Cách chăm sóc da sau lăn kim – Phục hồi nhanh [Kinh nghiệm]
Cách chăm sóc da sau lăn kim đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả của quá trình trị liệu bằng biện pháp lăn kim (khoảng 50%). Việc áp dụng đúng những bước chăm sóc da mặt sau trị liệu sẽ giúp quá trình tái tạo làn da diễn ra nhanh hơn, da trông sáng và khỏe hơn. Đồng thời phòng ngừa được quá trình tăng sắc tố sau lăn kim.
Tại sao da cần được chăm sóc và bảo vệ kỹ lưỡng sau lăn kim?
Trị liệu lăn kim là quá trình sử dụng một trục cầm tay mang các đầu kim nhỏ để tác động lên những vùng da đang bị tàn nhang, nám, mụn, thâm hay tăng sắc tố. Theo cơ chế tự phục hồi và làm lành những tổn thương, vùng da được tác động sẽ tăng sinh collagen. Từ đó giúp tái tạo và hình thành tế bào da mới.
Tuy nhiên sau quá trình trị liệu lăn kim, bạn có thể mắc phải một số tình trạng da sau:
- Da bong tróc sau khi lăn kim: Sau 3 – 5 ngày kể từ khi lăn kim, lớp da sậm màu của bạn sẽ bắt đầu bong tróc. Quá trình này sẽ diễn ra cho đến khi vùng da sậm màu được bong ra hết. Sau đó lớp da non sẽ hình thành với vẻ tươi trẻ, căng mịn hơn và giúp khắc phục các vấn đề cũ của da. Cụ thể như: Nám da, tàn nhang, lỗ chân lông to, thâm sạm, mụn…
- Sau lăn kim da hơi đỏ hồng hoặc đỏ ửng: Trong 24 giờ đầu tiên sau khi lăn kim, làn da của bạn sẽ chuyển sang màu hơi đỏ hồng hoặc màu đỏ ửng. Bên cạnh hiện tượng da chuyển màu, sau khi lăn kim bạn còn đối mặt với cảm giác đau rát, buốt tùy ở mức độ kim lăn và lăn.
- Da dễ bị tăng sắc tố sau quá trình trị liệu lăn kim: Trị liệu lăn kim làm xuất hiện những vi tổn thương. Điều này khiến khu vực lăn kim trở nên yếu ớt và mỏng manh. Theo cơ chế tự bảo vệ, khi chịu tác động của ánh sáng mặt trời, làn da của bạn sẽ tăng sản sinh sắc tố melanin. Điều này giúp chống lại ảnh hưởng của tia UV. Tuy nhiên lượng hắc sắc tố melanin sản sinh nhiều ở vùng da đang bị tàn nhang, nám cộng thêm lượng melanin được tạo ra sau quá trình xâm lấn là nguyên nhân khiến hơn 80% phụ nữ gặp phải tình trạng tăng sắc tố sau lăn kim. Thậm chí bị tàn nhang, nám sẫm màu hơn.
Ngoài những vấn đề nêu trên, sau lăn kim da còn dễ bị bong mài, khô, ửng đỏ… Trong trường hợp không có biện pháp chăm sóc và bảo vệ da cẩn thận, da rất dễ bị tổn thương và nhiễm trùng. Hơn thế, da của bạn cũng có khả năng sẫm màu và thâm sạm hơn.
Những tình trạng da xảy ra sau khi lăn kim là vấn đề xảy ra phổ biến. Tuy nhiên nếu bạn áp dụng đúng cách chăm sóc da sau lăn kim, bạn sẽ phòng ngừa được quá trình tăng sắc tố và đạt hiệu quả từ trị liệu lăn kim.
Cách chăm sóc da sau lăn kim
Cách chăm sóc da sau lăn kim được chia thành hai giai đoạn. Bao gồm chăm sóc da nhẹ nhàng trong tuần đầu tiên và quy trình chăm sóc da sau lăn kim.
