Hoàng Liên: Tác Dụng Và Các Bài Thuốc Hay Từ Dược Liệu
Vị thuốc Hoàng liên có tên tiếng Trung là 黄连, tên khoa học là Coptis teeta Wall. thuộc họ Hoàng liên (danh pháp khoa học: Ranunculaceae). Trong Y học cổ truyền, vị thuốc được ứng dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh. Bởi vị thuốc này mang nhiều tác dụng có lợi như kháng viêm, chống virus, khử khuẩn, an thần, hạ áp, chống ho gà…
Mô tả cây Hoàng Liên
- Tên khác: Vương liên (Bàn Kinh), Thủy liên danh vậng, Thượng thảo, Tỉnh hoàng, Đống liên, Vận liên, Trích đởm chi (Hòa Hán Dược Thảo), Thượng xuyên liên, Xuyên liên, Xuyên hoàng liên, Xuyên nhã liên, Tiểu xuyên tiêu, Nhã liên, Chân xuyên liên, Cổ dũng liên (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
- Tên gọi: Vị thuốc này có rễ như những hạt châu kết lại, xuất hiện với màu vàng nên có tên gọi là Hoàng liên (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
- Tên tiếng Trung: 黄连
- Tên khoa học: Coptis teeta Wall.
- Thuộc họ: Hoàng liên (danh pháp khoa học: Ranunculaceae)
Nhận dạng cây Hoàng Liên
Hoàng liên là một loại cây thảo sống lâu năm, xuất hiện với độ cao khoảng 30cm. Cây có lá mọc so le, cuống dài, chúng mọc từ thân rễ trở lên. Mép lá có hình răng cưa to. Phiến lá bao gồm 3 – 5 lá chét. Mỗi lá chét tiếp tục chia thành nhiều thùy.
Phần thân rễ xuất hiện với hình trụ, có màu nâu vàng nhạt, chứa nhiều rễ con. Chúng thường được gọi là “Hoàng liên chân gà” do có hình dáng chân gà. Ngay tại chỗ bẻ có màu vàng, khi nếm có vị đắng. Hoa mọc ở ngọn cán hoa, có màu trắng.
Quả gồm nhiều đài, có màu vàng khi chín. Bên trong quả có hạt màu nâu đen. Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau là màu mùa hoa.
Hoàng liên lấy phần thân, niên túc (rễ sẽ sinh ra một đốt ở mỗi năm, khi đầy 4 năm thì được gọi là niên túc). Khi mọc hoang ở vùng núi, cây có chiều cao trên 1.500m.
Phân bố
Đây là một loại cây mọc hoang. Ở nước ta, cây thường mọc hoang trên dãy Hoàng Liên Sơn. Cây thường được trồng bằng hạt vào cuối mùa xuân. Ngoài ra vị thuốc này còn được tìm thấy ở những vùng núi cao thuộc miền Bắc. Cụ thể như Cao Bằng, Sapa, Lạng Sơn, Bắc Kạn…
Bộ phận dùng
Thân rễ (Rhizoma Coptidis). Những rễ mập mạnh, có màu sắc bình thường, cứng, ít rễ rau, khô, chắc, không vụn là tốt.
Mô tả dược liệu
Thân rễ có hình trụ, khô, trên thân có nhiều rễ con mọc cong queo, có nhiều nhánh và nhiều đốt khúc khuỷu không quy tắc. Thô chừng 3,2 – 3,5mm. Dài chừng 32 – 65mm. Mặt ngoài có màu nâu vàng nhạt hoặc màu vàng nâu.
Thường phân nhánh phình lớn ở phần tận cùng tại phía trên. Ở phần thân và phần gốc có vết sẹo của cuống lá. Đồng thời xuất hiện những lá vẩy nhỏ. Chất cứng. Bẻ ngang cứng, có màu vàng tươi đậm ở mặt bẻ. Vị đắng, không mùi. Có lỗ nhỏ ở chính giữa.
Tính vị
Tính hàn, vị đắng (theo Bản Kinh).
Khí rất hàn, vị rất đắng (theo Bản Thảo Chính).
Kỳ Bá, Thần Nông, Hoàng Đế, Lôi Công: Không độc, vị đắng (theo Ngô Phổ Bản Thảo).
Tính hàn, vị đắng (theo Trung Dược Học).
