Cây Ba Kích - Đặc Điểm Và Công Dụng Trong Y Học Của Dược Liệu
Cây ba kích ngoài công dụng an thần, trừ phong thấp,… còn giúp bổ thận và tráng dương. Không những thế, các thành phần hóa học chứa trong thảo dược này được nghiên cứu và chứng minh có tác dụng thúc đẩy ham muốn tình dục và tăng cường chức năng sinh sản. Do đó, chúng giúp cải thiện chứng bất lực và các vấn đề sinh lý ở nam giới như chữa xuất tinh sớm, liệt dương,…
+ Tên gọi khác: Dây ruột già, ba kích thiên, chẩu phóng xì hoặc nhàu thuốc
+ Tên khoa học: Morinda officinalis Stow
+ Họ: Cà phê Rubiaceae
Mô tả thực vật về cây ba kích
Cây ba kích là loài cây thân thảo, sống lâu năm, có thể leo bằng thân quấn. Thân cây non màu tím và có nhiều lông. Cành cây non có cạnh. Lá mọc đối nhau, có dạng hình bầu dục, thuôn nhọn hoặc hình mác. Lá có chiều dài khoảng 6 – 14 cm và rộng từ 2.5 – 6 cm. Khi non, lá cây có màu xanh lục nhưng về già lại chuyển sang màu trắng mốc. Cây có lá kèm mỏng, ôm sát vào thân.
Hoa cây ba kích nhỏ. Khi mới nở có màu trắng, về sau màu hơi vàng. Hoa có chiều dài từ 0.3 – 1.5 cm, thường mọc tập trung thành tán ở đầu cành. Đài hoa có dạng hình ống hoặc hình chén với các lá đài nhỏ, không đều nhau. Mùa hoa thường nở vào tháng 5 – 6. Quả cây có hình cầu, lúc chín có màu đỏ. Quả thường bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 10.
Củ cây ba kích hình trụ tròn với đường kính 1 – 2 cm, có độ dài ngắn không nhất định. Mặt ngoài củ hơi nhám, có màu vàng xám và có các vân dọc. Phần lỗ bên trong có màu hồng nhạt hoặc tím, đặc biệt ở giữa có màu nâu vàng. Rễ củ ba kích được chia thành 2 loại. Cụ thể:
- Loại 1: Rễ củ to, mập với cùi dày thường có màu tía. Củ này thường có chất lượng tốt
- Loại 2 : Rễ củ nhỏ, gầy và cùi mỏng có màu trong, chất lượng bình thường
Các loại ba kích và hướng dẫn phân biệt
Ở Việt Nam, cây ba kích được chia làm 2 loại là ba kích tím và ba kích trắng. Cách phân biệt đơn giản như sau:
- Ba kích tím: Củ của cây có màu vàng sậm với phần thịt có sắc tím
- Ba kích trắng: Củ có màu vàng nhạt và phần thịt có màu trắng trong
Ngoài dựa vào đặc điểm của củ, bạn cũng có thể phân biệt cây khi ngâm rượu. Đối với rượu ngâm từ rễ cây ba kích tím, màu rượu thường chuyển sang màu tim. Trong khi đó, ngâm rượu bằng ba kích trắng không chuyển màu.
Trên thực tế, ba kích tím thường được sử dụng phổ biến và có giá trị kinh tế cao hơn ba kích trắng. Bởi dược liệu này giúp mang lại nhiều tác dụng dược lý tốt đối với sức khỏe. Đồng thời rượu ngâm cũng có mùi và ngon hơn ba kích trắng. Do đó, để tránh nhầm lẫn trong việc lựa chọn, các bạn nên tìm hiểu kỹ và biết cách phân biệt hai dược liệu này.
