Cây Rau Sam - Tác Dụng Và Cách Dùng Rau Sam Chữa Bệnh
Cây rau sam là loại cỏ dại mọc dại ở những vùng đất ẩm ướt như bên bờ ruộng, dọc đường đi, sông suối. Trong Y học cổ truyền, loại cây này có vị chua, không độc, có tính lạnh. Ngoài công dụng là loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, cây rau sam còn là dược phẩm với nhiều công dụng đối với sức khỏe con người.
- Tên gọi khác: Mã xỉ hiện, Trường thọ thái, Mã xỉ thái,…
- Tên khoa học: Portulaca oleracea L.
- Họ: Thuộc họ Rau sam (Portulacaceae)
Đặc điểm sinh thái của cây rau sam
Mô tả đặc điểm của cây rau sam:
Cây rau sam là loại cây thân thảo với thân bò sát mặt đất. Loại cây này chỉ có độ tuổi dài nhất là một năm. Cây rau sam có thân tròn mọng nước, nhẵn, không có lông và dài khoảng 15 – 25 cm. Thân cây thường có màu tím đỏ hoặc tím nhạt. Mỗi thân to sẽ phân thành nhiều nhánh nhỏ.
Lá là lá đơn, mọc đối hoặc mọc cách. Lá thường mọc tập trung ở ngọn nhánh. Phiến lá mọng nước có hình quả trứng ngược, mỗi lá dài khoảng 1 – 2 cm và rộng khoảng 0,8 – 1,4cm. Mặt trên của lá nhẵn bóng và thường có màu đỏ tím hoặc tím nhạt, mặt dưới thường có màu xanh nhạt pha bạc và không có lông tơ.
Hoa rau sam có màu vàng, mỗi hoa thường có 5 cánh mọc xòe, hoa không có cuống. Hoa rau sam mọc riêng lẻ hoặc mọc thành cụm khoảng 3 – 5 bông ở ngọn cành. Thời điểm hoa nở rộ là vào cuối xuân và kéo dài cho đến mùa thu. Loài hoa này chỉ nở rộ vào lúc buổi sáng có nhiều nắng.
Quả cây rau sam có hình dạng giống như hạt đậu nhỏ. Bên trong mỗi quả có chứa nhiều hạt đen nhỏ.
Cây rau sam thường xuất hiện nhiều ở đâu?
Cây rau sam thường mọc hoang ở những vùng đất ẩm ướt tại bên bờ ruộng, sông suối, bãi đất trống. Loại cây này được tìm thấy khá nhiều ở nước ta. Trên thế giới, loại cây này cũng được trồng nhiều ở Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản,…
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng: Dùng toàn bộ cây rau sam, trừ phần rễ.
Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch cây rau sam là vào mùa hè và mùa thu hằng năm.
Chế biến: Cây rau sam sau khi thu hoạch đem cắt bỏ phần rễ rồi rửa sạch nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn, đất cát và lớp tạp chất. Sau đó đem trần qua nước sôi rồi đem phơi nắng hoặc sấy cho khô.
Bảo quản: Bảo quản cây rau sam khô trong bọc kín và cất trữ nơi thoáng mát và tránh để nơi ẩm ướt để tránh tình trạng mốc meo.
Thành phần hóa học của cây rau sam
Trong rau sam chứa nhiều nguyên tố vi lượng, các vitamin, khoáng chất bao gồm:
- Chất đạm
- Chất béo Omega – 3
- Carbohydrate
- Protid
- Glucid
- Tro
- Calci
- Phốt pho
- Sắt
- Acid folic
- Cholin
- Carotene
- Potasium nitrate
- Calcium oxalate
- Các loại vitamin: A, C, nhóm B (B1, B2,…), PP
Vị thuốc Đông y của cây rau sam
Tính vị: Cây rau sam có vị chua, tính hàn, không độc.
Quy kinh: Cây rau sam được quy vào kinh Tâm, Tỳ và Can.
Công dụng: Cây rau sam có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, kích thích hệ tiêu hóa, tiêu thũng, kháng khuẩn,…
Chủ trị: Trị tiêu hóa kém, trị các bệnh lý về da, viêm nhiễm đường tiết niệu, nóng trong người, kiết lỵ, tiêu chảy, nhiễm giun sán, đầu bụng, chướng bụng, ăn không tiêu,…
Cây rau sam có những công dụng gì đối với sức khỏe con người?
