Cây Mò Trắng - Vị Thuốc Quý Đối Với Sức Khỏe Phụ Nữ
Cây mò trắng được xem là vị thuốc quý cho sức khỏe của chị em vì chữa được nhiều bệnh phụ khoa. Đặc biệt là nó có thể điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh. Ngoài ra loại cây này còn hỗ trợ điều trị tình trạng vàng da do viêm gan và một số tổn thương ngoài da khác.
+ Tên khoa học: Clerodendron fragrans Vent.
+ Tên khác: Bạch đồng nữ, mắn trắng, mộ trắng, cây bần trắng hoặc vậy trảng.
+ Họ: Cỏ roi ngựa.
I/ Mô tả đặc điểm cây mò trắng
Hình dạng bên ngoài và các bộ phận
Cây mò trắng thuộc loại cây nhỏ có hoa. Nó cao từ 1 – 1,5m. Lá cây mọc đối. Kích thước lá dài khoảng 15cm, rộng 10cm; cuốn lá dài khoảng 8cm. Đầu lá nhọn, cuốn lá hình giống trái tim và mép lá có răng cưa. Nhìn tổng thể hình dạng của lá như một quả trứng. Lá màu xanh và có lông ngắn, mặt trên màu sẫm hơn so với mặt dưới. Một đặc điểm khá đặc trưng để nhận biết mò trắng là lá khi vò nát có mùi hôi.
Hoa mò trắng màu trắng ngà và có mùi thơm. Nó mọc thành hình như mâm xôi với nhiều tán. Đài hoa hình phễu, có 4 nhị và vòi nhị ngắn hơn chỉ nhị. Mùa hoa rơi vào tháng 7 và tháng 8 hằng năm. Kết thúc mùa hoa, mùa quả sẽ kéo dài khoảng 1 tháng sau đó. Quả cây hình cầu và thuộc loại quả hạch.
Môi trường sống và phân bố
Chưa có tài liệu ghi nhận về nguồn gốc của mò trắng. Ở Việt Nam, loại cây này được tìm thấy ở nhiều nơi với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng khác nhau. Cụ thể, nó có thể được tìm thấy ở vùng đồng bằng, trung du đến các địa phương miền núi. Cây chủ yếu mọc hoang và phổ biến ở miền Bắc.
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến
Mò trắng được sử dụng để làm dược liệu. Bộ phận dùng là rễ và lá. Thời điểm thu hái tốt nhất là trước khi cây ra hoa hoặc đang trong giai đoạn này (trước tháng 7 hằng năm). Để bảo quản, người ta sấy khô trong máy hoặc phơi âm can (phơi trong mát ở nơi có nhiều gió, không phơi trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời).
II/ Giá trị dược liệu của cây mò trắng
Tính vị và thành phần hóa học
Các ghi chép của Đông y cho biết mò trắng là loại thảo dược có tính mát, vị đắng và mùi hơi hắc. Đây là mùi rất đặc trưng của loại cây này.
Thành phần hóa học của mò trắng gồm:
- Flavonoid: Chất chuyển hóa trung gian của thực vật với nhiều tác dụng sinh học;
- Coumarin: Có tác dụng dược lý rất cao, có thể gây độc. Chất này tác động đến động mạch vành và mạch ngoại vi;
- Tanin: Có khả năng liên kết bền vững với amino axit và alkaloid hoặc một số hợp chất hữu cơ cao phân tử khác;
- Anthocyanin: Chống oxy hóa mạnh mẽ;
- Muối canxi: Gia tăng sự thẩm thấu của màng tế bào và tăng nồng độ canxi;
- Dẫn chất Amin; Aldehyd nhân thơm và axit nhân thơm.
Công dụng chữa bệnh của cây mò trắng
Không có nhiều tài liệu y học hiện đại ghi nhận công dụng chữa bệnh của mò trắng. Hầu hết các giá trị dược liệu của loại cây này được ghi nhận trong Đông y và kinh nghiệm dân gian. Cụ thể, mò trắng được ứng dụng để chữa một số bệnh lý hoặc tình trạng sau:
- Trị vàng da và vàng mắt do viêm hoặc xơ gan. Cách điều trị này đã được bệnh viện tỉnh Lạng Sơn áp dụng từ năm 1980;
- Chữa các tổn thương ngoài da: Ghẻ, mụn nhọt, lở loét hoặc chốc đầu;
- Giảm đau;
- Hạ huyết áp;
Ngoài những công dụng trên, mò trắng còn được xem là vị thuốc quý với sức khỏe của chị em. Loại thảo dược này được đánh giá cao về hiệu quả khi dùng để điều trị khí hư và bạch đới. Ngoài ra, nó còn giúp điều hòa kinh nguyệt cho phụ nữ.
III/ Bài thuốc dùng cây mò trắng chữa bệnh
Có thể sử dụng mò trắng làm dược liệu chữa bệnh độc lập hoặc kết hợp cùng một số loại thảo dược khác. Tùy vào cơ địa và tình trạng bệnh từng người mà điều trị lượng thuốc, thời điểm bắt đầu hoặc thời gian dùng thuốc sẽ khác nhau. Bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý thực hiện các bài thuốc này ở nhà hoặc tự ý kết hợp các vị thuốc với nhau.