Phân bố và môi trường sống của cây ba kích
Ba kích là dược liệu mọc hoang và được trồng phổ biến ở nhiều nước Châu Á. Cây được tìm thấy phần lớn ở Việt Nam và Trung Quốc. Ở nước ta, có thể tìm thấy cây ba kích ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi và trung du phía Bắc như:
- Lạng Sơn
- Hà Nội
- Hà Giang
- Vĩnh Phú
- Quảng Ninh
- Hà Bắc
- Vĩnh Phú
Thành phần hóa học của cây ba kích
Dược liệu chứa các thành phần chính sau đây:
- Rubiadin
- Methyl-ether
- Rubiadin-1-metyl-ete
- β-sitosterol
- Tetraacetylasperuloside
- Nonadecalkane
- Monotropein
- Dimethyl-alkan
- Vitamin C, B1
- Monosaccharides
- Polysaccharides
- 11 axit amin tự do
- Hydrolysat 17 amino axit
- Phytosterol
- Quercetin
- Gitogenin
- Tigogenin
- Carpaine
Ngoài các thành phần hóa học nêu trên, vỏ cây ba kích còn chứa lượng lớn đường và các hoạt chất sau đây:
- Glycosid
- Glycosid tim
- Steroid triterpenoid
- Flavone
- Axit amin
- Micro-anthraquinone
- Axit hữu cơ
- Kẽm (Zn)
- Canxi
- Magie
- Kali
- Sắt
- Mangan
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản cây ba kích
- Bộ phận dùng: Tất cả các bộ phận của cây ba kích, bao gồm hoa, lá, quả và rễ đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, thông dụng nhất vẫn là rễ.
- Thu hái: Thông thường, rễ cây ba kích có thể được thu hái sau 3 năm trồng. Thời điểm thu hái để củ cho chất lượng tốt thường là vào tháng 10 – 11. Cách thu hái khá đơn giản, bạn dùng cuốc đào rộng quanh gốc cây
- Chế biến: Củ ba kích sau khi thu hoạch đem rửa sạch và phơi khô. Tiếp đó, dùng dao loại bỏ phần lõi và giữ lại phần thịt. Dùng phần thịt này ngâm rượu, nấu cao hoặc kết hợp với một số dược liệu khác làm thuốc chữa bệnh
- Bảo quản: Ba kích sau khi phơi khô đem đóng gói hoặc cho vào lọ thủy tinh, bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời
Tác dụng của cây ba kích
Theo Y học cổ truyền, rễ cây ba kích có tính ôn, vị hơi chát và ngọt, qui kinh Can và Thận. Do đó, thảo dược thường được dùng để cải thiện các vấn đề liên quan đến chức năng sinh lý ở nam giới như:
- Yếu sinh lý
- Xuất tinh sớm
- Rối loạn cương dương
- Di mộng tinh
- Liệt dương
Bên cạnh hỗ trợ điều trị các bệnh lý này, các dược chất chứa trong củ ba kích còn có tác dụng đi vào các mao mạch máu của kinh tuyến thận. Từ đó giúp thúc đẩy ham muốn tình dục và tăng cường chức năng sinh sản. Thường xuyên sử dụng giúp chữa chứng bất lực và hiếm muộn ở nam giới.
Không những thế, củ ba kích còn có công dụng điều trị các loại khiếm khuyết do môi trường tác động. Đồng thời, giúp chữa trị chứng sưng phù ở bàn chân. Thêm vào đó, các thành phần hóa học có lợi được tìm thấy trong củ ba kích có tác dụng trừ phong thấp, kiện gân cốt và tăng độ dẻo dai xương khớp. Vì thế, giúp hệ xương khớp khỏe mạnh, hạn chế tình trạng đau nhức và sưng tấy.
