Chàm ở trẻ sơ sinh và các phương pháp điều trị an toàn
Chàm ở trẻ sơ sinh là bệnh lý tương đối phổ biến, gây khô da, nứt nẻ, đau đớn và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tương tự khác. Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu thông tin cơ bản về bệnh chàm ở trẻ em để có cách điều trị và phòng ngừa hợp lý.
Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh chàm là tình trạng da khô, có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi và sẽ được cải thiện khi trẻ trưởng thành. Nếu bị chàm, trên da của bé có thể xuất hiện những vùng da khô, ngứa, thậm chí là nứt nẻ, chảy dịch và máu.
Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện ở các nếp nhăn xung quanh khuỷu tay, cổ tay, đầu gối, xung quanh cổ và đầu của bé. Tuy nhiên, các dấu hiệu bệnh có thể xuất hiện trên bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của bé, bao gồm cả khuôn mặt.
Ngoài ra, trẻ bị chàm làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc mắc cả hai bệnh cùng một lúc. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu chàm ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây bệnh chàm ở trẻ sơ sinh
Hiện tại, các bác sĩ không biết rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chàm ở trẻ sơ sinh. Khoảng 5% trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh chàm, tuy nhiên trẻ có cha hoặc mẹ mắc bệnh chàm, tỷ lệ sẽ tăng lên 30%. Do đó, gen di truyền có thể là một nguyên nhân gây ra chàm ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, bệnh chàm của bé có thể bùng phát khi bé tiếp xúc với một số tác nhân. Các tác nhân phổ biến gây bệnh chàm ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Xà phòng, sản phẩm tắm gội, chất tẩy rửa và chăm sóc da không phù hợp.
- Quần áo làm bằng vải tổng hợp, len hoặc quần áo có chứa các thuốc nhuộm hóa chất dễ gây kích ứng da.
- Trẻ bị dị ứng với vật nuôi, phấn hoa hoặc mạt bụi.
- Trẻ bị dị ứng thực phẩm, chẳng hạn như sữa, trứng, lúa mì, đậu nành và đậu phộng.
- Thời tiết, môi trường sống thay đổi đột ngột.
Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh cũng có thể bùng phát ở một số thời điểm nhất định, ví dụ như khi trẻ mọc răng, bị cảm lạnh hoặc ngủ không đủ giấc. Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị chàm cũng dễ bị nhiễm trùng da như chốc lở, viêm mô tế bào, mụn rộp. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng không mong muốn. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu bệnh chàm hoặc nhiễm trùng da, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị phù hợp.
Biện pháp điều trị bệnh chàm ở trẻ sơ sinh
Nếu bé có dấu hiệu bệnh chàm, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên và các phương pháp điều trị phù hợp nhất. Hiện tại, các biện pháp thường được chỉ định điều trị chàm ở trẻ sơ sinh bao gồm:
1. Sử dụng chất dưỡng ẩm da
Đây là việc quan trọng trong việc điều trị bệnh chàm ở trẻ sơ sinh.
Các chất làm mềm có thể giữ ẩm cho da, tránh khô, nứt nẻ và tổn thương trên bề mặt da. Sản phẩm có sẵn dưới dạng kem, dung dịch loãng,thuốc mỡ và sữa tắm dành riêng cho bé có làn da nhạy cảm.
Da trẻ sơ sinh cần được dưỡng ẩm, làm mềm mỗi ngày, kể cả khi trẻ không có dấu hiệu bệnh chàm. Đặc biệt, hãy chắc chắn bôi chất dưỡng ẩm ngay sau khi tắm cho bé. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng da khô, giảm nguy cơ bùng phát bệnh chàm.
Ngoài ra, cha mẹ cần thường xuyên thay tã lót, đặc biệt là ngay khi trẻ đi vệ sinh để tránh gây kích ứng da.
Có rất nhiều loại kem dưỡng ẩm và chất làm mềm có sẵn . Vì vậy cha mẹ có thể lựa chọn các sản phẩm tại quầy thuốc mà không cần chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể nhất.
2. Băng kín vùng da bệnh
Nếu bé bị bệnh chàm nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị băng hoặc quấn kín vùng da bệnh. Biện pháp này có thể giúp giữ thuốc mỡ hay kem dưỡng da nào trên da bé. Ngoài ra, biện pháp cũng giữ ẩm cho da và ngăn bé không làm trầy xước các vết chàm.
Việc băng quấn vùng da bệnh cần nhận được sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý băng quấn các vùng da bệnh mà không được tư vấn cụ thể về hiệu quả và cách thực hiện.
