Viêm gan B cấp tính là gì? Có chữa khỏi được không?
Bệnh viêm gan B cấp tính nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ nhanh chóng chuyển biến sang giai đoạn mãn tính. Trong nhiều trường hợp còn dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, triệu chứng ban đầu của bệnh thường mờ nhạt, đòi hỏi bạn cần hết sức cẩn trọng để có thể sớm phát hiện và điều trị.
Viêm gan B cấp tính là gì?
Viêm gan B cấp tính là bệnh lý ngắn ngày thường xảy ra dưới 6 tháng sau khi người bệnh bị phơi nhiễm virus HBV. Ở trường hợp cấp tính, bệnh có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng như vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu, cơ thể mệt mỏi và có dấu hiện chán ăn.
Khi xét nghiệm có thể nhận thấy men gan có xu hướng tăng cao. Nếu trẻ em là đối tượng mắc bệnh thì triệu chứng sẽ có phần mờ nhạt hơn rất nhiều so với người lớn. Tùy thuộc vào độ tuổi và nhiều yếu tố mà khả năng phục hồi bệnh ở mỗi đối tượng là khác nhau.
Với những trẻ dưới 10 tuổi khi bị viêm gan B cấp thì có khoảng 90% virus HBV vẫn sẽ tồn tại âm thầm bên trong cơ thể. Còn với người lớn thì khả năng phục hồi bệnh hoàn toàn là khá cao, lên đến 90%. Tuy nhiên, nếu không sớm phát hiện và can thiệp điều trị thì bệnh có thể chuyển từ cấp tính sang mãn tính khiến cho quá trình chữa trị gặp rất nhiều khó khăn.
Các triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm gan B cấp tính
Những triệu chứng ban đầu của bệnh viêm gan B cấp tính thường rất mờ nhạt và giống với một số bệnh lý thông thường khác. Chính điều này đã gây ra không ít khó khăn cho việc phát hiện, nhiều người nhận ra bệnh thì đã quá trễ và bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính rất nhanh.
Cần chú ý đến một số triệu chứng đặc trưng dưới đây của bệnh viêm gan B cấp để kịp thời phát hiện khi bệnh khởi phát:
1. Sốt nhẹ
Khi bị nhiễm virus viêm gan B cấp thì người bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ vào những ngày đầu tiên. Bên cạnh đó, khi để ý bạn sẽ thấy tình trạng sốt thường rõ ràng hơn vào thời điểm buổi chiều. Tuy nhiên, triệu chứng này thường không nổi bật nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thường gặp khác.
2. Cơ thể mệt mỏi
Sau khi thâm nhập vào cơ thể thì virus HBV sẽ tấn công theo đường máu và tấn công các tế bào gan. Từ đó làm rối loạn chuyển hóa chức năng gan. Chính vì thế mà người bị viêm gan B cấp tính sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung. Trong nhiều trường hợp còn cảm thấy suy kiệt sức lực.
3. Rối loạn tiêu hóa
Nguyên nhân là do virus viêm gan B khiến cho các tế bào gan bị tổn thương. Người bệnh thường có các biểu hiện như chán ăn, ăn không ngon miệng hay đôi khi còn bị tiêu chảy. Khi đi tiểu sẽ dễ dàng nhận thấy nước tiểu sẫm màu hơn bình thường. Tuy nhiên những triệu chứng này quá phổ biến ở rất nhiều bệnh lý nên người bệnh thường không thực sự quan tâm và dễ dàng bỏ qua.
4. Sụt cân thể nhẹ
Nguyên nhân là do người bệnh ăn uống không ngon miệng và cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài thì cân nặng bị sụt giảm ở mức độ nhẹ là vấn đề khó tránh khỏi.