Chăm sóc da nhẹ nhàng trong tuần đầu tiên
3 ngày đầu tiên sau khi lăn kim, làn da của bạn sẽ rất yếu và mỏng. Da có thể bị đau rát, sưng đỏ bởi một tác động nhẹ. Ngoài ra da có thể bị nổi mẩn ngứa và gây khó chịu.
Tốt nhất trong 3 ngày đầu tiên sau trị liệu lăn kim, bạn chỉ nên sử dụng nước muối sinh lý và nước sạch để rửa mặt. Các thao tác trong quá trình rửa mặt cần nhẹ nhàng, không massage mạnh. Sau khi rửa mặt xong, bạn cần sử dụng bông y tế thấm khô da.
Trong thời gian này bạn cần lưu ý tránh sử dụng nước tẩy trang có chứa cồn. Ngoài ra bạn cần tránh chạm, tránh gây tổn thương tại vùng xâm lấy và hạn chế đi ra ngoài.
Một số thẩm mỹ viện, spa có thể hướng dẫn bạn phục hồi và bảo vệ da sau quá trinh xâm lấn bằng các loại kem dưỡng. Những loại kem dưỡng được lựa chọn phải là kem có nguồn gốc rõ ràng, lành tính, an toàn và được bộ y tế cấp phép.
Trong 7 ngày hoặc hơn, bạn không nên rửa mặt bằng những loại gel, sữa rửa mặt mang tính tẩy rửa mạnh, có hạt để tránh gây tổn thương da. Sau 7 ngày, bạn có thể sử dụng sữa rửa mặt. Tuy nhiên loại sữa rửa mặt mà bạn dùng phải là loại có độ pH cân bằng và êm dịu cho da.
Quy trình chăm sóc da sau trị liệu lăn kim
Quy trình chăm sóc da sau trị liệu lăn kim gồm những bước sau:
Bắt buộc sử dụng kem ức chế tăng sắc tố da sau lăn kim
Như thông tin đã được nêu ở phần trên, sau quá trình lăn kim và sau các tác động cơ học, vùng da điều trị thường mỏng và yếu đi rất nhiều. Ngoài ra, quá trình tăng sinh melanin sẽ xảy ra để bảo vệ da khỏi những tác động từ ánh sáng mặt trời và các tổn thương. Từ đó khiến vùng da đang bị thâm, nám, tàn nhanh dễ bị tăng sắc tố. Thậm chí da bị thâm sạm nặng hơn bao giờ hết.
Chính vì những điều trên, để bảo vệ da, trước hết bạn nên lưu ý và áp dụng một chế độ chăm sóc da bằng việc lựa chọn và dùng thêm một loại kem ức chế sản sinh melanin tại chỗ. Tốt nhất bạn nên nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia hoặc các bác sĩ chuyên khoa da liễu để tìm được một loại kem phù hợp với tình trạng da ở hiện tại.
Dùng kem chống nắng sau khi lăn kim
Để chăm sóc da sau lăn kim đúng cách, bạn nên sử dụng kem chống nắng sau khi xâm lấn 7 ngày. Bên cạnh đó, để bảo vệ làn da ở mức tối đa, bạn nên bịt kín và che chắn thật kỹ khi phải ra ngoài.
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất 30 (tối ưu 50+) và chỉ số PA++ trở lên. Loại kem này sẽ giúp bạn bảo vệ da khỏi tia UVB và tia UVA.
- Trước khi ra ngoài 20 phút, bạn thoa lên da một lớp mỏng kem chống nắng. Bôi kem lại 1 lần sau mỗi từ 2 – 3 giờ. Ngoài dạng kem bôi, bạn có thể sử dụng sản phẩm chống nắng dạng xịt giúp tiện lợi hơn. Mỗi tối bạn cần tẩy trang kỹ và rửa mặt thật sạch.
Bôi kem dưỡng da sau lăn kim
Bôi kem dưỡng da là bước vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da sau lăn kim. Bởi việc sử dụng loại kem này sẽ giúp bạn bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho làn da.
