Các bước chăm sóc da nhạy cảm đúng cách – Bạn nên biết
Về cơ bản, các bước chăm sóc da nhạy cảm cũng tương tự như da bình thường. Tuy nhiên, trong từng bước thực hiện sẽ phải lưu ý một vài điều quan trọng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần trang bị cho mình một số nguyên tắc khi chăm sóc loại da khá đặc biệt này.
Nếu như các cách chăm sóc da dầu đòi hỏi sự kỹ lưỡng và kiên trì gấp đôi bình thường thì khi chăm sóc da nhạy cảm, các yếu tố này cần đến gấp ba hoặc gấp bốn. Nói như thế để bạn hình dung rằng đây là một công việc khá khó khăn và đòi hỏi sự thận trọng nếu muốn có một làn da đẹp.
Như thế nào được xem là da nhạy cảm?
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra trên bề mặt da luôn có một lớp màng bảo vệ tự nhiên. Nó giúp da chống lại một số loại vi khuẩn, nấm và bụi bẩn. Lớp màng này còn được gọi là Hydrolipid. Ở những người có làn da nhạy cảm, Hydrolipid sẽ mỏng hơn bình thường. Chính vì thế, da rất dễ bị kích ứng bởi các tác động bên ngoài.
Cụ thể, những tác động này là: môi trường ô nhiễm, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, một số sản phẩm chăm sóc da… Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác liên quan đến bệnh lý khiến da trở nên dễ bị tổn thương.
Khi bị kích ứng, da nhạy cảm sẽ có biểu hiện ngứa ngáy, nóng rát và cảm giác bị căng ra. Bên cạnh đó, trên bề mặt da sẽ xuất hiện những chấm nhỏ li ti hoặc các nốt mụn lớn chứa dịch nhầy bên trong.
Trước đây số người có da nhạy cảm không nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, những thay đổi từ thời tiết; thói quen sinh hoạt, ăn uống không khoa học và tình trạng lạm dụng mỹ phẩm đã khiến da của nhiều người trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Chăm sóc da nhạy cảm cần tuân theo một số nguyên tắc
Chăm sóc da nhạy cảm cần phải lưu ý nhiều vấn đề. Đặc biệt là quá trình hồi phục da sau khi bị tổn thương cần rất nhiều thời gian và sự kiên trì. Chính vì thế, nếu xác định da mình thuộc loại nhạy cảm thì bạn nên để ý nhiều hơn đến một số nguyên tắc quan trọng.
Lập danh sách những thành phần dễ gây dị ứng da
Tùy vào thể trạng của từng người, các chất gây dị ứng sẽ khác nhau. Bạn nên chú ý và nhớ lại những “thủ phạm” khiến da bạn bị kích ứng là gì. Lưu ý là không chỉ trong các loại sản phẩm chăm sóc da mà ngay cả trong thực phẩm cũng thế.
Riêng đối với các sản phẩm chăm sóc da, bạn cần quan tâm nhiều hơn đến top 5 thành phần đầu tiên. Bởi chúng thường chứa hàm lượng nhiều. Nếu không có trong danh sách các chất từng gây dị ứng da thì có thể dùng. Bạn nhớ kiểm tra ngay cả với những sản phẩm có thành phần từ thiên nhiên.
Ưu tiên những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên
Không khó để lý giải tại sao các sản phẩm chăm sóc da chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên luôn là xu hướng lựa chọn của rất nhiều người. Nó thường có giá thành cao nhưng đổi lại là tính an toàn. Nếu da bạn thuộc loại nhạy cảm thì tốt nhất là chỉ nên dùng các sản phẩm này thay vì hóa mỹ phẩm.
Thử nghiệm sản phẩm trước khi dùng trên diện rộng
Sau khi tìm được sản phẩm phù hợp và khá an toàn với da nhạy cảm của bản thân, bạn cũng đừng vội sử dụng nó. Thay vào đó, hãy thử trên một diện tích da nhỏ trước khi dùng. Nếu bạn dùng cho da mặt thì có thể thử một lượng nhỏ lên vùng da ở cổ. Sau ít nhất 48 giờ đồng hồ, nếu da không có biểu hiện gì bất thường thì bạn có thể yên tâm dùng nó trên diện rộng.
Có một lưu ý nhỏ là đối với những dòng sản phẩm dành riêng cho da nhạy cảm thường được đóng gói thành 2 loại: khối lượng nhỏ hoặc dùng thử và loại có khối lượng lớn. Nếu lần đầu sử dụng, bạn chỉ nên dùng dạng nhỏ để tiết kiệm chi phí nếu chẳng may nó không phù hợp với da của mình.