Tính hàn, vị đắng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tính hàn, vị đắng (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Quy kinh
Quy vào kinh thủ Thiếu âm Tâm, túc Thiếu âm Thận, thủ Dương minh Đại trường, túc Thái âm Tỳ, túc Dương minh Vị (theo Bản Thảo Kinh Sơ).
Quy vào kinh Tâm bào lạc và kinh Tâm (theo Bản Thảo Tân Biên)
Quy vào kinh Tâm, Tỳ, Can, Đởm, Đại trường, Vị (theo Dược Phẩm Hóa Nghĩa).
Quy vào kinh Tâm, Đởm, Can, Vị, Đại trường (theo Trung Dược Học).
Quy vào kinh Tâm, Đởm, Can, Vị, Tỳ, Đại trường (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
Quy vào kinh Tâm, Phế, Tỳ, Can, Vị (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Thu hái và chế biến
Thu hái
Thu hái chủ yếu vào mùa đông. Đối với những cây Hoàng liên già, chúng sẽ được đào lên, sau đó cắt phần rễ chính mang rửa sạch và phơi khô.
Chế biến
Mang rễ Hoàng liên khô rửa sạch bụi bẩn. Sau đó mang vị thuốc ủ một lục cho vừa mềm. Thái thành từng lát mỏng. Phơi khô dược liệu dưới bóng râm. Có thể sao qua với rượu trước khi dùng (dùng chín) hoặc dùng sống (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
Cho dược liệu vào trong túi vải, sau đó xát cho sạch lông giã nát dùng. Hoặc mang dược liệu ngâm trong nước tương 2 giờ thì vớt ra. Cuối cùng sấy khô bằng gỗ liễu để sử dụng (theo Lôi Công Bào Chích Luận).
Bảo quản
Bảo quản vị thuốc ở những nơi thoáng mát, khô ráo. Sau khi bào chế mang đậy kín.
Thành phần hóa học
Dược liệu Hoàng liên mang những thành phần hóa học có lợi sau:
Theo Yoneda Kaisuke và cộng sự, Shoyakugaku Zasshi 1988, 42 (2): 116
- Epiberberine
- Berberin (5,56 – 7,25%)
- Coptisine.
Theo Yoneda Kaisuke và cộng sự, Shoyakugaku Zasshi 1988, 43 (2): 129
- Berberrubine.
Theo Phương Kiên Đỉnh, Trung Thảo Dược 1981, 17 (1): 2
- Magnofoline
- Ferulic acid
- Worenine
- Jatrorrhizine
- Palmatine
- Columbamine.
Theo Thiên Tân Y Học Viện, Khoa Học Luận Văn Tuyển Biên, Q. 1, 1959: 285
- Obakunone
- Obakulactone.
Vị thuốc Hoàng liên có tác dụng gì?
Tác dụng của dược liệu Hoàng liên gồm:
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Tác dụng kháng khuẩn
Hoàng liên và hoạt chất Berberine có trong dược liệu có phổ kháng khuẩn rộng trong thí nghiệm. Vị thuốc mang tác dụng ức chế mạnh đối với Neisseria meningitidis, Streptococcus pneumoniae và Staphylococcus aureus. Thuốc mang tác dụng ức chế mạnh đối với những loại khuẩn gây lỵ. Đặc biệt là Shigella dysenteriae và S. Flexneri.
Thuốc kém hơn Streptomicine hoặc Chloramphenicol nhưng lại có tác dụng cao hơn thuốc Sulfa. Thuốc không có tác dụng đối với Salmonella paratyphi, Pseudomonas aeruginosa và Shigella sonnei.
Nước sắc dược liệu có khả năng tác động và ức chế một số loại vi khuẩn phát triển. Tuy nhiên thuốc kháng Oxytetracycline hydrochloride, Streptomicine và Chloramphenicol. Thuốc có tác dụng đối với vi trùng lao nhưng không giống với thuốc INH. Những hoạt chất kháng khuẩn của dược liệu thường được coi là Berberine. Lượng Berberine kháng khuẩn sẽ thấp đi khi sao lên (theo Chinese Herbal Medicine).
Tác dụng kháng virus
Một số thí nghiệm về dược liệu đã được thực hiện phôi gà. Kết quả cho thấy thuốc mang tác dụng đối với virus Newcastle và nhiều loại virus cúm khác nhau (theo Chinese Herbal Medicine).
