Đau nhức xương khớp ở người trẻ – Nguyên nhân và cách điều trị
Đau nhức xương khớp là bệnh lý thường xuyên xảy ra ở những người cao tuổi. Nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này là do lão hóa, thoái hóa, bệnh tuổi già, loãng xương. Tuy nhiên ngày nay, hiện tượng đau nhức xương khớp ở người trẻ cũng xuất hiện rất phổ biến. Vậy nguyên nhân khiến người trẻ tuổi bị đau nhức xương khớp là gì? Phương pháp điều trị? Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này.
Nhận biết đau nhức xương khớp ở người trẻ
Đau nhức xương khớp là tên gọi thể hiện cho toàn bộ triệu chứng khó chịu hình thành tại hệ thống xương khớp. Cụ thể như: Tê bì, nhức mỏi, sưng khớp, cứng khớp, khả năng vận động suy yếu, khó khăn khi di chuyển… Tình trạng này có thể hình thành và phát triển dựa trên nhiều nguyên nhân khác nhau. Bao gồm chấn thương, thói quen sinh hoạt và nguyên nhân bệnh lý.
Khi bị đau nhức xương khớp, người bệnh có thể đối mặt với những triệu chứng khó chịu sau:
- Khớp xuất hiện dấu hiệu đỏ và sưng
- Xảy ra tình trạng đau nhức ở khớp. Triệu chứng này có thể xuất hiện ở một khớp hoặc cũng có thể xảy ra đồng thời ở nhiều khớp
- Đau nhức nặng nề khi vận động
- Khi sờ vào khớp có cảm giác vị trí này ấm hơn so với những vùng da xung quanh
- Cảm thấy khó khăn khi xoay người
- Tê mỏi vai gáy và lưng dưới
- Một số khớp có thể phát ra âm thanh.
Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp ở người trẻ
Bệnh đau nhức xương khớp ở người trẻ có thể hình thành và phát triển do những nguyên nhân sau:
Lười vận động
Lười vận động là một thói quen xấu nhưng xuất hiện phổ biến ở những người trẻ tuổi. Đặc biệt là tài xế lái xe và những người làm công việc văn phòng. Ngày nay, thói quen vận động và những hoạt động sinh hoạt thường ngày đều có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các loại máy móc và thiết bị hiện đại. Chính vì thế những người trẻ tuổi thường có xu hướng ít vận động, lệ thuộc vào những trang thiết bị hơn so với bình thường.
Lười vận động có thể góp phần khiến cân nặng của bạn tăng cao, làm giảm độ linh hoạt, sự dẻo dai và sức chịu đựng của xương khớp. Đồng thời rất dễ gây đau nhức. Trong tường hợp bạn vẫn duy trì thói quen lười vận động, tình trạng thoái hóa khớp xương có thể xảy ra. Hơn thế khớp xương của bạn sẽ bị hư hại trong một thời gian ngắn.
Thừa cân – béo phì
Theo thống kê, số lượng người thừa cân béo phì trong những năm gần đây có xu hướng tăng cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, nước ngọt có ga và lười vận động.
Việc bạn không thể kiểm soát được cân nặng của mình khiến cân nặng tăng lên quá mức có thể gây ra những tác động xấu đối với huyết áp và tim mạch. Bên cạnh đó, việc cân nặng tăng lên còn khiến xương khớp bị chèn ép và phải chịu áp lực lớn. Đặc biệt là đốt sống thắt lưng và khớp gối.
Chế độ dinh dưỡng không phù hợp
Dây chằng, cơ, sụn, khớp và các xương đều cần dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, sản sinh tế bào mới và phục hồi những tổn thương. Chính vì thế, nếu bạn không cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể cũng như cho hệ thống xương khớp, cơ quan này sẽ dần bị suy yếu và thường xuyên phát sinh ra cơn đau.
Theo những thống kê được thực hiện gần đây, người trẻ thường có xu hướng ăn uống bừa bãi, thường xuyên sử dụng thực phẩm ngọt và ưu tiên lựa chọn những bữa ăn tiện lợi. Cụ thể như: Đồ ăn đóng hộp, thức ăn nhanh… Tuy nhiên đây đều là những loại thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ, muối và chất bảo quản rất không tốt cho sức khỏe, gây hại cho xương khớp. Mặt khác chúng lại có giá trị dinh dưỡng thấp.
Nếu bạn duy trì thói quen ăn uống không phù hợp trong một thời gian dài, không chỉ hệ cơ xương khớp của bạn bị suy yếu, thường xuyên đau nhức mà sức khỏe tổng thể của bạn cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chế độ ăn uống không khoa học, không lành mạnh còn thúc đẩy cân nặng của bạn tăng cao. Đồng thời gây nên các bệnh về tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp cao…
Hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia
Hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia được xếp vào danh sách những nguyên nhân chính khiến tình trạng đau nhức xương khớp xảy ra ở người trẻ tuổi. Ngoài việc tác động và gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến phổi và gan, nicotine và một số chất độc khác có trong khói thuốc lá có thể khiến quá trình hấp thụ canxi diễn ra bên trong cơ thể bị cản trở. Điều này làm tăng nguy cơ đau nhức cơ thể và dẫn đến hiện tượng thưa xương.
