Cây Húng Chanh - Dược Liệu Có Nhiều Tác Dụng Trị Bệnh Thần Kỳ
Với đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa và kháng khuẩn, cây húng chanh thường được chỉ định điều trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa và thần kinh như viêm họng, đau đầu hoặc rối loạn tiêu hóa,… Không những thế, dược liệu còn giúp hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da và côn trùng cắn.
+ Tên gọi khác: Lưu ly Ấn Độ, rau thơm lùn, dương tử tô, rau tần hoặc rau thơm lông, cỏ xạ hương Tây Ban Nha
+ Tên khoa học: Plectranthus amboinicus
+ Họ: Hoa Môi Lamiaceae
Mô tả thực vật về cây húng chanh
Cây húng chanh là một loại cây thân thảo sống lâu năm. Cây có chiều cao trung bình từ 30 – 90 cm, thân cây mập mạp, toàn thân có lông mềm và ngắn. Phần thân gần sát gốc hóa gỗ. Thân cây già thường nhẵn bóng.
Lá cây không phân chia, thường mọc đối xứng nhau. Lá cây mọng nước, trông rất dày và giòn. Lá có hình bầu đục hoặc hình thoi với phần đầu nhọn, mép lá có răng cưa. Chúng có chiều dài từ 5 – 7 cm và rộng từ 4 – 6 cm. Cuống lá dài từ 2 – 4.5 cm. Hai bề mặt lá phủ đầy lông, đặc biệt mặt dưới nhiều hơn mặt trên. Lá có mùi thơm đặc trưng, tạo cảm giác dễ chịu và sảng khoái.
Hoa nhỏ, có màu tím nhạt, thường mọc thành bông nằm ở đầu cành. Tràng hoa có màu tím nhạt, có chiều dài gấp 5 lần đài hoa. Quả nhỏ, hình tròn, có chiều dài 0.7 mm và rộng 0.5 mm. Ban đầu quả có màu xanh sau khi trưởng thành và chín chuyển sang màu nâu nhạt.
Phân bố và môi trường sống của cây húng chanh
Cây lưu ly Ấn Độ có nguồn gốc ở các nước thuốc khu vực Nam và Đông Phi như Swaziland, KwaZulu-Natal, Angola và Mozambique. Ngoài ra, dược liệu này còn được tìm thấy ở các vùng phía Bắc Kenya và Tanzania. Bên cạnh đó, cây còn được trồng nhiều ở các nước như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Campuchia và các tỉnh thành ở Việt Nam.
Thành phần hóa học của cây húng chanh
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, cứ 100 gram cây rau tần chứa các thành phần chính sau:
- Nước: 93 gram
- Năng lượng: 21 kcal
- Protein: 1.8 gram
- Chất béo: 0.7 gram
- Carbohydrate: 3.06 gram
- Canxi: 93 miligram
- Sắt: 3.3 miligram
- Phospho: 53 miligram
- Magie: 52 miligram
- Kali: 470 miligram
- Kẽm: 0.2 miligram
- Natri: 80 miligram
- Vitamin C (acid ascorbic): 35 miligram
Ngoài các thành phần này ra, cây rau tần còn hiện diện nhiều phenol mạnh như acid caffeic và acid rosmarinic,… Mặt khác, cây còn chứa lượng lớn acid béo omega – 6 và vitamin K, vitamin A,…
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản cây húng chanh
- Bộ phận dùng: Lá cây rau tần thường được sử dụng làm thuốc chữa bệnh
- Thu hái: Thông thường, cây cho lá sau 1 tháng trồng. Tuy nhiên, để thu hoạch lá quanh năm, các bạn cần có kỹ thuật chăm sóc cây tốt.
- Chế biến: Lá cây rau tần có thể được sử dụng dưới dạng tươi hoặc khô. Đối với lá tươi, sau khi hái về đem rửa sạch và dùng. Còn đối với dược liệu khô, sau thu hoạch đem rửa sạch và phơi hoặc sấy khô.
- Bảo quản: Lá tươi bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, có thể dùng từ 3 ngày đến một tuần. Lá khô nên đóng gói và bảo quản nơi thoáng mát, tránh ẩm ướt và ánh nắng mặt trời.
