Cây Me Đất - Công Dụng Và Các Bài Thuốc Hay Từ Dược Liệu
Cây me đất có hàm lượng vitamin C rất cao. Công dụng chính của nó là thanh nhiệt, lợi tiểu, an thần và chữa trị một số tình trạng viêm nhiễm. Loại cây này không có độc tố nhưng dùng với liều lượng cao sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Cây me đất thuộc chi Oxalis (chua me đất). Nó có 700 – 900 loài trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, có 4 loài:
- Me đất núi (Oxalis acetosella): Hoa màu trắng, vân hồng;
- Me đất hoa hồng (Oxalis corymbosa);
- Me đất đỏ (Oxalis deppei);
- Me đất hoa vàng (Oxalis corniculata).
Trong đó, me đất hoa vàng là loại phổ biến nhất. Nó được biết đến với giá trị dược liệu cao. Tên gọi khác của nó là cây ba chìa, tam diệp toan hoặc tam tương thảo. Phạm vi bài viết dưới đây chỉ giới thiệu về đặc điểm sinh học, công dụng, giá trị dược liệu và những thông tin khác liên quan đến cây me đất hoa vàng.
Mô tả đặc điểm sinh học của cây me đất
Các thành phần của me đất
+Thân: Thuộc loại thân thảo, sống lâu năm. Thân cây mảnh và bò sát mặt đất. Nó có màu đỏ nhạt và một lớp lông mao rất mỏng.
+Lá: Lá kép, lá chét chình gối. Cuốn lá dài. Hầu hết các lá đều có khoang bài tiết. Lá màu xanh nhạt và có hiện tượng chuyển động ngủ (lá mở ra khi có ánh nắng, khép lại khi tối).
+Hoa và quả: Hoa đơn, màu vàng và có 5 cánh. Hoa lưỡng tính, tự thụ phấn ngay trong chồi hoa. Quả hình nón, dài từ 1 – 2cm. Hạt của nó dài khoảng 1mm.
Môi trường sống của me đất
Cây me đất mọc hoang nhiều nơi. Nó ưa môi trường nóng ẩm. Nguồn gốc của loại cây này vẫn chưa được làm rõ.
Me đất có nhiều giá trị dược liệu
Giá trị dược liệu của cây me đất đến từ tính vị và đặc điểm về thành phần của hóa học. Xét về tính vị, đây là loại cây có tính mát, vị chua.
Còn về thành phần hóa học, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng đây là loài thực vật C3 rất giàu vitamin C. Toàn bộ các thành phần của cây đều chứa vitamin này. Bên cạnh đó, nó còn tích lũy muối oxalat, axit oxalic, kali, carotene, vitamin B1 và B2.
Khi dùng làm dược liệu, người ta thường lấy tất cả các thành phần của cây. Cách dùng phổ biến là sắc lấy nước uống ở dạng khô và vắt lấy nước cốt uống ở dạng tươi. Liều lượng ở dạng tươi từ 30 – 50g; dạng khô là 7 – 10g.
Các công dụng của cây me đất với sức khỏe:
- Đối với hệ thần kinh: Giúp an thần (chữa suy nhược, mất ngủ);
- Đường huyết: Chữa tăng huyết áp;
- Bài tiết: Thanh nhiệt, lợi tiểu; chữa chứng tiểu rắt hoặc bí tiểu; trị viêm đường tiết niệu;
- Các tình trạng viêm nhiễm: Chữa viêm họng, viêm gan (gây vàng da);
- Ngoài da: Làm sáng da; chữa rôm sảy, dị ứng, mụn trứng cá;
- Trị ho do nắng nóng, ho gà (có thể dùng cho cho trẻ em);
- Các tác dụng khác: hạ sốt; điều hòa kinh nguyệt; chữa kiết lỵ;
Các bài thuốc có thành phần từ cây me đất
Cây me đất có thể dùng riêng lẻ trong điều trị một số vấn đề về sức khỏe hoặc kết hợp cùng các loại thảo dược khác. Thực tế, có rất nhiều bài thuốc được truyền miệng trong dân gian về công dụng của me đất. Tuy nhiên, có nhiều cách dùng trong số đó chưa được khoa học kiểm chứng. Dưới đây là các công dụng của loại cây này được ghi chép lại và đã được chứng minh trong thực tế về hiệu quả và độ an toàn.
Trị viêm họng bằng cách nhai me đất với muối hạt
Bạn cần 50g me đất với 2g muối hạt. Me đất còn tươi sau khi rửa sạch và chờ ráo nước thì nhai với một ít muối. Nuốt từ từ nước cốt và bã của cây.
Uống nước cốt me đất chữa sốt cao
Giã nát một nắm lá me đất ở dạng tươi. Cho vào đó một chút nước rồi vắt lấy nước cốt uống sẽ có tác dụng hạ sốt nhanh chóng.