Ngoài các tác dụng nêu trên, củ ba kích còn giúp tăng cường sức đề kháng cơ thể và đem lại các công dụng hữu ích sau:
- Thúc đẩy hoạt động của trĩ não
- Giảm căng thẳng, stress
- Giúp ngủ ngon và sâu
- Chữa huyết áp cao
- Trị chứng đau lưng do thận hư
Cách dùng và liều dùng cây ba kích
- Cách dùng: Ba kích được dùng dưới dạng thuốc sắc, nấu cao hoặc ngâm rượu
- Liều dùng: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người mà liều lượng dùng thường khác nhau. Tuy nhiên, liều dùng tối đa mỗi ngày từ 8 – 16 gram. Tuyệt đối không sử dụng quá liều tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
Bài thuốc chữa bệnh từ cây ba kích
+ Bài thuốc giúp bổ thận tráng dương
Chuẩn bị 30 gram ba kích và 300 gram thị trai cùng với ít gừng tươi và gia vị. Đem ba kích và thịt trai, gừng đi rửa sạch. Sau đó, cho tất cả các nguyên liệu vào nồi nước đã đun sôi, hầm trong 3 tiếng. Khi thịt trai và ba kích mềm, nêm nếm gia vị vừa ăn, tắt bếp và ăn chung với cơm. Thường xuyên sử dụng món ăn này không chỉ giúp tăng sức đề kháng mà còn giúp tráng dương và bổ thận.
+ Chữa chứng đau lưng, thận hư
Sử dụng 16 gram ba kích, 12 gram thục địa, 6 gram ngũ vị tử, 12 gram long cốt, 12 gram đản sâm và 12 cốt toái bổ cùng với 12 gram nhục thung dung. Tất cả các dược liệu này đem rán thành bột mịn và luyện với mật ong. Cuối cùng hoàn viên, cho vào trong lọ thủy tinh dùng và bảo quản ở nơi khô ráo dùng dần. Để chữa đau lưng và cải thiện triệu chứng thận hư, bạn dùng thuốc chiêu với nước và uống. Mỗi lần uống khoảng 12 gram, mỗi ngày bạn nên uống 2 – 3 lần.
+ Điều trị chứng đau lưng mỏi gối, đau nhức xương khớp do phong thấp hoặc thận hư
Dùng 50 gram ba kích đem ngâm chung với 750 ml rượu trắng cùng với 50 gram dâm dương hoắc, 30 gram đường phèn và 50 gram kê huyết đằng. Sau khi ngâm khoảng 1 tuần là có thể sử dụng. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần dùng khoảng 20 ml.
+ Hỗ trợ chữa chứng liệt dương
Dùng 40 gram ba kích, 20 gram nhục thung dung, 10 gram nhân sâm, 20 gram thục địa, 1 lít rượu trắng và 20 gram ngũ vị tử. Đem tất cả các dược liệu đem rửa sạch, sấy khô và cho vào bình, đổ ngập rượu. Cuối cùng đậy nắp lại và ngâm trong 1 tuần là có thể sử dụng. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần chỉ nên dùng khoảng 20 ml.
+ Trị chân tê, đau lưng, mỏi hoặc chân yếu ở người già
Chuẩn bị ba kích, đỗ trọng, nhục thung dung, xuyên tỳ giải, thỏ ty tử, mỗi vị lượng bằng nhau. Tất cả đem tán nhuyễn và trộn đều với mật ong, hoàn viên. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần dùng 8 gram.
+ Điều trị ngũ lao, hạ khí, thất thương hoặc ăn nhiều
Dùng ngưu tất và củ ba kích còn tươi, mỗi loại 3 kg đem ngâm với 5 đấu rượu và uống. Rượu thuốc ngâm càng lâu, tác dụng càng cao.
+ Chữa kinh nguyệt không đều, tử cung bị lạnh hoặc xích bạch đới hạ ở nữ giới
Sử dụng 120 gram ba kích, 80 gram thanh diêm, 20 gram lương khương, 160 gram nhục quế đã bỏ vỏ, 640 gram tử kim đằng và 160 gram ngô thù du. Tất cả các thảo dược đem tán bột mịn. Sử dụng rượu hồ làm hoàn. Mỗi ngày sử dụng 20 viên hoàn pha với nước muối nhạt và uống.