Theo nghiên cứu của dược lý hiện đại, cây rau mang lại khá nhiều công dụng đối với sức khỏe của con người. Cụ thể như sau:
- Giúp thải trừ độc tố Bisphenol A bên trong cơ thể ra bên ngoài, từ đó giúp nâng cao thể trạng sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch;
- Các nguyên tố vi lượng như mangan, kẽm, magie và đồng có trong rau sam có tác dụng chống khối u lành và ác tính;
- Ngăn chặn sự phát triển của trực khuẩn lỵ và vi khuẩn thương hàn, trực khuẩn E. coli;
- Hàm lượng chất béo Omega – 3 có trong rau sam có tác dụng bảo vệ mạch máu, giảm hàm lượng cholesterol, tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh tim mạch;
- Có tác dụng tăng cường trí nhớ và cải thiện mức độ tập trung nhờ thành phần hoạt hóa thần kinh DOPA và Dopamine có trong rau sam.
Cách dùng – Liều dùng cây rau sam
Cách dùng: Rau sam thường được sử dụng ở dạng tươi, có dùng để sắc lấy nước dùng hoặc giã nát để chắt lấy nước cốt trị bệnh ngoài da.
Liều lượng: Dùng 50 – 100 gram/ ngày.
Những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ cây rau sam
Với những công dụng được trên cho thấy, cây rau sam mang lại nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Theo kinh nghiệm của dân gian, cây rau sam được sử dụng trong các bài thuốc cụ thể sau:
1. Bài thuốc chữa bệnh kiết lỵ ở trẻ em
- Nguyên liệu: Một nắm rau sam và một ít mật ong.
- Cách thực hiện: Đem một nắm rau sam rửa sạch nhiều lần với nước, tốt hơn nếu rửa cùng với nước muỗi pha loãng. Cho phần toàn bộ vào trong máy xay để xay nhuyễn. Chắt lấy nước cốt rồi đem đun sôi. Thêm một ít mật ong để dễ uống hơn.
2. Bài thuốc chữa chứng bạch đới ở phụ nữ
- Nguyên liệu: Rau sam và 1 quả trứng gà
- Cách thực hiện: Đem rau sam rửa sạch nhiều lần với nước rồi xay lấy 30 ml nước cốt. Sau đó đem trộn cùng với hai lòng đỏ trứng gà. Đem hỗn hợp đun sôi và dùng khi hỗn hợp còn nóng.
3. Bài thuốc trị nổi mề đay mẩn ngứa, sốt phát ban
- Nguyên liệu: Một nắm cây rau sam.
- Cách thực hiện: Đem một nắm cây rau sam rửa qua nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn và tạp chất. Sau đó, giã nát toàn bộ rau sam, chắt lấy phần nước cốt để uống, phần bã để chà xát lên vùng da bị tổn thương. Thực hiện mỗi ngày 1 lần để cải thiện bệnh lý về da.
4. Bài thuốc trị ngộ độc thuốc
- Nguyên liệu: Một nắm cây rau sam tươi.
- Cách thực hiện: Làm sạch cây rau sam nhiều lần với nước sạch, tốt hơn nếu rửa chúng với nước muối pha loãng. Cho vào máy xay để xay nhuyễn. Chắt lấy phần nước để uống, phần bã dùng để đắp vào rốn.
5. Bài thuốc trị bệnh lậu nhiệt đái rát, đái buốt
- Nguyên liệu: Cây rau sam.
- Cách thực hiện: Sau khi làm sạch cây rau sam bằng nước sạch, cho toàn bộ phần rau sam cho vào cối giã nát rồi chắt lấy nước cốt để dùng.
6. Bài thuốc trị bệnh kiết lỵ cấp và mãn tính
- Nguyên liệu: 1 kg cây rau sam.
- Cách thực hiện: Đem rau sam rửa sạch nhiều lần với nước rồi vớt ra để ráo. Sau đó đem nấu cùng với 3 lít nước lọc, đun cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 1 lít. Chia thành 3 lần uống trong ngày vào mỗi buổi sáng, trưa và tối.
7. Bài thuốc trị bệnh kiết lỵ ra máu
- Nguyên liệu: 200 gram cây rau sam cùng với 100 gram gạo nếp.
- Cách thực hiện: Cây rau sam sau khi được làm sạch cần thái thành các đoạn nhỏ rồi đem nấu cùng với gạo nếp thành cháo. Người bệnh dùng cháo khi cháo còn nóng và dùng khi bụng đói.
8. Bài thuốc tẩy giun móc, giun sán
- Nguyên liệu: 300 gram cây rau sam tươi.
