Cây Sa Sâm Và 7 Tác Dụng Đối Với Sức Khỏe
Sa sâm hay còn được gọi là cây Sâm cát, Hải cúc, Bạch sâm,… với danh pháp khoa học là Radix Glehniae. Trong Đông y, sa sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có công dụng tả hỏa, dưỡng âm thanh phế, ích vị sinh tân, trị viêm phế quản mãn tính, ho khan, miệng khô, khát nước,…
- Tên gọi khác: Sâm cát, Hải cúc, Bạch sâm, Xà lách biển, Sa sâm bắc,…
- Tên khoa học: Radix Glehniae
- Tên tiếng Trung: 北沙参
- Họ: Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae)
1. Đặc điểm sinh thái
Mô tả đặc điểm cây sa sâm:
Cây sa sâm là loại cây mọc hoang, thuộc loài cỏ thân bò, sống lâu năm. Do tính chất là cây thân bò, cây sa sâm thường mọc lan khắp trên bề mặt đắt cát. Lá dài khoảng 5 – 8 cm xẻ hình lông chim gồm 7 – 8 thùy, các thùy dưới thon lại thành cuống. Lá thường mọc ở gốc xếp thành hoa ở quanh gốc cây. Mép lá có hình răng cưa, thưa và không đều. Gốc cây là bộ phận rễ mềm mọc thẳng và phình to có hình dạng như củ nhân sâm. Hoa có trắng vàng, hình cầu, mọc thành chùm ở đốt và ở gốc. Hoa có cuống ngắn. Quả bế hình trụ, đầu hơi thon lại, có chùm lông nhanh rụng.
Mô tả dược liệu sa sâm:
Rễ sa sâm có hình trụ, ở một số rễ có phân thành nhiều nhánh nhỏ, có kích thước dài khoảng 15 – 40 cm với đường kính khoảng 0,3 – 1,2 cm. Phần rễ cây sa sâm có hình dạng giống nhân sâm với phần đầu hơi nhỏ và phần giữa hơi to và nhỏ dần về đuôi. Sa sâm có vỏ ngoài màu trắng nhạt hoặc nâu vàng, hôi thô, phần thân có vân hoặc nếp nhăn dọc nhỏ. Giòn, dễ bẻ gãy, khi bẻ gãy, phần bên trong có màu vàng, vị hơi ngọt, mùi thơm đặc biệt.
Cây sa sâm có nguồn gốc ở đâu?
Cây sa sâm được trồng rất nhiều ở khu vực Đông Á, đặc biệt là các tỉnh thuộc nước Trung Quốc và Nhật Bản. Ở nước ta, loại cây này được trồng nhiều ở Sa Pa và khá ít ở một số tỉnh thành khác như: Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ninh,…
2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng: Rễ cây sa sâm có tính chất dược phẩm nên được sử dụng để bào chế thành thuốc chữa bệnh.
Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch là vào thời kỳ cuối hè đầu thu. Đào lấy phần rễ, tướt bỏ phần rễ con và thân.
Chế biến: Rửa sạch những phần rễ đã thu hoạch nhiều lần với nước sạch để loại bỏ lớp đất cát và tạp chất. Hoặc có thể ngâm với phèn chua, xông diêm sinh hơn 1 giờ. Sau đó cắt thành từng đoạn nhỏ rồi đem phơi cho khô.
Bảo quản: Bảo quản nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tốt hơn nếu bảo quản trong bọc kín để sử dụng trong thời gian lâu, một phần để tránh sâu mọt.
3. Thành phần hóa học
Sa sâm có chứa nhiều thành phần tinh dầu và một số thành phần hoạt chất khác như cid triterpenic, β-sitosterol, polysaccharid, dẫn chất của psoralen và scopoletin, nhiều dẫn chất coumarin,…
4. Tính vị – Quy kinh
- Tính vị: Sa sâm có vị ngọt, hơi đắng, có mùi thơm đặc trưng, tính mát.
- Quy kinh: Dược liệu sa sâm được quy vào kinh Vị và Phế.
5. Những công dụng của cây sa sâm
Cây sa sâm có những công dụng sau:
- Dưỡng âm thanh phế
- Tả hỏa
- Chỉ thấu
- Ích vị sinh tân
Chủ trị:
- Hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về đường hô hấp như: ho thông thường, ho khan, viêm phế quản mãn tính, viêm họng, tắt tiếng,…
- Trị bệnh nhiệt bao tân dịch, lưỡi khô, miệng khô, khát nước, gầy róc
6. Cách dùng – Liều dùng
Cách dùng: Dùng ở dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột và có thể sử dụng ở dạng độc vị hoặc phối hợp cùng với một số dược liệu khác (tùy vào từng bài thuốc).
Liều dùng: Dùng 10 – 15 gram/ ngày.
7. Những bài thuốc từ cây sa sâm
Dưới đây là một số bài thuốc từ cây sa sâm theo kinh nghiệm của dân gian:
# Hỗ trợ điều trị viêm phế quản mãn tính, bệnh lao phổi, dãn phế quản:
- Nguyên liệu: 12 – 20 gram sa sâm, Tang diệp, Biển đậu và Thiên hoa mỗi vị 8 – 12 gram cùng với 4 gram Cam thảo.
- Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc cùng với 5 chén nước. Sắc cô đặc còn lại khoảng 1 chén rồi tiếp tục cho 5 chén nước và sắc còn lại 1 chén.
