Chích ngừa viêm gan B: Những thông tin quan trọng cần biết
Chích ngừa viêm gan B là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay. Biện pháp này được áp dụng cho cả trẻ sơ sinh, trẻ lớn và người trưởng thành. Để hiểu rõ hơn về vaccine ngừa viêm gan B, bạn đọc có thể tìm hiểu một số thông tin quan trọng trong bài viết sau.
Một số thông tin về bệnh viêm gan B
Viêm gan B (viêm gan siêu vi B) là một trong những bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao. Khác với các bệnh truyền nhiễm thông thường, bệnh lý này không biểu hiện rõ rệt nên hầu hết bệnh nhân đều phát hiện và điều trị khi gan đã bị tổn thương nặng nề.
Virus gây bệnh (HBV – Hepatitis B virus) có thể lây qua hoạt động tình dục, lây nhiễm từ mẹ sang con và lây qua đường máu. Mặc dù có biểu hiện mờ nhạt nhưng bệnh lý này có mức độ nghiêm trọng và có thể gây ra các biến chứng nặng nề như ung thư gan, suy gan và xơ gan.
Hiện nay chưa có loại thuốc điều trị đặc hiệu đối với viêm gan siêu vi B. Tuy nhiên bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách tiêm vaccine phòng ngừa.
Công dụng & Cơ chế của vaccine ngừa viêm gan B
Mặc dù không có thuốc điều trị nhưng hiện nay đã có vaccine đặc hiệu đối với Hepatitis B virus. Tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng ngừa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh từ 90 – 95%. Biện pháp này có thể áp dụng cho cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và cả người trưởng thành.
Vaccine ngừa viêm gan B thực chất là các phân tử protein có trong bề mặt của chủng virus ái tính với HBV. Sau khi đi vào cơ thể, phân tử này chuyển đổi thành kháng nguyên (HbsAg), sau đó thúc đẩy hệ miễn dịch tạo ra kháng thể tương ứng nhằm đối kháng với HBV (anti-HBs). Ngoài khả năng ngăn ngừa viêm gan B, tiêm ngừa còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan D (bệnh viêm gan chỉ xảy ra ở những người nhiễm HBV).
Cơ thể chỉ chống lại Hepatitis B virus khi nồng độ kháng thể anti-HBs từ 10IU/l trở lên. Số lượng kháng thể tồn tại trong nhiều năm (khoảng 10 – 20 năm) nhưng có xu hướng thuyên giảm dần. Vì vậy cần xét nghiệm máu định kỳ 5 năm/ lần và tiêm bổ sung nếu cần thiết.
Chích ngừa viêm gan B – Chỉ định & Chống chỉ định
Các nhóm đối tượng được chỉ định tiêm vaccine ngừa viêm gan B:
- Người không có kháng thể ngừa HBV hoặc nồng độ kháng thể dưới 10mUI/ml
- Tất cả trẻ sơ sinh – đặc biệt là trẻ sơ sinh có mẹ mang mầm bệnh
- Điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm viêm gan B
- Người mắc các bệnh viêm gan mãn tính (gan nhiễm mỡ, viêm gan tự miễn, tăng men gan,…) hoặc viêm gan C
- Tiêm chích chất gây nghiện
- Nhân viên y tế phải tiếp xúc thường xuyên với dịch phẩm và máu
- Người thường xuyên phải truyền máu
- Người ghép tạng
- Người suy giảm miễn dịch
- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo
- Người có nguy cơ nhiễm viêm gan B cao như tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh hoặc quan hệ với người có HBsAg dương tính.
Tiêm vaccine ngừa viêm gan B là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất đối với HBV. Tuy nhiên biện pháp này chống chỉ định với các nhóm đối tượng sau:
- Người quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong vaccine
- Sốt nặng do nhiễm trùng
- Người đã nhiễm viêm gan B
- Đang bị nhiễm trùng cấp tính (cần điều trị dứt điểm trước khi tiêm)
- Tiền sử đa xơ cứng, lupus ban đỏ, hội chứng Guillain-Barrè và mắc các bệnh tự miễn khác
Hiện nay có nhiều loại vaccine ngừa viêm gan B với cơ chế hoạt động khác nhau. Do đó bạn nên thông báo với bác sĩ tiền sử bệnh lý và tình trạng sức khỏe để được tư vấn về loại vaccine và lịch tiêm phù hợp.
Chích ngừa viêm gan B cần bao nhiêu mũi?
Để có đủ kháng thể, cần chích đủ 3 – 4 mũi vaccine ngừa viêm gan B. Tuy nhiên sau khoảng 4 – 5 năm, bạn có thể chích thêm 1 mũi bổ sung (mũi nhắc lại) nhằm duy trì số lượng kháng thể ở mức ổn định và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm Hepatitis B virus.