Tác dụng của cây húng chanh
– Theo Y học cổ truyền
Theo tài liệu ghi chép của Y học cổ truyền cho biết, lá rau tần có tính ấm và vị cay, có tác dụng tiêu đờm, sát khuẩn và phát tán phong hàn,… Do đó, thảo dược thường dùng chữa các bệnh lý đường hô hấp sau đây:
- Viêm họng
- Cảm cúm
- Sốt không ra mồ hôi được
- Giải cảm
- Ho
– Theo nghiên cứu Y học hiện đại
Cây rau tần có những lợi ích sức khỏe tuyệt vời như:
+ Giúp làm giảm các vấn đề đường hô hấp
Lá cây rau tần có tác dụng cải thiện các vấn đề đường hô hấp như viêm họng, cảm lạnh, ngạt mũi hoặc tắc nghẽn mũi, viêm xoang,… Các hoạt chất sinh học mạnh mẽ chứa trong dược liệu này có công dụng long đờm, giúp loại bỏ chất nhầy tích tụ trong mũi và vòm họng. Từ đó, giúp cải thiện đường hô hấp, giúp hỗ trợ giảm viêm. Đồng thời, dược liệu này còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi tác động của tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
+ Giúp giảm lo âu và căng thẳng
Các nghiên cứu đã chứng minh một số hợp chất tồn tại trong lá cây rau tần được có tác dụng an thần nhẹ. Do đó, thường xuyên sử dụng trà thảo dược làm chế biến từ dược liệu này sẽ giúp ngủ ngon và sâu hơn. Chưa kể đến, các dược chất chứa trong rau tần còn giúp xoa dịu hệ thần kinh, tạo cảm giác thoải mái. Từ đó cải thiện tình trạng căng thẳng hoặc ức chế do lo âu trong công việc.
+ Chữa hội chứng ruột kích thích
Lá rau tần có tác dụng chữa hội chứng ruột kích thích bằng cách điều chỉnh hệ tiêu hóa, xoa diệu và làm giảm viêm đau dạ dày. Bên cạnh đó, chúng còn giúp cải thiện tình trạng khó chịu ở đường ruột.
+ Tăng cường sức khỏe thận
Cây rau tần hoạt động như một loại thuốc lợi tiểu. Do đó, chúng có tác dụng loại bỏ độc tố, làm sạch cơ thể bằng cách kích thích đi tiểu. Việc thường xuyên sử dụng dược liệu này sẽ giúp giảm lượng muối, nước và chất béo dư thừa trong cơ thể. Từ đó giúp thận và hệ bạch huyết hoạt động tốt hơn.
+ Tác dụng tốt đối với sức khỏe phụ nữ
Các dược chất được tìm thấy trong cây húng chanh có tác dụng thúc đẩy tăng tiết sữa, rất có lợi đối với bà mẹ cho con bú. Bên cạnh đó, dược liệu này còn giúp giảm đau và hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt.
+ Cải thiện thị lực
Cây rau tần có tác dụng cải thiện thị lực bởi chúng chứa lượng lớn vitamin A và C. Các vitamin này có tác dụng bảo vệ mắt khỏi gốc tự do, đồng thời giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.
+ Chữa sốt
Các hoạt chất chứa trong lá cây rau tần có tác dụng giúp kiểm soát tốt triệu chứng sốt do cảm cúm hoặc cảm lạnh gây ra. Không những thế, chúng còn giúp thúc đẩy đổ mồ hôi, giúp đào thải độc tố ra ngoài cơ thể. Đồng thời giúp tăng tốc quá trình phục hồi bệnh.
+ Giảm viêm và tăng cường sức khỏe xương khớp
Hàm lượng omega – 6 tồn tại trong cây húng chanh có tác dụng hỗ trợ làm giảm đau nhức và sưng viêm khớp. Bên cạnh đó, các hoạt chất chống oxy hóa còn giúp bảo vệ khớp xương, làm chậm quá trình hoái hóa khớp. Do đó, nếu thường xuyên sử dụng với liều lượng phù hợp sẽ giúp tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa loãng xương.
+ Điều trị các bệnh ngoài da
Lá cây rau tần thường dùng để chữa các bệnh lý ngoài da như:
- Lở loét
- Bệnh vẩy nến
- Mụn rộp
- Eczema
- Nấm móng
- Côn trùng cắn
+ Chống ung thư
Các nghiên cứu về tác dụng dược lý của cây rau tần cho thấy, nguyên liệu này chứa lượng lớn chất chống oxy hóa. Do đó, chúng có công dụng tiềm năng trong việc cản trở gốc tự do tấn công cơ thể. Vì thế giúp ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư.
Cách dùng và liều dùng cây húng chanh
Cây húng chanh thường dùng làm thuốc dưới dạng sắc, xông, đắp hoặc vắt lấy nước uống. Đối với dạng thuốc sắc uống, các bạn nên uống trước hoặc sau bữa ăn. Ngoài ra, để tăng sức đề kháng và hỗ trợ điều trị bệnh, các bạn cũng có thể thêm lá húng chanh vào các công thức nấu ăn hàng ngày.