Ngoài ra, nicotine trong khói thuốc lá và lượng cồn trong rượu bia còn có khả năng thúc đẩy quá trình sản sinh gốc tự do. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Đồng thời làm tăng nguy cơ mắc phải những bệnh lý, vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bao gồm: Huyết áp cao, bệnh Alzheimer, rối loạn miễn dịch, thoái hóa khớp…
Tư thế sai lệch
Vận động, đứng, ngồi đều là những tư thế thường xuyên tác động và có ảnh hưởng đến trực tiếp đối với hệ xương khớp. Đặc biệt là cột sống, khớp háng và khớp gối. Tuy nhiên, nếu bạn duy trì những tư thế xấu, áp lực lên hệ thống xương khớp sẽ tăng lên đáng kể. Điều này không chỉ khiến khớp bị tổn thương mà còn kích thích và gây ảnh hưởng đến các cơ, kích thích dây chằng và những mô mềm bao xung quanh.
Việc bạn duy trì những tư thế sai lệch trong một thời gian dài sẽ khiến xương khớp của bạn thường xuyên có cảm giác đau nhức. Bên cạnh đó, nguy cơ mắc bệnh vẹo cột sống, viêm khớp gối, đau thần kinh tọa và một số bệnh xương khớp khác cũng tăng cao.
Ngoài ra, tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ còn xuất hiện nếu bị chấn thương khi tham gia giao thông, chấn thương khi làm việc hoặc chơi thể thao, mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh viêm khớp vảy nến…
Cách điều trị đau nhức xương khớp ở người trẻ
Tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ chủ yếu hình thành và phát triển do lối sống và những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh. Chính vì thế, bạn cần thay đổi một số thói quen xấu song song việc áp dụng những biện pháp giúp cải thiện cơn đau.
Chườm ấm hoặc chườm lạnh giúp giảm đau nhức xương khớp
Chườm lạnh là một trong những biện pháp giảm đau xương khớp được sử dụng rộng rãi nhờ tính an toàn. Biện pháp giảm đau này phù hợp với những người có cơn đau nhức xuất hiện đồng thời với biểu hiện nóng rát, sưng đỏ… Nhiệt độ lạnh phát ra từ túi chườm có khả năng tác động và làm giảm co mạch máu. Từ đó giúp cải thiện tình trạng viêm, giảm lưu lượng máu về khớp và giảm đau.
Ngoài ra, đối với những bệnh nhân có cơn đau nhức xương khớp xuất hiện đồng thời cùng với tình trạng mỏi khớp và tê bì, bạn nên tiến hành chườm ấm. Không giống với biện pháp chườm lạnh, chườm ấm giúp không gian trong ổ khớp được giãn nở. Đồng thời kích thích và thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu về cơ quan này. Từ đó cải thiện tình trạng đau nhức, nhức mỏi và tê bì xương khớp.
Trong trường hợp bạn bị đau nhức toàn thân, bạn nên ngâm và tắm với nước ấm. Hoạt động này sẽ giúp các mạch máu ngoại vi và hệ thống xương khớp của bạn được thư giãn. Do đó sau khi tắm, tình trạng đau nhức và một số triệu chứng khó chịu khác sẽ thuyên giảm.
Sử dụng thuốc điều trị đau nhức xương khớp khi cần thiết
Ngoài biện pháp chườm nóng/chườm lạnh, người bệnh cũng có thể cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp bằng việc sử dụng một số loại thuốc. Những loại thuốc bạn có thể dùng gồm:
- Paracetamol: Paracetamol là một loại thuốc giảm đau có tác dụng cải thiện tình trạng đau nhức toàn thân. Loại thuốc này phù hợp với những người có cơn đau nhức xương khớp đang ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, nếu bạn đang có những vấn đề về thận và gan, bạn nên tránh sử dụng thuốc giảm đau Paracetamol.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Trong trường hợp cơn đau của bạn có đáp ứng kém với thuốc giảm đau Paracetamol hoặc/và có cơn đau kéo dài, bạn có thể sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để làm giảm tình trạng đau nhức. Tuy nhiên bạn cần phải cẩn thận khi sử dụng loại thuốc này. Bởi mặc dù có khả năng giảm đau tốt nhưng những loại thuốc thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid có thể gây tổn thương thận, loét dạ dày, tổn thương tim… nếu bạn lạm dụng thuốc trong một thời gian dài.