1. Lịch tiêm vaccine ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh
Nếu mẹ của trẻ không bị nhiễm viêm gan B, nên tiêm vaccine trong 24 giờ đầu sau khi sinh. Trong trường hợp mẹ bị nhiễm viêm gan B, cần tiêm thêm kháng nguyên trong 24 giờ đầu để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Lịch tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan B cho trẻ có thể được thực hiện theo 2 phác đồ sau:
– Phác đồ 1: 0-1-2-12
- Mũi đầu tiên được tiêm trong 24 giờ đầu sau khi sinh (có thể tiêm phối hợp với huyết thanh kháng viêm gan B)
- Mũi thứ 2: Tiêm khi trẻ đủ 1 tháng tuổi
- Mũi thứ 3: Tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
- Mũi thứ 4: Tiêm cách mũi thứ 3 12 tháng
– Phác đồ 2: 0-1-6-18
- Tiêm trong vòng 24 giờ đầu sinh, có thể phối hợp với huyết thanh kháng viêm gan B nếu mẹ nhiễm bệnh
- Mũi thứ 2: Tiêm khi trẻ đủ 1 tháng tuổi
- Mũi thứ 3: Tiêm khi trẻ đủ 6 tháng tuổi
- Mũi thứ 4: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi
Từ mũi thứ 2 trở đi, có thể tiêm ngừa vaccine viêm gan B trong các mũi phối hợp. Kháng thể HBsAg và HBsAb sẽ giảm dần theo thời gian, do đó nên xét nghiệm kháng thể kháng viêm gan B 5 năm/ lần và tiêm nhắc lại khi cần thiết.
2. Lịch tiêm vaccine ngừa viêm gan B cho người trưởng thành và trẻ lớn
Đối với trẻ lớn và người trưởng thành, cần xét nghiệm máu nhằm xác định nồng độ kháng thể và xem xét có nhiễm bệnh hay chưa. Trong trường hợp đã nhiễm bệnh, việc tiêm vaccine phòng ngừa sẽ không đem lại hiệu quả. Lúc này, cần tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá tình trạng bệnh và can thiệp các biện pháp điều trị kịp thời.
Đối với những trường hợp chưa mắc bệnh và chưa có kháng thể hoặc số lượng kháng thể rất thấp, cần chích ngừa theo 1 trong 2 phác đồ sau:
– Phác đồ 0-1-6:
- Mũi thứ 2 cách mũi thứ 1 1 tháng
- Mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 5 tháng
– Phác đồ 0-1-2-12:
- 3 mũi đầu tiêm liên tục cách nhau 1 tháng
- Mũi thứ 4 cách mũi thứ 3 12 tháng
Ngoài ra sau mỗi 5 năm nên xét nghiệm viêm gan B để xác định nồng độ kháng thể. Nếu HBsAb < 10 mUI/ ml, cần tiêm thêm 1 mũi bổ sung.
3. Lịch tiêm ngừa khẩn cấp
Lịch tiêm ngừa viêm gan B khẩn cấp được thực hiện đối với những trường hợp nghi ngờ nhiễm virus HBV do chạm phải kim tiêm, tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh hoặc chuẩn bị đi vào vùng có số lượng người mắc bệnh cao.
Phác đồ tiêm ngừa vaccine viêm gan B khẩn cấp bao gồm 4 mũi:
- Mũi 1: Tiêm sớm nhất sau khi tiếp xúc với dịch phẩm hoặc máu của người nhiễm bệnh
- Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 7 ngày
- Mũi 3: Tiêm sau mũi thứ 2 cách 21 ngày
- Mũi 4: Tiêm nhắc lại cách mũi đầu tiên 12 tháng
Một số điều cần lưu ý trước khi tiêm vaccine ngừa viêm gan B
Trước khi tiêm ngừa viêm gan B, bạn nên lưu ý một số thông tin sau:
- Những trường hợp nhiễm trùng nhẹ vẫn có thể tiêm vaccine ngừa viêm gan B.
- Thời gian ủ bệnh của viêm gan B tương đối dài. Vì vậy một số trường hợp có thể nhiễm virus cả trước khi tiêm phòng. Trong trường hợp này, vaccine không có khả năng ngăn ngừa bệnh.
- Mức độ đáp ứng miễn dịch của vaccine còn phụ thuộc vào độ tuổi (nam giới trên 40 tuổi thường có đáp ứng kém), mắc bệnh tiểu đường, béo phì, nhiễm HIV/ AIDS, hút thuốc lá hoặc tiêm không đúng cách (tiêm dưới da hoặc tiêm ở mông).
- Cần xét nghiệm nồng độ kháng thể viêm gan B và tiêm bổ sung nếu có khả năng đáp ứng kém.
- Phụ nữ mang thai không được khuyến khích tiêm vaccine ngừa viêm gan B. Tuy nhiên thai phụ có nguy cơ nhiễm bệnh cao vẫn có thể tiêm nếu có sự cho phép của bác sĩ.
