Cây Sâm Cau - Tác Dụng, Cách Ngâm Rượu Làm Thuốc Trị Bệnh
Sâm cau hay còn được gọi là Tiên mao, là phần thân rễ của cây sâm cau có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa liệt dương, xuất tinh sớm, yếu sinh lý ở nam giới, tăng sự ham muốn tình dục, mạnh gân cốt và một số công dụng khác. Loại cây này được đánh giá là một trong những vị thuốc Nam quý với vị thơm nhẹ, tính ấm và được quy vào kinh Thận, Can và Tỳ.
- Tên gọi khác: Ngải cau, Tiên mao, Cồ nốc lan, Nám sáng ton, Soọng ca, Thài léng,…
- Tên khoa học: Curculigo orchioides Gaertn
- Họ: Thuộc họ Tỏi voi lùn (Hypoxidaceae)
Đặc điểm sinh thái của cây sâm cau
Mô tả cây sâm cau
Cây sâm cau là cây thân thảo, sống lâu năm. Khi trưởng thành, cây sâm cau có thể cao tối 30 cm hoặc có thể cao hơn. Thân rễ có hình trụ cao, có hình dạng củ to bằng ngón tay cái, quanh thân rễ lớn có nhiều rễ phụ nhỏ, vỏ thô màu nâu, bên trong phần thịt có màu vàng nhạt.
Lá cây là loại lá dài, hình mũi mác, xếp nếp, có hình dạng tựa lá cây cau thường. Phiến lá hẹp, dài khoảng 40 cm và rộng khoảng 2 – 3 cm, cuống lá dài khoảng 8 – 10 cm.
Hoa cây sâm cau thường nở vào mùa hè thu. Hoa có màu vàng, mọc thành cụm với mỗi cụm khoảng 3 – 5 hoa cùng nằm trên một nhánh ngắn nằm trong lá bắc hợp.
Quả cây sâm cau là quả nang thuôn dài khoảng 1,5 cm với mỗi quả chứa khoảng 1 – 4 hạt nhỏ.
Cây sâm cau có nguồn gốc và được phân bố chủ yếu ở đâu?
Cây sâm cau là loại cây mọc hoang, ưa sáng, ưa ẩm, thường được tìm thấy trên các ngọn đồi cỏ ven rừng núi hoặc các vùng núi cao. Loại cây này có nguồn gốc từ Ấn Độ, Malaysia, về sau cây được tìm thấy ở một số khu vực khác như Thái Lan, Phi-lip-pin và cả Việt Nam. Ở nước ta, loại cây này được tìm thấy rải rác một số tỉnh ở phía Bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình,… và tỉnh Lâm Đồng.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
Bộ phận dùng: Sử dụng phần thân rễ (Rhizoma Curculiginis) của cây sâm cau để làm thuốc. Trong Đông y, phần thân rễ của cây sâm mao còn Tiên mao.
Thu hái: Thu hái quanh năm, thời điểm thích hợp để thu hoạch là vào mùa thu (năng suất đạt được cao nhất). Thu lấy những phần củ rễ đã trưởng thành.
Chế biến: Đem những phần củ rễ đã thu hoạch rửa sạch nhiều lần với nước sạch để loại bỏ bụi bẩn, lớp đất cát, cắt bỏ rễ con rồi cạo bỏ phần vỏ ngoài. Tốt nhất nên ngâm cùng với nước vo gạo và để qua đêm để khử độc. Nếu dùng ở dạng khô thì đem phơi nắng hoặc sấy cho khô.
Cách bảo quản: Bảo quản nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Thành phần hóa học của cây sâm cau
Trong cây sâm cau có chứa các thành phần hóa học sau với mỗi thành phần tương ứng với những công dụng cụ thể:
- Cycloartan triterpen saponin: Có tác dụng tăng và điều hòa hormone sinh dục nam giới một cách tự nhiên nhất. Bên cạnh đó, thành phần này còn có tác dụng chống co thắt, giảm ức chế thần kinh và giãn cơ;
- Curculigosid: Có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh khỏi các tác nhân gây hại, chống ngưng tập beta – amyloid;
- Curculigo Saponin C và F: Có tác dụng kích thích và sản sinh tế bào lympho lạch, tăng hệ miễn dịch cơ thể;
- Curculigo Saponin F và G: Có tác dụng làm tăng khối lượng tuyến ức ở các đối tượng trong độ tuổi dậy thì;
- Peptid curculin C: Có tác dụng tốt cho hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể khảo các tế bào tự do hoặc các tác nhân gây hại.
