Lá Vối - Những Tác Dụng Thần Kỳ Và Lưu Ý Khi Sử Dụng
Lá vối mang tính mát, vị đắng, chát, ít có độc. Nhờ đặc tính này, dược liệu có tác dụng chỉ dương, sát trùng, thanh nhiệt giải biểu, tiêu trệ, điều hòa bàng quang, gan và phổi. Ngoài ra dược liệu khi được mang sắc lấy nước đặc còn có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giảm huyết áp do gan nóng, giảm đau, tiêu đờm bình suyễn…
Mô tả dược liệu Lá vối
- Tên gọi khác: Cây Trâm nắp, Mạn kinh tử (hạt vối)
- Tên khoa học: (Roxb.) Merr. et Perry (Eugenia operculata Roxb.)
- Thuộc họ: Sim (danh pháp khoa học: Myrtaceae)
Đặc điểm cây thuốc
Đây là một loại cây than gỗ, thân cây xuất hiện với kích thước trung bình, có chiều cao khoảng 12 – 15m. Thân cây được bao bọc bởi một lớp vỏ có kẻ nứt dọc, màu nâu đen, cành cây tròn, thỉnh thoảng chúng xuất hiện với 4 cạnh nhẵn.
Lá vối có hình trái xoan ngược hay bầu dục, có mũi ngắn nhỏ ở chóp lá, thót nhọn ở gốc. Cả hai mặt lá đều có màu xanh nhạt, có đốm nâu. Phiến lá cứng, dai và dày. Mặt dưới của các lá già có nhiều chấm đen. Lá có chiều rộng từ 4 – 8cm, chiều dài từ 8 – 9cm. Cuống lá ngắn, có kích thước khoảng từ 1 – 1,5 cm.
Hoa có màu trắng lục, gần như không có cuốn. Hoa mọc thành 3 – 5 cụm trải dài trên những nách lá đã rụng. Nụ hoa có 4 cánh, nhiều nhị.
Quả có hình trứng hoặc hình bầu dục, thuôn dài, lớp vỏ ngoài nhăn nheo, nhám. Xuất hiện với đường kính từ 7 – 12mm. Khi chín quả có màu tím hoa sim, bên trong quả có chứa dịch.
Từ tháng 5 đến tháng 7 là mùa hoa.
Phân bố
Cây Lá vối là một loại cây nhiệt đới. Vì thế, chúng phân bố rộng rãi ở nhiều quốc gia thuộc Châu Á. Trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc…
Ở nước ta, Lá vối thường mọc hoang tại các bờ hồ, bờ suối. Ngoài ra, loại cây này cũng được trồng ở nhiều nơi để lấy nụ hoa, lá để pha trà, nấu thuốc hoặc hãm lấy nước uống.
Dược liệu được phân phối phổ biến tại các tỉnh Trung du Bắc bộ và miền Trung nước ta. Cụ thể như Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang, Hà Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa, Lạng Sơn, các tỉnh thuộc Tây Nguyên, Vũng Tàu, Đồng Nai…
Bộ phận dùng
Lá, nụ hoa và vỏ thân – Gemma Florifera, Cortex et Folium Cleistocalycis Operculati.
Tính vị
Theo Y học cổ truyền, Lá vối mang tính mát, vị đắng, chát, ít có độc.
Mạn kinh tử (quả vối) có tính hơi hàn, mang vị cay, đắng.
Quy kinh
Quy vào kinh Phế, Can và Bàng quang.
Thu hái và chế biến
Thu hái
Thu hái quanh năm.
Chế biến
Nụ hoa và cả Lá vối đều có thể dùng tươi sau khi thu hái và rửa sạch. Hoặc trước khi sử dụng thì ủ lên men.
Cách ủ dược liệu
Sau khi thu hoạch phần lá và nụ, mang dược liệu rửa sạch để loại bỏ hết nhựa, để ráo nước. Cho dược liệu vào rỗ tre hoặc vào thúng. Sử dụng rơm rạ phủ kín lên thúng. Để nguyên cho đến khi vị thuốc chuyển sang màu đen thì tiếp tục mang ra phơi khô. Bảo quản vị thuốc trong lọ kín để sử dụng dần. Mục đích của việc để ráo, ủ lá là để loại bỏ mùi nhựa và phá hủy lượng chất diệp lục bên trong. Điều này sẽ nâng cao chất lượng của nước vối.
