Cây Hoa Cứt Lợn Và Nhiều Tác Dụng Trị Bệnh Cực Hay
Cây hoa cứt lợn có ít nhất 9 tác dụng chữa bệnh đã được khoa học công nhận. Trong đó, nổi bật nhất là công dụng chữa viêm xoang mũi dị ứng. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để làm đẹp. Đây là loại cây rất dễ tìm và không có độc tính.
Mô tả cây hoa cứt lợn
Cây hoa cứt lợn có tên khoa học là Ageratum conyzoides. Nó thuộc họ Asteraceae (họ Cúc). Tên gọi hoa cứt lợn xuất phát từ mùi hương khi vò lá, bông hoặc thân cây. Ngoài ra, một số tài liệu còn cho rằng nó sống được ở những môi trường dơ bẩn và thường phát triển tốt nên bị gọi tên không đẹp. Ngoài tên hoa cứt lợn được dùng phổ biến, một số nơi gọi nó là cây thắng hồng kế hoặc cây cỏ hôi.
Đặc điểm về hình dáng của cây cỏ hôi
Cây có thân nhỏ. Toàn thân, lá và hoa có nhiều lông. Lông trắng, dày nhưng sợi mỏng, mềm và không đau khi chạm vào. Chiều cao của cây thường dao động từ 20 – 50cm.
Lá mọc đối xứng, mỗi lá có chiều dài từ 2 – 6cm và rộng từ 1 – 3 cm. Mép lá có răng cưa. Lá có màu xanh đậm mặt phía trên và màu nhạt hơn ở mặt phía dưới. Hoa màu tím hoặc trắng và mọc thành cụm. Cánh hoa nhỏ li ti. Quả màu đen và có 5 sóng dọc.
Phân bố và đặc điểm về môi trường sống cây cứt lợn
Cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Nó được tìm thấy nhiều ở những vùng nông thôn có khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều. Cây cỏ hôi có thể sống trong mọi điều kiện thời tiết và xanh tốt quanh năm. Một vài tài liệu cho rằng loài cây này có nguồn gốc ở Nam Mỹ.
Thành phần hóa học và tính vị cây cứt lợn
Dược tính cây cứt lợn chủ yếu có trong tinh dầu. Đây đồng thời cũng là thành phần chính của cây. Ngoài ra, nó còn có các hoạt chất khác như: ageratochromen, caryophyllene, cadinen, ageratochromen, alcaloid và saponin. Trong đó, 4 hoạt chất đầu vẫn đang được nghiên cứu về đặc tính, tác dụng sinh học và hóa học. Còn alcaloid và saponin, các nhà khoa học đánh giá rất cao giá trị dược liệu của hai thành phần này.
Về tính vị, cây cỏ hôi có tính mát, vị cay và đắng. Người ta không dùng nó làm thực phẩm hoặc thức ăn cho gia súc. Thay vào đó, loại cây này có khá nhiều công dụng chữa bệnh hiệu quả.
Giá trị dược liệu của cây cứt lợn
Tất cả các thành phần của cây này (trừ rễ) đều được sử dụng làm dược liệu. Nó có thể được thu hái quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp nhất để thu hái là vào mùa hạ. Nó có thể được dùng ở dạng tươi (30 – 60g) hoặc khô (15 – 30g). Cây cứt lợn được bào chế dạng thuốc uống hoặc đắp ngoài da. Nếu dùng ngoài thì không quan trọng liều lượng.
Theo các ghi chép của Đông y
Cây cỏ cứt lợn tác động đến cơ thể thông qua 2 kinh chính yếu. Thứ nhất là thủ thái âm phế – một kinh âm ở tay. Tác động này giúp cơ thể chữa được các bệnh lý ở thần kinh và cơ tại chỗ. Kinh thứ hai là thủ quyết âm tâm bào. Kinh này bắt đầu từ trong ngực xuyên qua cơ hoành xuống tam tiêu. Nói một cách khác, tác động thứ hai này có thể chữa được các bệnh ở tim, phổi và dạ dày.