- Cách thực hiện: Đem rửa sạch rồi giã nát, chắt lọc lấy phần nước cốt. Sau đó đem nước cốt nấu lên, thêm một ít đường hoặc ít muối. Mỗi ngày uống 2 lần vào buổi sáng và buổi tối và dùng khi bụng đói. Liệu trình cho việc tẩy giun kéo dài từ 1 – 3 ngày.
9. Bài thuốc trị tình trạng hậu sản xuất huyết
- Nguyên liệu: 200 gram cây rau sam tươi (hoặc 60 gram nếu dùng ở dạng khô)
- Cách thực hiện: Đem phần rau sam đã được làm sạch nấu cùng với 750 ml nước, sắc cô đặc còn lại khoảng 300 – 350 ml. Chia thành 2 phần nhỏ để dùng trong ngày.
10. Bài thuốc trị chứng hậu sản tiểu tiện không thông
- Nguyên liệu: 100 gram cây rau sam tươi và 10 gram mật ong.
- Cách thực hiện: Đem rau sam rửa qua nhiều lần với nước rồi giã nát để lấy 30ml phần nước cốt. Sau đó đem đun sôi hoặc nấu cách thủy. Hòa thêm một ít mật ong nguyên chất để uống cải thiện tình trạng hậu sản tiểu tiện không thông.
11. Bài thuốc trị bỏng
- Nguyên liệu: Rau sam khô và mật ong nguyên chất.
- Cách thực hiện: Đem rau sam khô tán thành bột mịn, thêm một ít mật ong rồi bôi lên vùng da bị bỏng.
12. Bài thuốc trị môi, miệng bị lở loét
- Nguyên liệu: Một nắm rau sam.
- Cách thực hiện: Đem rau sam đã được làm sạch giã nát lấy phần nước cốt để bôi lên vị trí môi miệng bị lở loét. Hoặc dùng rau sam sắc đặc để cải thiện tình trạng lở loét.
13. Bài thuốc trị đau răng
- Nguyên liệu: Một nắm cây rau sam tươi.
- Cách thực hiện: Dùng nước cốt hoặc nước cốt sắc đặc để ngậm súc miệng cải thiện tình trạng đau răng.
14. Bài thuốc trị nấm tóc, nấm chân, nấm da đầu
- Nguyên liệu: Cây rau sam tươi hoặc rau sam khô.
- Cách thực hiện: Nếu dùng rau sam tươi thì đem nấu thành cao rồi bôi lên vị trí bị nấm. Đối với rau sam khô thì đốt thành than để rắc lên vùng da bị nấm.
15. Bài thuốc trị ho ra máu
- Nguyên liệu: 1 – 2 nắm rau sam.
- Cách thực hiện: Đem giã nát để lấy nước cốt để dùng hoặc đem sắc đặc. Thêm vào đó, người bệnh nên kết hợp cùng với rau sam luộc, xào hoặc nấu canh.
16. Bài thuốc trị ho gà
- Nguyên liệu: 100 gram rau sam cùng với 30 gram đường phèn.
- Cách thực hiện: Rau sam cần được làm sạch trước khi đem đun cùng với 200 ml nước. Tiếp tục thêm 30 gram đường phèn và đun còn khoảng 100 ml. Chia phần sắc được thành 3 phần nhỏ để dùng trong ngày. Sau lộ trình 3 ngày, người bệnh giảm liều dùng còn 50 ml.
17. Bài thuốc chữa bệnh trĩ
- Nguyên liệu: 300 – 350 gram rau sam tươi.
- Cách thực hiện: Đem rau sam đã được rửa sạch nhiều lần với nước rồi đem nấu lấy rau để ăn, nước để xông hoặc ngâm hậu môn. Thực hiện mỗi ngày 1 lần để cải thiện bệnh trĩ.
18. Bài thuốc trị chứng ngứa âm đạo
- Nguyên liệu: Dùng rau sam khô hoặc rau sam tươi.
- Cách thực hiện: Đem rau sam tươi hoặc khô sắc để lấy nước ngâm rửa âm đạo. Thực hiện mỗi ngày hai lần vào buổi trưa và tối trước khi đi ngủ.
19. Bài thuốc trị vết thương do côn trùng, rắn rết cắn
- Nguyên liệu: Một nắm cây rau sam.
