏ hoặc sưng ở các khớp như khớp ngón tay, khuỷu tay và cột sống.
- Đau và cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy.
- Suy giảm khả năng vận động.
- Thường xuyên mệt mỏi.
- Móng tay loang lỗ hoặc trông giống như bệnh nấm móng tay.
Ngoài ra, trong một số trường hợp nghiêm trọng, viêm khớp vẩy nến có thể dẫn đến:
- Viêm cột sống gây ảnh hưởng đến chức năng của cột sống.
- Viêm cột sống dính khớp, gây ảnh hưởng đến các khớp, dây chằng và gân ở cột sống.
- Viêm khớp gây ảnh hưởng đến khớp ngón tay và ngón chân.
Bệnh viêm khớp vẩy nến cần được điều trị nhanh chóng và phù hợp. Điều trị càng sớm khả năng tổn thương khớp vĩnh viễn càng thấp. Tùy theo trường hợp, bác sĩ có thể kê các loại thuốc chống thấp khớp, thuốc chống viêm để ngăn ngừa tổn thương khớp và cải thiện khả năng vận động.
2. Vẩy nến thể mủ
Vẩy nến thể mủ là một dạng vẩy nến nghiêm trọng thường xuất hiện ở những người mắc bệnh vẩy nến trong quá khứ. Bệnh dẫn đến phát ban đỏ nghiêm trọng và gây bong vảy trên da.
Trong một số nghiên cứu, vẩy nến thể mủ có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các biến đe dọa đến tính mạng như:
- Viêm phổi
- Suy tim
- Viêm gan hoặc suy giảm chức năng gan
- Các triệu chứng nhận biết vẩy nến thể mủ phổ biến bao gồm:
- Tổn thương bề mặt da có sự hình thành mủ
- Sốt và ớn lạnh
- Yếu cơ
- Nhịp tim đập nhanh
- Run rẩy
- Khó thở
- Tích tụ chất lỏng dưới da gây phù nề
Người bị vẩy nến thể mủ cần đến bệnh viện để được điều trị, cần bằng hóa học, cải thiện chức năng tim và tình trạng da.
3. Gây ảnh hưởng đến thận
Bệnh thận mãn tính là biến chứng phổ biến của người mắc bệnh vẩy nến. Các phương pháp điều trị bệnh vẩy nến được cho là gây tác dụng phụ lên thận, khiến thận không thể lọc bỏ chất thải dư thừa ra khỏi cơ thể.
Nhiệm vụ chính của thận là lọc các chất thải ra khỏi cơ thể. Do đó, khi thận hoạt động không tốt, các chất thải tích tụ, tạo thành tinh thể, tồn tại trọng thận. Về lâu dài sẽ dẫn đến bệnh sỏi thận.
4. Huyết áp cao
Bệnh vẩy nến làm tăng khả năng huyết áp cao. Trong nhiều nghiên cứu, tỷ lệ huyết áp cao ở người vẩy nến là 20% và người ẩy nến nghiêm trọng là 47%.
Tăng huyết áp có thể gây đau tim, đột quỵ và gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Do đó, người bệnh vẩy nến cần thường xuyên kiểm tra và theo dõi huyết áp để tránh các rủi ro không mong muốn.
5. Gây ảnh hưởng đến thị lực
Vẩy nến có thể làm tăng khả năng mắc các bệnh về mắt. Hầu hết các trường hợp vẩy nến, đặc biệt là vẩy nến ở mí mắt có thể dẫn đến nóng rát, khô, ngứa ngáy và rối loạn chuyển động đồng tử.
Ngoài ra, vẩy nến cũng làm tăng nguy cơ viêm bờ mi, viêm màng bồ đào, viêm kết mạc. Nếu không được điều trị phù hợp, bệnh có thể gây suy giảm thị lực hoặc mù lòa.
6. Suy giảm thính giác
Vẩy nến làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về thính giác và suy giảm thính giác. Có khoảng 60% người bệnh vẩy nến có thính lực suy giảm, nghe không rõ hoặc nhầm lẫn. Điều này được giải thích là do vẩy nến có thể gây tổn thương ở tai trong và dẫn đến mất thính giác.
Tình trạng này nếu không được điều trị kịp lúc có thể dẫn đến điếc vĩnh viễn.
7. Gây ra các bệnh lý ở miệng
Một số nghiên cứu cho biết, bệnh vẩy nến có thể gây ra các vấn đề ở màng nhầy trong khoang miệng. Các biến chứng phổ biến bao gồm gây nứt lưỡi, tổn thương ở nướu và bên trong má.
8. Tăng khả năng mắc bệnh Parkinson
Vẩy nến có thể gây viêm mãn tính ở mô thần kinh và làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Đây là tình trạng rối loạn thoái hóa thần kinh có thể gây ảnh hưởng đến não. Bệnh khiến người bệnh run rẩy, tay chân cứng, mất thăng bằng, thay đổi dáng đi và nhận thức.
Hiện tại, không có cách chữa trị bệnh Parkinson. Tuy nhiên, việc điều trị có thể kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh phát triển.
9. Gây ra bệnh viêm ruột
Mặc dù không có nghiên cứu cụ thể, tuy nhiên vẩy nến làm tăng nguy cơ gây ra bệnh viêm ruột, bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Ngài ra, vẩy nến và bệnh viêm ruột thường có liên quan đến yếu tố di truyền.
10. Rối loạn chuyển hóa
Trong một số trường hợp, người bệnh vẩy nến có nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa cao. Các bệnh lý thường gặp bao gồm vấn đề về tim, tiểu đường, bệnh gan nhiễm mỡ và béo phì.
11. Bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh vẩy nến cũng có thể làm tăng nồng độ Insulin trong máu và dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2. điều này có nghĩa là cơ thể đã trở nên kháng Insulin và không thể chuyển hóa Glucose thành năng lượng.
Tiểu đường ở bệnh nhân vẩy nến chiếm khoảng 63%. Nguy cơ này tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của vẩy nến.
12. Ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm lý
Vẩy nến có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và cảm xúc của người bệnh. Mặc cảm về bản thân, lo lắng về bệnh có thể dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, sự lo lắng về việc bị xã hội cô lập có thể khiến người bệnh chán nản, mệt mỏi và dẫn đến nhiều suy nghĩ tiêu cực.
Do đó, nếu bạn đã trải qua cảm giác lo lắng, hãy dành thời gian để chăm sóc bản thân. Thực hiện một số hoạt động thư giãn đơn giản như đọc sách, nghe nhạc, thiền định và yoga.
Trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng và vượt qua tầm kiểm soát. Bác sĩ có thể đưa ra một số lời khuyên và biện pháp cải thiện tâm trạng hiệu quả.
13. Tăng nguy cơ ung thư
Nhiều nghiên cứu cho biết, vẩy nến có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Các bệnh ung thư cụ thể có liên quan đến vẩy nến bao gồm ung thư miệng, ung thư thực quản, ung thư gan và ung thư tụy.
Việc sử dụng thuốc tác động lên toàn thân khi điều trị vẩy nến có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Tình trạng này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và tăng nguy cơ ung thư.
Bệnh vẩy nến là một tình trạng phức tạp với nhiều biến chứng đi kèm. Do đó, việc điều trị kịp thời là điều cần thiết để phòng ngừa bệnh tái phát và trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu biến chứng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và có kế hoạch điều trị cụ thể.
Ngày Cập nhật 16/08/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!