- Cách dùng: Mỗi lần sử dụng 1 chén thuốc nóng và mỗi ngày sử dụng 2 lần vào mỗi buổi sáng và tối.
# Chữa vàng da, thiếu máu:
- Nguyên liệu: Sa sâm và bột nghệ mỗi vị 12 gram cùng với hồi hương và Nhục quế mỗi vị 4 gram.
- Cách thực hiện: Sắc một thang thuốc trên cùng với một lượng nước phù hợp. Sắc cô đặc còn lại khoảng 2 chén để dùng.
- Cách sử dụng: Mỗi lần sử dụng 1 chén thuốc và mỗi ngày sử dụng 2 lần. Dùng thuốc khi thuốc còn nóng.
# Hỗ trợ trị chứng hư nhược khí ngắn, phổi yếu, khàn giọng mất tiếng:
- Nguyên liệu: Sa sâm và Sinh địa mỗi vị 20 gram, Tri mẫu, Ngưu bàng tử và Huyền sâm mỗi vị 12 gram, xuyên bối mẫu 6 gram cùng với 4 gram Hoàng kỳ.
- Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên cùng với 750 ml, sắc cô đặc còn lại khoảng 200 – 250 ml.
- Cách sử dụng: Chia phần nước sắc được thành hai phần nhỏ để sử dụng trong ngày. Mỗi ngày sử dụng 1 phần và mỗi ngày uống hai lần.
# Trị chứng khô họng, miệng khát, chứng ho khan ít đờm, chứng phế vị táo nhiệt (Thang Sa Sâm Mạch Đông):
- Nguyên liệu: Sa sâm, Thiên hoa phấn, Mạch môn, Tang diệp, Ngọc trúc và Cam thảo mỗi vị 12 gram.
- Cách thực hiện: Sắc cùng với 5 chén nước, sắc cô đặc còn lại khoảng chén để dùng.
- Cách dùng: Chia phần nước sắc được thành 2 phần nhỏ để sử dụng trong ngày. Dùng thuốc khi thuốc còn nóng.
# Chữa phổi yếu, mạch đập nhanh, khó thở, hư lao, thổ huyết, cơ thể nóng sốt:
- Nguyên liệu: Sa sâm 15 gram, Tía tô 10 gram, Cửu lý hương (sao) 4 gram, Chè mạn 2 gram, Chanh non 1 quả và 5 lát gừng tươi.
- Cách thực hiện: Sắc một thang thuốc trên cùng với 5 bát nước. Sắc cô đặc còn lại khoảng 1 chén để cùng.
- Cách sử dụng: Mỗi ngày sử dụng 2 lần.
# Chữa bệnh nhiệt về cuối kỳ phạm đến tân dịch, khô họng, miệng khát, đau họng, sốt nhẹ:
- Nguyên liệu: Sa sâm, Hà thủ ô, Rễ vú bò, Bạch truật nam, Rễ cà gai mỗi vị 20 gram; Hoài sơn, Cam thảo nam, Rễ cây lứt mỗi vị 12 gram; 8 gram Trần bì cùng với 4 gram Gừng.
- Cách thực hiện: Sắc lấy nước uống hoặc đem tán thành bột mịn rồi hoàn thành viên.
- Cách sử dụng: Mỗi ngày sử dụng hai lần. Đối với thuốc dùng dạng bột, mỗi lần sử dụng 20 gram.
# Trị tức ngực, ho có đờm, bệnh viêm phổi (Thang Ích Vị):
- Nguyên liệu: 16 gram Sa sâm, 20 gram Sinh địa cùng với Ngọc trúc và Mạch đông mỗi vị 12 gram.
- Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc cùng với một lượng nước vừa đủ. Sắc cô đặc cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại khoảng 200 ml.
- Cách sử dụng: Chia phần nước sắc được thành 2 phần nhỏ để sử dụng. Mỗi lần sử dụng một phần nhỏ và mỗi ngày sử hai lần. Dùng thuốc khi thuốc còn nóng, nếu thuốc nguội cần hâm nóng lại trước khi dùng.
8. Một số lưu ý khi sử dụng dược liệu sa sâm
Những đối tượng sau không được sử dụng các bài thuốc về cây sa sâm, như:
- Đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu sa sâm;
- Đối tượng âm hư phổi táo, ho thuộc hàn không được sử dụng.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần lưu ý đến một số khác, như:
- Tuyệt đối không sử dụng dược liệu sa sâm cùng với Lê lô;
- Đối tượng bệnh viêm gan C có thể có những triệu chứng đau tức vùng gan khi sử dụng sa sâm. Do đó, người bệnh cần thận trọng khi sử dụng;
- Trong quá trình sử dụng, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào, trước hết cần tạm ngưng sử dụng và tìm gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
Bài viết đã xoay quanh dược liệu cây sa sâm và một số bài thuốc từ dược liệu này. Hy vọng những thông tin được chúng tôi chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn đọc biết thêm những thông tin về dược liệu này. Tuy nhiên, công dụng của loại dược liệu này chưa được giới chuyên môn công dụng về mặt giá trị. Do đó, người bệnh nên hỏi ý kiến của lương y chuyên môn trước khi sử dụng.
Có thể bạn chưa biết:
Ngày Cập nhật 31/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!