- Cách thực hiện: Đem phần rau sam rửa sạch nhiều lần với nước rồi giã nát lấy phần nước cốt để uống, phần bã dùng để đắp lên vị trí bị tổn thương. Khi dùng thuốc, cần đưa bệnh nhân về ngay trạm y tế gần nhất. Bởi đây chỉ là biện pháp hỗ trợ.
20. Bài thuốc hỗ trợ trị ung thư thực quản
- Nguyên liệu: 30 gram cây rau sam tươi, bột đậu nành, mật ong.
- Cách thực hiện: Đem bột đậu nành nấu thành cháo. Tiếp tục thêm rau sam và mật ong vào nấu cùng. Dùng khi hỗn hợp còn nóng.
21. Bài thuốc hỗ trợ trị ung thư đại tràng
- Nguyên liệu: Rau sam tươi, khổ sâm, thổ phục linh, bại tương thảo, bạch thược và kê nội kim mỗi vị 20 gram; 12 gram hồng đằng; tam lăng, huyền hồ và xuyên hậu phác mỗi vị 10 gram; 8 gram hoàng liên, 6 gram cam thảo cùng với 4 gram xạ hương.
- Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc lấy nước để dùng. Mỗi ngày sử dụng một thang và dùng thuốc khi thuốc còn nóng.
22. Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư trực tràng
- Nguyên liệu: 10 gram cây rau sam tươi cùng với 30 gram hoa mào gà.
- Cách thực hiện: Đem hai nguyên liệu trên sắc để lấy nước dùng. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
23. Bài thuốc trị bạch cầu cấp
- Nguyên liệu: 30 gram cây rau sam, a giao và hà thủ ô mỗi vị 16 gram cùng với 12 gram bạch chỉ.
- Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc lấy nước để dùng.
24. Bài thuốc trị chứng say nắng
- Nguyên liệu: 200 – 250 gram cây rau sam tươi.
- Cách thực hiện: Đem rửa sạch những phần sau ram đã được chuẩn bị rồi đem luộc chín hoặc ăn chín để dùng.
25. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, chứng bí tiểu, đau do thắt đường tiết niệu
- Nguyên liệu: 25 gram rau sam tươi
- Cách thực hiện: Đem rau sam rửa sạch nhiều lần với nước rồi đem đun sôi cùng với 4 lít nước trong khoảng 30 phút. Lọc lấy phần nước. Người bệnh dùng nước thay cho nước trà. Lộ trình sử dụng là 30 ngày, sau dó tạm ngưng sử dụng 1 tuần rồi trở lại sử dụng.
26. Bài thuốc phòng ngừa bệnh gout
- Nguyên liệu: Rau sam.
- Cách thực hiện: Dùng nước sắc rau sam để thay cho nước lọc. Sử dụng liên tục khoảng 30 ngày và kết hợp cùng với thuốc trị bệnh gout.
27. Bài thuốc phòng ngừa bệnh tim mạch, giúp huyết áp ổn định
- Nguyên liệu: Rau sam.
- Cách thực hiện: Đem rau sam sắc để lấy nước dùng thay cho nước trà trong vòng 1 tuần hoặc người bệnh có thể dùng ở dạng nấy canh, xào cùng với thịt nạc.
Một số lưu ý khi sử dụng dược liệu cây rau sam
- Đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong rau sam cần hết lưu ý khi sử dụng. Nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài mong đợi;
- Phụ nữ mang thai hoặc có dấu hiệu đang mang thai tuyệt đối không được sử dụng. Bởi vì, trong rau sam có chứa một số thành phần có thể gây sảy thai hoặc làm ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của thai nhi;
- Khi chế biến, tuyệt đối không nên đun nấu rau sam quá kỹ, như vậy sẽ khiến cho rau sam bị mất đi giá trị dinh dưỡng;
- Các đối tượng có thể tạng hư hàn, bị tiêu chảy, khi sử dụng rau sam, tốt nhất nên phối hợp cùng với những vị thuốc cay, ấm để không làm trệ tỳ;
- Đối với các đối tượng có tiền sử về sỏi thận cần thận trọng khi sử dụng cây rau sam. Bởi vì, trong rau sam có chứa hàm lượng nitrata và oxalate, hai thành phần này có thể khiến bệnh tình về thận thêm nghiêm trọng hơn.
Trên đây là những thông tin về dược liệu cây rau sam như: đặc điểm sinh thái, tính vị, công dụng, những bài thuốc hay và một số lưu ý khi sử dụng. Để dược liệu phát huy hết công dụng, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến tham vấn từ chuyên gia hoặc nhân viên y tế có chuyên môn.
Có thể bạn chưa biết:
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!