Ngoài ra, người dùng có thể rửa sạch, phơi khô dược liệu tươi để làm thuốc.
Bảo quản
Bảo quản vị thuốc ở những nơi khô ráo, đựng thuốc trong hộp kín. Tránh để dược liệu ở những nơi có nhiều sâu bọ và côn trùng hoặc những nơi có nhiệt độ quá cao.
Chỉ định và phối hợp
Lá được sử dụng để làm trà, uống khi trà còn nóng. Hoa nhỏ sau khi thu hái vào tháng 6 cũng được dùng để hãm nước sôi, pha trà uống (nụ vối). Có thể so sánh nước này với nước hãm lá Bạch đàn. Người ta thường sử dụng phối hợp lá Hoắc dương và Lá vối hãm lấy nước uống để lợi tiêu hóa.
Lá cây khi được mang sắc thành nước đặc có tác dụng sát trùng, kháng sinh để rửa ghẻ, mụn nhọt, lở loét. Người ta thường dùng thân, vỏ, lá, hoa làm thuốc điều trị đầy bụng, tiêu chảy, khó tiêu hóa, mụn nhọt, lỵ trực trùng, viêm đại tràng mãn tính.
Tại Ấn Độ, rễ được sử dụng để sắc đặc dạng sirô dùng đắp trực tiếp vào những khớp sưng đỏ. Ăn quả sau khi rửa sạch trị phong thấp.
Tại Trung Quốc, những bộ phận của cây được sử dụng để điều trị đau đầu phát sốt, cảm mạo, viêm gan, lỵ trực khuẩn, viêm tuyến sữa, bệnh mẫn ngứa, ngứa ngáy ngoài da, vết thương do dao súng, bệnh nấm ở chân.
Thành phần hóa học của Lá vối
Lá chứa các vết alcaloid (thuộc nhóm indolic) được xác định gần gũi với cafein, một ít tanin và 4% tinh dầu thơm, bay hơi. Ngoài ra, những bộ phận khác của cây còn chứa gallic, các chất béo, các sterol và tanin catechic. Acid triterpenic được tìm thấy trong lá và nụ.
Tác dụng dược lý của Lá vối
Theo Nghiên cứu dược lý hiện đại
Một số chất kháng sinh được tìm thấy bên trong Lá vối có khả năng tiêu diệt nhiều tác nhân có hại và các loại vi khuẩn gây bệnh. Cụ thể như: Vi khuẩn bạch hầu, Streptococcus, Staphylococcus, phế cầu, Bacillus subtilis, Salmonella. Do đó, nước sắc đặc của lá khô hay tươi đều được coi là một loại thuốc mang tác dụng sát khuẩn mạnh, thường được sử dụng để điều trị những bệnh lý ngoài da. Bao gồm: Mụn nhọt, ghẻ lở. Ngoài ra, người dùng có thể mang lá tươi nấu để lấy nước đặc gội đầu giúp chữa trị chốc lở.
Hoạt chất ức chế men alpha-glucosidase và một hàm lượng cao polyphenol đã được tìm thấy bên trong nụ vối (gần bằng 128mg catechin/gam trọng lượng khô). Chính vì thế, dược liệu có khả năng hỗ trợ quá trình phòng ngừa và chữa trị bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, những dưỡng chất có lợi bên trong nụ vối còn có khả năng chống oxy hóa mạnh, tiêu diệt các gốc tự do. Khả năng chống oxy hóa (antioxydants) của nụ vối có tác dụng bảo vệ sự tổn thương tế bào bê-ta tuyến tụy, làm giảm sự hình thành đục thủy tinh thể. Đồng thời giúp phục hồi các men mang tác dụng chống oxy hóa bên trong cơ thể. Polyphenol trong nụ vối có khả năng đảo ngược các tế bào ung thư đa kháng thuốc.
Theo Y học cổ truyền
Lá vối có tác dụng chỉ dương, sát trùng, thanh nhiệt giải biểu, tiêu trệ, điều hòa bàng quang, gan và phổi. Ngoài ra dược liệu khi được mang sắc lấy nước đặc còn có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giảm huyết áp do gan nóng, giảm đau, tiêu đờm bình suyễn. Sử dụng lá nấu lấy nước uống hàng ngày để làm giảm mỡ trong máu, tiêu thực, về mùa hè làm mát huyết, chữa cảm nắng. Uống nước Lá vối khi làm việc ngoài trời có tác dụng thanh nhiệt.