- Sau quá trình lăn kim, bề mặt da sẽ bị tổn thương. Bên cạnh đó, da sẽ có cảm giác khô, căng và vô cùng khó chịu. Chính vì thế, việc sử dụng những loại kem dưỡng da sẽ giúp làn da của bạn được cung cấp nước, có độ ẩm thích hợp và được bảo vệ. Tuy nhiên bạn cần lưu ý, sử dụng kem dưỡng da sau lăn kim 3 ngày. Dùng kem dưỡng da kết hợp với kem ức chế sản sinh melanin và kem chống nắng theo các bước như sau: Bôi kem ức chế sản sinh melanin, đợi kem thẩm thấu vào da trong 15 phút rồi bôi kem chống nắng, bôi kem dưỡng vào buổi tối.
- Loại kem dưỡng da mà bạn lựa chọn phải phù hợp với làn da nhạy cảm, da khô, da yếu, có thành phần chính là vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin B5, vitamin B3, Aloe vera, Panthenol, Hyaluronic Acid, Squalene, Madecassoside và khoáng chất.
Để tránh việc sử dụng kem dưỡng bừa bãi, không rõ nguồn gốc, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Sau đó dùng những loại thuốc điều trị, kem bôi giúp chăm sóc da sau lăn kim theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Điều này sẽ giúp bạn đạt hiệu quả trị liệu cao nhất.
Lưu ý những biện pháp hỗ trợ ức chế tăng sắc tố sau xâm lấn tại nhà
Bên cạnh việc sử dụng kem bôi, một số biện pháp tại nhà cũng có khả năng hỗ trợ quá trình ức chế tăng sắc tố. Đồng thời giúp da của bạn mau phục hồi, khỏe và sáng mịn hơn.
Bạn nên sử dụng các biện pháp hỗ trợ ức chế tăng sắc tố sau xâm lấn tại nhà dưới đây:
Đắp mặt nạ làm sáng và bảo vệ da
Sau quá trình trị liệu lăn kim, bạn nên để da tự phục hồi và nghỉ ngơi ít nhất 2 tuần rồi mới sử dụng các loại mặt nạ làm sáng và bảo vệ da. Việc thường xuyên đắp mặt nạ sẽ giúp bạn cung cấp nước và bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho da. Bên cạnh đó đắp mặt nạ còn giúp bạn thúc đẩy quá trình tái tạo và làm tăng sự phát triển của những tế bào da mới. Từ đó giúp da tươi trẻ và khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên bạn không nên bỏ qua bước sử dụng kem ức chế sản sinh melanin trong thời gian sử dụng mặt nạ dưỡng da. Bởi việc sử dụng mặt nạ không thể thay thế hoàn toàn bước dùng kem. Nó chỉ là một biện pháp hỗ trợ giúp ức chế sản sinh melanin và đẩy nhanh quá trình phục hồi da.
Sau quá trình trị liệu lăn kim, bạn nên đắp các loại mặt nạ dưỡng da sau:
- Mặt nạ chứa collagen, mặt nạ có nguồn gốc tự nhiên: Bạn nên sử dụng mặt nạ chứa collagen, mặt nạ có nguồn gốc tự nhiên sau quá trình xâm lấn bằng biện pháp lăn kim. Bởi bên trong các loại mặt nạ này đều chứa hàm lượng cao các loại vitamin như vitamin A, vitamin B, vitamin C, vitamin D, vitamin E. Bên cạnh đó, chúng tương đối lành tính và an toàn cho da.
- Mặt nạ mật ong, dầu ô liu: Bạn có thể bôi trực tiếp mật ong nguyên chất, dầu ô liu lên mặt hoặc bạn có thể sử dụng các loại mặt nạ dạng giấy bên trong chứa mật ong, dầu ô liu. Đây đều là những loại mặt nạ không chỉ lành tính, làm sáng da mà còn giúp bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho da, cung cấp ẩm. Bên cạnh đó mặt nạ mật ong và dầu ô liu còn chứa nhiều khoáng chất và vitamin (vitamin A, vitamin B, vitamin C, vitamin E) giúp chống lão hóa, kháng khuẩn và thúc đẩy quá trình làm lành những tổn thương.
