Cách Dùng Dầu Dừa Xử Lý Viêm Da Cơ Địa Đơn Giản Hiệu Quả
Ngoài tác dụng chăm sóc da và tóc, dầu dừa còn được sử dụng để chữa viêm da cơ địa. Với hàm lượng axit béo và chất chống oxy hóa dồi dào, dầu dừa có thể làm giảm tình trạng khô ráp, bong tróc, ngứa ngáy và thúc đẩy tốc độ phục hồi ở vùng da tổn thương.
Công dụng chữa viêm da cơ địa của dầu dừa
Dầu dừa là tinh dầu tự nhiên được sử dụng trong chế biến món ăn, chăm sóc da, tóc và hỗ trợ điều trị các bệnh da liễu. Với hàm lượng axit béo cao, dầu dừa có tác dụng dưỡng ẩm sâu, làm mềm và dịu vùng da kích ứng hiệu quả hơn so với các tinh dầu tự nhiên khác.
Ngoài ra, nguyên liệu này còn chứa hàm lượng axit lauric dồi dào. Axit lauric có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và nấm, đặc biệt là Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) và Candida albicans (nấm hạt men) – các tác nhân gây nhiễm trùng da thường gặp.
Bên cạnh đó, các polyphenol (chất chống oxy hóa) trong dầu dừa còn kích thích tổng hợp collagen giúp duy trì độ săn chắc của da, phục hồi các tế bào hư tổn và làm chậm quá trình lão hóa.
Với những tác dụng kể trên, dầu dừa được sử dụng phổ biến trong chăm sóc da và tóc. Hiện nay, nguyên liệu này còn được tận dụng để điều trị viêm da cơ địa và một số bệnh da liễu khác như vảy nến, viêm da tiết bã nhờn,…
Sử dụng dầu dừa chữa viêm da cơ địa có tác dụng làm mềm da, dưỡng ẩm, cải thiện tình trạng khô ráp, nứt nẻ, bong tróc và ngăn ngừa hiện tượng bội nhiễm. Bên cạnh đó, mẹo chữa này còn giúp phục hồi tế bào, tăng sức đề kháng và bảo vệ da trước các yếu tố kích thích.
5 Cách dùng dầu dừa chữa viêm da cơ địa đơn giản tại nhà
Có khá nhiều cách dùng dầu dừa chữa viêm da cơ địa. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu, phải áp dụng công thức phù hợp với giai đoạn phát triển của bệnh.
Dưới đây là một số mẹo chữa viêm da cơ địa từ dầu dừa dễ thực hiện:
1. Sử dụng dầu dừa đơn lẻ
Nếu tổn thương da khô ráp, bong tróc và ngứa ngáy nhẹ, bạn có thể dùng dầu dừa đơn lẻ để làm mềm da, dưỡng ẩm và tái tạo các tế bào hư tổn. Ngoài ra, sử dụng dầu dừa thường xuyên còn giúp phục hồi lớp màng lipid trên bề mặt và tăng cường chức năng miễn dịch của da.
Ngoài tác dụng dưỡng ẩm và giảm ngứa do viêm da cơ địa, mẹo chữa này còn giúp làm chậm quá trình lão hóa và hạn chế hình thành nếp nhăn.
Hướng dẫn thực hiện:
- Làm sạch vùng da cần điều trị với nước sạch
- Sử dụng 1 ít dầu dừa thoa đều lên tay
- Xoa 2 bàn tay nhẹ nhàng để dầu nóng lên và thoa trực tiếp lên vùng da điều trị
- Massage trong khoảng 1 – 2 phút để dầu thẩm thấu vào tế bào da
- Có thể để dầu dừa qua đêm và rửa lại vào sáng hôm sau hoặc rửa lại sau 15 – 20 phút
2. Kết hợp dầu dừa với bột nghệ
Mẹo kết hợp dầu dừa và bột nghệ thích hợp với người bị viêm da cơ địa ở mặt. Ngoài khả năng làm mềm da, giảm viêm và dưỡng ẩm, công thức này còn có tác dụng ngăn ngừa thâm sẹo, làm đều màu da và ngăn ngừa lão hóa. Bên cạnh đó, bột nghệ còn chứa beta-carotene và curcumin có tác dụng chống oxy hóa, tiêu trừ sắc tố melanin và tăng sức đề kháng cho da.
