Hoa Thiên Lý Và Những Tác Dụng Tuyệt Vời Đối Với Sức Khỏe
Hoa thiên lý là một loại thảo dược không chỉ sử dụng để làm thuốc mà còn được dùng để chế biến thành một số món ăn. Trong Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt, tính bình, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, tăng cường hệ miễn dịch, trị an thần, chứng mất ngủ, thích hợp sử dụng mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh và người lớn tuổi.
- Tên gọi khác: Hoa lý, Dạ lài hương,…
- Tên khoa học: Telosma cordata (Burm.f.) Merr. Asclepias cordata
- Họ: Thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae)
1. Đặc điểm sinh thái cây thiên lý
+ Mô tả:
Cây thiên lý là cây dây leo thường mọc ở những cánh rừng thưa có nhiều cây bụi nhỏ hoặc to. Trên thân cây hơi có những sợi lông tơ nhỏ, nhất là những cành còn non. Lá thuôn dài, mọc đơn, hình trái tim, màu xanh lục, đầu lá nhọn. Lá có lông nhỏ trên gân lá, phiến lá dài khoảng 6 – 10 cm và rộng khoảng 6 -8 cm. Cuống lá có lông.
Hoa thường mọc thành chùm to từ 8 – 20 hoa và có thể hơn, hoa thường mọc ở nách lá. Hoa có màu xanh nhạt hoặc màu vàng ở cánh hoa. Mỗi bông hoa có 5 cánh hoa. Cuống hoa dài khoảng 0,5 – 1,5 cm, cuống có lông măng. Tràng hoa thường có màu xanh lục và ánh vàng, chúng dài khoảng 10 mm rộng 4 – 5 mm. Cây thiên lý thường ra hoa vào mùa hè, dao động từ tháng 6 – 9 hằng năm, và con người có thể thu hoạch vào sau thời điểm đó.
+ Phân bố:
Cây thiên lý được trồng rải rác ở nước ta, nhất là các tỉnh miền Bắc, chủ yếu để làm cảnh và thực phẩm. Bên cạnh đó, loại cây này cũng được tìm thấy ở nhiều nước thuộc khí hậu nhiệt đới, điển hình là các nước thuộc châu Á như: Trung Quốc, Philippin, Thái Lan, Ấn Độ, Indonexia, Malaysia,… Ngoài ra, cây thiên lý cũng được tìm thấy ở châu Âu và Nam Mỹ.
2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng: Dùng phần hoa thiên lý để bào chế thành thuốc hoặc chế biến thành một số món ăn.
Thu hái: Hoa thiên lý thường được thu hoạch vào mùa hè hằng năm. Bởi vì, mùa hè là thời điểm cây thiên lý ra hoa.
Chế biến: Hoa thiên lý sau khi thu hoạch hoặc tìm mua cần rửa sạch nhiều lần bằng nước để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn trước khi sử dụng. Hoa thiên lý có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc dạng khô, tuy nhiên, việc sử dụng hoa thiên lý tươi được sử dụng nhiều hơn.
Bảo quản: Bảo quản nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nếu sử dụng không hết, bạn có thể cất trữ trong bọc kín rồi bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh để sử dụng qua ngày. Đối với hoa thiên lý dạng khô, bạn cần cất trữ trong bọc kín và bảo quản nơi thoáng mát.
3. Thành phần hóa học
Hoa thiên lý được giới chuyên môn đánh giá là loại thực phẩm có nhiều giá trị dinh dưỡng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là thành phần kẽm có trong hoa thiên lý chiếm khá cao. Ngoài ra, trong hoa thiên lý còn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe khác như:
- Chất xơ
- Chất đạm
- Bột đường
- Vitamin C
- Vitamin nhóm B (như B1, B2,…)
- Vitamin PP
- Tiền vitamin A (caroten)
- Canxi
- Sắt
- Phốt pho
4. Tính vị và quy kinh
Trong Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt, tính bình và được quy vào kinh Can và Tâm.
5. Cách dùng và liều dùng
+ Cách dùng: Tùy vào từng bài thuốc tương ứng với từng bệnh lý mà cách sử dụng có thể khác nhau. Bạn có thể sử dụng ở dạng độc vị hoặc phối hợp cùng với một số thực phẩm hay thảo dược khác.
+ Liều dùng: Mỗi ngày sử dụng 15 – 30 gram hoa thiên lý tươi.
Những công dụng của hoa thiên lý đối với sức khỏe của con người
Theo y học cổ truyền, hoa thiên lý được đánh giá là loại thảo dược rất tốt cho sức khỏe của con người, kể cả trẻ sơ sinh và người lớn tuổi với những công dụng sau:
- Bổ cơ thể, thanh nhiệt, giải độc;
- Tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho những đối tượng ốm yếu, suy nhược cơ thể;
- An thần, giúp ngủ ngon, hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ;
- Phòng ngừa tình trạng rôm sảy ở trẻ nhỏ;
- Chữa mụn nhọt;
- Hỗ trợ điều trị giun kim;
- Hỗ trợ giảm cân;
- Hỗ trợ điều trị chứng đau nhức xương khớp, nhức mỏi cơ thể.
Một số cách dùng hoa thiên lý để cải thiện sức khỏe trong Đông y
Ngoài công dụng làm cảnh đẹp, hoa thiên lý còn được dân gian trồng để thu hái bào chế thành thuốc chữa bệnh và làm thực phẩm không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng.