Ngoài những triệu chứng trên thì bệnh viêm gan B cấp tính còn gây ra một số triệu chứng lâm sàng khác. Dễ dàng nhận diện nhất chính là vàng da, vàng mắt…
Ở giai đoạn cấp tính, thời gian ủ bệnh viêm gan B là khoảng từ 1 – 6 tháng. Trong giai đoạn này, khoảng 90% hệ miễn dịch của người trưởng thành sẽ tự sản sinh kháng thể để chống lại virus HBV. Virus viêm gan B cấp sẽ bị diệt sạch và cơ thể người bệnh sẽ trở nên miễn nhiễm với loại virus này. Tuy nhiên, 10% còn lại có thể sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính rất khó kiểm soát.
Tiến triển của bệnh viêm gan B cấp tính
Virus HBV sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể sẽ bị nhân lên hay giảm đi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Điển hình như thời gian phát hiện bệnh và phản ứng miễn dịch của cơ thể…
Tình trạng bệnh có thể được cải thiện nhưng nhiều trường hợp bệnh lại trầm trọng hơn. Dưới đây là tiên lượng bệnh viêm gan B cấp theo nhận định từ các chuyên gia:
Phục hồi sau nhiễm trùng và tạo ra miễn dịch bảo vệ:
Trường hợp phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp phù hợp cùng với phản ứng miễn dịch của cơ thể tốt thì bệnh sẽ nhanh chóng hồi phục. Say khoảng vài tháng thì cơ thể sẽ loại bỏ được virus HBV. Đồng thời tạo được hệ miễn dịch bảo vệ suốt đời. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh viêm gan B cấp mà chỉ có các loại thuốc hỗ trợ điều trị.
Tiến triển thành viêm gan tối cấp:
Trường hợp viêm gan B cấp tiến triển thành viêm gan tối cấp là rất hiếm. Tỷ lệ ước tính chỉ vào khoảng 1% trên tổng số trường hợp mắc bệnh. Viêm gan tối cấp có thể khiến tế bào gan bị tổn thương nặng nề và dẫn tới suy gan. Thậm chí còn khiến người bệnh đối mặt với cái chết nếu không can thiệp điều trị kịp thời.
Tiến triển thành viêm gan B mạn tính:
Khi cơ thể không có đủ khả năng để loại bỏ virus gây bệnh thì viêm gan B thể cấp tính sẽ chuyển thành thể mạn tính. Hiện nay đã có thuốc kháng virus giúp chữa trị hiệu quả bệnh viêm gan B mạn tính nhưng người bệnh vẫn cần chú ý theo dõi và kiểm tra chức năng gan định kỳ. Cần nhớ rằng, có đến 1/4 người bị viêm gan B bị tử vong do xơ gan, suy gan hay ung thư gan.
Chẩn đoán bệnh viêm gan B cấp tính như thế nào?
Để chẩn đoán viêm gan B cấp, trước tiên bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng lâm sàng mà người bệnh gặp phải. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để đưa ra chẩn đoán xác định. Một số xét nghiệm sau thường sẽ được chỉ định:
- Xét nghiệm HBsAg: HBsAg chính là loại kháng nguyên bề mặt của virus HBV. Nếu kết quả cho thấy HBsAg (+) thì cơ thể người bệnh đang bị nhiễm virus viêm gan B.
- Xét nghiệm Anti-HBs: Mục đích của việc thực hiện xét nghiệm này là để kiểm tra khả năng miễn dịch đối với virus HBV. Nếu một người đã được tiêm ngừa vắc xin viêm gan B hay đã bị nhiễm virus HBV và khỏi bệnh thì cơ thể sẽ tự tạo ra kháng thể để chống lại virus và xét nghiệm anti-HBs sẽ cho ra kết quả dương tính. Nồng độ Anti-HBs >10mUI/ml được nhận định là có tác dụng tốt trong việc bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B.
Bên cạnh đó, để xác định mức độ và hiện trạng bệnh, bác sĩ có thể sẽ phải chỉ định thêm các xét nghiệm khác. Phải kể đến như xét nghiệm HBeAg, Anti-HBe, Anti-HBc, xét nghiệm men gan AST, ALT… để xác định lượng virus, khả năng nhân lên của virus và đánh giá chức năng gan. Từ đó mới có thể đưa ra được hướng điều trị phù hợp.
