Đau Dây Thần Kinh Liên Sườn Uống Thuốc Gì?
Thuốc giảm đau Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ vân, vitamin nhóm B,… là một số loại thuốc trị đau thần kinh liên sườn thường được sử dụng. Tuy nhiên, các loại thuốc này không tác động đến căn nguyên của bệnh mà chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng lâm sàng.
Bị đau dây thần kinh liên sườn uống thuốc gì?
Đau dây thần kinh liên sườn là cơn đau xuất phát ở đoạn tủy ngực đến bờ dưới của xương sườn. Tình trạng này thường xảy ra do vận động sai tư thế, ảnh hưởng của không khí lạnh hoặc có thể là hệ quả do lao cột sống, thoái hóa cột sống, chấn thương cột sống, zona thần kinh,…
Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nhưng cơn đau có thể kéo dài, gây mệt mỏi, khó chịu, mất ngủ, suy giảm thể trạng và hiệu suất làm việc. Để làm giảm chứng đau dây thần kinh liên sườn, bạn có thể tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định một số loại thuốc sau:
1. Thuốc giảm đau Paracetamol
Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Loại thuốc này tương đối lành tính, có thể sử dụng cho cả trẻ nhỏ và phụ nữ cho con bú. Trong điều trị đau dây thần kinh liên sườn, thuốc có thể được sử dụng để làm giảm cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình.
Ngoài ra, thuốc Paracetamol còn giúp hạ sốt đối với trường hợp đau dây thần kinh liên sườn do zona thần kinh (một dạng nhiễm trùng thứ phát do virus thủy đậu gây ra).
Chống chỉ định:
- Người có vấn đề về thận, gan, tim và phổi
- Người bị thiếu máu nhiều lần
- Người thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase
- Quá mẫn với Paracetamol
Bên cạnh đó, cần thận trọng khi sử dụng Paracetamol nếu có tiền sử nghiện rượu.
2. Thuốc chống viêm không steroid
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng thay thế cho Paracetamol trong trường hợp không có đáp ứng. NSAID hoạt động bằng cách ức chế cyclooxygenase, từ đó ức chế quá trình tổng hợp chất trung gian gây viêm – prostaglandin nhằm giảm viêm, cải thiện cơn đau và hạ sốt (tác dụng yếu). Tuy nhiên, do hoạt động ức chế cyclooxygenase nên NSAID có thể làm tăng nguy cơ viêm loét và xuất huyết dạ dày.
Chống chỉ định:
- Suy gan, suy thận nặng
- Tiền sử xuất huyết tiêu hóa
- Dị ứng với thành phần trong thuốc
- Bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng tiến triển
Một số loại thuốc chống viêm không steroid có tác dụng ngưng tập kết tiểu cầu và kéo dài thời gian đông máu. Vì vậy nếu bị rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được cân nhắc về việc sử dụng loại thuốc này.
3. Thuốc giãn cơ vân
Thuốc giãn cơ vân (Mydocalm, Myonal) thường được sử dụng trong trường hợp cơn đau thần kinh liên sườn có mức độ nghiêm trọng và đi kèm với hiện tượng co rút. Nhóm thuốc này có cơ chế hoạt động tương đối phức tạp. Tuy nhiên qua một số nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy thuốc giãn cơ vân ức chế tín hiệu dẫn truyền của dây thần kinh, từ đó ức chế phản xạ đơn synap và đa synap.
Đối với bệnh đau dây thần kinh liên sườn, bác sĩ thường chỉ định thuốc giãn cơ vân ở liều thấp để giảm nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.
Chống chỉ định:
- Người bị bệnh nhược cơ
- Quá mẫn với thành phần của thuốc
- Trẻ em
- Chống chỉ định tương đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thai kỳ và người đang cho con bú
Người có các bệnh lý liên quan đến dạ dày – tá tràng nên ăn no trước khi dùng thuốc. Nếu dùng cho người già và trẻ nhỏ, phải tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ để dự phòng các tình huống rủi ro.
4. Thuốc điều trị đau thần kinh
Thuốc điều trị đau thần kinh nhóm Gabapentin thực chất là nhóm thuốc chống co giật. Tuy nhiên, nhóm thuốc này còn có tác dụng giảm đau đối với những trường hợp có tổn thương rễ và dây thần kinh.