Cây cứt lợn ứng dụng làm dược liệu tại nhiều nước trên thế giới
Giá trị dược liệu của cây cỏ hôi đã được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tiêu biểu như tại Brazil, người ta dùng loại cây này khi truyền dịch. Mục đích là khắc phục tình trạng đau bụng, cảm lạnh, co thắt hoặc thấp khớp. Hoặc nó cũng có thể được dùng như một loại thuốc bổ.
Còn tại các quốc gia ở Châu Mỹ, Ageratum conyzoides được ứng dụng nhiều trong điều trị các bệnh về nhiễm khuẩn. Ở Châu Phi thì nó nổi bật với công dụng chữa sốt, thấp khớp và các vết thương ngoài da. Ngoài ra, nó còn được dùng để chữa đau đầu, đau bụng và cải thiện tình trạng viêm phổi.
Độc tố trong cây cứt lợn có không?
Trước rất nhiều công dụng mà loại thảo dược này mang lại, các nhà nghiên cứu đặt ra nghi vấn là các thành phần của nó có gây độc không. Để tìm ra câu trả lời chính xác, năm 1975, nhóm nghiên cứu của Việt Nam đã nghiên cứu hàm lượng độc tố cấp trong loại cây này bằng cách uống trực tiếp 82g/kg liên tục trong 1 tháng.
Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy các chỉ số của gan và thận bình thường. Đồng thời, họ cũng không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào cho thấy cơ thể đang bị bất ổn. Trước đó, thử nghiệm độc tố trong loại dược liệu này được tiến hành ở động vật. Kết quả cũng tương tự.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây cứt lợn
Trị viêm xoang mũi dị ứng bằng cây cứt lợn
Ở Việt Nam, công dụng nổi bật nhất của cây cứt lợn là chữa bệnh viêm xoang mũi. Nó an toàn với đối tượng là trẻ nhỏ. Bài thuốc dùng loại cây này để chữa bệnh xuất phát từ kinh nghiệm dân gian. Theo thời gian, công dụng của loại dược liệu này đã được chứng minh và ghi chép lại trong Đông y. Hiện nay, nó được người ta sản xuất hàng loạt để chữa bệnh viêm xoang mũi dị ứng.
Nếu dùng loại cây này tại nhà, bạn có thể dùng cả dạng tươi lẫn khô. Nếu dùng dạng tươi, sau khi giã nát nguyên liệu thì dùng tăm bông thấm nước cốt rồi lau mũi. Nếu tình trạng viêm xoang mũi dị ứng đã ảnh hưởng đến tai thì bạn có thể dùng tăm bông ngoáy tai. Nó sẽ gây xót tai hoặc mũi một chút.
Bạn nên giữ tăm bông đã thấm nước cốt cỏ hôi trong mũi hoặc tai khoảng 15 phút. Sau đó rút ra và để dịch mủ chảy ra ngoài tự nhiên. Sau đó bạn xì nhẹ nhàng để chúng ra hết rồi vệ sinh tai và mũi sạch sẽ. Chú ý không được xì mũi quá mạnh. Nếu không bạn rất dễ bị tổn thương tai giữa.
Còn trường hợp dùng khô, bạn sẽ mang nó sắc lấy nước uống. Liều lượng cho 1 lần sắc uống một ngày là 30g. Sắc thuốc với nửa lít nước. Đến khi nước trong ấm còn khoảng 200ml là có thể dùng. Bạn nên chia lượng thuốc sắc được thành 2 lần và uống trước bữa ăn khoảng 30 phút.