Cân nhắc khi dùng toner hoặc serum khi da đang bị dị ứng
Toner là nước cân bằng độ pH cho da. Serum là dung dịch có khả năng thẩm thấu tốt thường dùng để đặc trị một số vấn đề về da (thâm, mụn, nám…). Hai dung dịch này có trong các bước chăm sóc da cơ bản nói chung và cho da nhạy cảm nói riêng. Tuy nhiên, nếu da đang bị dị ứng thì bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
Tùy vào mức độ dị ứng và sức khỏe của da, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số loại thuốc dạng uống hoặc bôi ngoài da thích hợp. Nếu bạn dùng dung dịch làm thay đổi độ pH hoạt cấu trúc hoạt động của da có thể gây tương tác không tốt với thuốc điều trị. Trong một số trường hợp nó có thể khiến tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng hơn.
Thông thường, với những trường hợp dị ứng da, các bác sĩ khuyên chỉ nên làm sạch da đúng cách (với nước muối sinh lý hoặc dung dịch chuyên biệt). Các bước chăm sóc da nếu thực hiện thì thường chỉ có xịt khoáng. Việc dùng kem chống nắng cũng cần hỏi ý kiến của bác sĩ.
Nói tóm lại, da nhạy cảm vốn rất khó để chăm sóc. Nếu nó đang bị dị ứng thì càng khó hơn. Khi dùng bất kỳ sản phẩm nào lên da (dù ở dạng hóa mỹ phẩm hay tự nhiên) đều cần hỏi qua ý kiến của bác sĩ.
Chi tiết các bước chăm sóc da nhạy cảm
Các bước chăm sóc da nhạy cảm dưới đây chỉ áp dụng cho trường hợp da nhạy cảm không bị các tổn thương trên bề mặt.
Bước 1: Làm sạch
Làm sạch da bao gồm 2 bước: dùng nước tẩy trang và sữa rửa mặt. Mỗi ngày cần thực hiện 2 lần dù bạn có trang điểm hay không; đi ra ngoài hay ở nhà.
+Tác dụng khi dùng nước tẩy trang: Cuốn sạch các bụi bẩn, phấn trang điểm trên bề mặt và sâu trong lỗ cân lông. Mỗi lần chỉ cần dùng 2 – 3 giọt thấm vào bông gòn rồi lau lên mặt.
+Tác dụng của sữa rửa mặt: Đảm bảo da được loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn và bụi bẩn; giúp da mềm mịn hơn. Sau khi dùng nước tẩy trang thì rửa mặt với nước bình thường trước khi thoa sữa rửa mặt lên.
Đối với da nhạy cảm, bạn cần chọn nước tẩy trang không cồn và sữa rửa mặt không mùi. Độ pH của sản phẩm nên nằm ở mức trung bình (từ 5 đến 6). Chỉ nên rửa mặt ngày 2 lần (buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ).
Riêng đối với dạng sữa tạo bọt thì cần cho vào lòng bàn tay đánh tạo bọt trước khi thoa lên mặt. Bên cạnh đó, khi dùng bông gòn lau mặt hay dùng tay massage, bạn phải thực hiện nhẹ nhàng vì da nhạy cảm thường khá mỏng.
Bước 2: Toner
Ở nước ta, nhiều người gọi toner là nước hoa hồng. Về bản chất thì nó không sai. Thế nhưng loại nước cân bằng pH da này không chỉ có chiết xuất từ hoa hồng, người ta còn dùng một số nguyên liệu khác như hoa cúc hay trà xanh.
Khi chăm sóc da nhạy cảm, sau bước làm sạch sẽ đến bước dùng toner. Công dụng của nó đúng như tên gọi. Đó là cân bằng độ pH cho da. Ngoài ra, toner còn giữ ẩm, làm mềm da và se khít lỗ chân lông.
Để sử dụng toner cho da, bạn có thể dùng bông gòn thấm dung dịch rồi thoa lên da. Cách này dù đảm bảo vệ sinh nhưng không được nhiều người dùng. Thay vào đó, cách nhỏ vài giọt toner vào lòng bàn tay rồi vỗ nhẹ lên mặt được nhiều người sử dụng hơn. Dĩ nhiên là cần vệ sinh tay trước khi dùng toner.