Gabapentin được dùng điều trị đau thần kinh cho người từ 18 tuổi trở lên và bắt buộc phải sử dụng từ liều thấp, sau đó tăng dần đến khi đạt được hiệu quả như mong muốn. Do tác động đến hệ thần kinh trung ương nên thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như choáng váng, chóng mặt, thiếu tập trung,…
Chống chỉ định:
- Người dưới 18 tuổi
- Quá mẫn với thành phần của thuốc
5. Viên uống chứa vitamin nhóm B
Vitamin nhóm B (B1, B6 và B12) có vai trò quan trọng đối với cơ thể nói chung và tế bào thần kinh nói riêng. Đây là nhóm thuốc bổ sung được sử dụng nhằm làm giảm một số triệu chứng của bệnh đau dây thần kinh liên sườn như mệt mỏi, thiếu tập trung, thiếu máu,…
Ngoài ra, vitamin nhóm B còn hỗ trợ nuôi dưỡng tế bào thần kinh, sản xuất máu, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện các vấn đề tâm lý. Mặc dù là loại thuốc hỗ trợ nhưng bổ sung vitamin B quá mức có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng nhóm thuốc này khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
6. Thuốc kháng histamine H1
Thuốc kháng histamine H1 được sử dụng trong trường hợp đau dây thần kinh liên sườn xảy ra do bệnh zona. Thuốc có tác dụng ức chế histamine nhằm làm giảm hiện tượng viêm, phù nề, ngứa ở da và niêm mạc.
Đối với bệnh zona thần kinh, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kháng histamine H2 như Promethazin hydroclorid, Loratadin, Fexofenadine,… Thuốc kháng histamine H1 có khả năng dung nạp tốt và độc tính thấp nên không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng khi sử dụng nếu bị suy gan, suy thận, đang mang thai hoặc cho con bú.
Nhóm thuốc này có thể gây buồn ngủ, đau đầu, khô miệng và mất tập trung, vì vậy cần hạn chế vận hành máy móc, đưa quyết định quan trọng và tham gia giao thông trong thời gian sử dụng. Bên cạnh đó, nên chải răng 3 lần/ ngày để giảm nguy cơ sâu răng do thuốc làm giảm bài tiết nước bọt.
Trên thực tế, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác tùy vào triệu chứng và mức độ bệnh ở từng trường hợp.
Lưu ý khi dùng thuốc chữa đau dây thần kinh liên sườn
Sử dụng thuốc là biện pháp điều trị chính đối với bệnh đau dây thần kinh liên sườn. Tuy nhiên biện pháp này chỉ giúp làm giảm cơn đau và cải thiện một số triệu chứng đi kèm. Vì vậy khi dùng thuốc, bạn cần lưu ý một số thông tin quan trọng sau:
- Các loại thuốc điều trị đau dây thần kinh liên sườn đều có khả năng gây ra tác dụng phụ và một số rủi ro nghiêm trọng. Vì vậy bạn nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
- Tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về liều lượng, loại thuốc và thời gian sử dụng.
- Các loại thuốc có khả năng tương tác và dẫn đến hiện tượng tăng hoặc giảm tác dụng điều trị. Do đó nên thông báo với bác sĩ tất cả loại thuốc đang sử dụng để hạn chế tình trạng nói trên.
- Đau dây thần kinh liên sườn thực chất là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy, bạn nên thăm khám để xác định bệnh lý nguyên nhân và can thiệp điều trị y tế trong thời gian sớm nhất.
- Nếu xảy ra do thói quen xấu, nên thay đổi tư thế, giảm cân, hạn chế mang vác nặng và tập thể dục thường xuyên để giảm mức độ chèn ép lên rễ thần kinh ở tủy lưng.
- Giữ ấm cơ thể và hạn chế di chuyển ngoài trời khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
- Với bệnh zona thần kinh, nên kết hợp thuốc điều trị đau dây thần kinh liên sườn với các loại thuốc sát trùng tại chỗ, thuốc kháng virus,… Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh cơ thể, hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia và căng thẳng thần kinh.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Đau dây thần kinh liên sườn uống thuốc gì?”. Tuy nhiên thông tin trên chỉ có giá trị tham khảo. Nhằm hạn chế rủi ro và tác dụng phụ, bạn đọc nên tìm gặp bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp với mức độ bệnh lý, tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng.
Tham khảo thêm: Cách chữa đau thần kinh liên sườn bằng thuốc Đông Y
Ngày Cập nhật 06/03/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!