Tác dụng chống nấm
Nước sắc dược liệu có khả năng ức chế nhiều loại nấm. Dược liệu và Berberine có tác dụng diệt Leptospira mạnh (theo Chinese Herbal Medicine).
Tác dụng chống ho gà
Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, Hoàng liên có khả năng ức chế sự phát triển của Hemophilus pertussis cao hơn Chloramphenicol hoặc Streptomycine. Tuy nhiên thuốc không làm giảm tỉ lệ tử vong theo nghiên cứu trên heo Hà Lan (theo Chinese Herbal Medicine).
Tác dụng hạ áp
Uống hoặc chích dịch chiết Berberine cho thỏ, chó và mèo đã được gây mê và chuột không gây mê thấy có sự làm giảm huyết áp. Đối với liều lượng bình thường, hiệu quả chữa bệnh của thuốc không kéo dài. Đối với liều lặp lại cho kết quả không cao hơn liều bình thường và lờn thuốc (theo Chinese Herbal Medicine).
Tác dụng nội tiết
Thuốc mang tác dụng kháng Adrenaline. Đồng thời giúp dung hòa sự rối loạn của Adrenaline và những hợp chất liên hệ (theo Chinese Herbal Medicine).
Tác dụng đối với hệ mật
Berberine có khả năng kích thích làm tăng việc tạo nên mật, làm giảm độ dính của mật, lợi mật. Thuốc sẽ mang hiệu quả điều trị cao đối với những bệnh nhân mắc bệnh viêm mật mãn tính (theo Chinese Herbal Medicine).
Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương
Khi sử dụng liều nhỏ, Berberine có khả năng kích thích vỏ não. Có tác dụng tăng ức chế hoạt động của vỏ não khi sử dụng liều cao (theo Chinese Herbal Medicine).
Tác dụng kháng viêm
Kết quả nghiên cứu cho thấy Berberine có tác dụng làm gia tăng đáp ứng kháng viêm. Chất Ethanol được chiết xuất từ dược liệu Hoàng Liên mang tác dụng kháng viêm khi sử dụng tại chỗ. Thuốc tác động và làm cho chất Granulomas co lại. Hiệu quả này tương tự như tác dụng của thuốc Butazolidin (theo Chinese Herbal Medicine).
Theo Y học cổ truyền
- Khứ nhiệt độc, trấn Can, sát tiểu nhi cam trùng (theo Dược Tính Luận).
- Chỉ mộng di (tinh), an Tâm, định cuồng táo (theo Bản Thảo Tân Biên).
- Tả tâm hỏa, trừ thấp nhiệt ở Tỳ Vị (theo Y Học Khải Nguyên).
- Giải độc Khinh phấn (theo Bản Thảo Cương Mục)
- Táo thấp, Tả hỏa, giải độc, sát trùng (theo Trung Dược Học Đại Từ Điển).
Chủ trị
Dược liệu chủ trị các chứng:
Theo Trung Quốc Học Đại Từ Điển
- Phiền táo
- Miệng lở
- Tâm hỏa thịnh
- Nôn mửa do Vị nhiệt
- Kiết lỵ do thấp nhiệt
- Mắt đỏ
- Tiêu chảy
- Mắt sưng đau
- Thấp chẩn
- Lở loét do nhiệt độc.
Theo Trung Dược Đại Từ Điển
- Thời hành triệt học
- Nhiệt thịnh
- Thương hàn
- Tâm phiền
- Nôn nghịch
- Bỉ mãn
- Tiêu chảy do nhiệt
- Kiết lỵ
- Bụng đau
- Tiêu khát
- Phế kết hạch
- Giun đũa
- Cam tích
- Họng sưng đau
- Ho gà
- Miệng lở
- Mắt lẹo
- Thấp chẩn
- Ung thư nhọt độc
- Thủy đậu.
Độc tính
Berberine và Hoàng liên đều tương đối an toàn, có một ít tác dụng phụ, không có tác dụng có hại khi sử dụng lâu dài. Sử dụng 100 gram bột Hoàng liên hoặc 2 gram Berberine một lúc không thấy phát sinh tác dụng phụ nào (theo Chinese Herbal Medicine).
Liều lượng và cách dùng vị thuốc Hoàng liên
Liều lượng
Dùng 4 – 12 gram/ngày.
Cách dùng
Phối hợp cùng với những vị thuốc khác hoặc sử dụng Hoàng liên độc vị bôi ngoài hoặc sắc thành nước uống.