- Vaccine ngừa viêm gan B có thể làm giảm nguy cơ nhiễm viêm gan D nhưng không phòng ngừa các bệnh gan do siêu vi khác như viêm gan A, C và E.
Tác dụng phụ sau khi tiêm ngừa viêm gan B
Sau khi tiêm vaccine ngừa viêm gan B, cơ thể có khả năng xuất hiện một vài tác dụng không mong muốn. Trẻ nhỏ và người có thể trạng suy yếu là nhóm đối tượng dễ gặp phải tác dụng phụ hơn so với người khỏe mạnh.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Tại vị trí tiêm xuất hiện cơn đau thoáng qua, hồng ban và chai cứng da
- Chóng mặt
- Sốt nhẹ
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Viêm họng
- Xuất hiện triệu chứng tương tự cảm cúm
Tác dụng phụ ít gặp:
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Nôn mửa
- Thay đổi kết quả xét nghiệm chức năng gan
- Đau khớp
- Mề đay
- Phát ban
Tác dụng phụ rất hiếm gặp:
- Viêm mạch
- Co thắt phế quản
- Viêm thần kinh
- Hạ huyết áp
- Sốc phản vệ
Sau khi tiêm ngừa, bạn nên ở lại cơ sở y tế trong 30 phút. Sau đó yêu cầu nhân viên y tế kiểm tra vết tiêm và thân nhiệt để kịp thời xử lý khi xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Tiêm ngừa viêm gan B có phòng ngừa bệnh hoàn toàn?
Tiêm vaccine ngừa viêm gan B là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay. Nếu tiêm đầy đủ các mũi, kháng thể có thể duy trì trong 10 – 20 năm tùy vào thể trạng và cơ địa. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy, vaccine có khả năng ngăn bệnh đến 95% ở người trẻ và 90% ở người cao tuổi.
Như vậy ở một số ít trường hợp (2.5 – 5%) đã tiêm vaccine vẫn có khả năng nhiễm bệnh (trừ những trường hợp nhiễm virus trước khi chích ngừa). Do đó sau khi tiêm vaccine, bạn nên thực hiện đồng thời một số biện pháp phòng ngừa khác như:
- Kiểm tra nồng độ kháng thể 5 năm/ lần và tiêm bổ sung khi cần thiết.
- Quan hệ tình dục an toàn và nên chung thủy với một bạn tình.
- Không sử dụng chung kim tiêm hoặc sinh hoạt thân mật với người nhiễm bệnh.
- Tăng sức đề kháng bằng cách xây dựng lối sống khoa học, không sử dụng chất gây nghiện và từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
Chích ngừa viêm gan B hết bao nhiêu tiền?
Chi phí là một trong những vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên chi phí tiêm vaccine ngừa viêm gan B còn phụ thuộc vào độ tuổi. Ở trẻ nhỏ, chi phí 3 – 4 mũi dao động từ 300 – 500 nghìn đồng. Trong khi đó ở người lớn, chi phí cho 3 – 4 mũi có thể rơi vào khoảng 400 – 900 nghìn đồng. Ngoài ra, trước khi tiêm cần xét nghiệm máu với chi phí khoảng 200 – 300 nghìn đồng.
Trên thực tế, chi phí chích ngừa viêm gan B còn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng miễn dịch và cơ sở y tế thực hiện.
Chích ngừa viêm gan B ở đâu?
Hiện nay có khá nhiều bệnh viện và trung tâm y tế tiếp nhận tư vấn và tiêm vaccine ngừa viêm gan B. Bạn đọc có thể tìm đến một trong những địa chỉ uy tín sau:
- Bệnh viện Nhi Trung ương: Địa chỉ 18/879 Đường La Thành, Quận Đống Đa, Hà Nội. SĐT: 024 3834 3700
- Bệnh viện Việt Pháp: Địa chỉ 1 Đường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội. SĐT: 024 3577 1100
- Bệnh viện Từ Dũ: Địa chỉ 284 Đường Cống Quỳnh, Quận 1, TP HCM. SĐT: 028 5404 2829 – 028 3839 2722 – 028 3839 5117
- Viện Pasteur HCM: Địa chỉ 167 Đường Pasteur, Phường 8, Quận 3, TP HCM. SĐT: 028 3823 0352
- Bệnh viện Nhi đồng: Cơ sở 1 (Địa chỉ 341 Đường Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, TP HCM – SĐT: 028 3927 119); Cơ sở 2 (Địa chỉ 14 Đường Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM – SĐT: 028 3829 5723)
Viêm gan siêu vi B là một trong những bệnh lý về gan có mức độ nguy hiểm, chưa thể điều trị hoàn toàn và có khả năng đe dọa đến tính mạng, Vì vậy ngoài những biện pháp phòng ngừa thông thường, nên tiêm vaccine phòng ngừa cho chính bản thân và gia đình.
Tham khảo thêm: Có nên tiêm phòng viêm gan B khi mang thai?
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!