+ Chữa mặt trắng nhạt, mạch yếu hoặc buồn sầu ca khóc
Chuẩn bị hồi hương sao, ba kích, ích trí nhân, mẫu lệ, nhục thung dung, cốt toái bổ đã bỏ lông, bạch long cốt, nhân sâm, phúc bồn tử, bạch truật và thỏ ty tử, mỗi dược liệu có lượng bằng nhau (40 gram). Tất cả đem tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 10 – 20 gram hòa với nước ấm và uống. Ngày uống 2 lần.
+ Chữa chứng tiểu nhiều
Lấy một lượng bằng nhau hai vị thảo dược ba kích đã bỏ lõi và ích trí nhân đem chưng với rượu và muối. Sau đó thêm 2 vị thỏ ty tử và tang phiêu tiêu với lượng bằng nhau đem tán mịn. Cuối cùng dùng rượu hồ hoàn thành viên lớn bằng hạt bắp. Khi sử dụng lấy 12 viên hòa tan với nước muối uống.
+ Điều trị đi đứng khó khăn hoặc đau lưng do phong hàn
Chuẩn bị 60 gram ba kích, 60 gram quế tâm, 80 gram đỗ trọng đã bỏ vỏ sao vàng, 120 gram ngưu tất, 60 gram can khương bào, 60 gram khương hoạt và 60 gram ngũ gia bì. Tất cả đem nghiền mịn, trộn mật ong và hoàn viên. Khi sử dụng nên uống chung với rượu ấm.
+ Trị lưng và gối đau, tiểu nhiều, xương khớp yếu, tiểu mất tự chủ do bàng quang bị yếu lạnh, bụng đầy trướng hoặc chữa chứng không muốn ăn, đứng ngồi không sức
Dùng 30 gram ba kích, 22 gram phúc bồn tử, 22 gram xà sàng tử, 30 gram nhục thung dung, 22 gram tiên linh tỳ, 22 gram bạch linh, 22 gram viễn chí, 30 gram lộc nhung, 22 gram quế tâm, 22 gram chỉ xác, 30 gram phụ tử, 22 gram trạch tả, 22 gram thục địa, 22 gram sơn thù, 22 gram tục đoạn, 22 gram ngưu tất, 22 gram mộc hương, 30 gram thạch hộc, 22 hoàng kỳ, 22 gram nhân sâm, 22 gram tân lang, 22 gram thự dự. tất cả các vị thuốc đem tán bột và trộn mật ong, hoàn viên. Mỗi ngày dùng 16 – 20 gram uống chung với rượu nóng. Nên uống lúc đói bụng để bài thuốc phát huy tối đa công dụng.
+ Chữa tiểu tiện không tự chủ, đau bụng
Áp dụng bài thuốc ba kích hoàn với các vị thuốc bao gồm:
- 60 gram ba kích
- 40 gram tục đoạn
- 40 gram tang phiêu tiêu
- 60 gram ba kích
- 60 gram nhục thung dung
- 60 gram sinh địa
- 40 gram sơn dược
- 40 gram thỏ ty tử
- 20 gram sơn thù du
- 20 gram quan quế
- 20 gram phụ tử chế
- 20 gram ngũ vị tử
- 16 gram viễn chí
- 4 gram lộc nhung
- 12 gram đỗ trọng đã ngâm rượu và sao
Đem tất cả các thảo dược nêu trên tán thành bột mịn và hoàn viên 10 gram. Mỗi ngày uống khoảng 2 – 3 viên hoàn.
+ Điều trị bạch trọc
Chuẩn bị ba kích đem bỏ lõi, chưng rượu cùng với thỏ ty tử chưng rượu 1 ngày và sấy khô, mỗi vị 40 gram đem tán thành bột mịn. Sau đó, trộn đều hỗn hợp bột này với bột của các loại thảo dược khác, bao gồm 40 gram lộc nhung, 40 gram ngũ bị tử, 40 gram phá cổ chỉ sao, 40 gram xích thạch chi và 40 gram sơn dược. Cuối cùng dùng rượu hồ làm hoàn và uống với nước pha rượu. Thời điểm uống thuốc giúp tăng tác dụng điều trị là nên uống khi bụng đói.