Tính vị và quy kinh của cây sam cau
Tính vị:
- Vị cay, nóng, có độc (theo Trung dược học);
- Vị cay, tính ấm, có độc (theo Khai bản bản thảo);
- Vị cay, hơi mặn, tính ấm (theo Điền nam bản thảo);
- Tính nhiệt (theo Cương mục).
Quy kinh:
- Kinh Thận và Can (theo Trung dược học);
- Kinh Phế và Thận (theo Bản thảo tái tân);
- Kinh Can và Thận (theo Điền nam bản thảo).
Chủ trị:
- Chữa bệnh liệt dương ở nam giới, nam giới tinh lạnh;
- Phụ nữ bạch đới, đái đục;
- Người già đái són lạnh da;
- Trị phong thấp, nhức mỏi lưng, đầu gối, xương khớp cứng, khó vận động, kém linh hoạt;
- An thần, chữa thần kinh suy nhược;
- Chữa hen suyễn;
- Chữa chứng tiêu chảy;
- Chữa bệnh lậu;
- Kích dục, tăng sự ham muốn tình dục.
Tác dụng dược lý của cây sâm cau
Trong Đông y, cây sâm cau có tác dụng tráng dương bổ thận, mạnh gân cốt, điều hòa hệ tiêu hóa, tán ứ trừ tê, ôn trung táo thấp.
Theo nghiên cứu của giới dược lý hiện đại, cây sâm cau mang lại khá nhiều công dụng với sự góp mặt của nhiều hoạt chất, cụ thể hơn:
- Có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể;
- Nâng cao khả năng thích nghi trong điều kiện môi trường thiếu khí oxy;
- Cây sâm cau được ví như thần dược cứu cánh cho các quý ông, giúp điều hòa hormone sinh dục nam giới;
- Tăng cường chức năng và sự hoạt động của tim, giúp làm giãn mạch vành;
- Bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại;
- Có tác dụng chống viêm, tiêu viêm, kháng khuẩn, chống nấm;
- Chống huyết khối;
- Có tác dụng chống co giật;
- Chống lão hóa và giúp làm chậm quá trình lão hóa khi về già;
- Phòng ngừa bệnh đái tháo đường, bệnh ung thư.
Cách dùng và liều dùng của sâm cau
Cách dùng: Có thể sử dụng ở cả dạng tươi và dạng khô hoặc đem sao vàng trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, còn tùy thuộc vào từng bệnh lý đang mắc phải để biết chính xác cách thực hiện. Thông thường, củ sâm cau được sử dụng để hãm như nước trà, sắc lấy nước dùng hoặc ngâm cùng với rượu ngon để tăng cường sức khỏe, cải thiện bệnh lý.
Liều dùng: Mỗi ngày dùng khoảng 25 gram củ sâm cau hoặc có thể dùng hơn nếu thực sự cần thiết.
Những đối tượng nào có thể sử dụng bài thuốc từ sâm cau?
- Nam giới mắc bệnh yếu sinh lý, xuất tinh sớm, liệt dương, hiếm muộn, vô sinh;
- Đối tượng bị suy giảm chức năng sinh dục, giảm sự ham muốn tình dục;
- Người già thường xuyên bị tê bì tay chân, đau nhức xương khớp, nhức mỏi lưng, đầu gối;
- Người khỏe mạnh không mắc bệnh vẫn có thể sử dụng bài thuốc từ sâm cau để nâng cao sức khỏe, tăng cường sinh lực.
Hướng dẫn cách ngâm rượu sâm cau đúng cách
Có nhiều cách ngâm rượu sâm cau, bạn có thể ngâm rượu sâm cau còn tươi hoặc ở dạng khô đều được. Mỗi cách ngâm lại mang đến cho sức khỏe con người mỗi công dụng khác nhau. Tuy nhiên, để sâm cau phát huy hết công dụng vốn có của chúng, bạn nên tiến hành ngâm rượu sâm cau đúng cách, đúng liều lượng hoặc có thể tham khảo một số cách ngâm rượu sâm cau dưới đây:
# Cách ngâm rượu củ sâm cau khô
Nguyên liệu cần có:
- Củ sâm cau khô …………………… 1 kg
- Rượu trắng 45° …………………….. 4 lít
- Mật ong nguyên chất …….. 200 ml
Cách thực hiện:
- Củ sâm cau khô cần được thái thành từng lát mỏng rồi đem đi sao cho vàng;
- Cho toàn bộ sâm cau đã được sơ chế vào trong bình thủy tinh, tiếp tục cho rượu trắng và mật ong nguyên chất vào ngập sâm cau;
- Đậy kín nắp và bảo quản nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời;
- Sau 7 ngày ngâm trở lên là có thể sử dụng.
