Cách Chữa Đau Thần Kinh Liên Sườn Bằng Đông Y
Cách chữa đau dây thần kinh liên sườn bằng Đông y có thể làm giảm triệu chứng lâm sàng, cải thiện sức khỏe tổng thể và tác động đến căn nguyên gây bệnh. Tuy nhiên so với thuốc Tây, bài thuốc Đông y thường có tác dụng chậm nên cần phải kiên trì khi áp dụng.
Quan niệm Đông y đối với bệnh đau dây thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn là tình trạng đau nhức ở vùng mạn sườn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo y học hiện đại, bệnh thường xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý xương khớp như thoái hóa cột sống, ung thư cột sống, lao cột sống, chấn thương hoặc có thể là hệ quả do vận động mạnh, mang thai và tư thế xấu.
Theo Đông y, đau thần kinh là chứng hiếp thống, xảy ra do can khí uất kết, kinh mạch khí huyết trì trệ và bế tắc. Ngoài ra, bệnh cũng có thể khởi phát do phong hàn lưu trú trong kinh mạch khiến huyết ứ, khí bất thông, dẫn đến tình trạng đau nhức dây thần kinh liên sườn và các cơ quan xung quanh.
Biểu hiện dễ nhận biết của chứng bệnh này là tình trạng 2 bên sườn đau tức – mức độ đau tăng lên khi ho và hắt hơi. Ngoài ra, bệnh còn gây ra một số triệu chứng như chân tay lạnh, căng thẳng, ăn uống kém, giảm hiệu suất lao động, bụng đầy trướng,…
Hiện nay, Tây y chủ yếu điều trị bệnh lý này bằng cách sử dụng thuốc làm giảm triệu chứng. Ngược lại, Đông y kết hợp giữa cải thiện triệu chứng và giải quyết căn nguyên gây bệnh. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc Đông y tương đối chậm và phụ thuộc phần lớn vào yếu tố cơ địa.
Ưu – khuyết điểm khi chữa đau dây thần kinh liên sườn bằng Đông y
Mỗi biện pháp điều trị đều tồn tại những ưu điểm và mặt hạn chế nhất định. Để lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng.
Ưu điểm khi chữa đau dây thần kinh liên sườn bằng Đông y:
- Nguyên liệu lành tính, tương đối an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng
- Đem lại hiệu quả lâu dài hơn so với thuốc Tây
- Không gây độc lên gan, thận và các cơ quan nội tạng
Mặt hạn chế khi chữa đau dây thần kinh liên sườn bằng Đông y:
- Tác dụng chậm nên cần kiên trì thực hiện trong một thời gian dài
- Hiệu quả phụ thuộc nhiều vào cơ địa
- Một số bài thuốc chưa được chứng minh về mức độ hiệu quả và tính an toàn
Ngoài ra, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể về hướng điều trị phù hợp.
Bài thuốc Đông y chữa đau thần kinh liên sườn
Khác với Tây y, Đông y điều trị đau thần kinh liên sườn theo từng thể bệnh riêng biệt. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến bạn có thể tham khảo, bao gồm:
1. Thể can uất kết
Thể can uất kết là thể đau thần kinh liên sườn xảy ra do tạng Can (gan) bị tổn thương, uất trệ và kém lưu thông khí huyết. Thể bệnh này điển hình bởi triệu chứng đau tức vùng liên sườn kèm theo các triệu chứng như ngủ chập chờn, khó ngủ, ăn uống kém, tiểu đỏ, cảm giác đầy trướng, da vàng, đắng miệng và tính tình gắt gỏng.
Đối với đau dây thần kinh liên sườn thể can uất kết, Đông y sử dụng các thảo dược có tác dụng chỉ thống, an thần, trục ứ thông lạc, hòa can lý khí và sơ can để giảm triệu chứng và giải phóng ứ trệ ở gan.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị uất kim, cam thảo, chi tử và đan bì mỗi thứ 10g, sài hồ, hương phụ, bạch thược mỗi thứ 12g, đại hoàng 6g và trinh nữ 16g. Mỗi ngày dùng 1 thang, sắc 3 lần và chia thành 3 lần uống.
- Bài thuốc 2: Dùng rau má và nam tục đoạn mỗi thứ 20g, xương bồ, đương quy và kim ngân hoa mỗi thứ 12g, hồng hoa 6g, chỉ xác 10g. Sắc uống 3 lần, mỗi ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 3 (bài thuốc đắp): Dùng lá ngải cứu sao với đồng tiện, sau đó dùng vải gói lại và đắp lên vùng đau nhức. Khi thuốc nguội thì đem sao lại và tiếp tục đắp thêm 2 – 3 lần.