Dưới đây là một số bài thuốc từ hoa thiên lý, bạn có thể tham khảo và áp dụng điều trị:
1. Phòng chống rôm sảy ở trẻ sơ sinh, trẻ em
- Đem một nắm hoa thiên lý rửa sạch hoặc ngâm cùng với một ít nước muối pha loãng;
- Sau đó đem nấu cùng với một ít thịt nạc hoặc nấu canh không để cho trẻ dùng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng cả phần lá và hoa thiên lý để nấu cháo, bột cho trẻ dùng để trị chứng rôm sảy. Lưu ý, trước khi tiến hành nấu cháo hoặc bột, bạn cần nghiền nhỏ lá và hoa trước khi chế biến.
2. Giảm mệt mỏi, giúp ngủ ngon, an thần
- Chuẩn bị hoa thiên lý cùng với lá vông nem mỗi vị 30 gram;
- Đem hai nguyên liệu này rửa sạch nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn;
- Bắt lên bếp một nồi nước lọc;
- Khi nước sôi cho hai loại nguyên liệu đã được làm sạch để nấu thành canh, nêm nếm một ít gia vị đủ dùng hoặc theo sở thích của bản thân.
3. Chữa chứng nhức mỏi xương khớp, cơ thể thường xuyên bị đau nhức
- Chuẩn bị 300 – 400 gram hoa thiên lý non cùng với 100 – 150 gram thịt bò;
- Hoa thiên lý cần được rửa sạch hoặc ngâm cùng với nước muối pha loãng khoảng 5 – 10 phút rồi vớt ra để ráo;
- Thịt bò cũng được làm sạch và ướp cùng với một số gia vị;
- Bắt lên bếp một cái chảo rồi cho một ít dầu ăn. Khi dầu nóng, cho thịt bò vào xào chín;
- Tiếp tục cho hoa thiên lý vào xào nhanh tay rồi tắt bếp;
- Trình bày ra dĩa và có thể sử dụng kèm với cơm trắng nóng.
Ngoài liệu pháp này, bạn cũng có thể sử dụng hoa thiên lý non để chấm cùng với muối vừng cũng có tác dụng tương tự như món thịt bò xào hoa thiên lý.
4. Chữa chứng hoa mắt, chóng mặt, cơ thể thường xuyên mệt mỏi
- Chuẩn bị hoa thiên lý và bạch cúc mỗi vị 10 gram; rau má và lá đinh lăng mỗi vị 8 gram cùng với 12 gram cây ngải cứu;
- Đem toàn bộ các nguyên liệu đã được chuẩn bị rửa sạch nhiều lần với nước để loại bỏ lớp bụi bẩn và tạp chất;
- Cho toàn bộ vào trong nồi cùng với một lượng nước vừa đủ rồi tiến hành sắc thuốc. Sắc cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại phân nửa là được;
- Chia phần nước sắc được thành 3 phần nhỏ để sử dụng vào buổi sáng, trưa và tối. Sử dụng liên tục khoảng 5 -7 ngày sẽ thấy rõ kết quả.
5. Hỗ trợ điều trị mất ngủ
- Chuẩn bị 30 gram hoa thiên lý, 15 gram tâm sen (tim sen) cùng với 10 gram hoa nhài;
- Cho toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị vào trong nồi cùng với một lượng nước vừa đủ rồi tiến hành sắc thuốc;
- Chắc lọc lấy phần nước cô đặc để sử dụng, có thể chia thành 2 – 3 phần nhỏ để dùng;
- Sử dụng liên tục trong vài ngày liền để thấy rõ kết quả như mong đợi.
- Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể sử dụng hoa thiên lý để nấu canh cùng với thịt nạc, tôm con hoặc cá diếc để trị chứng mất ngủ.
6. Hỗ trợ điều trị giun kim
- Đem một nắm hoa thiên lý non rửa sạch với nước rồi vớt ra để ráo;
- Bắt lên bếp nồi nước lọc. Khi nước sôi cho phần hoa thiên lý đã được làm sạch vào nấu cùng;
- Nêm nếm một ít gia vị vừa đủ dùng cho trẻ sử dụng;
- Mỗi ngày sử dụng 1 lần và dùng liên tục khoảng 7 – 10 ngày sẽ thấy rõ kết quả.
Một số lưu ý khi sử dụng hoa thiên lý
Mặc dù hoa thiên lý có nhiều công dụng đối với sức khỏe của con người nhưng trong thảo dược này lại ẩn chứa một số thành phần có hại đến sức khỏe. Do đó, người dùng cần hết sức lưu ý khi sử dụng hoa thiên lý. Cụ thể như sau:
- Làm sạch hoa thiên lý thật sạch bằng nước sạch trước khi chế biến để loại bỏ lớp bụi bẩn và một số tạp chất gây hại đến sức khỏe con người;
- Không được quá lạm dụng hoa thiên lý trong một số bài thuốc hoặc món ăn. Đối với cơ thể bình thường chỉ được sử dụng 2 lần mỗi tuần là tốt nhất;
- Khi chế biến hoa thiên lý, bạn không nên nấu quá kỹ, khi đó giá trị dinh dưỡng có trong loại hoa này sẽ bị giảm;
- Hết sức lưu ý khi chế biến hoa thiên lý cùng với gan lợn, thịt lợn, rau muống hay một số thực phẩm chứa chất sắc. Bởi thành phần chất sắc có trong những thực phẩm ấy sẽ đẩy thành phần kẽm ra khỏi cơ thể;
- Đối với các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong hoa thiên lý tuyệt đối không được sử dụng. Việc sử dụng không phù hợp có thể khiến cho bệnh lý càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trên đây là những thông tin về dược liệu hoa thiên lý và một số lưu ý khi sử dụng loại thảo dược này. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc biết thêm một số thông tin cũng như công dụng của loại hoa này. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai có thể sử hoa thiên lý để trị bệnh mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Ngày Cập nhật 23/06/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!