Bước 3: Serum
Một số người có da quá nhạy cảm có thể không dùng được serum. Chính vì thế, bạn nên chú ý các nguyên tắc trước khi dùng. Có thể bỏ qua bước chăm sóc da này nếu da của bạn không thích hợp để dùng serum.
Trường hợp có thể dùng thì ban đầu chỉ nên sử dụng với lượng thật ít và tần suất thưa (mỗi tuần từ 1 – 3 lần). Khi da đã quen với các hoạt chất trong serum thì có thể dùng thường xuyên trong các bước chăm sóc da hằng ngày. Ngoài ưu tiên những loại serum có nguồn gốc tự nhiên, bạn còn chú ý chọn những loại dịu nhẹ và tăng cường sức đề kháng cho da.
Bước 4: Dưỡng ẩm
Như đã trình bày, màng Hydrolipid ở những người có da nhạy cảm rất mỏng. Chính vì vậy mà trong các chăm sóc da hằng ngày, bạn không nên bỏ qua bước dưỡng ẩm. Nếu chọn được sản phẩm phù hợp và kiên trì dưỡng ẩm da thường xuyên, lớp màng này sẽ nhanh chóng được hồi phục như bình thường. Khi đó, da sẽ ít bị kích ứng khi có yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài.
Khi chọn mua sản phẩm dưỡng ẩm cho da, bạn cần chọn loại gel với kết cấu mỏng và thấm nhanh. Tránh những loại có thành phần như: AHA, BHA, alcohol, retinoids hoặc fragrances. Nên dùng sản phẩm có thành phần từ vitamin E và C; chứa axit Hyaluronic; Ceramides; Niacinamide (một dạng vitamin B3) hoặc có chiết xuất từ trà xanh.
Bước 5: Chống nắng
Chống nắng cho da quan trọng tương đương với bước làm sạch hoặc dưỡng ẩm. Đối với da nhạy cảm, bạn cần chọn loại có kết cấu mỏng nhẹ và thành phần từ thiên nhiên. Nếu các bước chăm sóc da nhạy cảm mà thiếu đi công đoạn chống nắng cho da thì rất khó để bạn có được làn da đẹp.
Kem chống nắng ngoài tác dụng bảo vệ da trước tia bức xạ còn làm nhiệm vụ cấp ẩm. Bạn cần lưu ý là dù không ra ngoài hoặc chỉ làm việc trong phòng máy lạnh thì vẫn cần dùng kem chống nắng. Ngoài ra, dù đã thoa kem này rồi nhưng khi ra ngoài dưới trời nắng gắt thì vẫn nên che chắn kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, còn một điều quan trọng nữa là cần thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 20 phút.
Bước 6: Dùng xịt khoáng
Làn da nhạy cảm của bạn sẽ được bảo vệ hoàn hảo hơn nếu dùng xịt khoáng cho bước chăm sóc da cuối cùng. Tác dụng của nó là làm dịu da và giảm các kích ứng. Ngoài ra, xịt khoáng thường xuyên còn góp phần đẩy lùi tình trạng lão hóa ở da.
Nếu bạn làm việc trong phòng máy lạnh, thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử thì đừng quên xịt khoáng. Bởi da rất dễ bị mất nước. Thiếu độ ẩm cần thiết cho da là một trong những yếu tố khiến da dễ bị kích ứng.
Lưu ý chăm sóc da nhạy cảm để có làn da khỏe đẹp
- Nên tẩy tế bào chết cho da mỗi tuần 1 – 2 lần. Nên dùng loại có độ pH dưới 4. Chú ý không nên chà sát quá mạnh;
- Xông hơi chỉ nên thực hiện 2 – 3 lần/1 tuần. Đồng thời, nhiệt độ dùng để xông cho da nhạy cảm không nên quá 40 độ C;
- Khi bị mụn, bạn nên dùng sản phẩm đặc trị. Đợi cho mụn khô cùi rồi dùng tăm bông lấy ra. Không nên dùng tay nặn, nhất là khi mụn chưa già.
Trong sinh hoạt và ăn uống hằng ngày:
- Ngủ đủ giấc và không nên thức quá khuya. Nên ngủ trước 23h;
- Hạn chế sử dụng chất kích thích;
- Tránh để tinh thần căng thẳng quá mức;
- Ăn uống đủ chất;
- Bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày các loại rau củ quả tươi;
- Hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn các thực phẩm dễ gây dị ứng;
- Cung cấp từ 1,5 – 2 lít nước hằng ngày cho cơ thể.
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!