- Bài thuốc 4: Chuẩn bị đinh lăng, cát căn và cây xấu hổ mỗi thứ 16g, chi tử 10g, cam thảo, cà gai leo, bạch thược, sài hồ, đương quy và nam hoàng bá mỗi thứ 12g. Ngày dùng 1 thang, sắc 3 lần và uống 3 lần.
- Bài thuốc 5: Chuẩn bị can khương 4g, cam thảo, hương phụ và bạc hà mỗi thứ 6g, uất kim, thanh bì, đan sâm, bạch linh, sài hồ, bạch thược và bạch truật mỗi thứ 8g. Sắc uống mỗi ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 6: Dùng trần bì, chỉ xác, trích thảo, đan sâm, uất kim, xuyên khung và thanh bì mỗi thứ 8g, quy xuyên, bạch thược, sài hồ, bạch linh và bạch truật mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
2. Thể phong hàn thấp
Chứng hiếp thống thể phong hàn thấp xảy ra do phong hàn xâm nhập kết hợp thấp nhiệt bên trong cơ thể khiến khí huyết ứ trệ, vận hành kém và gây đau tức vùng liên sườn. Thể bệnh này còn gây ra một số triệu chứng khác như ăn ngủ kém, đắng miệng, đầy trướng, chậm chạp, khó ngủ động, chân tay lạnh,…
Nguyên tắc điều trị thể bệnh này là hành khí hoạt huyết, khu phong tán hàn kết hợp với bổ thần kinh và an thần.
- Bài thuốc 1: Dùng kinh giới, hoàng kỳ, phòng sâm và ngũ gia bì mỗi thứ 12g, tế tân và quế mỗi thứ 8g, trinh nữ, ngải diệp, nam tục đoạn và tang ký sinh mỗi thứ 16g, phòng phong và thiên niên kiện mỗi thứ 10g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang, sắc 3 lần và uống 3 lần.
- Bài thuốc 2: Ngũ gia bì, độc hoạt, đan sâm, đương quy và kinh giới mỗi thứ 12g, cẩu tích, thiên niên kiện, quế và đỗ trọng mỗi thứ 10g, hắc táo nhân, nam tục đoạn và trinh nữ mỗi thứ 16g. Ngày dùng 1 thang, sắc 3 lần và uống 3 lần.
- Bài thuốc 3: Dùng tô mộc 20g, tần giao, trần bì, cam thảo, xuyên khung và uất kim mỗi thứ 10g, tang ký sinh, đương quy, hương phụ (chế) và tục đoạn mỗi thứ 12g, hồng hoa 6g, kê huyết đằng 16g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
- Bài thuốc 4 (ngâm rượu): Chuẩn bị xuyên khung, đương quy, ngũ gia bì, tục đoạn, đan sâm, đỗ trọng, thương truật, bạch linh, phòng sâm, hắc táo nhân, bạch truật, cam thảo và viễn chí mỗi thứ 30g, thiên niên kiện và quế mỗi thứ 15g, xương bồ 24g. Đem các dược liệu thái nhỏ, sau đó cho vào bình sành và ngâm với 3 lít nước. Ngâm trong vòng 12 ngày là dùng được (trong thời gian ngâm nên thỉnh thoảng lắc bình). Mỗi lần uống 25 – 30ml, ngày dùng 2 lần.
- Bài thuốc 5: Dùng uất kim, phòng phong, chỉ xác, khương hoạt, xuyên khung, bạch chỉ và quế chi mỗi thứ 8g, đan sâm 12g và thanh bì 6g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
3. Thể huyết ứ
Đau dây thần kinh liên sườn thể huyết ứ thường xảy ra do chấn thương. Thể bệnh này chỉ gây đau tại một vị trí cố định nhưng mức độ đau nặng nề hơn so với các thể khác. Pháp trị thể huyết ứ là sử dụng bài thuốc có tác dụng hoại huyết và trục ứ.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị cam thảo, đại hoàng và xuyên sơn giáp mỗi thứ 8g, thiên hoa phấn 24g, đào nhân và hồng hoa mỗi thứ 12g, sài hồ 16g, đương quy 20g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 2: Dùng cam thảo 4g, cát cánh, xuyên khung và chỉ sác mỗi thứ 8g, sinh địa 20g, sài hồ, hồng hoa, ngưu tất và đào nhân mỗi thứ 10g, quy đầu và xích thược mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
4. Thể huyền ẩm
Thể huyền ẩm là tình trạng nước đọng bên trong ngực sườn. Thể bệnh này thường xảy ra do uống nước nhiều nhưng nước không di chuyển xuống thận mà ứ đọng tại vùng ngực, gây đau và vướng mắc.