+ Chữa miệng khô, hay mơ, nguyên khí bị hư thoát, chảy nước mắt sống, âm hư, xương khớp đau nhức, mồi hôi trộm, ù tai như ve kêu nặng hoặc mặt sạm đen
Sử dụng 90 gram ba kích, 120 gram ngô thù, 500 gram tử kim đằng, 180 gram lương khương, 60 gram thanh diêm và 120 gram nhục quế. Đem tất cả các dược liệu tán bột và hoàn với rượu nếp. Ngày uống 16 – 20 gram. Uống chung với nước muối loãng.
+ Dưỡng nhan sắc, tăng trưởng cơ nhụ và tráng dương, bổ thận
Dùng 60 gram ba kích, 46 gram thục địa, 60 gram cam cúc hoa, 20 gram phụ tử chế, 30 gram thục tiêu và 30 gram câu kỷ tử. Dược liệu đem tán bột mịn và cho vào bình ngâm với 3 lít rượu trắng. Mỗi ngày uống 2 lần vào lúc đói. Mỗi lần chỉ nên uống từ 15 – 20 ml.
+ Trị vô sinh ở nữ do mắc chứng thận dương hư hoặc chữa tảo tinh, liệt dương
Chuẩn bị 12 gram ba kích thiên, 8 gram nhân sâm, 6 gram ngũ vị tử cùng với 12 gram nhục thung dung, 12 gram cốt toái bổ và 12 gram long cốt. Đem tán bột mịn, trộn mật và làm hoàn. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 12 gram.
+ Điều trị chứng di tinh hoặc hoạt tinh, đau lưng do thận hư
Dùng 24 gram sơn dược, 12 gram ba kích thiên, 12 gram phúc bồn tử, 12 gram thần khúc cùng với 12 gram đảng sâm đem tán bột. Sau đó trộn với mật ong và hoàn viên. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần uống khoảng 12 gram.
Một số lưu ý khi dùng cây ba kích
Ba kích có độc tính có thể gây các tác dụng phụ như chóng mặt, tim đập nhanh, buồn nôn hoặc khó thở,… Ngoài ra, trong một số trường hợp ngộ độc nặng, dược liệu này có thể gây liệt dương hoặc tử vong. Do đó, khi ứng dược thảo dược điều trị bệnh, bạn nên dùng đúng cách. Tuyệt đối không lạm dụng, sử dụng quá liều
Ngoài ra, khi sử dụng cây ba kích chữa bệnh, bạn nên chú ý:
- Không sử dụng dược liệu này cho người mắc bệnh đại tiện táo kết hoặc người âm hư hỏa vượng
- Mặc dù có tác dụng ổn định huyết áp nhưng người mắc bệnh huyết áp thấp không nên dùng
- Không sử dụng thảo dược ba kích cho người có triệu chứng sốt nhẹ về chiều
- Người có tiền sử dị ứng với ba kích hoặc các dược liệu khác nên tránh sử dụng
- Trong quá trình sử dụng ba kích nên tránh dùng các loại thuốc Tây hoặc thảo dược Đông y khác để tránh tương tác thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe
Cây ba kích có tác dụng cường dương, tráng thận và nhiều công dụng sức khỏe khác. Tuy nhiên, vì dược liệu có chứa lượng độc nhỏ. Do đó, để ngăn ngừa yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sử dụng, các bạn nên tuân thủ đúng cách dùng, liều lượng cũng như thời gian đã được thầy thuốc hướng dẫn trước đó.
→ Có thể bạn quan tâm: Cây húng chanh – Dược liệu có nhiều tác dụng trị bệnh thần kỳ
Ngày Cập nhật 23/06/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!