Sau khi đắp mặt nạ lên da, bạn nên sử dụng các đầu ngón tay nhẹ nhàng massage da trong 5 phút. Sau đó tiếp tục thư giãn, nghỉ ngơi thêm 30 phút. Cuối cùng bạn sử dụng nước ấm để rửa lại mặt.
Xây dựng chế độ nghỉ ngơi và ăn uống phù hợp
Để xây dựng chế độ nghỉ ngơi và ăn uống phù hợp, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
Nên ăn gì sau lăn kim?
Cách chăm sóc da sau lăn kim đúng không thể thiếu một chế độ ăn uống lành mạnh cũng như bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Bởi việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể sẽ giúp bạn hỗ trợ quá trình chăm sóc và phục hồi da.
Sau khi lăn kim, bạn nên bổ sung cho cơ thể những loại thực phẩm sau:
- Các loại trái cây, rau củ quả. Tuy nhiên bạn cần tránh sử dụng những loại quả mang tính nóng và nhiều đường như sầu riêng, xoài, chôm chôm, mít… Các loại trái cây và rau củ quả đều chứa vitamin, đặc biệt là vitamin C có thể giúp quá trình phục hồi da diễn ra nhanh hơn.
- Bổ sung những loại thực phẩm có khả năng hỗ trợ quá trình phục hồi da và tái tạo da, giúp vết thương nhanh chóng được làm lành. Cụ thể như thực vật giàu đạm, trứng, tôm, thịt, cá, giò heo… Đây đều là những loại thực phẩm có khả năng chăm sóc da sau lăn kim.
Sau lăn kim không nên ăn gì?
Sau khi lăn kim, bạn cần tránh sử dụng các loại thực phẩm sau:
- Hải sản
- Thực phẩm gây sẹo như thịt bò, rau muống
- Đồ ăn cay nóng
- Thức ăn nhanh
- Thức ăn nhiều đường
- Thực phẩm đã qua quá trình chiên xào nhiều dầu mỡ
- Chất kích thích, thuốc lá, các loại rượu bia.
Có lối sống lành mạnh và khoa học
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục nhẹ nhàng
- Hạn chế thức khuya. Bởi thời gian ngủ là lúc làn da và cơ thể phục hồi. Nếu không ngủ sớm và không ngủ đủ giấc, cả làn da và cơ thể của bạn sẽ mau chóng suy yếu, hình thành nên những vết sạm, nám. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để mụn phát triển.
Uống nhiều nước
Không chỉ riêng những người sau quá trình lăn kim, có vấn đề về da mà đối với người bình thường cũng cần phải uống nhiều nước mối ngày. Tốt nhất bạn nên uống từ 2 – 2,5 lít nước/ngày. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp làn da nhanh chóng tái tạo, kích thích quá trình tuần hoàn. Bên cạnh đó, da sẽ mau chóng lành lại, da khỏe, sáng mịn và giữ được độ ẩm.
Không gãi, không dùng tay bóc mài
Từ 7 – 10 ngày là khoảng thời gian trung bình để làn da sau lăn kim bong mài hoàn toàn. Trong thời gian này, bạn tuyệt đối không sử dụng tay để gãi, chà xát, bóc mài. Bạn nên để mài bong một cách tự nhiên. Tránh những tác động từ yếu tố bên ngoài và tay tác động làm tổn thương lớp da nôn đang tồn tại dưới mài.
Những tác động làm cho mài bong sớm sẽ khiến da gặp vấn đề, chưa đủ khỏe. Bên cạnh đó, vùng da bị tác động sẽ để lại thâm, sạm. Đồng thời khiến hiệu quả chữa trị từ quá trình lăn kim không đạt được như mong muốn.
Bài viết là cách chăm sóc da sau lăn kim, các lưu ý và lời khuyên sau quá trình xâm lấn. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn đạt được kết quả chữa trị bằng liệu pháp lăn kim như mong muốn. Đồng thời giúp bạn xóa thâm nám, có được làn da mịn màng, da trở nên trắng mịn và đều màu hơn.
Ngày Cập nhật 05/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!