3. Sử dụng kem Corticosteroid
Kem Corticosteroid thường được sử dụng để làm dịu các triệu chứng chàm ở trẻ sơ sinh. Có rất nhiều loại kem Corticosteroid có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, hãy trao đổi với bác sĩ để được kê toa phù hợp với tình trạng và độ tuổi của bé. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hướng dẫn cách sử dụng, liều lượng và thời gian dùng thuốc hợp lý để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa bùng phát.
Tuy nhiên, sử dụng kem Corticosteroid mạnh trong một thời gian dài đôi khi có thể gây ra tác dụng phụ, ví dụ như làm cho da mỏng hơn hoặc có màu nhạt hơn. Hầu hết các tác dụng phụ sẽ tự cải thiện khi bé ngưng sử dụng kem. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hãy đề nghị bác sĩ kê toa loại kem không quá mạnh và chỉ sử dụng kem khi cần thiết.
Trong trường hợp, bé bị bệnh chàm đặc biệt nghiêm trọng, bác sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng kem Corticosteroid ở giữa các đợt bùng phát, ví dụ hai lần một tuần . Điều này có thể giúp hạn chế nguy cơ tái phát bệnh. Tuy nhiên, chỉ áp dụng phương pháp khi được bác sĩ hướng dẫn, chỉ định
4. Sử dụng thuốc kháng Histamine
Các loại thuốc thường không được khuyên dùng để điều trị chàm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng bệnh khiến trẻ mất ngủ hoặc trẻ có xu hướng ngứa dữ dội về đêm, bác sĩ có thể kê các loại thuốc kháng Histamine.
Các loại thuốc này có thể hạn chế ngứa, viêm và giúp trẻ dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, không lạm dụng thuốc hoặc tự ý sử dụng thuốc cho trẻ khi không nhận được sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
5. Sử dụng chất ức chế hệ thống miễn dịch
Trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hoặc khi các biện pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định trẻ sử dụng chất ức chế hệ thống miễn dịch. Các loại thuốc có thể làm giảm hệ thống miễn dịch của trẻ để trẻ không phản ứng thái quá với các tác nhân vô hại và cải thiện các triệu chứng bệnh chàm.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, biện pháp này không được áp dụng cho trẻ sơ sinh để tránh các rủi ro và tác dụng phụ không mong muốn.
Trước khi sử dụng chất ức chế miễn dịch cho trẻ sơ sinh, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro mà phương pháp mang lại. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cần được theo dõi và hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ.
6. Sử dụng liệu pháp ánh sáng
Sử dụng quang trị liệu hoặc trị liệu bằng ánh sáng là việc sử dụng tia cực tím (UV) lên da để cải thiện các triệu chứng bệnh chàm.
Tuy nhiên, liệu pháp này thường không được khuyến khích sử dụng ở trẻ sơ sinh. Bởi vì biện pháp này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và hệ thống xương của trẻ.
Biện pháp ngăn ngừa bệnh chàm ở trẻ sơ sinh
Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh chàm ở trẻ sơ sinh là giữ ẩm cho làn da của bé. Tuy nhiên, có rất nhiều biện pháp có thể hỗ trợ ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh chàm như:
- Cắt ngắn móng tay của bé để tránh gây tổn thương cho da. Ngoài ra, có thể cho bé đeo các loại găng tay chống trầy xước để bảo vệ da của bé.
- Cho trẻ mặc quần áo bằng chất liệu thiên nhiên hoặc cotton. Tránh các sản phẩm bằng len hoặc các loại vải tổng hợp.
- Sử dụng các loại sữa tắm, xà phòng nhẹ nhàng, không gây kích ứng và có nguồn gốc từ thiên nhiên.
- Sử dụng bột giặt, nước tẩy rửa không gây kích ứng da. Ngoài ra, cần xả sạch các chất tẩy rửa trên quần áo của trẻ để tránh kích ứng da.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí trong nhà hoặc phòng ngủ của trẻ. Điều này có thể tránh gây không khí khô và kích thích bệnh chàm.
- Việc tiếp xúc với thú cưng có thể khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng. Do đó, không nên để bé tiếp xúc quá nhiều với thú nuôi trong nhà. Thường xuyên chải lông cho thú nuôi để tránh bụi bẩn và côn trùng.
- Tránh các loại thức ăn cụ thể có thể gây bùng phát bệnh chàm của trẻ.
Bệnh chàm là một tình trạng tương đối phổ biến ở trẻ. Tuy nhiên, bệnh có thể được cải thiện bằng thuốc và các biện pháp chăm sóc tại nhà. Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Ngày Cập nhật 12/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!