Mạn kinh tử có tác dụng tán phong nhiệt, làm mát huyết, điều trị các chứng.
Liều lượng và cách dùng
Liều lượng
- Dùng trong: Sử dụng từ 6 – 20 gram/ngày.
- Dùng ngoài: Liều dùng tùy chỉnh.
Cách dùng
- Dùng trong: Sắc lấy nước uống, hãm nước sôi, nấu thành cao hoặc tán thành bột, làm hoàn, uống nước ấm.
- Dùng ngoài: Giã nát đắp lên vùng da bị tổn thương hoặc chắt lấy nước cốt hòa với nước sôi hay sắc thuốc đặc để bôi lên da.
Bài thuốc chữa bệnh từ Lá vối
Những bài thuốc điều trị bệnh từ Lá vối gồm:
Bài thuốc từ Lá vối điều trị chốc đầu, lở ngứa
Nguyên liệu:
- Lá với liều lượng vừa đủ.
Cách thực hiện:
- Mang vị thuốc rửa sạch
- Nấu kỹ dược liệu cùng với 3 lít nước để tắm
- Pha nước thuốc cùng một lượng vừa đủ nước lạnh để điều hòa nhiệt độ
- Dùng nước này để gội đầu chữa chốc lở và rửa ở những vùng da bị lở ngứa
- Sử dụng bài thuốc 1 lần/ngày.
Bài thuốc chữa bỏng từ Lá vối
Nguyên liệu:
- Vỏ cây vối.
Cách thực hiện:
- Cạo bỏ phần vỏ thô của vỏ cây vối
- Mang dược liệu rửa sạch, giã nát trong cối
- Hòa vị thuốc cùng với nước sôi để nguội
- Dùng vải mùng hoặc ray lọc lấy phần nước thuốc
- Bôi nước này lên khắp vùng da bị bỏng
- Bôi thuốc từ 2 – 3 lần/ngày để giảm tiết dịch, dịu đau, giảm phồng, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Bài thuốc chữa trị viêm da lở ngứa từ Lá vối
Nguyên liệu:
- Lá với lượng vừa đủ.
Cách thực hiện:
- Sau khi rửa sạch, mang lá sắc lấy nước đặc để bôi
- Người bệnh kiên trì bôi thuốc từ 2 – 3 lần/ngày.
Bài thuốc từ Lá vối điều trị đau bụng đi ngoài
Nguyên liệu:
- 3 lá
- 8 gram vỏ ổi rộp
- 10 gram núm quả chuối tiêu.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch và thái nhỏ các vị thuốc
- Phơi khô, sau đó sắc thuốc với 400ml nước
- Còn 100ml thuốc, chia thành 2 lần uống
- Sử dụng thuốc trong ngày
- Uống thuốc mỗi ngày một thang, sử dụng liên tục từ 2 – 3 ngày.
Bài thuốc dùng Lá vối chữa trị đau bụng âm ỉ, viêm đại tràng mãn tính và thường xuyên đi phân sống
Nguyên liệu:
- 200 gram lá tươi
- 2 lít nước sôi.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch, để ráo, xé nhỏ lá cho vào bình
- Tiếp tục rót nước sôi
- Hãm lá trong 1 giờ
- Uống thuốc thay nước.
Bài thuốc chữa đầy bụng, không tiêu bằng Lá vối
Bài thuốc 1
Nguyên liệu:
- 6 – 12 gram vỏ thân cây vối.
Cách thực hiện:
- Sắc kỹ vỏ thân cây cùng với nước
- Chắt lấy nước thuốc đặc để uống 2 lần trong ngày.
Bài thuốc 2
Nguyên liệu:
- 10 – 15 gram nụ vối.
Cách thực hiện:
- Sắc kỹ nụ vối cùng với nước
- Chắt lấy nước thuốc đặc để uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc làm giảm mỡ máu bằng Lá vối
Nguyên liệu:
- 15 – 20 gram nụ vối.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch nụ vối
- Tiến hành hãm vị thuốc trong nước sôi để lấy nước thuốc uống thay trà trong ngày. Ngoài ra người dùng có thể mang dược liệu nấu thành nước thuốc đặc để uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc từ Lá vối chữa bệnh tiểu đường
Nguyên liệu:
- 15 – 20 gram nụ vối.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch, tiến hành hãm vị thuốc trong nước sôi để lấy nước thuốc uống thay trà trong ngày
- Hoặc mang dược liệu nấu thành nước thuốc đặc để uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc điều trị viêm gan vàng da từ Lá vối
Nguyên liệu:
- 200 gram thân hoặc rễ.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch, tiến hành hãm vị thuốc trong nước sôi để lấy nước thuốc uống thay trà trong ngày
- Sử dụng mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh gout bằng Lá vối
Nguyên liệu:
- 20 gram lá.