Điều trị viêm gan B cấp tính
Đối với bệnh viêm gan B khi còn ở giai đoạn cấp tính thì thường sẽ không cần sử dụng đến thuốc điều trị. Người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc tại nhà để nâng cao đề kháng và miễn dịch cho cơ thể. Từ đó giúp cơ thể tự sản sinh ra kháng nguyên để kiểm soát và tiêu diệt virus.
Cần chú ý đến các vấn đề sau đây để nhanh chóng khắc phục bệnh viêm gan B cấp tính:
1. Thiết lập chế độ ăn khoa học
Duy trì một chế độ ăn uống khoa học chính là liều thuốc tự nhiên tốt cho sức khỏe, giúp nâng cao đề kháng và miễn dịch để chống lại bệnh tật. Đối với quá trình điều trị bệnh viêm gan B cấp thì chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, người bệnh viêm gan B cấp cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Điều này không chỉ tốt cho sức đề kháng và hệ miễn dịch mà còn giúp thanh lọc cơ thể, phục hồi chức năng gan tốt hơn.
Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, đặc biệt là các loại trái cây có hàm lượng vitamin C cao như cam, bưởi, táo, ổi, quýt… Bên cạnh đó, một số thảo dược tự nhiên như lá sen, trà xanh, atiso… cũng rất tốt cho quá trình điều trị bệnh.
Ngoài ra, người bệnh cần chú ý hạn chế dung nạp các loại thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đến chức năng hoạt động của gan. Điển hình như thực phẩm giàu cholesterol, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng…
2. Dành thời gian nghỉ ngơi
Trong suốt quá trình điều trị viêm gan B cấp, người bệnh cần dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi sẽ giúp phục hồi miễn dịch và làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Đồng thời cần thực hiện một số biện pháp nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần, bao gồm:
- Tránh làm việc quá sức, nhất là làm việc vào buổi tối.
- Đảm bảo ngủ đủ mỗi ngày 7 – 8 giờ đồng hồ, tránh thức khuya sau 23 giờ tối.
- Tránh xa những căng thẳng, mệt mỏi, stress cả trong công việc lẫn cuộc sống.
- Có thể đọc sách, nghe nhạc, luyện tập yoga… để tinh thần được thoải mái, kiểm soát tốt căng thẳng.
3. Uống đủ nước
Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày chính là thói quen tốt giúp bạn duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Khi đang mắc bệnh viêm gan B cấp, bác sĩ chuyên khoa khuyên rằng người bệnh cần uống đủ từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày.
Việc uống đủ nước sẽ hỗ trợ cho quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể diễn ra tốt hơn. Giúp làm tăng sức đề kháng cũng như cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể. Từ đó kích thích cơ thể sản sinh kháng nguyên để chống lại virus HBV. Đồng thời thải độc cho gan và thanh lọc cơ thể, nhờ đó mà phục hồi tốt chức năng hoạt động của gan.
4. Thường xuyên thăm khám
Việc thường xuyên thăm khám trong quá trình điều trị viêm gan B cấp được các bác sĩ chuyên khoa nhận định là vấn đề rất quan trọng. Thăm khám theo lịch hẹn sẽ giúp bác sĩ có thể kiểm soát được diễn tiến của bệnh. Từ đó sẽ kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị khi có vấn đề bất thường, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng phát sinh.
Viêm gan B cấp tính là bệnh lý nghiêm trọng dễ chuyển biến phức tạp nếu không sớm phát hiện và điều trị đúng cách. Tốt nhất khi phát hiện những triệu chứng bất thường của cơ thể nghi ngờ mắc bệnh cần thăm khám bác sĩ ngay. Nghiêm túc điều trị theo hướng dẫn từ bác sĩ sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt triệu chứng, nhanh chóng đẩy lùi virus HBV.
Có thể bạn quan tâm:
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!