Bài thuốc điều trị bệnh từ dược liệu Hoàng liên
Dược liệu Hoàng liên được ứng dụng trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh gồm:
Bài thuốc trị tà hỏa nung nấu bên trong, bức bách huyết vận hành bậy dẫn đến chảy máu cam, nôn ra máu (Tả Tâm Thang – Thương Hàn Luận)
Nguyên liệu:
- 8 gram Hoàng liên
- 12 gram Hoàng cầm
- 16 gram Đại hoàng.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch, sắc lấy nước uống mỗi ngày.
Bài thuốc chữa lở loét do nhiệt độc bằng Hoàng liên (Hoàng Liên Giải Độc Thang – Ngoại Đài Bí Yếu)
Nguyên liệu:
- 8 gram Hoàng liên
- 8 gram Hoàng bá
- 8 gram Hoàng cầm
- 12 gram Chi tử.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch các vị thuốc
- Sắc thuốc
- Uống thuốc mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc từ Hoàng liên điều trị kinh tâm có thực nhiệt (Tả Tâm Thang – Hòa Tễ Cục Phương)
Nguyên liệu:
- 28 gram Hoàng liên.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch vị thuốc
- Sắc thuốc với 1,5 chén nước còn 1 chén
- Uống thuốc khi ấm.
Bài thuốc trị đau sườn trái, nôn mửa ra nước chua (Tả Kim Hoàn – Đan Khê Tâm Pháp)
Nguyên liệu:
- 6 phần Hoàng liên
- 1 phần Ngô thù du.
Cách thực hiện:
- Tán bột, làm thành viên
- Uống 4 gram thuốc/lần x 2 lần/ngày.
Bài thuốc chữa ảo não, tâm phiền, phản vị, hoảng sợ, nhiệt ở phần trên, hồi hộp (Hoàng Liên An Thần Hoàn – Nhân Trai Trực Chỉ)
Nguyên liệu:
- 20 gram Hoàng liên
- 16 gram Chu sa
- 10 gram Cam thảo
- Rượu.
Cách thực hiện:
- Tán các vị thuốc thành bột, trộn đều
- Lấy rượu chưng
- Trộn rượu với thuốc bột để làm thành viên có kích thước to bằng hạt lúa lớn
- Uống 10 viên thuốc/lần/ngày.
Bài thuốc trị hồi hộp, tâm thận bất giao, không ngủ được từ vị thuốc Hoàng liên (Giao Thái Hoàn – Tứ Khoa Giản Hiệu)
Nguyên liệu:
- 20 gram Hoàng liên
- 2 gram Nhục quế tâm.
Cách thực hiện:
- Tán bột
- Trộn thuốc bột cùng với mật để làm viên
- Khi đói, uống thuốc cùng với muối nhạt.
Bài thuốc trị những chứng bệnh thuộc mắt như mắt có màng mộng, quáng gà, mắt mờ (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
Nguyên liệu:
- 40 gram bột Hoàng liên
- 1 cái gân dê đực còn tươi, quyết nhuyễn.
Cách thực hiện:
- Trộn tất cả nguyên liệu để làm thành viên có kích thước to bằng hạt ngô đồng lớn
- Mỗi lần uống hết 21 viên thuốc cùng với nước tương nóng.
Lưu ý:
- Cấm ăn thịt heo trong thời gian uống thuốc.
Bài thuốc sử dụng Hoàng liên điều trị trĩ (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
Nguyên liệu:
- Hoàng liên
- Xích tiểu đậu
- Liều lượng hai vị thuốc bằng nhau.
Cách thực hiện:
- Tán các nguyên liệu thành bột
- Bôi thuốc bột vào búi trĩ
- Thực hiện từ 1 – 2 lần/ngày.
Bài thuốc trị lở miệng từ vị thuốc Hoàng liên (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
Nguyên liệu:
- Hoàng liên
- Ngũ vị tử
- Cam thảo
- Liều lượng của ba vị thuốc bằng nhau.
Cách thực hiện:
- Sắc các vị thuốc để lấy nước cốt
- Ngậm thuốc trong 10 phút, nhả bỏ.
Bài thuốc điều trị tiểu nhiều, chứng tiêu khát đột ngột (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
Nguyên liệu:
- Hoàng liên
- Ngũ vị tử
- Mạch môn đông.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch các vị thuốc
- Sắc thuốc để lấy 300ml nước uống
- Chia thuốc thành 3 lần uống mỗi ngày
- Uống khi thuốc ấm.