Cách thực hiện:
- Sắc kỹ vị thuốc cùng với nước
- Chắt lấy nước thuốc đặc để uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc từ Lá vối hỗ trợ tiêu hóa cho phụ nữ đang mang thai
Nguyên liệu:
- 15 – 20 gram lá.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá
- Tiến hành hãm vị thuốc trong nước sôi để lấy nước thuốc uống thay trà
- Sử dụng thuốc trong ngày
- Hoặc mang dược liệu nấu thành nước thuốc đặc để uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc giúp lợi sữa từ Lá vối
Nguyên liệu:
- 15 – 20 gram lá.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá
- Tiến hành hãm vị thuốc trong 300ml nước sôi để lấy nước thuốc uống thay trà trong ngày hoặc mang dược liệu nấu thành nước thuốc để uống ngay từ đầu thai kỳ. Thuốc sẽ giúp kích thích, làm tăng chức năng của tuyến sữa, đảm bảo thể chất và tăng cường sức khỏe khi sinh con.
Bài thuốc điều trị cơ thể mệt mỏi, lạnh bụng từ Lá vối
Nguyên liệu:
- 16 gram lá khô
- 16 gram trần bì
- 8 gram cam thảo
- 3 lát gừng tươi.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch, phơi khô và tán thành bột mịn các vị thuốc (trừ gừng)
- Cho vào nồi thuốc bột và gừng
- Sắc để lấy nước uống
- Hoặc dùng 25 – 30 gram thuốc bột hòa cùng nước ấm để uống mỗi ngày.
Bài thuốc từ Lá vối giúp giải độc, lợi tiểu, thanh nhiệt cơ thể
Nguyên liệu:
- 20 gram lá.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá
- Hãm vị thuốc trong 300ml nước sôi để lấy nước thuốc uống thay trà.
Bài thuốc dùng Lá vối giải độc lá ngón
Nguyên liệu:
- 1 nắm lá tươi.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch dược liệu, để ráo
- Cho dược liệu vào cối và giã nát
- Thêm vào thuốc một ít nước, khuấy đều
- Sử dụng nước thuốc để uống hoặc tiến hành bơm thuốc vào dạ dày để giải độc.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng Lá vối điều trị bệnh
Lá vối tươi sẽ mang tác dụng điều trị bệnh cao hơn so với lá đã phơi khô hoặc đã ủ. Tính kháng khuẩn và kháng viêm của lá tươi rất mạnh. Do đó nếu sử dụng không cẩn thận hoặc sử dụng liều lớn, dưỡng chất trong lá vối sẽ tiêu diệt cả lợi khuẩn trong cơ thể. Để tránh điều này, người dùng nên sử dụng lá tươi pha cùng với nước để uống mỗi ngày.
Những người bị suy nhược cơ thể, quá gầy, quá yếu ớt, thường xuyên mắc bệnh vặt không nên sử dụng nụ, lá, thân vối để chữa bệnh.
Trước khi uống nước thuốc, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Không sử dụng thuốc quá đặc, không uống thuốc khi đói. Nước thuốc có khả năng làm tăng nhu động ruột, kích thích hệ thống tiêu hóa. Do đó, nếu sử dụng nước thuốc quá đậm đặc, người dùng có thể bị mất năng lượng, cơ thể mệt mỏi, choáng váng…
- Không nên lạm dụng thuốc. Mỗi ngày bạn chỉ nên uống một ly nước thuốc hoặc một ấm trà. Tránh sử dụng thuốc để thay hoàn toàn lượng nước lọc. Bởi việc uống quá nhiều thuốc có khả năng tác động và làm ảnh hưởng đến hệ thống bài tiết.
Lá vối mang nhiều lợi ích và tác dụng điều trị bệnh. Tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều, vị thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, để tránh những rủi ro và tác dụng ngoại ý, người bệnh nên sử dụng vị thuốc và những bài thuốc điều trị bệnh theo sự hướng dẫn về liều lượng và cách dùng từ bác sĩ chuyên khoa hoặc thầy thuốc.
Ngày Cập nhật 30/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!