Thông thường, dược liệu được dùng dưới dạng tươi tối thiểu mỗi ngày là 10 – 16 gram. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, triệu chứng bệnh nặng hay nhẹ,… mà liều lượng sử dụng húng chanh ở mỗi người không giống nhau. Do đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây húng chanh
– Chữa khản tiếng, ho do viêm họng
- Cách 1: Dùng 20 gram rau tần lá dày rửa sạch để loại bớt lông. Sau đó, thái sợ nhỏ và cho vào chén. Tiếp theo thêm 20 gram đường phèn vào và đem hấp cách thủy. Sau 15 phút hấp đem lọc lấy nước và uống. Phần bã ngậm trong miệng và nuốt từ từ. Mỗi ngày uống 1 lần, uống liên tục từ 3 đến 5 ngày giúp giảm ho và cải thiện chứng khản tiếng.
- Cách 2: Hái khoảng 30 gram lá rau tần tươi đem rửa sạch. Sau đó cho vào cốc nước sôi, hãm trong vòng 10 phút. Cuối cùng thêm vài hạt muối, khuấy đều và uống. Phần bã lá đem nhai nhỏ và nuốt từ từ.
- Cách 3: Sử dụng một nắm lá rau tần (20 gram) đem rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt uống. Mỗi ngày uống 1 lần, sử dụng 3 – 7 ngày sẽ cảm nhận được chứng ho giảm dần.
– Điều trị bệnh cảm hàn, đau đầu, miệng đắng, ho và sốt không ra mồ hôi
- Cách 1: Chuẩn bị 15 gram lá húng chanh, 8 gram lá tía tô và 5 gram lá bạc hà. Tất cả các vị thuốc đem rửa sạch, cho vào ấm và thái 3 lát gừng tươi cho vào. Sau đó thêm 3 bát nước, sắc còn 2, chia đều ra uống trong ngày. Mỗi ngày 1 thang. Uống 3 – 5 thang bệnh triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện.
- Cách 2: Dùng 50 gram lá húng chanh tươi đem rửa sạch và thái nhỏ. Sau đó cho vào bát lớn và đổ xâm xấp rượu trắng vào rồi đậy nắp lại. Tiếp theo nấu nước sôi rồi cho bát húng chanh và rượu vào nấu sôi lại, tắt bếp và dùng nước này xông. Sau khi xông khoảng 10 – 15 phút, bạn thay quần áo lại và nằm nghỉ. Lưu ý, cách chữa bệnh này không áp dụng ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi.
– Chữa chảy máu cam
- Cách 1: Hái 20 gram lá húng chanh đem rửa sạch. Sau đó cho vào nồi, thêm 15 gram trắc bá sao đen, 10 gram hoa hòe sao đen và 15 gram cam thảo đất. Cuối cùng thêm nước và sắc. Nước thuốc được chia uống 2 lần trong ngày.
- Cách 2: Lá húng chanh tươi sau khi rửa sạch đem vò nát và nhét vào lỗ mũi chảy máu
Trong quá trình dùng húng chanh chữa chảy máu cam, các bạn có thể kết hợp cả hai cách trên cùng một lúc để dược liệu phát huy tối đa tác dụng điều trị bệnh.
– Điều trị vảy nến, eczema
- Cách 1: Hái một nắm lá húng chanh đem rửa sạch rồi giã nát. Sau khi vệ sinh da sạch sẽ, đắp lá lên từ 10 – 15 phút rồi rửa lại bằng nước sạch
- Cách 2: Nấu nước lá húng chanh với một ít muối. Dùng nước lá này rửa hoặc ngâm vùng da bị bệnh. Thực hiện thường xuyên giúp giảm ngứa và khô rát, bong tróc trên da
– Trị bò cạp, rắn cắn hoặc ong đốt
Sử dụng 20 gram lá cây rau tần đem rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng côn trùng cắn. Sau đó dùng băng dính cố định dược liệu. Cứ cách khoảng 30 – 1 tiếng thay lá đắp 1 lần.
Khuyến cáo khi sử dụng húng chanh
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời đối với quá trình điều trị bệnh nhưng khi sử dụng dược liệu này, các bạn cũng nên lưu ý những điểm sau:
- Lá và toàn thân cây húng chanh có chứa nhiều lông, có thể gây kích ứng da ở những đối tượng có làn da nhạy cảm. Do đó, khi dùng dược liệu điều trị, các bạn nên bao tay cẩn thận
- Người có tiền sử dị ứng với húng chanh hoặc các thảo dược khác nên thận trọng khi dùng
- Cây húng chanh khuyến cáo không nên sử dụng ở phụ nữ đang mang thai
- Dược liệu có tác dụng tăng sữa ở phụ nữ đang cho con bú nhưng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của con, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ khoa nhi trước khi dùng thảo dược
Cây húng chanh là loại thảo mộc tự nhiên giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, các tác dụng chữa bệnh của dược liệu này cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu và chứng minh cụ thể. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, các bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên môn trước khi dùng.
Ngày Cập nhật 23/06/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!