Bài thuốc chữa bạch đới và khí hư với mò trắng
Cách 1: Kết hợp một số loại thảo dược với mò trắng
Nguyên liệu: 20g mò trắng; hương phụ, trần bì, ích mẫu và ngải cứu (mỗi loại 10g). Tất cả dùng ở dạng khô.
Các thực hiện: Rửa các nguyên liệu với nước sạch. Cho tất cả cùng vào nồi, đậy nắp và nấu với 1 lít nước. Dùng lửa lớn. Đến khi nước sắc còn khoảng 1 chén thì tắt lửa. Uống khi nước còn ấm. Dùng liên tục từ 2 – 3 tuần sau khi kết thúc ngày hành kinh. Kết thúc chu kỳ kinh nguyệt tháng tiếp theo uống tương tự như tháng vừa qua.
Cách 2: Chỉ dùng mò trắng
Mỗi ngày dùng 20g lá mò trắng khô sắc với 1 lít nước. Uống sau khi ăn và sau thời điểm hành kinh 1 tuần. Áp dụng bài thuốc này liên tục 3 chu kỳ kinh nguyệt.
Chữa kinh nguyệt không đều với cây mò trắng
Cách 1: Kết hợp mò trắng với các thảo dược khác
Nguyên liệu: Mò trắng, ích mẫu, hương phụ và ngải cứu. Mỗi vị thuốc cần 16g ở dạng khô.
Cách dùng: Sau khi rửa sạch thì sắc với khoảng 1 lít nước. Lượng thuốc sắc được chia thành 3 lần uống hết trong ngày. Nên uống trước bữa ăn và sau ngày kết thúc chu kỳ khoảng 1 tuần. Uống liên tục từ 2 – 3 tuần và trong 2 chu kỳ kế tiếp nhau.
Cách 2: Dùng riêng lẻ mò trắng
Chuẩn bị 16g mò trắng dạng khô hãm với nước sôi uống mỗi ngày như trà. Tuy nhiên, bạn chỉ nên hãm với 300ml nước và uống 1 lần/1 ngày. Uống liên tục cho đến khi chu kỳ kinh nguyệt ổn định.
Bài thuốc chữa đau bụng kinh với mò trắng
Ngoài mò trắng, bạn cần dùng thêm một số vị thuốc đông y khác như hương phụ, ích mẫu và ngải cứu. Tất cả dùng ở dạng khô. Mỗi loại cần 6g. Mang các nguyên liệu sắc lấy nước uống. Chia lượng thuốc sắc thành 2 – 3 lần uống hết trong ngày. Có thể cho vào thuốc một ít đường để dễ uống hơn. Lưu ý uống trước khi hành kinh 10 ngày. Uống liên tục trong 2 – 3 chu kỳ kinh nguyệt.
Dùng mò trắng hỗ trợ chữa viêm gan hoặc mật
Nguyên liệu: Mò trắng, diệp hạ châu (cây chó đẻ), nhân trần và chi tử. Mỗi loại 16g, dùng ở dạng khô.
Cách dùng: Rửa sạch các nguyên liệu rồi sắc với 1 lít nước. Thuốc sắc dùng để uống. Dùng liên tục trong 3 – 4 tuần hoặc đến khi các triệu chứng của bệnh được cải thiện.
Chữa vàng da do viêm hoặc xơ gan với mò trắng
Nguyên liệu: Cà gai leo và mò trắng (dùng phần rễ và thân). Mỗi vị thuốc dùng 20g ở dạng khô.
Cách dùng: Sau khi rửa sạch thì sắc lấy nước uống. Lượng thuốc chia thành 2 lần uống trong ngày. Dùng hằng ngày cho đến khi tình trạng vàng da được cải thiện.
Cách dùng mò trắng trị các tổn thương ngoài da
Dùng thân và lá mò trắng ở dạng khô hoặc tươi nấu lấy nước tắm. Dùng ngoài da nên không quá quan trọng về liều lượng. Nên tắm trước với nước sạch trước khi dùng dược liệu. Sau khi tắm nước mò trắng thì không cần tắm lại bằng nước sạch. Có thể dùng mỗi ngày cho đến khi các tổn thương trên da được hồi phục.
Giảm đau và sưng do thấp khớp, thể nhiệt
Nguyên liệu: 80g mò trắng; 120g dây gắm; cà gai leo, đơn tướng quân, đơn lá đỏ (đơn mặt trời), đơn răng cưa, tầm xuyên và cành dâu (mỗi loại 8g). Các nguyên liệu dùng ở dạng khô.
Cách dùng: Sau khi rửa sạch thì cho tất cả các vị thuốc vào nồi nấu với 1 lít nước. Cho đến khi nước cô đặc lại còn 1 chén thì tắt lửa. Lượng thuốc sắc được chia thành 2 lần uống trong ngày. Uống liên tục đến khi tình trạng đau nhức thuyên giảm.
Ngày Cập nhật 05/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!