- Miếng dán Salonpas: Miếng dán Salonpas là thuốc chống viêm và giảm đau được sử dụng trực tiếp lên những vị trí đang bị đau nhức. Bên trong thuốc là hoạt chất L-Menthol và hoạt chất Methyl salicylate có tác dụng giảm đau và gây tê tại chỗ. Tuy nhiên miếng dán Salonpas chỉ được sử dụng cho những bệnh nhân có vùng da không bị xây xát và không có vết thương hở.
Người bệnh có thể tìm mua các loại thuốc mang tác dụng giảm đau nhức xương khớp ở những quầy bán thuốc tư nhân. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra bạn chỉ nên dùng thuốc khi tình trạng đau nhức xương khớp của bạn không có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù đã áp dụng biện pháp chườm nóng, chườm lạnh và đã dành thời gian nghỉ ngơi. Bởi việc tự ý sử dụng thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Thường xuyên tập thể dục để cải thiện cơn đau và nâng cao sức khỏe xương khớp
Sử dụng thuốc giảm đau, chườm nóng, chườm lạnh đều là những biện pháp mang tác dụng giảm đau tạm thời. Chính vì thế song song với những biện pháp giảm đau nêu trên, bạn nên thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe xương khớp và cải thiện cơn đau. Bên cạnh đó việc thường xuyên tập thể dục còn giúp bạn tăng cường cơ bắp, tăng cường sức khỏe tổng thể và nâng cao hệ miễn dịch.
Nếu bạn duy trì thói quen luyện tập thể dục, cân nặng của bạn sẽ được kiểm soát một cách hiệu quả, tránh dẫn đến hiện tượng thừa cân và béo phì. Ngoài ra, việc bạn thường xuyên hoạt động thể chất còn thúc đẩy quá trình tái tạo các mô xương hư tổn và kích thích quá trình hấp thụ canxi.
Giảm đau nhức xương khớp bằng cách điều chỉnh các tư thế xấu
Duy trì tư thế xấu là một nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ. Nếu kéo dài thói quen này, bạn còn có nguy cơ cao đối mặt với tình trạng viêm khớp, thoái hóa khớp, thoái vị đĩa đệm… Chính vì thế, để bảo vệ sức khỏe xương khớp và cải thiện tình trạng đau nhức, bạn cần điều chỉnh tất cả những tư thế sai lệch.
Đầu tiên, tư thế đứng và tư thế ngồi của bạn cần phải thay đổi nhằm giảm bớt sự chèn ép, áp lực lên thắt lưng và cột sống. Sau đó, bạn nên chú ý tư thế của mình khi mang vác các vật cồng kềnh hoặc mang vác vật nặng.
Thay đổi thói quen thiếu lành mạnh giúp cải thiện cơn đau nhức xương khớp
Nếu những cơn đau nhức xương khớp của bạn xuất hiện từ lối sống thiếu lành mạnh, bạn cần loại bỏ ngay các thói quen xấu để tình trạng đau nhức xương khớp của bạn được cải thiện. Đồng thời dự phòng các bệnh mãn tính và nâng cao sức khỏe.
Bạn cần thay đổi những thói quen sau để cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ:
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia. Bởi đây đều là những thói quen khiến hệ thống xương khớp của bạn bị suy giảm, làm tăng tỉ lệ xuất hiện những cơn đau nhức nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia còn mang nhiều tác động xấu đến hệ thần kinh trung ương, cơ quan hô hấp và tiêu hóa.
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh. Bạn cần đảm bảo rằng trong mỗi bữa ăn của mình có đủ nước, năng lượng, vitamin, chất xơ, tinh bột và đạm. Bạn cần hạn chế sử dụng nước ngọt có ga, thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, thực phẩm nhiều dầu mỡ…
- Ưu tiên sử dụng những nhóm thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất tốt cho xương khớp như vitamin C, canxi, đạm, omega 3, khoáng chất… Ngoài ra, để giảm đau, tránh tình trạng co cứng khớp và khô khớp, bạn nên uống đủ 2 lít nước/ngày.
- Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức. Mỗi ngày bạn chỉ nên làm việc từ 7 – 9 tiếng. Bạn cần dành từ 1 – 2 tiếng để thư giãn và nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, bạn cần đảm bảo giấc ngủ của mình được kéo dài ít nhất 6 tiếng đồng hồ và nên ngủ trước 23 giờ.
Tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ thường xuất hiện với mức độ nhẹ. Bên cạnh đó sau khi thay đổi những thói quen xấu, cơn đau sẽ mau chóng thuyên giảm. Đối với những trường hợp người bệnh để cơn đau kéo dài, không có biện pháp can thiệp, tình trạng đau nhức xương khớp có thể phát triển mạnh. Đồng thời thúc đẩy quá trình thoái hóa xương khớp diễn ra một cách nhanh chóng hơn.
Ngày Cập nhật 06/09/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!