Hướng dẫn thực hiện:
- Trộn đều 2 thìa dầu dừa với ½ thìa bột nghệ
- Làm sạch da mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ
- Sau đó thoa hỗn hợp lên da trong khoảng 10 – 15 phút
- Massage nhẹ nhàng trong vòng 1 phút và rửa lại với nước ấm
- Nên thực hiện công thức này từ 2 – 3 lần/ tuần
Lưu ý: Cách dùng dầu dừa và bột nghệ chữa viêm da cơ địa có thể gây vàng da. Vì vậy, bạn nên cân nhắc trước khi thực hiện.
3. Trị viêm da cơ địa với dầu dừa và dầu ô liu
Đối với các trường hợp viêm da cơ địa có tổn thương da khô nhiều, bong tróc, nứt nẻ và dày sừng, nên phối hợp dầu dừa với dầu ô liu.
Dầu ô liu chứa hàm lượng polyphenol và oxit oleic dồi dào, có tác dụng giữ ẩm cho da, hạn chế quá trình thoát hơi nước và phục hồi màng lipid trên bề mặt. Ngoài ra, dầu ô liu cũng có tác dụng kháng khuẩn và ức chế hoạt tính của các loại nấm men.
Hướng dẫn thực hiện:
- Trộn dầu ô liu và dầu dừa theo tỷ lệ 1:1
- Làm sạch vùng da cần điều trị
- Sau đó thoa trực tiếp dầu lên da
- Để trong 15 phút và rửa lại với nước ấm
Mặc dù có khả năng dưỡng ẩm cao nhưng công thức từ dầu dừa và dầu ô liu có thể gây bít tắc lỗ chân lông và gây mụn. Do đó, bạn nên rửa sạch với nước ấm sau 15 phút và hạn chế để trong thời gian dài.
4. Công thức từ mật ong và dầu dừa
Mật ong chứa hydro peroxide có tác dụng sát trùng, khử khuẩn và kháng nấm. Bên cạnh đó, hoạt chất phytonutrients trong nguyên liệu này còn giúp ức chế vi khuẩn và tăng tốc độ phục hồi các mô da hư tổn. Vì vậy, kết hợp mật ong và dầu dừa có thể tăng tác dụng điều trị viêm da cơ địa. Áp dụng mẹo chữa này thường xuyên giúp làm giảm tổn thương da, hạn chế tình trạng nhiễm trùng và rút ngắn thời gian điều trị.
Ngoài công dụng hỗ trợ điều trị viêm da cơ địa, bạn có thể sử dụng công thức từ dầu dừa và mật ong để làm giảm tổn thương da do viêm da tiết bã, vảy nến, viêm da dị ứng,…
Hướng dẫn thực hiện:
- Trộn đều 2 thìa dầu dừa với ½ thìa mật ong
- Làm sạch vùng da tổn thương và lau khô với khăn sạch
- Sau đó thoa hỗn hợp lên da và rửa sạch sau 15 phút
- Nên áp dụng công thức này từ 3 – 4 lần/ tuần
5. Thêm dầu dừa vào chế độ dinh dưỡng
Viêm da cơ địa là bệnh da liễu mãn tính và dễ tái phát. Mặc dù chỉ gây triệu chứng ngoài da nhưng bệnh lý này có cơ chế khởi phát tương đối phức tạp. Nghiên cứu cho thấy, bệnh chỉ xảy ra ở những trường hợp có cơ địa dị ứng và bùng phát tổn thương da khi xuất hiện các yếu tố kích thích như suy nhược cơ thể, giảm hệ miễn dịch, căng thẳng thần kinh, rối loạn nội tiết, tiếp xúc với chất dị ứng,…
Do đó bên cạnh các biện pháp điều trị tại chỗ, bạn nên bổ sung dầu dừa vào chế độ dinh dưỡng để tác động toàn diện đến tiến triển của bệnh.