# Cách ngâm rượu củ sâm cau tươi
Cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- Sâm cau tươi ………………….. 1 kg
- Rượu trắng 45° ………………… 3 lít
Cách thực hiện:
- Đem toàn bộ sâm cau tươi rửa sạch qua nhiều lần với nước để loại bỏ lớp đất cát và bụi bẩn, sau đó vớt ra để ráo;
- Cho toàn bộ sâm cau vào trong bình thủy tinh có nắp đậy cùng với phần rượu đã được chuẩn bị, đậy kín nắp rồi bảo quản nơi thoáng mát;
- Ngâm trong khoảng 10 ngày là có thể sử dụng.
Lưu ý: Khi lựa chọn rượu trắng để ngâm sâm cau, bạn nên sử dụng rượu mạnh. Bởi vì, củ sâm cau tươi có chứa khá nhiều thành phần nước, nếu ngâm cùng với loại rượu nhẹ, sâm cau rất dễ bị thối.
# Cách ngâm rượu củ sâm cau cùng với các dược liệu khác
Bài thuốc rượu ngâm gồm có các nguyên liệu sau:
- Sâm cau …………………………………… 1 kg
- Ba kích ……………………………. 500 gram
- Dâm dương hoắc …………… 500 gram
- Mật ong nguyên chất …………. 200 ml
- Rượu trắng ………………………………… 5 lít
Cách thực hiện:
- Đem sâm cau, ba kích và dâm dương hoắc rửa sạch nhiều lần với nước lọc rồi vớt ra để ráo nước;
- Cho toàn bộ nguyên liệu vào trong hũ thủy tinh có nắp đậy sao cho phần rượu và mật ong ngập các dược liệu;
- Đậy kín nắp lọ và bảo quản nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời;
- Sau 30 ngày ngâm là có thể sử dụng.
Trong dân gian, nếu ngâm rượu chim bìm bịp với tắc kè, ông bà ta thường thêm một ít sâm cau vào ngâm cùng để tăng tác dụng của bài thuốc ngâm.
Một số bài thuốc từ cây sâm sau chữa bệnh hiệu quả
Dưới đây là một số bài thuốc hay từ cây sâm cau được lưu truyền từ đời này sang đời khác, bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng sử dụng:
1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị phong thấp, thần kinh suy nhược, lưng lạnh nhức mỏi, bệnh liệt dương ở nam giới
- Nguyên liệu: 1 kg củ sâm cau tươi cùng với 4 lít rượu trắng ngon.
- Cách thực hiện: Đem những phần củ sâm cau đã được chuẩn bị rửa sạch nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn. Sau đó đem thái mỏng rồi sao cho vàng. Cho toàn bộ phần sâm cau đã sơ chế vào trong bình thủy tinh, tiếp tục cho phần rượu trắng, đậy kín nắp và bảo quản nơi thoáng mát khoảng 7 ngày sau là có thể sử dụng.
- Cách sử dụng: Mỗi lần sử dụng một ly nhỏ khoảng 30 ml và sử dụng mỗi ngày 2 lần vào mỗi buổi trưa và tối. Dùng rượu sâm cau trước mỗi bữa ăn ít nhất khoảng 30 phút.
2. Bài thuốc bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, giúp da dẻ hồng hào
- Nguyên liệu: 15 gram củ sâm cau.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ củ sâm cau rửa sạch nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn rồi đem thái lát. Sau đó đem hãm cùng với nước sôi như pha trà.
- Cách sử dụng: Sử dụng hết trong ngày để bồi bổ sức khỏe.
3. Bài thuốc chữa liệt dương, nam giới bị tinh lạnh, phụ nữ tử cung lạnh
- Nguyên liệu: 6 gram sâm cau; thục địa, hồ đào nhục, ba kích và phá cố chỉ mỗi vị 8 gram cùng với 4 gram hồi hương.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu trên sắc cùng với 750 ml, đun cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại khoảng 150 – 200ml.
- Cách sử dụng: Chia phần nước sắc được thành hai phần nhỏ và sử dụng 2 lần trong ngày với mỗi lần một phần. Dùng thuốc khi thuốc còn nóng.
4. Bài thuốc chữa liệt dương do rối loạn thần kinh chức năng
- Nguyên liệu: Sâm cau, cam thảo nam, ngũ gia bì và cáp giới với mỗi vị là 8 gram cùng với hoài sơn, ngưu tất, trâu cổ, kỷ tử, tục đoạn và thạch hộc với mỗi vị là 12 gram.
- Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc cùng với một lượng nước vừa đủ. Tiến hành sắc cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại khoảng 200 ml là được. Chia phần nước sắc được thành 2 phần nhỏ để sử dụng trong ngày.