Đau dây thần kinh do thể huyền ẩm thường xuất hiện cơn đau lan tỏa – mức độ đau tăng lên khi ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra thể bệnh này còn đặc trưng bởi tình trạng rêu lưỡi trắng, hơi thở gấp và mạch trầm huyền.
- Chuẩn bị: Nguyên hoa, đại kích và cam toại mỗi thứ 12g, táo 10 quả.
- Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
5. Can kinh thấp nhiệt
Đau thần kinh liên sườn do can kinh thấp nhiệt xảy ra do thấp nhiệt nung nấu khiến can kinh uất kết và sinh ra cơn đau. Thể bệnh này gây đau dai dẳng ở vùng sườn phải, cơn đau khởi phát từng cơn và có thể lan tỏa ra toàn bộ ngực và lưng.
Ngoài ra, thể can kinh thấp nhiệt còn gây nôn mửa, miệng đắng họng khô, nóng rét, đại tiện bí kết, tiểu tiện vàng đỏ,… Thể bệnh này thường gặp ở người bị viêm gan, xơ gan hoặc ứ mật.
- Chuẩn bị: Táo 12 quả, bạch thược và hoàng cầm mỗi thứ 12g, sinh khương và bán hạ mỗi thứ 20g, sài hồ 32g, chỉ thực 10g, đại hoàng 8g.
- Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
6. Can huyết hư – can thận âm hư
Đau thần kinh liên sườn do can huyết hư và can thận âm hư thường xảy ra ở người ốm đau lâu ngày khiến sức khỏe suy giảm, mất nhiều máu, chức năng gan thận bị ảnh hưởng, khí huyết bất túc,… Thể bệnh này gặp nhiều ở người cao tuổi và phụ nữ sau khi sinh đẻ.
Với thể can huyết hư – can thận âm hư, Đông y sử dụng phối hợp các thảo dược giảm đau kết hợp thảo dược bổ máu để tăng huyết dịch và nhu hòa can thận.
- Chuẩn bị: Bắc sa sâm, mạch đông và đương quy mỗi thứ 12g, sinh địa 14 – 60g, xuyên luyện tử 6g, câu kỷ tử 24g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang (có thể gia giảm liều lượng tùy theo tiến triển bệnh).
Một số lưu ý khi áp dụng
Các bài thuốc Đông y chữa đau dây thần kinh liên sườn được áp dụng tương đối phổ biến. Tuy nhiên trước khi áp dụng biện pháp này, bạn nên lưu ý một số thông tin sau:
- Đau dây thần kinh liên sườn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng thuốc, cần thay đổi một số thói quen xấu như mang vác nặng, lười vận động, tư thế sai lệch,…
- Các bài thuốc Đông y thường có tác dụng chậm. Do đó trong những trường hợp cần thiết, nên sử dụng thuốc Tây để giảm đau và kiểm soát triệu chứng trong thời gian ngắn nhất.
- Hiệu quả của các bài thuốc Đông y phụ thuộc nhiều vào cơ địa. Nếu không nhận thấy cải thiện lâm sàng, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn các biện pháp điều trị khác.
- Khi dùng bài thuốc Đông y, nên thực hiện đều đặn để được đạt hiệu quả tối ưu.
- Cần phối hợp biện pháp điều trị với các mẹo chăm sóc như tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học và sinh hoạt điều độ.
- Để tăng tác dụng điều trị, có thể áp dụng đồng thời bài thuốc Đông y với biện pháp xoa bóp và bấm huyệt.
- Những người mắc bệnh mãn tính, đang có thai hoặc cho con bú, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện.
Chữa đau dây thần kinh liên sườn bằng Đông y có tác dụng làm giảm triệu chứng và cải thiện căn nguyên gây bệnh. Tuy nhiên trên thực tế, một số bài thuốc lưu truyền chưa được chứng thực về tính an toàn và mức độ hiệu quả. Vì vậy để hạn chế rủi ro phát sinh, bạn nên tham vấn y khoa trước khi thực hiện.
Tham khảo thêm: Những cây thuốc Nam chữa đau thần kinh tọa tốt nhất
Ngày Cập nhật 05/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!