Dầu dừa chứa hàm lượng dinh dưỡng và chất chống oxy hóa dồi dào, có khả năng cải thiện sức đề kháng, tăng cường sức khỏe và giảm mức độ mẫn cảm của hệ miễn dịch. Ngoài ra, nguyên liệu này còn giúp nuôi dưỡng da từ sâu bên trong, hỗ trợ giảm viêm và ngứa ngáy.
Điều trị viêm da cơ địa bằng dầu dừa hiệu quả không?
Sử dụng dầu dừa trị viêm da cơ địa là mẹo chữa đơn giản, tương đối lành tính và dễ thực hiện. Mẹo chữa này được chỉ được thực hiện khi bệnh chuyển sang giai đoạn bán cấp và mãn tính.
Tuyệt đối không sử dụng dầu dừa hay các nguyên liệu tự nhiên trong giai đoạn cấp vì ở giai đoạn này, tổn thương da có xu hướng viêm đỏ, phù nề, nổi nhiều mụn nước, rỉ dịch và lở loét. Nếu áp dụng trong giai đoạn cấp, da có thể bị kích ứng mạnh, chậm lành hoặc thậm chí là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Dầu dừa là nguyên liệu thiên nhiên nhưng đã được chứng minh về hiệu quả chăm sóc da. Tuy nhiên thảo dược này chỉ có tác dụng dưỡng ẩm da và hỗ trợ làm giảm một số triệu chứng do viêm da cơ địa gây ra như viêm đỏ, ngứa ngáy, bong tróc, khô ráp và nứt nẻ. Mẹo chữa từ dầu dừa không thể cải thiện tình trạng dày sừng và thâm nhiễm da.
Vì vậy, bạn cần tránh phụ thuộc vào mẹo chữa này. Thay vào đó, nên phối hợp với biện pháp y tế và chế độ chăm sóc khoa học để phục hồi da và rút ngắn thời gian điều trị.
Một số điều cần lưu ý khi thực hiện
Khi sử dụng dầu dừa chữa viêm da cơ địa, bạn nên lưu ý một số thông tin sau:
- Hiệu quả điều trị viêm da cơ địa chỉ được đảm bảo khi sử dụng dầu dừa nguyên chất. Dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc đã qua pha tạp thường đem lại cải thiện không rõ rệt hoặc thậm chí gây kích ứng và viêm nhiễm.
- Chỉ thực hiện mẹo chữa từ dầu dừa khi tổn thương da lành hẳn. Không áp dụng mẹo chữa này khi da lở loét, chảy máu, rỉ dịch hay phù nề.
- Cách dùng dầu dừa chữa viêm da cơ địa chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm tổn thương da. Vì vậy bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát triệu chứng hoàn toàn.
- Nếu da có hiện tượng viêm đỏ, tụ mủ và sưng nóng, tuyệt đối không tự ý áp dụng các mẹo chữa từ thảo dược tự nhiên. Trong trường hợp này, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời.
- Viêm da cơ địa chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy bên cạnh các biện pháp điều trị, bạn nên chăm sóc da đúng cách, hạn chế tiếp xúc với dị nguyên, tránh dùng thực phẩm dễ gây dị ứng và kiểm soát căng thẳng thần kinh.
Dùng dầu dừa chữa viêm da cơ địa có thể làm giảm tình trạng da khô ráp, dày sừng, nứt nẻ và ngứa ngáy. Tuy nhiên để kiểm soát bệnh hoàn toàn, bạn nên phối hợp với các biện pháp điều trị y tế, xây dựng chế độ chăm sóc và lối sống lành mạnh.
Tham khảo thêm: Mỡ trăn trị viêm da cơ địa có thực sự hiệu quả?
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!