- Cách sử dụng: Mỗi lần sử dụng khoảng 100 ml. Nên dùng thuốc khi thuốc còn nóng, nếu thuốc đã nguội nên hâm nóng lại trước khi sử dụng.
5. Bài thuốc chữa hen suyễn, tiêu chảy
- Nguyên liệu: Rễ sâm cau.
- Cách thực hiện: Đem rễ sâm cau rửa sạch nhiều lần với nước để loại bỏ bụi bẩn rồi đem phơi cho khô. Sau đó thát thành từng lát mỏng và nhỏ rồi đem sao vàng. Mỗi lần sử dụng 12 – 16 gram sắc cùng với 250 – 300 ml nước, sắc cho đến khi nước cô đặc còn lại khoảng 50 ml.
- Cách sử dụng: Mỗi ngày sử dụng 1 lần duy nhất và dùng thuốc chữa bữa ăn.
6. Bài thuốc chữa phong thấp, thần kinh suy nhược, lưng lạnh, đau lưng
- Nguyên liệu: 50 gram sâm câu cùng với 150 ml rượu trắng.
- Cách thực hiện: Đem rễ cau rửa sạch với nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn rồi đem ngâm cùng với rượu trắng, đậy kín nắp và bảo quản nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Sau 7 ngày ngâm là có thể sử dụng.
- Cách sử dụng: Mỗi lần sử dụng khoảng 25 – 30 ml. Dùng mỗi ngày 2 lần và dùng trước mỗi bữa ăn chính ít nhất khoảng 30 phút.
7. Bài thuốc chữa tê thấp, đau nhức toàn thân
- Nguyên liệu: Rễ sâm cau, hy thiêm thảo và hà thủ ô đỏ mỗi vị 20 gram cùng với 500 ml rượu trắng.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu rửa sạch qua nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn. Sau đó thái thành từng lát mỏng rồi ngâm cùng với phần rượu trắng đã được chuẩn bị. Sau 7 – 10 ngày ngâm là có thể sử dụng và rượu ngâm càng lâu thì công dụng đem lại càng tốt.
- Cách sử dụng: Mỗi ngày sử dụng 2 lần với mỗi lần dùng 30 ml. Dùng rượu thuốc ngâm trước mỗi bữa ăn ít nhất khoảng 30 phút.
8. Bài thuốc chữa sốt xuất huyết
- Nguyên liệu: 20 gram sâm cau, 12 gram cỏ mực, 10 gram trắc bá diệp cùng với 8 gram chi tử.
- Cách thực hiện: Đem sâm cau, trắc bá diệp và chi tử sao cho đen, sau đó đem sắc cùng với cỏ mực với mực nước vừa đủ. Đun cho đến khi phần nước cô đặc lại.
- Cách sử dụng: Chia phần nước sắc được thành 2 phần nhỏ để sử dụng trong ngày. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
9. Bài thuốc chữa huyết áp cao, nhất là phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh
- Nguyên liệu: Sâm cau, dâm dương hoắc, đương quy, ba kích và tri mẫu với mỗi vị là 12 gram.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu sắc cùng với 750 ml nước, sắc cô đặc còn lại khoảng 200 ml là có thể tắt bếp.
- Cách sử dụng: Lọc lấy phần nước và chia thành 2 – 3 phần nhỏ để sử dụng trong ngày. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
Một số lưu ý khi sử dụng cây sâm cau
Trong quá trình sử dụng các bài thuốc từ cây sâm cau, bạn dùng cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong sâm cau tuyệt đối không nên sử dụng để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra;
- Với bản chất có tính táo nhiệt, dễ làm thương âm, các đối tượng âm hư hỏa vượng (biểu hiện: hoa mắt chóng mặt, lòng bàn tay bàn chân nóng, thường xuyên mất ngủ, hay sốt về buổi chiều, đổ mồ hôi trộm, táo bón, mạch tế sắc) không nên sử dụng các bài thuốc từ cây sâm cau, đặc biệt vào những ngày thời tiết nắng nóng;
- Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.
Trên đây là những thông tin liên quan đến dược liệu cây sâm cau và những bài thuốc hay từ loại dược liệu này. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc biết thêm nhiều hơn thông tin về dược liệu này cũng như cách ngâm rượu sâm cau cải thiện bệnh lý. Tuy nhiên, những thông tin chỉ mang giá trị tham khảo. Chính vì vậy, người bệnh không được tự ý sử dụng khi chưa hỏi ý kiến từ bác sĩ hoặc lương y có chuyên môn.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm:
Ngày Cập nhật 07/06/2024
I have a favorite smell coming from a fresh rose.