Me đất kết hợp cùng với một số vị thuốc khác chữa ho
Nếu tình trạng ho do nắng nóng (thử nhiệt), bài thuốc sẽ gồm các thành phần như sau: me đất và rau má (mỗi loại 40g); lá xương sông và cỏ gà (mỗi loại 20g). Lưu ý dùng các vị thuốc ở dạng tươi. Sau khi rửa sạch thì giã nát hỗn hợp các thảo dược và chắt lấy nước. Cho vào đó 1 thìa nhỏ đường rồi mang đi đun sôi. Thuốc sau khi chế biến chia thành 3 lần và uống hết trong ngày.
Trường hợp ho gà, bạn sẽ dùng 10g me đất kết hợp với các vị thuốc gồm: 12g rễ chanh, lá hẹ và lá xương sông (mỗi loại 8g); 5g hạt mướp đắng và 2g phèn phi. Tất cả các nguyên liệu dùng ở dạng khô. Mang hỗn hợp này sắc với 1 lít nước. Đến khi nước sắc còn 100ml là có thể dùng được. Để dễ uống hơn, bạn có thể cho vào đó một ít đường.
Cách dùng me đất chữa tăng huyết áp
Nguyên liệu cho 1 thang thuốc sắc uống 1 ngày gồm: 30g me đất, 15g cúc hoa vàng và 10g hạ khô thảo. Các vị thuốc dùng dạng khô, sắc với 1 lít nước cho đến khi nước sắc lại còn khoảng 1 chén là có thể dùng được.
Chữa viêm gan chỉ với cây me đất
Mỗi ngày bạn dùng 30g me đất dạng tươi sắc lấy nước uống. Lượng nước này nên chia thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày. Ngoài tác dụng cải thiện tình trạng viêm gan, bài thuốc này còn góp phần tăng hiệu quả điều trị bệnh vàng da.
Thanh nhiệt và chữa tình trạng đại, tiểu tiện không thông với me đất
Ngoài me đất, bạn cần thêm cây mã đề. Mỗi thứ 20g ở dạng tươi. Sau khi rửa sạch thì giã nát và thêm vào đó một chút đường. Vắt lấy nước cốt để uống.
Cách chữa sưng khớp do chấn thương với me đất
Bạn hái một nắm lá me đất giã nát rồi chưng nóng. Dùng vải hoặc băng gạc y tế bọc nó lại rồi chườm vào vị trí bị sưng.
Các món ăn với me đất vừa giàu dinh dưỡng vừa có tác dụng chữa bệnh
Ngoài cách kết hợp cùng các vị thảo dược khác hoặc dùng riêng lẻ dạng thuốc sắc hoặc vắt lấy nước uống, cây me đất còn được dùng làm nguyên liệu nấu ăn. Đây là các món ăn vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa có tác dụng chữa bệnh khá hiệu quả và tốt cho sức khỏe. Đồng thời, vị chua của me đất rất thanh mát nên nhiều món ăn có sự “tham gia” của nguyên liệu này trở nên ngon hơn.
- Me đất nấu canh chua cá lóc: Chữa tình trạng chảy máu răng hoặc tiểu ra máu;
- Cá diếc nấu canh với me đất: Thích hợp cho người bị cảm sốt, viêm họng, ho khan và nhức mỏi toàn thân (do suy nhược cơ thể);
- Me đất nấu với cá chép: Chữa bệnh hoàng đản (vàng da), người mệt mỏi, men gan cao, ho có đờm, nước tiểu vàng hoặc viêm đường tiết niệu;
- Cá linh nấu canh chua me đất: Tốt cho đường tiết niệu, giảm tình trạng tiểu buốt, nước tiểu vàng và viêm nhiễm;
- Me đất nấu với thịt ếch: Chuyên dùng cho các trường hợp bị nổi rôm sảy hoặc da bị khô sần, nổi mề đay;
- Cá trê nấu me đất: Giúp máu huyết lưu thông tốt hơn, chữa chóng mặt, hoa mắt, ù tai và tình trạng tăng huyết áp;
- Me đất nấu với cá trạch: Phục hồi sức đề kháng cho người mới vừa khỏi bệnh hoặc người có thể trạng yếu ớt. Đồng thời, nó còn tốt cho người bị táo bón kèm với tình trạng hoa mắt, chóng mặt;
- Lẩu me đất với cua đồng: Thanh nhiệt rất tốt và giúp giấc ngủ ngon hơn;
- Lẩu gà với me đất: Tốt cho những người nóng nhiệt, bổ máu và có lợi cho hoạt động của nội tạng;
- Me đất nấu với thịt lợn: Hỗ trợ điều trị bệnh vàng da.
Lưu ý khi dùng me đất làm dược liệu
Tính vị và thành phần hóa học của cây me đất không gây độc cho con người. Tuy nhiên, nếu dùng số lượng lớn loại cây này trong một thời gian có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Bên cạnh đó, hàm lượng axit oxalic trong me đất khá cao. Nếu bạn dùng quá nhiều có thể gây sỏi thận trong bàng quang. Nói cách khác, người bị tình trạng này nên hạn chế dùng me đất.
Đối với phụ nữ có thai, các tác động của me đất vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên, một vài giả thuyết cho rằng nó không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Bạn nên thận trọng khi dùng cây này cho phụ nữ đang mang thai.
Ngày Cập nhật 18/07/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!