Nước cốt cỏ hôi chữa rong huyết sau sinh
Rong huyết sau sinh rất thường gặp. Đó là tình trạng kinh nguyệt kéo dài bất thường (hơn 7 ngày) và gây nhiều mệt mỏi cơ thể người mẹ. Để chữa rong huyết sau sinh, bạn dùng 30g cây hoa cứt lợn tươi. Sau khi giã nát thì chắt lấy nước cốt uống hết trong ngày (có thể chia ra thành 2 lần uống). Kiên trì điều trị theo phương pháp này trong khoảng 1 tuần, tình trạng rong kinh sẽ được cải thiện.
Cây cứt lợn cùng một số thảo dược chữa viêm đường hô hấp
Chữa viêm đường hô hấp bằng cây cứt lợn thường dùng dạng thuốc uống. Các nguyên liệu cần cho 1 thang thuốc uống 1 ngày là: 20g thắng hồng kế (dạng khô), 16g cam thảo và 12g lá bồng bồng. Rửa sạch các nguyên liệu và nấu với 1 lít nước. Đun lửa lớn cho đến khi nước sắc còn khoảng 200ml thì dừng lại. Bạn nên chia thuốc sắc được thành 2 – 3 lần và uống hết trong ngày.
Cách chữa chốc đầu với hoa cứt lợn
Chốc đầu là tình trạng nhiễm khuẩn ngoài da (do liên cầu khuẩn) với biểu hiện là các nốt mụn nước hoặc mụn mủ. Nó thường xuất hiện trên đầu và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Để chữa tình trạng này, bạn dùng hoa cỏ hôi đun sôi. Chờ nước nguội thì gội đầu cho bé. Mỗi ngày thực hiện 1 – 2 lần. Trong khoảng 2 tuần là bé sẽ không còn bị chốc đầu nữa.
Phòng ung thư dạ dày và cổ tử cung với cây cứt lợn
Một số tài liệu cho rằng khi kết hợp cây cỏ hôi với một số vị thuốc Đông y có thể phòng được bệnh ung thư. Đặc biệt là ung thư dạ dày và cổ tử cung. Các thành phần khi kết hợp với 20g cỏ hôi là kim nữu khấu, dạ hương ngư và nhọ nồi. Mỗi nguyên liệu dùng 30g. Giã nát hỗn hợp các vị thuốc ở dạng tươi rồi vắt lấy nước uống. Mỗi ngày uống 2 lần và sau khi ăn khoảng 30 phút.
Chữa bỏng hoặc loét da với nước cốt cây cứt lợn
Đối với trường hợp bị bỏng da, bạn dùng cây cứt lợn dạng tươi trộn với một ít gạo nguyên cám và muối. Xay nhuyễn hỗn hợp này thành bột mịn rồi bọc lại trong vải. Dùng nó đắp lên vùng da bị bỏng.
Còn để nhanh chóng làm lành vết thương hở miệng hoặc vết chàm, bạn giã nát thân cây. Sau đó dùng tấm vải sạch hoặc băng gạc y tế bọc nó lại và đắp lên vết thương. Bạn cần phải chườm vết thương mỗi ngày từ 3 – 4 lần. Liên tục cho đến khi khỏi hoàn toàn.
Cách dùng cỏ hôi chữa thấp khớp và bong gân
Để điều trị thấp khớp hoặc bong gân, bạn dùng cả phần thân và lá cây cỏ hôi còn tươi. Kèm với đó là một ít gạo và muối. Sau khi nghiền nát hỗn hợp này thì dùng nó thoa vào da. Phần còn lại dùng băng gạc y tế bọc lại và chườm trong khoảng 2 giờ đồng hồ rồi rửa lại với nước sạch. Bạn nên áp dụng cách này 2 – 3 lần một ngày, tình trạng thấp khớp và bong gân sẽ được cải thiện đáng kể.
Dùng cỏ hôi hỗ trợ điều trị sỏi thận
Đối với những hạt sỏi nhỏ, dùng hoa cứt lợn kết hợp với một số vị thuốc Đông y có thể khiến sỏi tiêu biến hoàn toàn. Trường hợp sỏi có kích thước lớn và gây nhiều biến chứng thì bài thuốc từ loại thảo dược này có tác dụng hỗ trợ điều trị đáng kể.