Bài thuốc điều trị sản phụ cũng như người già bị đới hạ không dứt, người suy nhược bị đới hạ (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
Nguyên liệu:
- Hoàng liên
- Liên tử
- Nhân sâm.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch các vị thuốc
- Sắc thuốc
- Chắt lấy 300ml nước uống
- Chia thuốc thành 2 – 3 lần uống mỗi ngày
- Mỗi ngày uống 1 thang.
Bài thuốc sử dụng Hoàng liên chữa nga khẩu sang (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
Nguyên liệu:
- 8 gram Hoàng liên
- 1 chỉ Thạch xương bồ.
Cách thực hiện:
- Sắc thuốc
- Chắt lấy nước thuốc để uống mỗi ngày, không sử dụng bã.
Bài thuốc điều trị bệnh kiết lỵ (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
Nguyên liệu:
- 12 gram Hoàng liên.
Cách thực hiện:
- Mang vị thuốc tán thành bột mịn
- Chia thuốc bột thành 3 lần uống với nước.
Bài thuốc chữa trị tiêu ra máu mủ, sốt cao do lỵ trực trùng cấp tính (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
Nguyên liệu:
- 4 gram Hoàng liên
- 12 gram Cát căn
- 12 gram Trần bì
- 12 gram Bạch đầu ông
- 12 gram Hoàng bá
- 8 gram Mộc hương.
Cách thực hiện:
- Mang các vị thuốc rửa sạch
- Đun các vị thuốc để lấy nước uống
- Uống thuốc khi còn ấm
- Sử dụng 1 thang thuốc/ngày.
Bài thuốc chữa lỵ trực khuẩn, trị ruột viêm bằng dược liệu Hoàng liên (Hương Liên Hoàng – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
Nguyên liệu:
- 80 gram Hoàng liên
- 20 gram Mộc hương.
Cách thực hiện:
- Tán bột
- Trộn thuốc bột cùng với mật để làm viên
- Khi cần lấy 2 – 8 gram thuốc để uống
- Uống từ 2 – 3 lần/ngày.
Bài thuốc chữa trị mắt đỏ, thấp nhiệt uất tích ở can đởm, ra gió chảy nước mắt, mắt mờ, mắt sưng đau (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
Nguyên liệu:
- 4 gram Hoàng liên đã xắt vụng
- Sữa người.
Cách thực hiện:
- Ngâm vị thuốc cùng với sữa người
- Điểm vào mắt từ 2 – 3 lần/ngày.
Bài thuốc điều trị nôn mửa lúc có thai, nôn mửa do vị nhiệt (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
Nguyên liệu:
- 7 phân Hoàng liên
- 7 phân Tô diệp.
Cách thực hiện:
- Sắc thuốc để lấy nước uống
- Uống mỗi ngày 1 thang khi nước thuốc ấm.
Kiêng kỵ
Tỳ vị suy nhược, huyết thiếu khí hư, sau khi sinh mất ngủ, thiếu máu gây ra hồi hộp mất ngủ xuất hiện kèm theo phiền nhiệt táo khát, huyết hư phát sốt, bụng đau, tiêu chảy, dương hư gây tiêu chảy, trẻ con lên đậu, người lớn tuổi bị tiêu chảy do Tỳ Vị hư hàn, chân âm bất túc, người âm hư tiêu chảy vào buổi sáng, nội nhiệt phiền táo đều cấm dùng vị thuốc Hoàng liên, nên cẩn thận bởi vị thuốc quá mát (theo Trung Dược Học Đại Từ Điển).
Kỵ thịt heo, ghét Bạch cương tàm (theo Dược Tính Luận).
Dược liệu ghét Cúc hoa, Bạch huyền bì, Huyền sâm, Nguyên hoa (theo Bản Thảo Kinh Tập Chú)
Sợ Ngưu tất (theo Độc Bản Thảo).
Long cốt, Hoàng cầm, Lý thạch làm sứ cho Hoàng Liên (theo Bản thảo Kinh Tập Chú)
Giải độc Ô đầu, Ba đậu (theo Bản Thảo Kinh Tập Chú).
Thông tin về vị thuốc Hoàng liên trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Vì thế, nhằm đảm bảo an toàn, người bệnh nên trao đổi thông tin cùng với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn sử dụng vị thuốc.
Ngày Cập nhật 05/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!