Các vị thuốc kết hợp với 20g cây cứt lợn là mã đề (20g), kim tiền thảo (16g) và râu ngô (12g). Đây là khối lượng cho 1 thang thuốc và dùng trong 1 ngày uống. Lượng thuốc sắc được nên chia thành 2 – 3 lần và phải uống hết trong ngày. Kiên trì dùng bài thuốc này trong khoảng 1 tháng mới phát huy được hiệu quả chữa bệnh.
Chữa sốt rét, cảm mạo với cây cứt lợn
Trong những trường hợp bị sốt rét và cảm mạo, bạn chỉ cần dùng riêng lẻ cây cứt lợn là có thể cải thiện tình trạng này. Cụ thể, bạn sẽ dùng 20g nguyên liệu ở dạng khô. Nấu với nửa lít nước, đến khi nước còn khoảng 150ml là có thể dùng được. Chia lượng thuốc này thành 2 lần uống trong 1 ngày.
Sử dụng cây thắng hồng kế để làm đẹp
Ngoài công dụng chữa bệnh lý, cây hoa cứt lợn còn được dùng để chăm sóc tóc và chữa mụn nhọt. Khi dùng để chăm sóc tóc, bạn cần nghiền nát lá và cành của cây này thành bột. Dùng bột đó ủ tóc trong khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ. Sau đó gội đầu như bình thường. Bạn có thể dùng xà bông hoặc chỉ xả lại bằng nước sạch. Kiên trì chăm sóc tóc theo cách này mỗi tuần từ 2 – 3 lần sẽ giúp bạn có mái tóc chắc khỏe và suôn mượt.
Khi bị mụn nhọt, bạn dùng bất kỳ thành phần nào của cây cỏ hôi giã nhỏ. Kết hợp với đó là một ít muối. Dùng phần bã đắp và cố định ở vị trí xuất hiện mụn. Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ thì tháo ra và rửa lại bằng nước sạch. Mỗi ngày bạn chỉ cần làm 1 lần. Kiên trì một vài ngày, mụn sẽ không còn sưng và đau nữa.
Để ngăn chặn mụn nhọt xuất hiện, bạn hãy đắp cây cỏ hôi mỗi tuần từ 3 – 4 lần. Liên tục trong 1 tháng bạn sẽ bất ngờ về làn da của mình. Chẳng những mụn nhọt biến mất mà làn da còn trở nên sáng hơn.
Lưu ý khi dùng cây hoa cứt lợn chữa bệnh
Cây hoa cứt lợn được đánh giá là lành tính. Tuy nhiên, khi dùng nó để chữa bệnh (nhất là dùng dạng thuốc sắc), bạn cần tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Nhất là liều lượng sử dụng. Điều này sẽ giúp tăng hiệu quả cải thiện bệnh và hạn chế thấp những ảnh hưởng không tốt.
Bên cạnh đó, một số tài liệu cho rằng tên gọi khác của hoa cứt lợn là bông ngũ sắc. Trong thực tế, không ít người vẫn nhầm lẫn hai loại cây này là một. Thật ra chúng rất khác nhau. Cây hoa ngũ sắc hay còn gọi là cây trâm ổi (tên khoa học là Lantana camara).
Ngoài ra, về hình dáng bên ngoài, một số người nhầm lẫn cây cứt lợn với cây cỏ lào (Chromolaena odorata). Đây cũng là một loại cây thuộc họ Cúc. Tuy nhiên, nó có dược tính và tác dụng rất khác so với cỏ hôi. Do đó, nếu không chắc, bạn hãy hỏi ý kiến thầy thuốc xem loại cây bạn nhìn thấy có phải là cây hoa cứt lợn không. Nếu nó không phải và bạn chủ quan dùng chữa bệnh thì rất dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Ngày Cập nhật 23/06/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!